4 hoài nghi trong giải trình của Hà Nội vụ chặt cây
Dù đã có văn bản “trả nợ” 21 câu hỏi của phóng viên đặt ra trong buổi họp báo chiều 20/3 xung quanh việc chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh, nhưng vẫn chỉ là những câu trả lời chung chung, vòng vo, không rõ ràng và né trách nhiệm của chính quyền Hà Nội.
1 – Thay thế cây chết, sâu mục… hay “đại tàn sát”?
Trong văn bản trả lời báo chí cũng như trong đề án đều nói, thay thế 6.700 cây xanh là chặt hạ, thay thế những cong xấu, già cỗi, sâu mục và cây không đúng chủng loại. Thế nhưng, thực tế thì Hà Nội chỉ đạo công nhân viên chặt hạ ồ ạt, bất kể cây đó là loại gì, tuổi đời, hay ý nghĩa lịch sử.
Hàng trăm cây xà cừ do người Pháp trồng từ thời thuộc địa, có tuổi đời dăm chục năm tuổi cũng bị đốn hạ một cách không thương tiếc. Hàng xà cừ với thân cây có đường kính gần mét trải dọc đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), tán cây phủ rộng hàng chục mét, không cong nghiêng hay sâu một cũng bị đốn hạ một cách không thương tiếc.
Điều này có thể chứng minh vào chiều 23/3, nhóm phóng viên có dịp “mục sở thị” khu chứa cây xanh bị đốn hạ tại một khu vườn ươm của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Những cây xà cừ có đường kính cả mét và dài hàng chục mét, thậm chí vài chục mét được công nhân di chuyển về khu vườn ươn vứt chỏng trơ. Những thớ gỗ vẫn còn rỉ nhựa tươi và không hề có biểu hiện của sâu mục.
Hàng xà cừ trên đường Láng.
Bên cạnh đó, đề án cho rằng, cây bị thay thế nếu không bị cong nghiêng, sâu mục, thì đó là những cây không đúng chủng loại hay không hợp với đô thị. Ví dụ: Xà cừ có trên các tuyến đường của Hà Nội là do người Pháp trồng, những cây này toả bóng mát và rễ cọc ăn sâu vào lòng đất. Xà cừ vô hại đối với môi trường và tạo cảnh quan đẹp, vậy mà vẫn bị chặt hàng loạt.
Đối với người dân Thủ đô, bao đời nay họ đã quen với những hàng xà cừ cổ thụ phủ bóng mát trên những con phố. Khi nhắc tới những tuyến phố như Nguyễn Trãi, Hoàng Diệu, Lê Duẩn, Quang Trung, Kim Mã… chúng ta lại nhớ đến những cây xà cừ với thân to lớn, 2 người ôm mới xuể.
Những cây xà cừ đang sống khỏe mạnh bị đốn hạ là cái tội của người đã chỉ đạo chặt phá!
2 – Vàng tâm hay mỡ ?
Trước hoài nghi của dư luận cũng như cơ quan báo chí về cây được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm như Hà Nội đã thông tin. Về việc này, tại văn bản trả lời báo chí, Hà Nội một lần nữa khẳng định đó là cây vàng tâm.
Văn bản nêu rõ: “Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển. Cây cao trung bình 25 – 30 m, đường kính thân cây 70 – 80 cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1 cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5 – 17cm, rộng 1,5 – 6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4 cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1 – 2 cm, bao hoa màu trắng. Trên thực tế cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội”.
Những cây xà cừ cổ thụ bị chặt hạ không thương tiếc.
Thế nhưng, các chuyên gia thực vật cho rằng, đó là cây gỗ mỡ, không phải vàng tâm quý hiếm trong Sách Đỏ như lời khẳng định của Hà Nội. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp – Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam sau khi thu mẫu và quan sát các cây được trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh khẳng định, vàng tâm là cách gọi rất chung chung. Trong dân gian từ xưa đã có nhiều cách gọi khác nhau, một số nơi họ gọi loài gỗ có lõi màu vàng cũng là vàng tâm, thậm chí có người gọi cây mỡ là vàng tâm… nhưng theo tài liệu chính thức trong Sách Đỏ thì cây trồng mới ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ.
Đồng quan điểm, Giáo sư Lê Đình Khả – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp khẳng định, cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm. Còn chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp) cũng quả quyết, cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ.
Video đang HOT
3. Ai đã trồng cây mới trên đường Nguyễn Chí Thanh ?
Trong văn bản trả lời, Hà Nội khẳng định Tập đoàn Vincom, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam thịnh vượng, Công ty Cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Công ty Công viên cây xanh, Công an thành phố Hà Nội… và một số tổ chức, cá nhân khác đã tham gia hưởng ứng ủng hộ, hỗ trợ việc trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường. Các đơn vị, cá nhân tự nguyện hỗ trợ cho việc trồng mới cây xanh với một mong muốn là để góp phần chung tay xây dựng thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn, đảm bảo an toàn cho các người dân trong khi tham gia giao thông.
Hàng cây mới được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh không biết là vàng tâm hay mỡ.
Theo tìm hiểu, cây trồng mới trên phố Nguyễn Chí Thanh do Công an thành phố Hà Nội và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tài trợ kinh phí. Trong văn bản gửi Hà Nội, Công an thành phố và VPBank đề xuất trồng đồng nhất loại cây vàng tâm có đường kính gốc từ 12-17cm, cao trung bình 6m trên phố Nguyễn Chí Thanh. Việc trồng cây vàng Tâm trên phố Nguyễn Chí Thanh được Công an thành phố và VPBank cam kết có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan chăm sóc đảm bảo hàng cây vàng tâm sống, sau đó sẽ bàn giao cho thành phố quản lý.
Tuy nhiên, trước các ý kiến chuyên gia cho rằng cây trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây gỗ mỡ, không phải cây vàng tâm, đại diện VPBank khẳng định ngân hàng chỉ là nhà tài trợ chứ không biết gì về việc trồng cây. Nên nếu thông tin nói VPBank thuê một đơn vị để trồng cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh là hoàn toàn không chính xác. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho rằng, đơn vị chỉ được giao nhiệm vụ chặt hạ và di chuyển cây xanh trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, còn lại việc trồng và mua cây là nhà tài trợ làm.
4. Ai có thẩm quyền quyết định chặt cây ?
Liên quan đến câu hỏi của báo chí về việc người thực hiện quá trình thẩm định dự án, quyết định chặt cây, Hà Nội cho rằng, Sở Xây dựng cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh theo Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14/5/2010 của UBND thành phố ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố.
Trước khi tiến hành cấp phép chặt hạ, dịch chuyển, tổ công tác bao gồm Sở Xây dựng, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và UBND phường sở tại kiểm tra và có biên bản và ảnh chụp lưu xác định tình trạng cây xanh, đóng dấu của UBND phường sở tại làm cơ sở cấp phép.
Những cây xà cừ lớn bị đốn hạ.
Tuy nhiên, Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn Phòng Luật Sư Interla – Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc quyết định chặt hạ và thay thế các cây xanh phải được lập quy hoạch xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trình tự lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng được xác định tại Điều 20 Luật Xây dựng.
Việc phê duyệt quy hoạch xây dựng (chặt hạ và thay thế cây xanh đô thị) thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Thủ đô.
Theo điều 32 Luật Xây dựng thì Bộ Xây dựng có thẩm quyền thẩm định đồ án quy hoạch. Sau đó, UBND thành phố có trách nhiệm rà soát quy hoạch xây dựng được phê duyệt, kết quả rà soát quy hoạch xây dựng phải được báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng để xem xét, quyết định.
Theo Năng Lượng Mới
Nói mỡ là vàng tâm: "Xúc phạm đến Hội đồng Sách đỏ Việt Nam"
TS Nguyễn Tiến Hiệp khẳng định, theo tài liệu chính thức trong Sách Đỏ VN thì cây được Hà Nội trồng mới ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ.
Chào thua... vàng tâm (!?)
Trong văn bản trả lời các câu hỏi được đưa ra tại buổi họp báo vào chiều 20/3, sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, cây được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm - loại cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.
Sở này cũng cho hay, cây cao trung bình 25 - 30m, đường kính thân cây 70 - 80cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1cm.
Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5 - 17cm, rộng 1,5 - 6,5cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4cm, màu nâu đỏ.
Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1 - 2cm, bao hoa màu trắng. Trên thực tế cây này đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội.
Trước thông tin này, trao đổi với chúng tôi vào chiều 25/3, TS Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam tái khẳng định, ông đã trực tiếp thu mẫu và quan sát lá, hoa... của các cây thì đây hoàn toàn là cây mỡ chứ không phải vàng tâm.
"Cách gọi vàng tâm là cách gọi rất chung chung của người dân ở nhiều vùng. Thực tế, từ xưa đã có nhiều cách gọi khác nhau, một số nơi họ gọi loài gỗ có lõi màu vàng cũng là vàng tâm, thậm chí có người gọi cây mỡ là vàng tâm...
Nhưng theo tài liệu chính thức trong Sách Đỏ Việt Nam thì phải khẳng định ngay những cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải vàng tâm", TS Hiệp nói.
Phần lá và quả của cây vàng tâm theo đúng ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam. Ảnh do TS Hiệp cung cấp.
Theo TS Hiệp, theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, vàng tâm có tên khoa học Manglietia Dandyi là loại cây gỗ quý có mùi thơm, không bị mối mọt.
Loại cây này dùng trong xây dựng nhà cửa, đóng đồ gia dụng, làm đồ mỹ nghệ. Đây là loài bị đe dọa tuyệt chủng do số lượng ngày càng ít.
"Nói nếu như Hà Nội những cây ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm thì liệu có dám mời các nhà khoa học vào để thẩm định, xác nhận và phải công bố được tên khoa học của loại cây này.
Còn nếu cứ cố tình áp đặt cho rằng đây là cây vàng tâm mà không phải cây mỡ thì chúng tôi cũng chỉ còn biết chào thua mà thôi", TS Hiệp bày tỏ.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hiệp
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hiệp
Tôi đã đến thu mẫu và quan sát thực tế thì đây là cây mỡ chứ không phải vàng tâm. Còn Sở Xây dựng Hà Nội mà khẳng định những cây mới được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm thì họ đã sai hoàn toàn, họ đã xúc phạm đến toàn bộ Hội Khoa học Sách Đỏ Việt Nam rồi.
Chưa có ở đâu trồng cây mỡ trong đô thị như Hà Nội
Đồng quan điểm đó, trao đổi với chúng tôi vào chiều tối 25/3, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp vẫn tái khẳng định, cây ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ không phải vàng tâm.
Theo GS Khả, việc Sở Xây dựng HN trả lời là cây vàng tâm như là vậy là rất chung, không có căn cứ khoa học cụ thể nào để chứng minh.
"Tôi đã đến trực tiếp các cây này để thu mẫu và quan sát thì đây là các cây mỡ chứ không phải vàng tâm như mô tả trong Sách Đỏ Việt Nam, kể cả 4 cây mới trồng vào ban đêm cũng vậy", GS Khả nói.
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường
Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường
Rừng bây giờ hầu như không còn cây này, cả đời tôi đi rừng, nghiên cứu và trồng rừng nhưng chưa bao giờ thấy cây vàng tâm to như cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh. Tôi chẳng phải đánh cược. Tôi là người trồng rừng, nghiên cứu bao nhiêu năm và tôi lấy cái đầu của mình ra để bảo lãnh cho chuyện này. Tôi khẳng định 100% đó là cây mỡ.
Theo GS Khả, cây mỡ có tên khoa học là Manglietia Conifera, còn ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau như mỡ hoặc mỡ vàng tâm.
Cây có lá đơn và không có lông. Hoa của chúng có màu trắng, khi chưa nở bao hoa dài 3-4cm, đường kính 0,8-1cm. Quả của loài có hình giống quả thông, nhiều tâm bì, vỏ lụa của hạt khi chín màu đỏ.
"Nhưng ở đây, dù là mỡ hay là vàng tâm thì tôi cũng chưa thấy ở đâu trồng ở trong đô thị cả, nếu có thì Hà Nội là đầu tiên.
Và trồng thì cũng được thôi, không sao cả nhưng việc chặt hàng loạt cây trên phố Nguyễn Chí Thanh và nhiều con phố khác để thay thế bằng các loại cây khác, trong đó có cây mỡ như vậy thì tôi thấy rõ ràng là sai.
Còn ý kiến của Hà Nội thế nào tôi là nhà khoa học tôi cũng chẳng việc gì phải đánh cược với họ và cá nhân tôi cũng không muốn bàn thêm", GS Khả nhấn mạnh.
Theo Trí Thức Trẻ
Lá phổi của thành phố tổn thương Đường Nguyễn Chí Thanh đẹp nhất Thủ đô nay trống trải... Phố Quang Trung nhiều bóng mát cũng trở nên trơ trọi, các cây sao mới chỉ có cành trơn được trồng thế chỗ cây lâu năm... Kế hoạch chặt, thay thế 6700 cây xanh của UBND TP Hà Nội mới triển khai đã phải tạm dừng. Nhiều tuyến phố trót chặt cả...