4 giờ đánh đu với tử thần của 5 ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc truy đuổi, phun vòi rồng
Trước sự truy đuổi từ tàu Trung Quốc, tàu cá Quảng Ngãi va vào đá ngầm và chìm nghỉm khiến 5 ngư dân trải qua 4 tiếng đồng hồ đánh đu mạng sống với tử thần.
12 ngày sau sự cố chìm tàu ở Hoàng Sa, sáng 17/3, 5 ngư dân Quảng Ngãi trên tàu cá gặp nạn ở Hoàng Sa đã về đến đất liền an toàn.
Ngay khi tàu QNg 90620 cập cảng Sa Kỳ, ông Nguyễn Minh Hùng (SN 1975, trú thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) – thuyền trưởng kiêm chủ tàu cùng 4 thuyền viên khác của tàu QNg 90819 TS đã tìm đến lực lượng biên phòng để trình báo sự việc.
5 ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa đã trở về đất liền an toàn.
Lúc này, vẻ phờ phạc và thẫn thờ vẫn còn hiện hữu trên gương mặt của 5 ngư dân vừa trải qua hành trình đánh bắt chẳng khác nào đánh đu mạng sống với tử thần.
Nhắc lại vụ tai nạn trên biển, thuyền trưởng Nguyễn Minh Hùng kể bằng giọng phẫn uất.
Ông Hùng nhớ như in, tầm 10h ngày 6/3, ông cùng 4 thuyền viên khác trên tàu cá QNg 90819 TS khai thác hải sản ở khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa) – cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 198 hải lý.
Đang đánh bắt, ông Hùng phát hiện tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 áp sát về phía tàu cá của mình.
“Khi tôi lái tàu tăng tốc thì tàu Trung Quốc cũng cố truy đuổi và phun vòi rồng. Cuộc rượt đuổi kéo dài một quãng đường xa thì tàu tôi không may bị ép va vào đá ngầm. Lúc này, những kẻ lạ mặt mới thôi phun vòi rồng và truy đuổi”, ngư dân Hùng bức xúc nói.
Khi tàu cá bắt đầu có dấu hiệu chìm, ông Hùng nhanh trí lấy bộ đàm ra gọi cho trung tâm cứu nạn.
Video đang HOT
Sau đó, ông Hùng bắt được tín hiệu từ tàu QNg 90620 của ông Trịnh Văn Hiền (chủ tàu cá trú cùng địa phương cũng đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa).
Tàu của ngư dân Trịnh Văn Hiền đã kịp thời ứng cứu 5 ngư dân trên con tàu bị chìm ở Hoàng Sa.
Tuy nhiên, trước khi được tàu bạn ứng cứu, 5 ngư dân trên tàu cá bị chìm giữa trùng khơi đã trải qua 4 tiếng đồng hồ đánh đu mạng sống với tử thân.
“Chúng tôi phải đu bám trên mũi tàu còn nổi suốt 4 tiếng đồng hồ trong tình trạng gần như kiệt sức. Rất may, tàu của anh Hiền có mặt kịp thời và giúp 5 anh em trở về đất liền”, ông Hùng chia sẻ.
Trả lời PV VTC News chiều 17/3, ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu) cho biết, tàu của ngư dân Nguyễn Minh Hùng xuất bến ngày 4/3 và đến ngày 6/3 thì gặp nạn.
“Chuyến vươn khơi vừa qua của 5 ngư dân địa phương coi như mất trắng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 3 tỷ đồng. Hiện tại, ở vùng biển Hoàng Sa có khoảng 70 tàu cá của ngư dân Bình Châu đang hoạt động đánh bắt. Vậy nên, chúng tôi kịch liệt lên án hành động truy đuổi, phun vòi rồng của tàu Trung Quốc”, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu thông tin thêm.
THANH BA
Theo VTC
Ngư dân Quảng Ngãi bước vào vụ đánh bắt mới
Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, chúng tôi về các khu vực bến bãi ven biển của tỉnh Quảng Ngãi, đi đâu cũng bắt gặp sự tất bật của bà con ngư dân đang tất bật chuẩn bị để bước vào vụ đánh bắt mới.
Trong năm 2018 và cả trong dịp tết Nguyên đán vùa qua, ngư dân tỉnh Quảng Nam phấn khởi vì được mùa biển.
Vào vụ mùa mới
Đã thành thông lệ, cứ vào Mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, chính quyền và bà con ngư dân các địa bàn ven biển tỉnh Quảng Ngãi lại làm lễ ra khơi cho vụ đánh bắt mới.
Năm nay, ở cửa biển Sa Cần (huyện Bình Sơn), ngay từ sáng sớm, hàng trăm tàu thuyền của cộng đồng ngư dân các địa phương trong huyện đã có mặt, tiến hành các nghi lễ cúng thần Nam Hải, cầu cho "mưa thuận, gió hoà", "Trời yên, biển lặng" để ra khơi đánh bắt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu.
Cùng dự lễ ra khơi đầu năm mới, ngoài cộng đồng ngư dân, thành phần không thể thiếu, luôn bên cạnh và kịp thời động viên bà con là các cấp lãnh đạo chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và các xã ven biển trong huyện.
Theo ông Nguyễn Thành Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn), lễ ra khơi đầu năm là nghi thức thông lệ của bà con ngư dân địa phương mở đầu cho mùa vụ đánh bắt mới. Tuy nhiên, do vừa mới qua tết Nguyên đán cần phải có thêm thời gian để lao động nghỉ ngơi cũng như chuẩn bị các điều kiện về nguyên liệu, ngư lưới cụ, nhân lực và máy móc, tàu thuyền...nhằm đảm bảo cho chuyến biển đầu tiên trong năm an toàn, có thể bám biển dài ngày tại các ngư trường xa với hiệu quả cao nhất. Thế nên, từ khoảng sau Rằm tháng Giêng, bà con ngư dân mới thực sự đồng loạt ra khơi.
Cũng theo ông Tín, xã Bình Chánh là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất của huyện Bình Sơn và tỉnh Quảng Ngãi (hơn 100 tàu thuyền). Từ sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi và kéo dài đến đến nay, hơn 100 tàu thuyền trong xã đã chuẩn bị khá kỹ càng các vấn đề hậu cần, sẵn sàng cho mùa vụ mới.
Điều đáng nói là từ trước và trong tết Nguyên đán, nhiều ngư dân đã trúng đậm các chuyến biển cận tết hoặc xuyên tết. Cùng với đó, thống kê của xã đến cuối năm 2018 cho thấy, lượng hải sản đánh bắt trong năm của ngư dân Bình Chánh đạt hơn 530 tấn, trong đó chủ yếu là mực, cá chuồn, cá ngừ, cá thu và một số loài có giá trị khác...
"Với số lượng hải sản đánh bắt này, tính bình quân mỗi tàu thuyền ở địa phương sau 3 đến 4 chuyến biển trong năm 2018, đã thu về từ 80 đến 100 triệu đồng/chuyến. Đây là con số không nhỏ và từ nguồn thu nhập này sẽ là động lực hứa hẹn để vụ mùa đánh bắt trong năm mới 2019 sẽ tiếp tục cao hơn, nhất là khi mà bà con ngư dân đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa vụ mới như hiện nay"- ông Nguyễn Thành Tín cho biết.
Bà con ngư dân hối hả chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm
Hứa hẹn thắng lợi mới
Sau buổi lễ ra quân vụ mùa mới diễn ra tại cửa biển Sa Cần, chúng tôi gặp ngư dân Trần Ba (44 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và được ngư dân này cho biết, anh là chủ tàu cá QNg 90616 TS, công suất 420CV, hành nghề lưới vây. Năm 2019, anh có 4 chuyến biển khá thành công. Trong đó, riêng chuyến biển xuyên tết vừa rồi, anh và 8 bạn thuyền thu về khoảng 5 tấn cá chuồn và các loại cá khác như: cá thu, cá ngừ đại dương....
"Tàu của tôi xuất bến tại cảng cá Sa Kỳ vào ngày cuối của tháng 11/2018 và tiến hành đánh bắt xuyên Tết ở ngư trường Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam. Đến ngày 15/2, tàu cá của tôi về cập cảng Sa Kỳ. Với giá bán 50 ngàn đồng/kg cá chuồn, 100 ngàn đồng/kg cá thu và 50 ngàn đồng/kg cá ngừ, sau khi trừ đi các chi phí nhiên liệu, thực phẩm thì các anh em thuyền viên trên tàu cũng lời được hơn chục triệu đồng mỗi người"- Ngư dân Nguyễn Ba chia sẻ và cho biết thêm: "Sau khi bán hết cá, chúng tôi nghỉ ngơi vài ngày và chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm mới tới. Hiện các điều kiện về nhiên liệu, nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ, máy móc, tàu thuyền... cơ bản đã chuẩn bị đầy đủ, có thể tiếp tục vươn khơi bám biển trở lại sau rằm tháng Giêng. Năm nay, tôi và các tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đều cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng để đánh bắt trúng nhiều mẻ tôm, cá hơn. Đồng thời, cũng mong các thương lái thu mua cá với giá cao để chúng tôi có nguồn thu nhập cao, yên tâm vươn khơi bám biển. Qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Các tàu thuyền đánh bắt xa bờ tại cửa biển Sa Cần (Bình Sơn) chuẩn vươn khơi
Còn đối với ngư dân Bùi Đức Thanh (chủ tàu câu mực QNg 90594 TS, trú tại thôn Vĩnh Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn), năm 2018 mặc dù anh khá xuôi xẻo khi cả 4 chuyến biển đều không đem lại lợi nhuận do 3 chuyến đầu tàu của anh bị hỏng máy, chuyến thứ tư thì xảy ra tai nạn trên biển; nhưng với sự chuẩn bị chu đáo của năm nay, anh tin tưởng những chuyến biển của vụ mùa mới sắp tới sẽ giúp anh lấy lại thu nhập.
"Hiện ngoài số dầu và lương thực, thực phẩm đã trữ đủ để bám biển dài ngày tại các vùng biển xa, tôi cũng đã gọi được 40 bạn câu đi cùng. 40 bạn câu này sẽ giúp tôi phụ trách 40 thúng câu. Trong thời gian bám biển khoảng 3 tháng/chuyến, với giá mực câu ổn định hiện nay là 160 đến 170 ngàn đồng/kg thì mỗi thúng câu sẽ thu về 150 triệu đồng/năm. Nếu trừ chi phí khoảng 20 triệu đồng/thúng thì mỗi thúng còn lại 130 triệu đồng/năm. Đây là số thu về từ 3 đến 4 chuyển biển/năm cũng là lượng không nhỏ" - anh Thanh tin tưởng.
Chia tay biển Bình Sơn vào chiều Rằm tháng Giêng, từ bãi biển Sa Cần nhìn sang khu vực neo đậu tàu thuyền của ngư dân địa phương, chúng tôi thấy từ trên bờ xuống đến bến tàu, nhiều ngư dân đang hối hả bưng bê các thực phẩn, lương thực và các thiết bị phục vụ cho vụ đánh bắt mới xuống tàu. Trên khuôn mặt của mỗi người đều rạn rỡ những nụ cười và ánh mắt sáng ngời niềm tin vào một vụ đánh bắt bội thu mới./.
Bài, ảnh: Đình Tăng
Theo cpv.org.vn
Quảng Ngãi: Dồn dập tàu cá bị nạn và chìm trên biển do thời tiết xấu Chỉ trong vòng 1 tuần, 3 tàu cá của ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã bị nạn và chìm trên biển. Rất may mắn, toàn bộ 13 ngư dân trên các tàu cá bị nạn đã được cứu sống và đưa vào bờ an toàn. Sáng 11.8, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quang Trung - Phó...