4 điều khiến năm nhất của tân sinh viên trở nên “mặn mà” hơn thay vì chỉ biết cắm đầu vào sách vở nhàm chán
Không thể khẳng định việc chỉ biết cặm cụi học hành ngày này qua tháng nọ sẽ dẫn bạn đi đến thành công như mong đợi. Nhưng có thể thấy rằng việc trải nghiệm 4 điều mới mẻ dưới đây có thể mang đến cho tân sinh viên nhiều lợi ích trước mắt.
Vượt qua hàng ngàn thí sinh khác trong cuộc chiến “chạy đua vào cánh cổng đại học” chứng tỏ bạn đã chiến thắng bản thân và nhiều đối thủ khác tại vạch đích thời trung học, nhưng cũng là vạch xuất phát vô cùng gian nan khi bắt đầu trở thành một tân sinh viên chính hiệu. Đối với nhiều người trẻ, đại học chính là thời kỳ để họ tha hồ “bung lụa”, có một cuộc sống tự do và thoải mái hơn nhiều so với thời còn áo trắng đến trường.
Ở “lớp 13″ này, mải mê cắm đầu cho việc học suy cho cùng cũng tốt, nhưng chẳng phải là chìa khóa nhanh và duy nhất để dẫn bạn đến thành công. Thay vào đó, 4 trải nghiệm mà bất cứ tân sinh viên nào cũng nên thử qua một lần trong đời dưới đây chính là bàn đạp giúp ích cho bạn rất nhiều sau này.
Đừng để năm nhất thời đại học của mình trở nên thật nhàm chán với nào là sách vở, học hành, deadline, bài tập. Thay vào đó, 4 trải nghiệm quý giá dưới đây sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong cuộc sống và công việc sau này.
1. Tìm kiếm một nhóm bạn thân
Bước chân vào cổng trường đại học, một trong những cảm giác tân sinh viên thường gặp phải đầu tiên chính là sự lạc lõng, cô đơn. Những ai có bạn cấp 3 học chung ngành hay người thân trên đây còn đỡ, nhiều bạn trẻ khăn gói từ quê hương lên trung tâm thành phố mà chẳng hề quen biết ai, lúc nào cũng cảm thấy tự ti, mặc cảm vì xung quanh mình có biết bao người giỏi, kẻ hơn.
Lạc lõng và cô đơn là cảm giác mà bất kỳ tân sinh viên nào khi mới bước chân vào cánh cổng đại học đều gặp phải.
Thay vì tự đóng sập cánh cửa với môi trường mới này, hãy tự tin làm quen kết bạn, có thể là đồng hương hay những người cùng chung niềm đam mê. Không phải ai trong số đó cũng sẽ gắn bó với chúng ta đến cuối chặng hành trình đại học, nhưng họ sẽ là những người làm việc với bạn trong các bài tập nhóm đầu tiên, tham gia cùng sự kiện ngoại khóa đầu năm học, đi cùng bạn vào những buổi dã ngoại xa nhà, và thậm chí có thể là những đồng nghiệp trong tương lai nữa đấy!
Giao lưu, kết bạn trên đại học là một điều không thể thiếu đối với sinh viên năm nhất. Một khi đã có bạn bè bên cạnh, chúng ta sẽ bớt thấy lạc lõng hơn!
2. “Chạy đua” với đam mê bằng cách tham gia các câu lạc bộ
Video đang HOT
Dám chắc rằng 100% kiến thức học hành trên trường lớp cũng chẳng thể giúp bạn đi thẳng đến thành công trên con đường rải đầy hoa hồng. Thay vào đó, những trải nghiệm thực tế hay sự vấp ngã mới khiến tân sinh viên trưởng thành hơn. Bên cạnh việc học tập, hãy tìm kiếm một niềm đam mê để bắt đầu theo đuổi trong suốt 4 năm dài. Đàn hát, nhảy múa, quay phim, chụp ảnh, hội họa,… làm gì cũng được, miễn là bản thân thấy thích!
Thay vì chỉ biết cặm cụi vào sách vở, học hành, hãy thử theo đuổi một niềm đam mê của bản thân bằng cách tham gia vào các CLB/đội/nhóm trong trường, thành phố.
Trường đại học không phải chỉ có lớp học, giảng viên với những bộ môn khô khan, khó nhằn. Gửi gắm 4 năm đại học vào các câu lạc bộ/đội/nhóm giúp bạn nhận được nhiều thứ hay ho hơn thế: Những người bạn mới có cùng niềm đam mê, kinh nghiệm học hỏi từ các anh chị đi trước, cơ hội trải qua những “lần đầu tiên” đầy thú vị, được tự mình làm sai rồi sửa sai,… Ngoài ra, việc tham gia CLB hay các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện còn giúp ích rất nhiều cho CV và hồ sơ xin việc của bạn sau này nữa.
Ngày nay, việc tham gia các CLB giúp ích cho sinh viên rất nhiều trong việc theo đuổi đam mê, phát triển cả kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm.
Đồng thời, đây còn là bệ phóng và môi trường tốt hỗ trợ rất nhiều cho hồ sơ xin việc của sinh viên sau khi ra trường.
3. Thử sức bằng công việc làm thêm
Có một sự thật rằng không phải sinh viên nào cũng có bố mẹ, gia đình chu cấp tiền học hay sinh hoạt phí từ A-Z. Những khoản chi tiêu hằng ngày như ăn uống, lưu trú, đi lại, giải trí cũng chiếm một khoản không nhỏ trong cuộc sống của tân sinh viên. Đi làm thêm dĩ nhiên là được tiền, bên cạnh đó còn được vốn sống, đặc biệt là những kỹ năng mềm thiết yếu như giao tiếp, xử lý tình huống, xây dựng mối quan hệ.
Quan trọng hơn hết, nếu ngay từ năm nhất đã được tiếp xúc với công việc mà mình yêu thích, nghĩa là bạn đã rút ngắn khoảng cách đáng kể giữa thực tế và lý thuyết thay vì cứ chờ đợi công việc tìm đến mình một cách thụ động vào năm 3, năm 4. Tuy nhiên, trước khi quyết định đi làm thêm bạn nên cân nhắc kỹ, vì nó có thể giảm bớt áp lực tài chính nhưng cũng đồng thời lấy đi thời gian dành cho học tập hay những thú vui tiêu khiển khác. Đặc biệt, cần tỉnh táo trước những cạm bẫy đa cấp, lừa đảo bạn nhé!
Việc thử sức với những công việc làm thêm như viết lách, phục vụ quán cafe,… giúp sinh viên bổ trợ thêm nhiều kỹ năng thiết yếu. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng trước việc có nên lựa chọn đi làm thêm hay không?
4. Xách balo lên, đi và trải nghiệm nhiều hơn
Đa phần những tân sinh viên khi mới lên trung tâm thành phố sinh sống và học tập sẽ khó có thể hòa nhập ngay với môi trường mới. Sự rời xa gia đình, áp lực học tập, những người hàng xóm mới hay giao thông hỗn loạn ngoài kia,… có thể khiến bất cứ tân sinh viên nào cảm thấy choáng ngợp ban đầu.
Thay vì chỉ biết ngày ngày cắp sách đến trường, lên lớp ngồi nghe giảng rồi lại về nhà, ăn và ngủ. Tại sao không thử xách balo lên và khám phá đó đây? Chỉ cần có tiền, thời gian hay một vài người bạn đồng hành “hợp cạ”, ngay tại Sài Gòn hay thủ đô Hà Nội sầm uất đây thôi cũng là môi trường tốt với biết bao điểm vui chơi, ăn uống thú vị đang chờ bạn tìm tòi, trải nghiệm. Còn nếu có điều kiện hơn nữa, sao không thử làm một chuyến đi chơi xa ngay khi vừa lên năm nhất bạn nhỉ?!
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đây là một câu không bao giờ cũ dành cho các bạn trẻ, đặc biệt là tân sinh viên năm nhất.
Theo Helino
Sinh viên lần đầu xa nhà: 'Chợ chiều chưa rẻ bằng chợ tối'
Thời sinh viên luôn có nhiều kỷ niệm, nhưng có lẽ những ngày đầu xa nhà, xa quê lên thành phố học tập là khoảng thời gian đáng nhớ nhất với mỗi người.
Tân sinh viên làm thủ tục nhận chỗ ở tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM năm học 2019-2020 - Lê Thanh
Lạ lẫm và choáng ngợp trước Sài Gòn
Có những câu chuyện, hình ảnh, kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên không bao giờ phai mờ trong tâm trí của nhiều người. Anh Võ Đình Thành, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Từ vùng quê nghèo của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vào TP.HCM học tập những ngày đầu thời tân sinh viên niên khóa 1997-2001. Lúc ấy, tôi cảm thấy mọi thứ đều lạ lẫm và hơi choáng ngợp trước một Sài Gòn rộng lớn".
Anh Thành kể: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không dám ăn cơm tiệm nên mỗi ngày tôi phải đi chợ để tự nấu cơm ăn. Người ta thường hay nói 'rẻ như chợ chiều', nhưng với tôi chợ chiều cũng chưa rẻ mà phải là chợ tối. Vì vậy, để mua được đồ ăn rẻ thì ngày ấy tôi thường hay đi chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh lúc 6, 7 giờ tối. Mà hễ thấy đồ ăn rẻ là tôi hay mua nhiều để dành ăn mấy ngày liền. Đi chợ mua đồ nhiều là phải lục đục nấu thức ăn đến hơn 10 giờ tối mới xong, mà thời ấy sinh viên khó khăn như mình làm gì có tiền mua bếp ga nấu, toàn nấu bằng bếp lò xô (bếp dầu) không à".
Tân sinh viên nên tham gia các hoạt động kỹ năng để nhanh bắt nhịp vào cuộc sống môi trường học đại học - Lê Thanh
Đi từ sáng đến chiều mới tìm được phòng trọ
Anh Dương Bá Thuật (quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cựu sinh viên của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhớ lại: "Cuối tháng 8.1997, tôi từ quê lên TP.HCM kiếm nhà trọ để chuẩn bị làm tân sinh viên. Lần đầu tiên lên Sài Gòn, đường sá không rành nên trên tay lúc nào cũng cầm cái bản đồ thành phố. Tôi và một người bạn đèo nhau trên chiếc xe đạp sườn ngang cứ chạy một đoạn thì dừng lại lấy bản đồ ra xem phương hướng rồi mới đi tiếp. Tôi nhớ hôm ấy đi từ sáng đến gần 15 giờ chiều mới tìm được phòng trọ. Đó là một khu nhà trọ dạng như một ký túc xá tư nhân ẩn mình dưới một vườn dừa xanh trên đường Trần Kế Xương, P.7, Q.Phú Nhuận".
Theo anh Thuật, khu nhà trọ ấy không tiện nghi gì cả "nhưng sở dĩ mình chọn là có đông sinh viên ở và giá cả nơi này so với những nơi khác rẽ hơn rất nhiều. Mình nhớ hồi đó mỗi phòng trọ có 2 cái gường tầng, ở 4 người. Mỗi người đóng 60.000 đồng/tháng (chủ đã bao điện nước). Do khu nhà trọ nằm gần bờ kênh Nhiêu Lộc, ngày ấy con kênh này chưa được nạo vét nên dòng nước còn đen xì và bốc mùi hôi dữ lắm chứ không được sạch sẽ như bây giờ... Ở đó được 2 năm thì khu vực này bị giải tỏa nên tất cả sinh viên ở đây mỗi người mỗi hướng".
Anh Thuật, cho biết: "Tròn 20 năm, nhưng mỗi lần có dịp đến TP.HCM tôi luôn tranh thủ thời gian để ghé lại chỗ trọ những ngày đầu thời tân sinh viên bởi nó có quá nhiều kỷ niệm, mặc dù khung cảnh ở đây bây giờ đã khác xưa".
Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khu vực miền Trung được tặng vé xe về quê đón tết năm 2019 - Lê Thanh
Đạp xe hơn 100 km về quê vì nhớ
Nhớ nhà là luôn là nỗi thường trực của tân sinh viên. Anh Lê Nhật Hùng, cựu sinh viên của Trường ĐH Lao động xã hội tại TP.HCM, chia sẻ: "Thời ở quê thì ít khi nào mình muốn ở nhà, nên mỗi khi cơ hội là đi chơi với bạn bè quên luôn giờ cơm của gia đình. Nhưng giai đoạn những ngày đầu rời quê về TP.HCM học tập cái cảm giác nhớ nhà kinh khủng. Cứ chiều chiều đi học về là mình hay ngồi hình dung, rồi tưởng tượng và nhớ đến ba má, nhớ khung cảnh quen thuộc ở quê nhà như: cây khế, đàn gà, con chó, con mèo... Rồi nhiều khi bật khóc ngon lành...".
Lần đầu xa quê đến TP.HCM học tập, sinh viên luôn đối diện với nỗi nhớ nhà - Lê Thanh
Rồi anh Hùng kể: "Có lần, buổi chiều mình đi học về phòng trọ buồn quá. Mà trong túi chỉ còn có vài ngàn không đủ tiền để đón xe đò về quê. Thế là mình xách chiếc xe đạp chạy thẳng từ quận 12, TP.HCM về nhà ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn. Khi về đến nhà gọi má ra mở cửa là hơn 12 giờ đêm. Trải qua lộ trình đạp xe hơn 100 km không có tiền để ăn cơm mà chỉ đủ tiền mua trà đá uống giải khát. Đó là một kỷ niệm thời sinh viên mà mình không thể nào quên".
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có lần đầu xa nhà, nhất là các bạn tân sinh viên khi năm đầu tiên lên thành phố nhập học. Và khi đối diện với môi trường sống mới, với bao điều mới mẻ sẽ khiến các bạn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn...
Rồi những đêm thức trắng vì nhớ nhà, những lần lạc đường vì chưa phải là "thổ địa", những gói mì tôm nấu vội thay cơm để kịp giờ làm thêm... tất cả trở thành kỷ niệm một thời sinh viên không thể nào quên phải không các bạn?
Những trải nghiệm lần đầu xa nhà của một thời sinh viên đáng nhớ đó, các bạn có thể chia sẻ và gửi về chuyên mục Sinh viên lần đầu xa nhà theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên chuyên mục Sinh viên lần đầu xa nhà của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Theo Thanh niên
'Tôi ướt cả hai chân mà vẫn vào được giảng đường' Từng là sinh viên nghèo, mồ côi của 7 năm trước của Đại học Cần Thơ, Trần Ngọc Sang này là trưởng phòng ở một doanh nghiệp ở Bạc Liêu. Tân sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Ly không kềm được xúc động khi gặp người cô đã cưu mang em vì hoàn cảnh nghèo khó để em tiếp tục nuôi giấc mơ đến...