4 điểm đến lý tưởng khi du lịch Yên Bái
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, cánh đồng Mường Lò, chè xanh Suối Giàng, hay khu du lịch Hồ Thác Bà… là những thắng cảnh đẹp ở Yên Bái mà bạn không nên bỏ qua trong hành trình du lịch Tây Bắc đầu xuân mới.
Thời điểm này, khắp nơi ở Yên Bái trải dài màu xanh mơn mởn của những thửa ruộng mới cấy, những búp chè non mới nhú và lồng lộng gió xuân dịu mát ở hồ.
Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía tây của tỉnh Yên Bái với trên 90% dân số là đồng bào Mông. Đến với Mù Cang Chải du khách không khỏi trầm trồ bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên và cảm thán trước những triền ruộng bậc thang xanh ngút ngàn tầm mắt.
Người dân Yên Bái vẫn gọi xứ Mù bằng cái tên thân thương là “biển mây Khau Phạ” bởi muốn lên được đến Mù Cang Chải, du khách phải đi qua đèo Khau Phạ cao 2100m – một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng bậc nhất Việt Nam.
Xuân về trên rẻo cao.
Mù Cang Chải nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp trải suốt từ Tú Lệ qua Khau Phạ, đến La Pán Tẩn, Chế Cu Nha…
Đến với Mù Cang Chải mùa này, từ trên cao nhìn xuống du khách sẽ thấy nơi đây khoác lên mình màu áo xanh của lúa mới, của những chồi non xanh biếc giữa chân mây điểm xuyết những bông hoa đào, hoa xuân rực rỡ.
Cánh đồng Mường Lò
Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía tây, Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã nghĩa Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn và được ví là cánh đồng lớn thứ hai của vùng núi Tây bắc hùng vĩ, mộng mơ.
Nổi tiếng với hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, thổ cẩm, ngòi Thia và đặc biệt là điệu xòe Thái uyển chuyển, mùa xuân về, khắp nơi trên cánh đồng Mường Lò bạn sẽ thấy hình ảnh làng quê thật thanh bình: Các bà các mẹ người Mông, người Thái, người Mường đi cấy lúa, trẻ con theo mẹ ra đồng, màu xanh của mạ non, sức xuân của đất trời cùng những khuôn mặt chân quê hồn hậu.
Video đang HOT
Cấy xuân. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn
Suối Giàng
Suối Giàng là xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, với diện tích 5.922 ha, được biết đến với các loại đá cảnh quý vân hoa tím, xanh với nhiều hình thù kỳ thú phân bố chủ yếu ở dãy núi Khỉ, thôn Kang Kỷ, thôn Suối Lóp…
Ngoài những sản vật của miền sơn cước như: Rau cải Mèo, su su, sa mộc, pơ mu, các loại củ, quả, ngũ cốc thì nét hấp dẫn du khách tìm đến với Suối Giàng là văn hóa Trà của người Mông. Niềm vui lớn nhất của nhiều du khách khi đến đây là được thưởng thức đặc sản chè Shan tuyết nức tiếng xa gần ngay tại cái nôi sản sinh cây Chè Tổ của thế giới.
Ven các luống chè, hoa đào nở rộ tô điểm thêm hương sắc cho mùa xuân nơi vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn.
Vùng chè cổ thụ Suối Giàng nằm ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… Ngoài ra, du khách có thể tham quan các đồi chè ở tầng thấp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và tham gia vào cuộc sống sinh hoạt giản dị, mộc mạc của người Mông dưới chân núi.
Hồ Thác Bà
Từ Hà Nội, đi khoảng 140 km đường quốc lộ 2 hoặc quốc lộ 32 về phía tây bắc bạn sẽ đến được với Hồ Thác Bà thuộc địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ Thác Bà có trữ lượng phù sa lớn và hệ sinh vật đa dạng với nhiều hang động đẹp và phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Hồ còn là nơi hội tụ của các dòng sông lớn như ngòi Hành, ngòi Cát…
Du thuyền trên Hồ Thác Bà. Ảnh: yenbai.gov.vn
Đến với hồ Thác Bà, du khách không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt sắc với 1.331 hòn đảo lớn nhỏ mà còn được thưởng ngoạn những kiệt tác thiên nhiên của tạo hóa với núi điệp trùng và những hang động huyền kỳ. Bên cạnh đó, bạn sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon đặc biệt trong bữa cơm thiết khách của đồng bào các dân tộc như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, thịt gà đồi nấu lá chanh, lợn mán quay hay gỏi cá, tôm…
Theo VNExpress
Mù Cang Chải những ngày thơm mùi lúa chín
Mù Cang Chải mùa lúa chín, cả con đường quốc lộ nhuộm một màu vàng óng ả của những thửa ruộng bậc thang trải rộng đến tận sát con suối dưới thung, của những khuôn mặt rạng rỡ mùa thu hoạch và của nắng thu vàng như mật.
Khắp vùng thung lũng trải dài từ Tú Lệ tới Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ.. hương lúa mới ngào ngạt, gió mát mơn man, thấp thoáng trên cánh đồng bóng khăn xanh khăn đỏ trong biển lúa vàng, đâu đó tiếng cười giòn tan của đám trẻ trên sườn đồi hay các bà các mẹ đang cõng lúa chín trở về nhà... Nhắm mắt lại, trong tôi mọi âm thanh, hương vị hiển hiện rõ ràng như thể bản thân còn đang đứng đó.
Trên bầu trời Khau Phạ, những cánh dù nhè nhẹ bay lượn trong gió rồi trình diễn những bước tiếp đất đẹp mắt. Là một trong bốn điểm có tiềm năng bay đẹp nhất Việt Nam, cả về điều kiện thời tiết cũng như cảnh sắc thiên nhiên nên cứ vào tuần "Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải" diễn ra, các CLB nhảy dù trong nước và quốc tế lại tập trung về Yên Bái tham gia biểu diễn "bay trên mùa vàng", chinh phục và thu trọn tầm mắt vẻ kỳ vĩ của núi rừng và tuyệt tác ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Trên cao nhìn xuống nơi này
Trong tim đã thấy say say đất trời
Cánh dù nhè nhẹ như bơi
Bên trên dãy núi dãy đồi nhấp nhô
Dưới kia ruộng lúa nương ngô
Đã vàng như thể xôi đồ ngày xuân
(Sưu tầm)
Mỗi năm miền Tây Bắc nước ta chỉ trồng một vụ lúa, nhưng không gieo cùng thời điểm nên lúa tại Mù Cang Chải (Yên Bái) thường chín muộn hơn lúa ở Sapa (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu) và thường thu hút đông du khách nhất bởi cung đường Hà Nội - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải gần lại dễ đi, đặc biệt là có lễ hội "Tuần Văn hoá, Thể thao và Du lịch Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải" được tổ chức vào mùa lúa chín hàng năm.
Vào dịp này, thị trấn Mù Cang Chải vốn vắng vẻ, thưa người bừng trở nên sôi động bởi sự xuất hiện của hàng đoàn xe máy là các bạn trẻ mê phượt, ưa dịch chuyển trong trang phục "áo đỏ, sao vàng" nổi bần bật; sự góp mặt không thể thiếu của các du khách Tây có, Ta có; các phóng viên, nhà báo, nhiếp ảnh gia.. tụ tập thành từng tốp, từng hàng say sưa ngắm, chụp những thửa ruộng bậc thang chín vàng đẹp nhất. Màu vàng của lúa, màu xanh của núi rừng và màu trắng của mây như tô điểm cho nhau, làm nên một bức tranh chấm phá nhiều màu sắc.
Từ khi bình minh vừa lên, sương sớm còn bảng lảng giữa không trung đến khi những ánh nắng đầu tiên trải vàng trên những "nấc thang bước lên trời", hay tới lúc xế chiều, mùi lúa chín thơm quyện với mùi khói bếp tỏa ra từ nóc nhà của bà con dân tộc ẩn hiện trong không gian bao la.. mỗi thời khắc Mù Cang Chải lại có một nét đẹp riêng khiến các tay máy cảm thấy thật khó lòng rời khỏi khung ngắm. Để đến với những thửa ruộng mênh mông, hoang sơ hơn, chúng tôi phải đi qua 15km đường đất đỏ vào những thung lũng sâu hơn, thơ thẩn cả ngày trời với những cái tên nghe đã thấy hứng thú.
Kìa những ruộng bậc thang gối lên nhau cao tít tắp ở Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, đi mãi không thấy mỏi, ngắm mãi không thấy chán. Kìa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ở La Pán Tẩn cùng trùng trùng điệp điệp dãy Hoàng Liên Sơn sừng sững giữa tiết trời quang mây, nắng ráo.Trèo lên những đỉnh đồi cao để ngắm ruộng mới thấy ít ở đâu, ruộng bậc thang lại bát ngát đến thế. Lúa trải dưới thung lũng, lúa men trên sườn núi, hết đỉnh này kế tiếp đỉnh kia, tầng tầng lớp lớp, ruộm một màu vàng. Xa xa, cô gái Mông vui vẻ qua suối để về nhà, chiếc gùi trĩu nặng thóc nếp cắt sớm được mang về để làm cốm non đầu mùa. Một vài mái nhà tranh nằm lọt giữa ruộng lúa bát ngát, khói đốt rơm bay cao khiến trong lòng chúng tôi dâng lên cảm giác thanh bình, thân thương mà khó đâu có được.
Dọc đường đi vào các xã, bản, chúng tôi gặp khá nhiều đoàn thanh niên đi "phượt" theo nhóm trong đồng phục áo "cờ đỏ, sao vàng" của tổ quốc và ý nghĩa hơn cả là các bạn không chỉ đi để thỏa mãn sở thích dịch chuyển, để ngắm cảnh sắc thiên nhiên mà còn kết hợp mang tặng sách báo, bánh kẹo, thực phẩm, quần áo cho các điểm trường, hộ nghèo ở các xã, các em nhỏ đứng ven đường.. Bởi vậy nên với tôi Mù Cang Chải ngoài vẻ đẹp như một bức tranh thủy mặc mỗi mùa đổ nước cấy lúa và như một bức tranh dát vàng mỗi mùa lúa chín, còn là một điểm du lịch đáng đi và ý nghĩa, với cả người đi và người ở.
Nếu có thời gian và thực sự yêu mến sự tài hoa, đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc đã tạo nên những kiệt tác ruộng bậc thang độc đáo, hung vĩ, du khách có thể dạo một vòng cung đường dưới đây theo lịch lúa chín để thưởng ngoạn Tây Bắc mùa sắc vàng rực rỡ:
Sapa: Những cánh đồng ruộng bậc thang như những chiếc thang trời ở các bản làng Trung Chải, Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van và gần đây là Y Tý... luôn là điểm đến hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với du khách trong và nước ngoài. Tại đây du khách vừa được chiêm ngưỡng những bậc thang lúa vàng tuyệt đẹp trong nắng vàng, vừa được khám phá văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.
Mộc Châu: Hang Kia - Pà Cò từng là điểm nóng về buôn bán thuốc phiện của cả nước nhưng hiện nay các cánh đồng thuốc phiện đã được thay bằng ruộng lúa, đồi chè tuyết san và những vườn đào, mận. Mùa lúa chín, những bản làng yên bình thấp thoáng trong sương sớm sẽ là nguồn cảm hứng cho bất cứ tay máy nào.
Yên Bái: Cung đường là những địa danh đã ghi dấu trên bản đồ "thăm lúa" như Tú Lệ, Cao Phạ, Khau Phạ, Mù Cang Chải... và cũng là lựa chọn hàng đầu cho những ai lần đầu khám phá mùa lúa chín. Đúng như cái tên của nó, cung phượt cho bạn hiểu thêm về vẻ đẹp tú lệ của miền Tây Bắc tổ quốc.
Hà Giang: Là nơi gieo lúa vụ đông muộn nhất ở miền Bắc, đây là điểm thăm quan ngắm lúa vàng cho những ai chưa lên kế hoạch phượt sớm được. Cung đường Hà Giang khá hiểm trở nhưng cảnh những ruộng bậc thang rộ vàng là phần thưởng xứng đáng cho các phượt thủ. Đặc biệt, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là di sản quốc gia.
Theo CitiNews
Núi đồi phía bắc 'lấp lánh' mùa nước đổ Ngoài việc trồng trọt lấy lương thực, ruộng bậc thang còn là những thắng cảnh kỳ vỹ do người vùng cao tạo ra. Mùa nước đổ tháng 5, 6 cũng là thời điểm đẹp để du khách đến với Cao Phạ, Mù Cang Chải, Y Tý, Sa Pa, Hoàng Su Phì... Quốc lộ 32 Việt Nam rất nổi tiếng trong bản đồ du...