4 điểm đáng tiếc khiến ‘Cô gái đến từ hôm qua’ chưa thể tạo kỳ tích
Nếu trọn vẹn hơn ở cả nội dung và hình ảnh, ‘ Cô gái đến từ hôm qua’ có thể trở thành hiện tượng như ‘Em chưa 18′.
Bộ phim chuyển thể truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh được khen ngợi vì tái hiện tốt không khí của lớp học trò thập niên 90 cũng như những hoài niệm đẹp của tuổi thanh xuân. Tuy vậy Cô gái đến từ hôm qua vẫn còn những hạt sạn ảnh hưởng không ít đến dòng cảm xúc của người xem.
1. Diễn viên chính không còn nét trẻ trung, thanh tân
Cả Ngô Kiến Huy và Miu Lê đều đã quá tuổi để có thể vào vai những cô cậu học trò cấp 3. Dù diễn xuất tốt, khuôn mặt trẻ hơn tuổi nhưng cặp đôi diễn viên vẫn tạo cảm giác thiếu hẳn không khí thanh xuân, sự ngây thơ, trong trẻo của các thiếu niên mới lớn.
Đặc biệt Ngô Kiến Huy ở ngưỡng tuổi 30 đã để lộ rõ độ “dừ” cho vai chàng Thư “Thẩn” ngố tàu, tinh nghịch của Nguyễn Nhật Ánh. Khi đổi kiểu tóc rẽ ngôi “sến lụa” thành tóc vuốt hiện đại ở cuối phim, Ngô Kiến Huy càng giống anh chàng nhân viên văn phòng năm 2017 hơn là nam sinh tuổi 18 của năm 1997.
2. Lạm dụng hiệu ứng đến mức sến sẩm
Nam chính Thư là anh chàng hay mơ mộng, tâm hồn treo ngược cành cây nên còn được đặt biệt danh là Thư Thẩn. Vì vậy trong mặt cậu chàng, thế giới xung quanh nàng Việt An xinh xắn luôn ảo diệu, tràn đầy màu sắc. Để thể hiện điều này, ekip làm phim đã sử dụng hiệu ứng đồ họa ở nhiều phân cảnh phim.
Tuy nhiên sự “quá tay” của đội ngũ đồ họa khiến người xem bật cười vì các chi tiết kỹ xảo quá lòe loẹt, giả tạo. Cảnh hoa mọc theo bước chân Việt An, hóa chim bay đi hay thác nước với cầu vồng kỳ ảo bị nhận xét là “làm quá” dẫn đến sự sến sẩm thiếu tự nhiên.
3. Tạo hình vẫn còn nhiều nét quá hiện đại
Dù có đầu tư vào các chi tiết gợi nhắc thập niên 90 như sandal “bộ đội”, cặp táp, áo dài ngắn tà,… nhưng tạo hình phim vẫn bị khán giả nhận ra nhiều điểm quá hiện đại. Nữ sinh cấp 3 năm 1997 khó mà đi học với kiểu tóc xoăn xù, lông mày ngang hợp mốt, kẻ mắt tô son, đeo lens xinh xắn.
Đồng phục thể dục của trường học là áo phông trắng và quần đùi ngắn đẹp mắt – điều vốn chỉ thấy ở những trường học Nhật, Hàn, Âu – Mỹ chứ không phải ở Việt Nam những năm 90. Các học sinh còn đi sneaker sành điệu thay vì đôi giày bata trắng “huyền thoại”.
4. “Thấp thoáng bóng dáng” của nhiều bộ phim nước ngoài
Cô gái đến từ hôm qua bị phát hiện có nhiều chi tiết “quen quen”, đã xuất hiện trong các bộ phim teen nổi tiếng của Mỹ. Điển hình như đoạn Thư Thẩn tưởng tượng cảnh tán đổ Việt An bằng một màn múa hát “chất lừ” trên sân thể dục, có sự trợ giúp của đông đảo bạn bè và bị thầy giám thị đuổi “trối chết”.
Video đang HOT
Cảnh phim này giống đến 80% với cảnh phim đáng nhớ trong 10 Things I Hate About You.
Phân đoạn Thư Thẩn “mè nheo” kể khổ với 2 “quân sư quạt mo” là cậu bạn thân mọt sách và cô em gái “cool ngầu” cũng là chi tiết rất quen với các mọt phim.
Nếu ai còn băn khoăn không biết tìm hội “quân sư” này ở phim nào nữa thì có thể xem lại (500) Days of Summer.
Theo VNE
'Cô gái đến từ hôm qua': Lá thư lãng mạn gửi tuổi thanh xuân
Tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh đưa khán giả trở về quãng thời gian thanh xuân với những kỷ niệm ngọt ngào, nhưng còn một vài hạn chế đáng tiếc.
Thể loại: Tâm lý, hài hước, lãng mạn
Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh
Diễn viên chính: Ngô Kiến Huy, Miu Lê
Zing.vn đánh giá: 7/10
Điện ảnh thế giới từng chứng kiến nhiều bộ phim xuất sắc về tình cảm tuổi học trò. Hollywood có Say Anything, Pretty in Pink, 10 Things I Hate About You..., còn nhìn các nước châu Á, Nhật Bản có I Give My First Love to You, Thái Lan có A Little Thing Called Love, Đài Loan có You're the Apple of my Eye...
Điện ảnh Việt Nam hiện đại chưa có một câu chuyện thực sự xuất sắc về tình cảm học trò. Trong số hiếm hoi các tác phẩm về thời học sinh ra rạp trong mười năm qua, Dành cho tháng sáu tập trung vào tình bạn, sự trưởng thành hơn là tình yêu.
Em chưa 18, bộ phim phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé tại Việt Nam hồi đầu năm, rất hấp dẫn, nhưng quá hiện đại, khó có thể coi là "trong trẻo" hay tạo ra cảm giác liên hệ với số đông người xem.
Bộ phim Cô gái đến từ hôm qua được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Nhưng Cô gái đến từ hôm qua của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chính là một bộ phim tình cảm tuổi học trò đúng nghĩa. Được chuyển thể cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm là chuyến du hành đầy hoài niệm về thời tuổi trẻ không bao giờ còn trở lại và những rung động đầu đời rất đỗi chân thành, ngọt ngào.
Bộ phim bám khá sát nguyên tác, được kể lại qua góc nhìn của Thư (Ngô Kiến Huy) - cậu học trò lười học, mải chơi, nhưng lỡ đem lòng tương tư cô bạn Việt An (Miu Lê) xinh nhất lớp.
Bên cạnh câu chuyện chính là những ký ức của Thư về Tiểu Ly (Hà Mi), cô bé hàng xóm năm xưa lúc nào cũng theo cậu "như hình với bóng". Hồi ức và hiện tại cứ thế được kể đan xen với biết bao thương nhớ, nuối tiếc đong đầy.
Bầu không khí trong trẻo, đầy hoài niệm
Điểm mạnh nhất của Cô gái đến từ hôm qua là đã xây dựng thành công bầu không khí trong trẻo, đặc biệt gần gũi với khán giả 7X hoặc 8X. Bộ phim giúp gợi lại cả bầu trời ký ức về tuổi thơ và thuở cắp sách tới trường.
Đó có thể là kỷ niệm với cô bạn thanh mai trúc mã năm nào, người vẫn cùng ta đi học mỗi ngày, chia sẻ chung một chiếc bánh mì, thỉnh thoảng bị chính ta bắt nạt. Đó cũng có thể là lần đầu tiên ngẩn ngơ vì nụ cười của một ai đó, cũng như nỗi đau đầu tiên khi bị khước từ.
Tất cả đều là những ký ức đáng để trân trọng, nâng niu, cất giữ trong trái tim và tâm hồn, nay được khơi gợi nhờ sức mạnh của điện ảnh. Do đó, Cô gái đến từ hôm qua rất dễ lấy lòng khán giả ngay từ những khung hình đầu tiên.
Câu chuyện của Thư (Ngô Kiến Huy) và các bạn cùng lớp có thể khiến nhiều khán giả, đặc biệt là lứa 8X và 9X, nhớ tới thời cắp sách của bản thân.
Trong phim, Ngô Kiến Huy sắm vai chính và có nhiều đất diễn nhất. Anh đóng duyên và nhập vai một cách bất ngờ. Cản trở duy nhất chính là khoảng cách tuổi tác. Ngô Kiến Huy có khuôn mặt trẻ trung và tính tình hài hước, nhưng có những điều chỉ tuổi trẻ mới có thể tạo ra chứ không thể "diễn".
Đó là đôi mắt trong veo, sức trẻ bật ra từ làn da, dáng vóc, cử chỉ. Điều đó không phải là lỗi của Huy, mà là do khoảng cách giữa tuổi 30 ngoài đời và tuổi 18 trên phim. Nhược điểm ấy lộ rõ nhất khi nam diễn viên để một kiểu tóc hiện đại hơn ở cuối phim.
Nhiều người có thể so sánh Miu Lê với tác phẩm trước cũng của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là Em là bà nội của anh (2015) và cho rằng diễn xuất của người đẹp có phần đi xuống. Nhưng thực ra, ở Cô gái đến từ hôm qua, vai trò của Miu Lê hoàn toàn đổi khác.
Ở vị trí là một "nàng thơ", đối tượng thầm thương trộm nhớ của nhân vật chính Thư "thơ thẩn" trong phim, Miu Lê đã thành công. Cô có ngoại hình trẻ trung, khuôn mặt xinh đẹp và sự nhí nhảnh tự nhiên, xứng đáng là đối tượng tương tư của chàng ngốc trong phim.
Tuy nhiên, cũng vì vậy mà vai diễn của Miu Lê trở nên nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn cần thiết, chỉ là nhân vật hai chiều. Việt An thiếu cá tính, gần như trở thành "bình hoa di động" trang điểm cho phim.
Hai diễn viên nhí Minh Khang và Hà Mi là điểm sáng về diễn xuất của bộ phim.
Điểm đáng khen hơn cả về phần diễn xuất nằm ở hai diễn viên nhí sắm vai Thư và Tiểu Ly lúc nhỏ. Làm phim với trẻ em rất khó, bởi chỉ cần không khéo là sẽ bị gồng, giả, hoặc phô. Nhưng cả Minh Khang lẫn Hà Mi đều nhập vai rất "ngọt", thuyết phục người xem trong mỗi lần xuất hiện.
Trong nhóm nhân vật phụ, Jun Phạm trong vai trò "quân sư quạt mo", Hoàng Yến Chibi trong vai "kỳ đà cản mũi", Lan Phương trong vai cô giáo "mê trai đẹp", Tiểu Bảo Quốc trong vai thầy giám thị vụng về lần lượt đem lại nhiều tiếng cười cho người xem, giúp tạo ra bức tranh sinh động của thời cắp sách.
Sáng tạo nghệ thuật: Được và mất
Theo dõi Cô gái đến từ hôm qua, khán giả còn có cơ hội thưởng thức nhiều ca khúc nổi tiếng như Tình thơ, Tuổi hồng thơ ngây, Tình thôi xót xa, Người ta nói... Tất cả đều vang lên đúng lúc, gợi nên nhiều nỗi xao xuyến, và góp phần khắc họa bối cảnh thời gian cho tác phẩm.
Nhưng điểm sáng âm nhạc lớn nhất phải là Ngồi hát đỡ buồn của Trúc Nhân. Là sự kết hợp sáng tạo giữa nhạc đồng quê của Mỹ và dân ca Việt Nam, ca khúc có giai điệu và ca từ "chẳng giống ai": vừa tưng tửng, vừa phóng khoáng, lãng mạn.
Cảnh Trúc Nhân sắm vai khách mời (cameo), nằm xe bò, nghêu ngao hát dưới ánh hoàng hôn là một trong những trường đoạn ấn tượng, sáng tạo nhất của bộ phim.
Âm thanh của Cô gái đến từ hôm qua cũng rất tốt, khi từng tiếng bước chân, tiếng bút chạy trên giấy, tiếng xì xào của đám đông... giúp tạo ra một thế giới sống động.
Âm nhạc trong Cô gái đến từ hôm qua rất hay, nhưng hiệu ứng kỹ xảo thì đôi lúc lại chưa cho hiệu quả như mong muốn.
Điều gây ngạc nhiên hơn cả là bộ phim sử dụng rất nhiều kỹ xảo, đặc biệt trong một số trường đoạn tưởng tượng của Thư "thơ thẩn". Song, đáng thất vọng là cảnh cành cây hoa lá đua nở khi Việt An lần đầu xuất hiện, cảnh bướm bay với cầu vồng, hay khi Thư "hóa thành chim" chưa thực sự tốt bởi chúng phá vỡ mạch cảm xúc, gây ra cảm giác lạm dụng hiệu ứng.
Ngoài ra, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh còn chủ động học tập và "tri ân" một số tác phẩm học trò của điện ảnh thế giới. Như khán giả có thể dễ dàng nhận ra cảnh tưởng tượng ở đầu phim của Thư "được lấy cảm hứng" từ 10 Things I Hate About You khi chàng trai tìm cách bày tỏ tình cảm đầy ngẫu hứng với người đẹp.
Vấn đề là khoảng cách giữa "tri ân" và "sao chép" là rất mong manh. Sự dàn dựng của đạo diễn ở phân cảnh này hoàn toàn không khác gì cảnh nguyên bản trong bộ phim của ngôi sao đã quá cố Heath Ledger.
Bộ phim chứa đựng nhiều trường đoạn gây liên tưởng tới các tác phẩm điện ảnh quốc tế.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chắc chắn rất tâm huyết với Cô gái đến từ hôm qua, khi anh luôn chăm chút cho từng phân cảnh. Có lẽ bởi vậy mà anh chưa "mạnh tay" cắt bớt để tác phẩm trở nên ngắn gọn, súc tích hơn.
Bộ phim đôi lúc trở nên dài dòng, và có thể trở nên liền mạch hơn nếu rút ngắn khoảng 20 phút, hoặc bỏ đi mạch truyện sáng tạo không cần thiết so với nguyên tác về Chiêu Minh (Hạ Anh) và thầy giáo thể dục (Tùng Min). Câu chuyện này cũng bị xử lý khá vụng.
Tuy chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng Cô gái đến từ hôm qua vẫn thuộc nhóm "cửa trên" của điện ảnh Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Có những bộ phim để cảm, chứ không phải để soi xét bằng cái đầu quá lạnh lùng.
Do đó, chuyến du hành cảm xúc của tác phẩm nhìn chung vẫn là một thành công, bởi khán giả có thể cùng cười, khóc, nhớ và trân trọng thời thanh xuân đã qua nhờ tác phẩm.
Cô gái đến từ hôm qua chính thức khởi chiếu từ 21/7.
Theo Zing
Dù ác cảm phim Việt vẫn phải đi xem 'Cô gái đến từ hôm qua' vì 4 lý do này Bộ phim chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh đã tái hiện đời sống học đường đầy hoài niệm của thập niên 90. 1. Nguyên tác Nguyễn Nhật Ánh Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được nhiều thế hệ học trò yêu thích vì lối kể chuyện dí dỏm, nội dung gần gũi nhưng cũng nên thơ. Trước...