4 điểm check-in ở Gia Lai khiến giới trẻ ‘đứng ngồi không yên’
Qua những bức hình check-in và chia sẻ của cộng đồng mạng, Gia Lai có thể là điểm đến nằm trong kế hoạch du lịch sắp tới của bạn với những địa danh sống ảo đẹp như mơ dưới đây.
Nằm phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 Việt Nam. Nếu muốn hòa mình vào thiên nhiên núi rừng, đắm chìm trong khí hậu mát dịu với cái nắng như rót mật vàng, khám phá cuộc sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số… nơi đây là điểm đến lý tưởng và ý nghĩa bạn không nên bỏ qua.
Núi lửa Chư Đăng Ya : Từ Biển Hồ, di chuyển khoảng 20 km nữa, mình được đặt chân trên miệng của ngọn núi lửa hàng triệu năm trước. Chư Đăng Ya theo tiếng của đồng bào dân tộc J’rai ở đây có nghĩa là củ gừng dai. Trên mảnh đất rộng mênh mông, những ngôi nhà sàn rải rác hiện ra trước mắt, chìm trong màu của đất đỏ cao nguyên. Không gian yên bình, thoáng đãng, không ai nỡ rời đi.
Tàn tích của khối nham thạch phun trào hàng triệu năm trước đã để lại cho nơi đây một món quà quý giá đó là nền đất đỏ bazan màu mỡ. Trên cao nguyên lộng gió, những mầm cây lương thực như ngô, khoai, bí đỏ, dong riềng… cứ thế lớn lên, tươi tốt mùa này qua mùa khác. Nơi đây là điểm đến hoàn hảo cho những bức hình mang đậm chất vùng Tây Nguyên.
Công viên Đồng Xanh: Đến Gia Lai, bạn nên ghé thăm công viên Đồng Xanh, nơi được mênh danh là bức tranh thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên, để có cái nhìn bao quát hơn về cuộc sống của người dân nơi đây. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng các nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, check-in với những mô hình kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà dài… tuyệt đẹp.
Ngoài ra, tại đây, bạn có thể tham quan khu trưng bày tượng gỗ dân gian. 152 tượng gỗ đã được dựng lên trong khu vực công viên Đồng Xanh, nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn về đời sống sinh hoạt, nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian độc đáo và đa dạng của người Bahnar và J’rai.
Video đang HOT
Nếu đã đến đây, bạn cũng đừng vội rời đi khi chưa được chiêm ngưỡng khoảnh khắc Mặt Trời lặn. Chiều tà xuống, bầu trời Gia Lai hiện lên khung cảnh tuyệt đẹp với nhiều màu sắc huyền ảo. Những mảng màu đan xen, hòa quyện vào nhau từ nét đậm đến nhạt dần, tựa bức tranh nghệ thuật sơn dầu lãng mạn. Đây cũng là thời điểm để bạn có thể lưu vào máy những bức hình sống ảo nghìn lượt thích.
Chùa Minh Thành: Rời công viên Đồng Xanh, chùa Minh Thành là điểm đến tiếp theo bạn không nên bỏ lỡ ở Gia Lai. Nơi đây nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2 km về hướng Tây Nam, tọa lạc tại số 14 A đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú và trải rộng trên diện tích khoảng 20.000 m2. Chùa Minh Thành nổi tiếng với giới trẻ bởi khung cảnh sống ảo khiến bạn ngỡ như đang vi vu Nhật Bản.
Gần đây, chùa Minh Thành ngày càng trở thành điểm check-in thu hút những bạn trẻ đam mê xê dịch và chụp cảnh. Lối kiến trúc độc đáo, tinh tế với những vòm mái cong, cách trang trí cầu kỳ khá giống các ngôi đền thờ ở Nhật. Nơi đây hệt một cung điện thu nhỏ giữa thành phố Pleiku.
Hồ T’nưng: Rời trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7 km về hướng tây bắc, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh “hồ trên núi” tuyệt đẹp ngoài đời thực. Sở dĩ có tên gọi đó bởi T’nưng hay còn gọi Biển Hồ, Ea Nueng, là một hồ nước ngọt tự nhiên, được hình thành trên miệng núi lửa đã ngưng phun trào từ hàng trăm triệu năm trước.
Vẻ hoang sơ và trữ tình của thiên nhiên đã hớp hồn biết bao du khách khi đến nơi đây. Giữa không gian mênh mông với mặt hồ xanh trong, êm dịu, khí hậu ôn hòa, khung cảnh yên bình sẽ níu chân bạn, khó lòng rời đi.
Sáng sớm, những màn sương giăng giữa mặt hồ khiến không gian trở nên huyền ảo, hệt chốn thiên đường. Khi Mặt Trời càng lên cao, nước hồ dường như trở nên trong và xanh hơn. Hoàng hôn là khoảnh khắc lãng mạn khi khung cảnh nhuốm màu vàng đỏ của nắng chiều tà. Bởi vậy, bạn dễ dàng có một bức ảnh check-in tuyệt đẹp vào mọi lúc.
Đây là điểm check-in không thể bỏ qua cho bạn nếu có dịp ghé Gia Lai.
Gia Lai cũng là nơi có nền ẩm thực đa dạng với những món ăn truyền thống Tây Nguyên ngon tuyệt như cơm lam, rượu cần, rượu ghè, thịt rừng nướng… Nếu một lần đi qua mảnh đất này, bạn hãy dừng chân Gia Lai, chắc chắn nơi đây sẽ in dấu những kỷ niệm khó quên trong hành trình của bạn.
Theo zing
Thảm họa dưới chân Chư Đăng Ya
Không phải vô cớ, Lễ hội hoa Dã quỳ bên núi lửa Chư Đăng Ya (Gia Lai) lại được tổ chức vào dịp giữa tháng 11 năm nay (2018). Người Jrai nói, muốn nghe tiếng mùa xuân vui reo với xứ sở Pleiku, hãy đến với những ngọn núi lửa đã tắt, để ngắm những đường hoa rực rỡ. Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình mới, và mơ về những chuyện cổ tích bay trong tàn tro hoang mạc bao la, trên mảnh đất Tây Nguyên này.
Đôi mắt Pleiku
Đúng như họa sĩ Lê Hùng - Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai - giới thiệu, Biển Hồ, cách thành phố Pleiku chừng 7 cây số, về phía tây bắc, chính là một miệng núi lửa chìm. Người dân tộc Jrai gọi là Hồ Tnưng (biển trên núi).
Chu vi Biển Hồ tròn đúng bằng miệng núi lửa đã chết hàng triệu năm qua. Diện tích hình bầu dục khổng lồ này rộng tới 228 ha. Khi vào mùa mưa, mặt nước dâng lên ngập tới 400 ha, vẫn tròn vo, trong vắt. Có lẽ vì thế nhạc sĩ Nguyễn Cường say mê với vẻ đẹp bao la này.
Ông đã ví đó là đôi mắt Pleiku, với giai điệu bay bổng và rạo rực, cùng vẻ đẹp hoang sơ của các cô gái Jrai huyền bí. Đến nay người dân của thành phố không ai không thuộc những câu hát: "Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy". Cũng vào mùa này, chung quanh bờ Biển Hồ là những rặng hoa dã quỳ khoe sắc, như một đường viền màu vàng. Sắc hoa càng làm cho Biển Hồ trong xanh hơn. Những đám mây trắng cũng chết lặng đi với màu vàng như nắng bay.
Người xưa kể, Biển Hồ chỉ là dòng suối nhỏ dưới chân dãy núi, mọi người sống êm đềm, làm ăn, hạnh phúc. Ngày đêm các chàng trai cô gái hát ca, chiêng trống hòa vang khắp núi non. Lúa đầy kho. Khoai ngô đầy vựa. Mỗi buổi sáng ai ai cũng hát ca, những điệu nhạc tình yêu: "Nắng lên rồi, dòng suối nước trong. Đàn ong đi tìm hoa thơm nơi nơi. Nắng lên rồi, gọi ta lên rừng. Cùng hái rau về. Nào đi nhanh chân. Ta lên rừng cùng nhau hái măng. Cùng bắt cá trong dòng suối trong xanh. Nấu bát canh phần anh lên nương. Làm rẫy sớm chiều. Lòng em thương anh" (dân ca Jrai).
Vậy mà chỉ trong một đêm, mặt đất bỗng rung chuyển, làm sụp đổ cả bản làng xuống vực sâu, nước tràn ngập mênh mông không còn một ai sống sót. Những bản làng xung quanh thương xót da diết, bao đời nay đều coi Biển Hồ là chứng tích bi thảm khó quên. Nhưng cũng từ đó, người Jrai khắp nơi đổ về sống và làm ăn trên Biển Hồ. Biển đầy cá. Rau đầy vườn. Hoa nở khắp nơi. Mọi người lại tiếp tục bài ca lao động và tình yêu bất tận của mình trên Biển Hồ mênh mông con nước trong veo này.
Giờ đây, Biển Hồ là vựa cá cho thành phố và cũng là nguồn nước ngọt cung cấp cho hàng chục ngàn người, cùng với những đặc sản rừng xung quanh. Đây là một trong số ít hồ lớn nhất của vùng Tây Nguyên ở độ cao 800m so với mực nước biển. Không những thế, sự xáo động của con nước Biển Hồ, khi êm đềm, có lúc cuồng nộ trong gió lớn, hoặc im lặng mộng mơ đã đem lại những điều kỳ thú cho du khách.
Cùng với đó, vào mùa hoa dã quỳ vàng rực, tràn ngập nắng tạo nét bay bổng chói lòa bên bờ Biển Hồ. Những loài hoa khác cũng đua nhau khoe sắc, tạo nên một công viên văn hóa tuổi trẻ, tràn đầy sức sống. Chính vì lẽ đó Biển Hồ được ví như hòn ngọc của Pleiku. Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng về đây, sáng tác một nhạc phẩm với tựa đề "Còn một chút gì để nhớ", với hình ảnh "Pleiku má đỏ môi hồng", thì giờ đây "Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy" lại gợi sự ám ảnh đắm say cho thành phố cao nguyên này
Nóc nhà thiên nhiên
Có một ví von làm mọi người tò mò khi dạo chơi bên những ngọn núi lửa của Pleiku. Điều này, họa sĩ Lê Hùng cũng đã từng cho tôi biết rằng, có người nói nếu cẩu được ngọn núi lửa Hàm Rồng (cách thành phố chừng 10 cây số về phía nam), lật úp sẽ lắp vừa khít miệng núi lửa của Biển Hồ. Bởi lẽ miệng Biển Hồ gần với hình tròn mà chân núi lửa Hàm Rồng cũng tròn vo. Đó là một sự thách đố đầy mơ mộng.
Những chàng trai, cô gái Jrai vui mừng nhảy múa trong tiếng cồng chiêng, trống.
Nhưng ngọn núi lửa này lại gắn với truyền kỳ khác. Đó là câu chuyện tình giữa chàng trai Ralan Ly nghèo khó với nàng Hđrông, con gái một tộc trưởng giàu có, đầy quyền uy. Gia đình nàng ra sức ngăn cản. Cộng đồng người Jrai cũng khuyên giải không nên.
Nhưng hai người đã bỏ trốn. Lũ làng đã tìm đến nơi. Cuộc hỗn chiến đã xảy ra. Một mũi tên bắn trúng cô gái con của tộc trưởng. Hđrông chết trên tay người yêu. Ralan Ly bồng Hđrông đi mãi về phía chân trời cho đến khi khuỵu xuống, rồi tắt thở. Đúng chỗ này đã mọc lên ngọn núi. Người ta lấy tên cô gái gọi là núi Chư Hđrông. Loại hoa cỏ đuôi chồn màu tím tô điểm cho sắc vàng dã quỳ tạo nên bức gấm thiên nhiên rải quanh chân núi.
Đứng trên miệng núi (cao chừng 1.000m), chúng tôi sững sờ bởi những thảm rau xanh, ngô bí, khoai hình vuông hòa sắc dịu dàng dưới thung lũng trong lòng núi. Cái phễu khổng lồ ấy thật kỳ lạ, không hề có nước đọng, khác hẳn những núi lửa chìm như Biển Hồ luôn đầy ắp nước trong vắt.
Vậy mà cây xanh tốt mọc dày đặc, cùng đan xen những vạt hoa dã quỳ, tạo nên bức tranh rất hồn nhiên. Càng về cuối năm tiết trời càng hanh khô. Gió cao nguyên thổi từng đợt, xoáy quanh thung lũng lòng chảo miệng núi lửa, gợi lên âm thanh đại ngàn náo nức. Từ đây có thể nhìn thấy từ phía xa Biển Hồ, xen kẽ những cánh đồng và ngôi nhà rông, cùng vang lên âm thanh cồng chiêng vào hội mùa.
Tôi có dịp xem những tác phẩm của họa sĩ Lê Hùng vẽ về Tây Nguyên, mới hay không khí lãng mạn và rực lửa đã tràn vào sắc màu trong tranh. Nét rộn ràng mơ mộng của cây đàn Đinh Gông bên cạnh chân dung cô gái Jrai e lệ lắng nghe giai điệu "Tỏ tình" trên miệng núi lửa với tiếng gió lượn, tiếng chim hót ca rộn ràng. Như trong làn điệu dân ca cất lời đắm say: "Tiếng hót chim Rông. Lòng em càng rộn ràng. Đàn chim đẹp sao cùng hót. Hòa tiếng ngàn vang vang..." (Anh yêu thương - dân ca Jrai).
Hương núi Chư Đăng Ya
Tiếp sau đó, chặng đường của chúng tôi theo hướng đông bắc, vượt qua những cánh đồng chè, và hàng chục đèo dốc chừng ba mươi cây số, mới đến chân núi lửa Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah. Cũng giống như núi lửa Hàm Rồng, ngọn Chư Đăng Ya nhìn từ xa nom giống cái nơm úp, mây trắng bao phủ trên đỉnh. Những ngọn núi nhỏ xung quanh nhấp nhô mờ ảo như tô như vẽ.
Thu hoạch bí dưới chân núi lửa chư Đăng Ya.
Chư Đăng Ya làm chúng tôi ngạc nhiên hơn, khi thấy những em bé làng Plơi lagri cùng cha mẹ khênh những quả bí đỏ to cao hơn cả người chúng. Đó là sản phẩm mới thu hoạch từ những vườn cây trên núi lửa. Người ta nói đó là lộc trời do dòng đất dung nham đem lại. Không cần tưới tắm bón phân. Những em bé đen nhẻm nhưng lại bừng sáng với nụ cười trên môi. Chúng đón chào mọi người bằng tiếng cười khúc khích hồn nhiên. Có bé còn dẫn chúng tôi vượt qua những luống hoa dã quỳ và chỉ đường lên núi.
Chợt chúng tôi nhìn thấy một gốc cây cổ thụ đang bị cháy. Một người dân nói, cây bị sét đánh trong một đêm dông, đầy mây u ám. Mọi người đã dập tắt. Nhưng rồi cứ đêm là ngọn lửa lại cháy lên. Quả như có ma vậy. Những đống tro tàn còn dang dở trong lòng gốc cây. Con gió xoáy thổi tung tàn tro bay theo nẻo đường chúng tôi lên miệng núi lửa. Bỗng nhiên, những bông hoa dã quỳ nghiêng sang hai bên, vạch đường cho chúng tôi leo lên, từng đoạn dốc dựng đứng. Ai nấy đều thở dốc.
Những bước chân cố dấn lên phía trước. Một con đường hoa vàng nở bung như chào đón chúng tôi. Miệng núi lửa Chư Đăng Ya khác hẳn với Hàm Rồng, vì thung lũng trong lòng núi thấp hơn, mượt mà trải đều những ruộng rau ngút ngát hương thơm. Những bông hoa riềng đỏ bật sáng qua những làn mây trắng mỏng tang như tấm voan phủ lên thung lũng. Một mùi hương bay lên từ lòng núi. Ai nấy đều hít hà với niềm hân hoan tự tâm hồn bay bổng bao la.
Dân làng Plơi lagri đón lễ hội hoa dã quỳ và tô điểm thêm cho du khách bằng những điệu nhảy và bản hòa tấu cồng chiêng. Một chàng trai đang luyện ngón đàn Kní, một nhạc cụ có một không hai của người Jrai. Những âm thanh ám ảnh bởi sợi dây đàn được điều khiển từ đôi môi của người nghệ sĩ. Những bước chân chúng tôi bồng bềnh, tựa như mộng du vòng quanh miệng núi lửa, trong những âm thanh réo rắt, đầy ma quái của cây đàn Tây Nguyên.
Theo cand.com.vn
Gia Lai tưởng không có gì chơi mà cũng mê mẩn ngẩn ngơ chẳng nỡ về Tây Nguyên luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với những trái tim yêu thích du lịch, thích sổng ảo, thích khám phá. Một trong những địa điểm hấp dẫn ấy phải kể đến Gia Lai Thời điểm Khí hậu pleiku mang đặc trưng của khí hậu khu vực tây nguyên với hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô....