4 địa điểm có băng tuyết tuyệt đẹp ở Việt Nam
Từ dãy núi Hoàng Liên Sơn đến đèo Ô Quy Hồ, thác Bạc ở Sapa (Lào Cai) cho đến dãy núi Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), địa phận xã Pia Oắc (Cao Bằng), bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng băng giá, thậm chí là sờ cả tay vào tuyết trong mùa đông này.
Sapa – Lào Cai
Nằm ở độ cao 1.600m so với mặt nước biển, với nền nhiệt trung bình 15 độ C, Sapa mát mẻ quanh năm. Vào mùa đông, thành phố thường xuyên bị bao phủ bởi mây mù và lạnh, nhiệt độ thường xuống thấp từ 0-5 độ C. Nhiều năm liền, Sapa là địa danh duy nhất ở Việt Nam mà du khách có thể được tận hưởng trọn vẹn một mùa đông hàn đới với băng giá phủ trắng rặng cây, núi đồi, và tuyết trắng lãng đãng rơi như trong những câu chuyện cổ tích.
Du khách lên Sapa mùa này có thể bắt gặp băng tuyết ở nhiều khu vực xung quanh như Cổng Trời, thác Bạc, núi Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quy Hồ… Đi sâu hơn nữa vào đến địa phận xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai, du khách sẽ càng cảm nhận rõ hơn cảnh băng tuyết mê hồn người nơi đây
Mẫu Sơn – Lạng Sơn
Là vùng núi cao của tỉnh Lạng Sơn với độ cao trung bình từ 800-1000 m so với mực nước biển, Mẫu Sơn từ lâu đã trở thành một danh thắng thu hút rất nhiều khách du lịch đến nghỉ dưỡng suốt 4 mùa trong năm.
Vào mùa hè, nơi đây nổi tiếng với nền nhiệt mát mẻ, se lạnh vào sáng sớm và tối khuya. Còn khi mùa đông đến, nếu may mắn, du khách đến với Mẫu Sơn có thể được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ từ những lớp băng tuyết kỳ ảo xen lẫn giữa những hành lang, bờ rào, mái ngói của những ngôi nhà biệt thự Pháp cổ, tạo nên một khung cảnh đậm chất châu Âu tĩnh mặc và huyền bí.
Tây Côn Lĩnh – Hà Giang
“Nếu qua được Tây Côn Lĩnh, khi về bạn sẽ là người có số má trong giới phượt” là câu nói mà các “phượt tử”, những con người đam mê chinh phục thử thách vẫn truyền tai nhau về một “huyền thoại” bậc nhất ở Tây Bắc. Gọi là “huyền thoại” vì nó là cung đường hội tụ đủ những cung bậc cảm xúc cao trào, từ ấm áp, rét mướt, hồi hộp, thăng hoa đến mệt mỏi và chán nản, hy vọng và sợ hãi, và cả nhưng cơn đói, cơn khát thường trực.
Video đang HOT
Không những phải “cứng” tay trên những quãng đường trường đầy hiểm nguy với một bên là vách núi, một bên là vực sâu, trong điều kiện thời tiết nhiều khi xấu đến không tưởng, mà những ai đến Tây Côn Lĩnh còn phải đi bộ qua những quãng đường rừng không lấy gì làm dễ dàng để chinh phục điểm Bốt Đen huyền thoại. Thế nhưng nếu đã một lần đến Tây Côn Lĩnh vào mùa đông, ắt hẳn bạn sẽ không thể nào quên được cảnh rừng băng trải dài ngút ngàn trước tầm mắt. Băng phủ kín từng nhành cây, ngọn cỏ, bám chặt trên từng thân gỗ, cây tre ven đường tạo nên khung cảnh ấn tượng có một không hai.
Phia Oắc – Cao Bằng
Với độ cao 1.930m so với mặt nước biển, dãy núi Phia Oắc được coi là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng. Từ đỉnh Phia Oắc, du khách có thể thả mình chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh sắc của thị xã Cao Bằng và đắm chìm trong biển mây đẹp như thiên đường. Ngoài ra, đây còn là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh: từ Bắc Pó tới Cà Mau, và nằm trên tuyến đường dẫn tới thác Bản Giốc – một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, danh lam thắng cảnh không thể bỏ qua khi tới Cao Bằng.
Không những vậy, Phia Oắc mùa đông còn đem đến những trải nghiệm vô cùng ấn tượng cho du khách tới đây bởi rừng cây phủ trắng băng tuyết, những bức tranh sống động tạo ra từ những dòng nước nhỏ đóng băng vẫn còn treo lơ lửng nơi vách đá và những con đường cũng trở nên kỳ ảo hơn gấp bội lần.
Theo 24h
Rét đậm nhất nửa thế kỷ qua
Trong nửa thế kỷ qua, miền Bắc mới chứng kiến đợt rét đậm rét hại đầu tiên trong mùa đông lại kéo dài như hiện nay.
Trong khi đó, Nam Bộ cũng chứng kiện hiện tượng thời tiết dị thường với cơn bão vào Biển Đông sớm nhất trong 30 năm qua. Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết.
Thưa ông, là người làm trong ngành khí tượng thủy văn hàng chục năm nay, ông nhận định thế nào về đợt rét ở miền Bắc và trận bão đang hoạt động ở vùng biển phía nam Nam Bộ?
Khảo sát chuỗi số liệu của ngành khí tượng thủy văn nước ta kể từ đầu thế kỷ XX đến nay thì thấy hiện thời tiết hai miền hiện nay không những trái ngược nhau mà còn cực đoan hiếm thấy. Miền Bắc trời rét căm căm, mưa nhỏ, mưa phùn rả rích.
Vùng núi có rét hại nặng đến rất nặng. Trong khi đó, Nam Bộ tiết trời khá mát mẻ, có mưa rào và dông rải rác tuy nhiên, các tỉnh cực nam Nam Bộ lại chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 bất thường nên có mưa trên diện rộng, có nơi xuất hiện mưa vừa, mưa to.
Hà Nội trong giá rét dưới 10oC sáng 7/1 Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đợt rét năm 2008 kéo dài tới 38 ngày, nếu so sánh, đợt rét này liệu có kỷ lục bằng?
Nếu so về độ dài, đúng là đợt rét này chưa phải là kỷ lục dù nó chưa chấm dứt.
Tuy nhiên, đợt rét hiện tại có hai điều bất thường. Thứ nhất, nó là đợt rét đậm, rét hại đầu tiên ở miền Bắc mùa đông 2012-2013 xuất hiện muộn so với nhiều năm gần đây. Mọi năm, đợt rét đậm rét hại đầu tiên thường xuất hiện trước hoặc sau Giáng sinh, một đôi ngày.
Thứ hai, không những thế, nó lại rét kéo dài, xô đổ các kỷ lục cũ trong vòng nửa thế kỷ qua. Rét đậm bắt đầu từ ngày 30/12/2012 đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Nhiệt độ vùng đồng bằng và ven biển hạ thấp nhanh, đạt mức rét hại. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm nhỏ, chỉ dao động trong khoảng 4-5 độ C. Trời rét liên tục, có ngày quá rét, buộc học sinh tiểu học nhiều tỉnh thành miền Bắc phải nghỉ học.
Nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được trong đợt rét này tại vùng đồng bằng Bắc Bộ là ở thị xã Hà Nam 8,9 độ C thủ đô Hà Nội xuống tới 8,7 độ C. Thành phố Nam Định thấp 8,5 độ C. Tất cả đều xảy ra ngày 6/1.
Các khu vực núi cao nhiệt độ xuống rất thấp. Núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) giảm còn 0,1 độ C vào ngày 31/12/2012 và 6/1/2013. Trùng Khánh (Cao Bằng) 2 độ C vào ngày 31/12, Sa Pa (Lào Cai) thấp nhất, 0 độ C vào ngày 31/12. Đây là mức giảm nhiệt thấp nhất tính từ tiết đông chí đến nay ở miền Bắc nước ta.
Đặc biệt, một số địa phương vùng núi cao huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), Lộc Bình (Lạng Sơn) đã xuất hiện băng giá với cường độ từ nhẹ đến trung bình. Sa Pa có băng giá cường độ nặng nhất, kéo dài ba ngày liền, từ 30/12/2012 đến mùng 1/1/2013.
Như vậy, sau đúng 52 năm, Bắc Bộ mới lại xảy ra đợt rét đậm đầu tiên khốc liệt và kéo dài như đợt rét hiện đang diễn ra. Trước đó, mùa đông 1961-1962 miền Bắc đón đợt rét đậm, rét hại đầu tiên kéo dài đúng 13 ngày. Bắt đầu vào ngày 29/12/1961, chấm dứt ngày 11/2/1962.
Rét thế này sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại của các tỉnh miền núi phía Bắc thế nào, thưa ông?
Tại vùng núi các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai trời rét sâu, kèm theo sương mù dày đặc. Có buổi sương mù mờ mịt giăng kín trời, đứng cách nhau 5m không nhìn rõ mặt người. Các phương tiện khi tham gia giao thông phải bật đèn vàng để nhận biết nhau.
Bão dị thường sau 30 năm
Du khách dưới xuôi "thưởng thức" rét ở Ô Quý Hồ (Lào Cai). Ảnh: Lưu Minh Hải.
Cũng ngay từ những ngày đầu năm 2013, Biển Đông đã đón cơn bão đầu tiên trong năm. Vì sao ông nhận định cơn bão số 1 (bão Sonamu) này cũng bất thường?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của cơn bão này, trong hai ngày tới, vùng biển phía nam khu vực Bình Thuận - Cà Mau vẫn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Hình thành từ một vùng áp thấp ở vùng biển ngoài khơi miền nam Philippines, ngày 2/1, khi đổ bộ vào Philippines, vùng thấp trên đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Sau khi quét qua khu vực đảo miền nam Philippines, đi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Với quỹ đạo hướng về quần đảo Trường Sa (Việt Nam) và vùng biển các tỉnh cực nam Nam Bộ, lâu lắm bão mới gây mưa to và gió mạnh cho khu vực quần đảo Trường Sa, vùng biển cực nam Nam Bộ vào khoảng thời gian này.
Đây là một cơn bão xuất hiện bất thường về thời gian trong ít nhất ba chục năm gần đây. Thông thường, tại Nam Bộ, nếu bão xuất hiện sớm là vào tháng 2 những năm sớm hơn là vào cuối tháng 1. Nhưng bão Sonamu lại xuất hiện quá sớm. Đây thực sự là một sự dị thường của thời tiết trên Biển Đông đầu năm 2013.
Cám ơn ông!
Chưa có hiện tượng trâu, bò chết rét
Hà Nội - Trao đổi, hôm qua, 7/1, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Kim Giao cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa thấy các địa phương báo cáo về hiện tượng trâu bò chết đói rét. Hiện Cục đã cử các đoàn công tác đi các tỉnh miền núi phía Bắc để đốc thúc việc này. Phạm Anh
Mai, miền Bắc giảm 2-3 độ C
Hà Nội - Gió mùa đông bắc lại tăng cường khiến miền Bắc rét sâu hơn, nhiệt độ giảm 2-3 độ C, trong khi vùng núi cao có thể tái xuất hiện băng tuyết, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Trong khi rét đậm chưa giảm được bao nhiêu thì một khối không khí lạnh nữa đang trên đường tiến xuống nước ta. Dự báo, khoảng gần sáng 9/1, đợt gió mùa đông bắc này sẽ tràn xuống phía đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ, phía tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Các tỉnh miền Bắc nhiệt độ giảm khoảng 2-3oC, vùng núi có nơi tới 4-5oC trời rét đậm, rét hại sâu hơn. TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTVT.Ư, nhận định vùng núi cao Hoàng Liên Sơn và Mẫu Sơn có thể xuất hiện băng tuyết vào đêm 9/1 và sáng 10/1.
Theo 24h
Trung Quốc lạnh nhất trong 28 năm Nhiệt độ trung bình của Trung Quốc mùa đông này hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 28 năm qua, băng tuyết khiến hệ thống giao thông bị đình trệ. Một công nhân phá băng trên mặt sông Fenhe, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: People's daily Cơ quan Khí tượng Trung Quốc hôm 4/1 công bố các số...