4 câu hỏi về Triều Tiên khiến Trump ‘đau đầu nhức óc’
Cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, để đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh, thì chính quyền Trump phải trả lời 4 câu hỏi lớn dưới đây.
Thứ nhất, Triều Tiên nằm ở đâu trong danh sách các ưu tiên của Mỹ? Từ trước tới nay, Triều Tiên luôn bị xem là mối đe dọa đối với Mỹ, song mức độ quan tâm của Washington có ít nhiều khác biệt dưới từng đời tổng thống Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, vấn đề Triều Tiên được xem là trọng tâm khi Mỹ và nước này ký được thỏa thuận khung năm 1994 trong đó yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các hoạt động xây dựng lò phản ứng hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực và tiến đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên sau đó thỏa thuận này đã bị phá vỡ.
Đến thời Tổng thống G. Bush, sau cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11.9.2001, Washington tạm bỏ qua Triều Tiên để chuyển trọng tâm sang cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông trong suốt 8 năm.
Video đang HOT
Cho đến khi Tổng thống Obama bước vào Nhà Trắng, mặc dù vấn đề Triều Tiên được đề cập nhiều hơn nhưng những mối bận tâm về Nga, Trung Đông và chính sách tái cân bằng sang châu Á đã khiến ông chủ Nhà Trắng sao nhãng vấn đề Triều Tiên.
Theo đó, trả lời câu hỏi Triều Tiên nằm ở đâu trong danh sách các ưu tiên của Mỹ sẽ giúp chính quyền ông Trump xác định được vị trí của Triều Tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ và tập trung giải quyết.
Thứ hai, nếu Mỹ thực sự xem Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại thì liệu chính quyền ông Trump có sẵn sàng chấp nhận “làm đau” mối quan hệ với Trung Quốc để trừng phạt Triều Tiên hay không?
Trung Quốc là đối tác quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Nếu muốn trừng phạt Bình Nhưỡng thì nhất định phải đòi hỏi những hành động từ phía Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trừng phạt Triều Tiên là một điều mà Trung Quốc luôn cân nhắc kĩ lưỡng bởi một đòn trừng phạt mạnh tay cũng có thể khiến Trung Quốc “tự đâm vào tay mình”.
Chính vì thế, mặc dù các vị tổng thống Mỹ trước đó thường tìm cách thúc giục Trung Quốc “ra tay” với Triều Tiên nhưng những hành động của Bắc Kinh chưa đủ mạnh để khiến Mỹ hài lòng.
Tuy nhiên, đến nay Tổng thống Donald Trump đã thể hiện một điểm rất khác bằng một tuyên bố cứng rắn “nếu Trung Quốc không giải quyết Triều Tiên, chúng tôi sẽ làm”.
Theo nhận định của ông Anthony Ruggiero, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ thì “nếu ông Trump sẵn sàng bỏ qua Trung Quốc, đồng minh chính và là đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, ông sẽ phải tìm cách xử lý Triều Tiên hoàn toàn khác”.
Thứ ba, nếu cần thiết, chính quyền Mỹ có sẵn sàng sử dụng vũ lực để phá hủy hay ít nhất là làm suy yếu khả năng hạt nhân của Triều Tiên hay không?
Sử dụng vũ lực luôn là phương án cuối cùng mà Mỹ tính đến. Nhưng nếu mọi biện pháp thất bại và trong bối cảnh Triều Tiên đang tiến gần đến khả năng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thì liệu chính quyền của Tổng thống Trump sẽ ứng phó thế nào?
Nếu không sử dụng vũ lực thì có thể dẫn tới việc Triều Tiên sẽ gây ra mối đe dọa cho Mỹ. Trong khi đó, sử dụng vũ lực có thể dẫn tới một cuộc tấn công đáp trả nghiêm trọng từ phía Bình Nhưỡng khi Triều Tiên có thể tấn công vào Hàn Quốc và các căn cứ của Mỹ.
Vì thế, khả năng sử dụng vũ lực để chống lại Triều Tiên là vấn đề mà chính quyền Trump buộc phải suy nghĩ thận trọng.
Cuối cùng, chính quyền Tổng thống Trump có sẵn sàng gửi một phái viên đặc biệt đến thảo luận với Bình Nhưỡng mà không có một điều kiện tiên quyết?
Ý tưởng tổ chức một cuộc đàm phán độc lập trực tiếp với Triều Tiên là một điều cực kỳ khó bởi với phương diện của Mỹ và Triều Tiên, ý tưởng này chưa bao diễn ra.
Tuy nhiên, nếu có thể thực hiện ý tưởng này này thì đó có thể là bước đi duy nhất thể hiện sự tiến bộ trong việc đàm phán với Triều Tiên.
Theo Danviet