4 câu hỏi về thuốc phòng ngừa HIV đầu tiên
Thuốc sử dụng cho những người khoẻ mạnh, không bị nhiễm bệnh nhưng có nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
1. Ai có thể sử dụng Truvada?
Truvada được sử dụng cho những người khoẻ mạnh, chưa nhiễm bệnh nhưng có nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Nhóm người này bao gồm các lao động tình dục và những người có bạn tình nhiễm HIV hoặc thường xuyên tiếp xúc với những nhân tố mang nguy cơ lây nhiễm cao.
2. Truvada hiệu quả như thế nào?
Gần 2.500 người đồng tính nam khoẻ mạnh ở 6 quốc gia đã uống Truvada hàng ngày và được tư vấn sử dụng các biện pháp tình dục an toàn. Nhờ vậy, nguy cơ lây nhiễm của họ đã giảm xuống 44% so với những người chỉ dùng giả dược.
Những đối tượng sử dụng thuốc một cách chặt chẽ hơn thì tác dụng càng cao. Nguy cơ lây nhiễm HIV ở họ giảm tới 73%.
Truvada, thuốc phòng chống HIV.
Video đang HOT
Theo một nghiên cứu khác của Đại học Washington, nguy cơ lây truyền virus HIV sang bạn tình giảm tới 73% mặc dù trong cặp đôi, một người nhiễm HIV, một người không.
3. Truvada có chữa khỏi được AIDS không?
Không. Loại thuốc này có thể được sử dụng để điều trị các bệnh nhân nhiễm HIV bởi nó có thể làm giảm lượng virus trong cơ thể họ và làm chậm quá trình phát triển của bệnh.
Đối với những người khoẻ mạnh, chưa nhiễm bệnh, Truvada có thể cản trở virus HIV tấn công các tế bào khoẻ mạnh bằng cách ngăn chặn hoạt động của enzyme có chức năng sao chép virus.
4. Vì sao Truvada gây tranh cãi?
Nhiều chuyên gia tin rằng những người khoẻ mạnh không uống thuốc đúng liều, đúng cách. Để đạt được hiệu quả, loại thuốc này nên được sử dụng hàng ngày. Nếu không, virus HIV có thể sẽ trở nên kháng thuốc.
Các nhân viên y tế cộng đồng lo ngại rằng mọi người sẽ không phòng bị cho bản thân vì tin rằng Truvada có thể bảo vệ họ khỏi HIV.
Những người sử dụng Truvada nên thường xuyên đi kiểm tra HIV, sử dụng bao cao su khi quan hệ và tham gia tư vấn.
Theo VNN
2.400 phụ nữ Việt chết vì virus HPV mỗi năm
Việt Nam có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung mỗi ngày hơn 5.100 trường hợp mắc mới và khoảng 2.400 người chết vì căn bệnh này hàng năm. Virus HPV lây qua đường tình dục cũng gây ra hàng loạt các bệnh ung thư khác.
Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung thuyết trình tại hội thảo.
Dễ lây nhiễm hơn HIV
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh gây chết người thứ 2 trong các loại ung thư mà phụ nữ mắc phải.
Đặc biệt, UTCTC thường xuất hiện ở phụ nữ từ 35 đến 60 tuổi. Đây là bệnh khó nhận biết do không gây đau và không có những dấu hiệu khác lạ.
Tại Việt Nam, ước tính, cứ 100 nghìn phụ nữ thì có 20 người mắc bệnh và 11 trường hợp tử vong. TS Lê Quang Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho biết, nhiều người lầm tưởng virus HPV gây nên UTCTC là chính, nên nam giới không quan tâm.
Thực tế, các quý ông cũng có nguy cơ vướng HPV, biểu hiện cụ thể là mụn cóc sinh dục, đa bướu gai hô hấp tái diễn và ung thư dương vật. Trong đó, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng (lưỡi, amiđan, họng và khẩu cái mềm) là vấn đề cấp thiết mà nam giới cần quan tâm.
Tại hội thảo Cập nhật thông tin liên quan đến an toàn tiêm chủng và HPV vaccine diễn ra gần đây tại Nha Trang, TS Thanh cho hay, theo thống kê mới nhất tại Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm, bệnh viện này có 560 ca UTCTC mắc mới, trong đó lứa tuổi sinh sản chiếm phần lớn.
Các xét nghiệm gần đây, cho thấy, HPV có mặt trong 99,7% trường hợp UTCTC. HPV dễ lây nhiễm hơn cả HIV, bởi ngoài lây truyền qua đường tình dục, virus này nhiễm trực tiếp qua da trong những trường hợp dùng chung quần áo, dụng cụ cắt móng tay...
Tại Việt Nam, mỗi ngày có 17 phụ nữ được chẩn đoán UTCTC và 9 người chết vì căn bệnh này, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Giảng viên bộ môn Sản, ĐH Y dược TPHCM, cho biết.
Xét nghiệm để ngừa bệnh
Th.S, BS Huỳnh Xuân Nghiêm, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), cho hay các nhà khoa học đã chứng minh, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục sẽ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời.
Đa số bệnh sẽ tự hết, nhưng một số tiếp tục tiến triển và trở thành UTCTC, ung thư âm hộ hoặc ung thư âm đạo. Một vấn đề quan trọng là không ai có thể biết mình sẽ sạch nhiễm hay tiếp tục âm thầm tiến triển thành ung thư.
Điều đó cho thấy, tiêm ngừa là việc mỗi người cần làm và nên làm sớm. Có những yếu tố tạo thuận lợi cho tiến triển UTCTC từ nhiễm HPV như sinh con nhiều, giao hợp sớm, nhiều bạn tình, hút thuốc lá...
ThS, BS Trần Đặng Ngọc Linh, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết xét nghiệm PAP (phết tế bào âm đạo cổ tử cung) là xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền, không gây tác động trên người được làm, dễ áp dụng đại trà.
Đã có 2 loại vaccine được công nhận và cho phép sử dụng đại trà trên người. Những theo dõi trên người sử dụng các vaccine này đã qua năm thứ 4 và cho thấy nồng độ kháng thể vẫn còn có hiệu quả bảo vệ với các nhóm HPV tương ứng.
Vaccine phòng UTCTC trên thị trường Việt Nam có 2 loại: Loại Gardasil bao gồm HPV 16, 18 (gây UTCTC) và HPV 6,11 (gây mụn cóc, sùi mào gà) ở bộ phận sinh dục cả nam và nữ. Vaccine này có giá là 1.250.000 đồng/lần tiêm (mỗi người cần tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng). Loại Cervarix ngừa HPV 16 và 18 với giá là 750.000 đồng/lần tiêm (tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng). PGS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết Việt Nam đang xem xét đưa vaccine này vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thái Hà
Theo thanhnien.vn
Biện pháp đơn giản phòng tránh bệnh tình dục? Nhiều người có quan niệm sai lầm cho rằng bản thân không có nguy cơ mắc bệnh tình dục vì đã có những thao tác phòng tránh bệnh rất "hoàn hảo". Hiện nay, các bệnh tình dục đang trở nên rất phổ biến và có khả năng lây nhiễm rất cao mà bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu đã...