4 cái chết dở khóc, dở cười nhất lịch sử
Hầu hết các vĩ nhân trong lịch sử đều quan tâm và cố gắng chết sao cho đẹp đẽ, nhưng không phải ai cũng tính trước được cái kết của mình.
Mặc dù bất bại trên các chiến trường, Vua Pyrros chết vì… trúng gạch của một bà mẹ.
Hầu hết các vĩ nhân trong lịch sử đều quan tâm và cố gắng chết sao cho đẹp đẽ, nhưng không phải ai cũng tính trước được cái kết của mình. Dưới đây là 4 trường hợp vừa bi vừa hài, khiến hậu thế không biết nên tỏ thái độ thế nào.
Pyrros xứ Epirus
Pyrros (319 – 272 trước Công nguyên, TCN) là nhà quân sự, chính trị Hy Lạp lừng danh, cai trị Vương quốc Epirus từ năm 302 – 272 TCN. Mới tuổi thanh niên, Pyrros đã là tướng tài, chỉ huy và chiến đấu trong cuộc chiến Diadochi. Năm 21 tuổi, Pyrros thành công cướp ngai vàng của Vua Cassander (355 – 297 TCN), Vương quốc Macedonia.
Suốt thời trai trẻ, Pyrros “đánh Đông dẹp Bắc”, nổi tiếng là kẻ thù mạnh nhất của Đế chế La Mã. Năm 275 TCN, sau khi mất mát quá nhiều nhân lực và tiền bạc trong cuộc chiến với La Mã, ông quyết định xâm lược các nước láng giềng để cướp tài nguyên. Không may cho Pyrros, sau khi thuận lợi chiếm được Vương quốc Macedonia của Vua Antigonus Gonatas, ông vấp phải sự kháng cự quyết liệt của người Sparta. Nhiều quân sĩ và thậm chí cả con trai của ông là Ptolemy đã tử trận.
Đúng lúc này, Pyrros lại nhận được thỉnh cầu giải quyết vụ tranh chấp dân sự trong Thành Argos. Nửa đêm, Pyrros cho lính đánh thuê Celtic âm thầm lẻn vào thành Argos nhưng thất bại. Tiếng chuông báo động vang khắp nơi, lực lượng quân sự của thành nhanh chóng triển khai phòng thủ, buộc Pyrros phải rút quân lúc bình minh.
Phương tiện của Pyrros là voi chiến. Trong lúc ông rút quân, một con voi đã ngã xuống chắn ngang cổng thành, cản đường quân sĩ. Con voi do chính Pyrros cưỡi bị hoảng sợ, bất chấp hiệu lệnh của ông mà chạy loạn. Một lính phòng thủ của thành Argos đã nhanh tay, đâm trúng Pyrros.
Cú đâm không gây tử vong, Pyrros cũng lập tức quay sang hạ thủ người này, nhưng toàn bộ hành động của ông đã bị mẹ của người lính tận mắt chứng kiến. Thấy con bị giết, bà cuồng nộ bê một cục gạch lên bằng cả 2 tay, ném thẳng vào gáy ông. Pyrros ngã xuống, bất tỉnh và khi ông tỉnh lại, trước mắt đã là lưỡi gươm chém xuống từ một người lính thủ thành khác, chặt đứt đầu.
Mithridates Đệ lục
Mithradates Đệ lục khổ sở tập ăn độc để sống, nhưng cuối cùng lại nuốt độc để chết.
Mithradates VI (134 – 63 TCN) hay còn được biết đến là Mithradates Vĩ đại là vua xứ Pontos (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Ông mang 2 dòng máu, Hy Lạp và Ba Tư, cai trị Vương quốc Pontos từ năm 120 – 63 TCN.
Triều đại của Mithradates VI bắt đầu sau khi phụ vương của ông, Mithradates V đột ngột băng hà vì bị đầu độc. Ngay từ đầu, Mithradates VI đã biết, mẫu hậu của mình chính là người ra tay và luôn chìm trong nỗi sợ hãi sẽ là nạn nhân tiếp theo. Vì thế, ông cố ý để cơ thể quen dần, trở nên miễn nhiễm với mọi loại chất độc.
Năm 113 TCN, Mithradates VI thành công tống cổ cả mẫu hậu lẫn hoàng đệ vào tù, hoàn toàn thoát khỏi nỗi sợ bị thân nhân đầu độc. Suốt 25 năm kế tiếp, ông mở mang bờ cõi, kết bang giao, đưa Pontos lên thành vương quốc lớn mạnh.
Sự phát triển của Pontos khiến các nước xung quanh lo ngại. Năm 88 TCN, Mithradates VI lại ra tay sát hại 80 nghìn công dân La Mã trên lãnh thổ của mình, khiến Chiến tranh Mithridatic giữa Pontos và La Mã nổ ra.
Chiến tranh Mithridatic kéo dài hơn 20 năm, Mithradates VI liên tiếp thất bại trên cả mặt chiến sự lẫn ngoại giao. Sau trận đại bại tại Thung lũng Lycus vào năm 66 TCN, ông phải chạy trốn đến Crimea.
Thời gian ở Crimea, Mithradates VI toan tính tập hợp lực lượng, quay về chiếm lại lãnh thổ và xâm lược La Mã. Tuy nhiên, chính sách cai trị hà khắc của ông khiến giới quý tộc dưới quyền nổi loạn. Sợ bị giết, Mithradates VI tự sát bằng… thuốc độc.
Tần Thủy Hoàng
Khát khao bất tử, Tần Thủy Hoàng uống cả thủy ngân và băng hà.
Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN) là người sáng lập triều đại nhà Tần, không chỉ nổi danh là vị vua thống nhất Trung Quốc, mà còn là người hoàn thiện Vạn Lý Trường Thành. Theo tư liệu lịch sử, Tần Thủy Hoàng lên ngôi vào năm 246 TCN. Kể từ khi trở thành vua, ông thường xuyên phải đối mặt với đe dọa ám sát, lật đổ…
Đối với những kẻ có âm mưu ám toán hoặc làm phản, Tần Thủy Hoàng trừng phạt rất dã man. Năm 238 TCN, Trường Tín hầu Lao Ái (259 – 238 TCN) nổi dậy. Sau khi bắt được ông ta, Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh ngũ mã phanh thây. Một sát thủ khác vốn là nhạc sĩ tài ba, ám sát Tần Thủy Hoàng thất bại thì bị móc mắt thay vì tử hình, chỉ bởi nhà vua “không muốn lãng phí nhân tài”.
Càng quyền lực, Tần Thủy Hoàng càng… sợ chết. Ông khát khao được bất tử và điên cuồng săn lùng, chế tạo thuốc trường sinh. Năm 211 TCN, Trung Quốc bị một thiên thạch rơi trúng. Dân gian đồn đãi, tuổi thọ của Tần Thủy Hoàng đã cạn và nhà Tần cũng sẽ sớm chia năm xẻ bảy. Đúng lúc này, Tần Thủy Hoàng lại bị ốm. Quá nóng vội, ông uống luôn bát “thuốc trường sinh” được pha chế bằng… thủy ngân (chất kịch độc).
Chrysippus
Chỉ vì nhìn thấy con lừa ăn quả sung, triết gia có ảnh hưởng của Hy Lạp cổ đại – Chrysippus cười đến chết.
Chrysippus (279 – 206 TCN) là triết gia Hy Lạp có ảnh hưởng, người khơi dậy chủ nghĩa khắc kỷ. Ông chào đời ở Soli (nay là Mezitli, Thổ Nhĩ Kỳ), vì gia đình bị giai cấp thống trị chiếm đoạt hết tài sản mà lưu lạc tới Athens.
Tại Athens, Chrysippus học tập ở Học viện Platon và trở thành học giả. Sự nghiệp nghiên cứu triết học của ông rất đồ sộ, với 700 tác phẩm và logic tam đoạn luận. Tương truyền, mỗi ngày Chrysippus đều viết không dưới 500 dòng. Ông được thế giới học giả đương thời vô cùng kính trọng, tôn vinh là triết gia vĩ đại nhất.
Năm 206 TCN, Hy Lạp tổ chức Thế vận hội lần thứ 143.
Chrysippus đang 73 tuổi, tham dự Thế vận hội và nhất quyết chỉ uống rượu nguyên chất. (Người Hy Lạp luôn uống rượu được pha loãng với nước, tin rằng đây mới là cách uống của người có văn hóa). Trong lúc say quắc cần câu, Chrysippus vô tình nhìn thấy một con lừa đang ăn quả sung.
Chẳng hiểu vì sao, ông cười ré lên và tiếp tục ôm bụng cười ngặt nghẽo. Vừa cười, Chrysippus vừa gọi to, “Ai đó hãy cho con lừa này ít rượu để nó rửa sung đi”. Và, đây chính là lời nói cuối cùng của nhà triết học này. Ông chết vì cười quá độ.
Theo thecollector
Thiên An
Bí ẩn đằng sau những chiếc áo giáp đá trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Một cuộc nghiên cứu mới đã hé lộ những bí mật kỳ diệu từ quá khứ huyền bí của Trung Hoa thời Tần Thủy Hoàng, khi mà những bàn tay tài hoa của người xưa đã mở ra xưởng chế tạo áo giáp đá với kích thước tựa như người thật, gửi thông điệp của sự bền vững và tinh thần thời đại.
Giáo sư Xuewei Zhang, một nhà nghiên cứu ưu tú đang công tác tại Phòng thí nghiệm Khảo cổ Sinh học thuộc Đại học Cát Lâm cùng với những đồng đội tài năng, đã tiến hành một cuộc hành trình kỳ diệu khám phá chi tiết độc đáo về những bộ áo giáp đá vô cùng đặc biệt. Những tác phẩm nghệ thuật này đã được khám phá trong những vùng lân cận lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng, và chi tiết về cuộc khám phá này đã được công bố trên chuyên trang khoa học danh tiếng, Science Direct.
Vào năm 1998, những nhà khảo cổ Trung Quốc đã gửi đến thế giới một phát hiện vĩ đại - những mảnh áo giáp đá to lớn, có kích thước chính xác như dành người thật, được khám phá trong hố K9801, tại lăng mộ vĩ đại của vị hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Những tác phẩm này, với tuổi đời đã hơn hai ngàn năm, được tạo nên từ 600 viên đá vôi, đã được kết nối một cách tinh tế bằng dây đồng, tất cả đều là kết quả của sự khéo léo từng milimet.
Áo giáp đá trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Ancient Origins.
Vào năm 2019, một đội ngũ chuyên gia tại Viện Khảo cổ Thiểm Tây đã đột phá một bí mật lớn tại khu khảo cổ Liujiagou, thuộc kinh đô trước kia của nhà Tần - thành phố Hàm Dương. Ở nơi này, họ đã khám phá đến 32.392 hiện vật kỳ diệu, là những mảnh ghép quý báu trong câu chuyện tài hoa của dân tộc.
Càng đi sâu vào nghiên cứu, những chuyên gia khảo cổ đã phát hiện ra hàng loạt áo giáp đá và công cụ chế tạo, số lượng thậm chí lớn hơn cả những gì được tiết lộ bên trong lăng mộ vĩ đại Tần Thủy Hoàng. Nhìn chằm chằm vào từng chi tiết, ta không thể không thán phục tinh thần tỉ mỉ, sự cẩn trọng không tưởng mà người xưa đã đổ vào việc tạo nên những bức tượng sống động này - từ việc đánh bóng tinh xảo từng bề mặt đá, cho đến việc điêu khắc cẩn thận các góc cạnh, với độ hoàn thiện vô cùng cao.
Trang Ancient Origins đã đăng tải thông tin đầy thú vị về cuộc nghiên cứu đột phá của giáo sư Xuewei Zhang, tập trung vào quá trình sản xuất những kiệt tác áo giáp đá này. Mỗi bộ áo giáp đá đều gồm mảnh phía trước và phía sau, cùng với những mảnh che vai và bảo vệ đùi, tất cả chúng được chế tạo từ loại đá vôi chất lượng cao, với số lượng mối nối đơn giản nhưng tinh tế.
Nón của áo giáp. Ảnh: Ancient Origins.
Các chuyên gia đã nhận thấy rằng, quá trình sản xuất áo giáp đá này có những nét tương đồng đáng kinh ngạc với quá trình sản xuất áo giáp da, khi cùng sử dụng phương pháp đúc khuôn. Nguyên liệu thô không thể tìm thấy ở địa phương, mà chúng đã được nhập khẩu từ những vùng đất xa xôi.
Kết luận của nhóm nhà nghiên cứu đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng: khu vực khảo cổ năm 2019 trở thành một "xưởng chế tạo áo giáp đá quan trọng thời kỳ Tần Thủy Hoàng". Nhưng bất chấp tầm quan trọng, không thể không nhắc đến rằng, mẫu áo giáp này không thích hợp cho việc sử dụng thực tế, vì không mang lại sự bảo vệ hiệu quả và dễ dàng hư hỏng trong các tình huống va chạm.
Nhóm nghiên cứu cũng đã nêu rõ, rằng những bộ áo giáp đá này đã được sáng tạo với mục đích bảo quản những đồ vật tùy táng, với khả năng tồn tại vượt thời gian, kéo dài hơn nhiều so với những áo giáp da thông thường.
Có thể nhận thấy rằng, cách đây hơn hai ngàn năm tại Trung Quốc, áo giáp đá đã được chế tạo với mục đích hàng đầu phục vụ tang lễ, không chỉ về kiểu dáng mà cả về kích thước. Điều này bền chắc thể hiện trong tập tục chôn cất xa xưa của người dân thời đại này, khi họ không ngần ngại để lại cả những áo giáp đá, vũ khí và công cụ quân sự, như một biểu tượng tôn kính đối với người đã từ giã cuộc sống này. Tất cả những điều này đã được thể hiện rõ ràng nhất trong ngôi mộ tưởng nhớ vị hoàng đế vĩ đại - Tần Thủy Hoàng.
Những cái chết bí ẩn của các vị hoàng đế Trung Quốc xưa Nguyên nhân dẫn tới cái chết của những vị vua này cho tới nay vẫn là một câu hỏi lớn hậu thế. 1. Tần Thủy Hoàng chết do nắng nóng Tần Thủy Hoàng, người đã gắn liền tên tuổi với Vạn Lý Trường Thành và việc thống nhất Trung Quốc. Nhưng đằng sau thành công rực rỡ ấy là một cuộc hành trình...