4 cách dùng Zoom an toàn
Người dùng nên cập nhập phần mềm, sử dụng mật khẩu và mở rộng các cài đặt cho phép quản lý người tham gia.
Do ảnh hưởng của Covid-19, ngày càng nhiều người sử dụng ứng dụng này để học tập, làm việc tại nhà. Zoom tuyên bố họ đã cán mốc 200 triệu người dùng thường xuyên trong tháng 3.
Lợi thế của Zoom so với các đối thủ là gọn nhẹ, dễ sử dụng, cho phép hàng trăm người gọi video cùng lúc và miễn phí. Lượng người dùng tăng đột biến cũng mang đến cho Zoom nhiều rủi ro về bảo mật, quyền riêng tư của người dùng. Các cuộc gọi trên nền tảng này trở thành mục tiêu tấn công mới có tên “ Zoom bombing” (dội bom Zoom). Kẻ xâm nhập sẽ bất ngờ tham gia cuộc họp, lớp học trực tuyến để phá đám, truyền bá nội dung phản cảm.
Ở Việt Nam, nhiều học sinh đang lợi dụng lỗ hổng trong bảo mật của Zoom để “mời” người lạ vào phá lớp học trực tuyến. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều giáo viên chưa cài đặt và sử dụng ứng dụng đúng cách.
Dưới đây là bốn lưu ý giúp sử dụng Zoom an toàn.
Luôn cập nhật phiên bản mới nhất
Sau nhiều sự cố về bảo mật, Zoom đã có bản cập nhật mới. Phiên bản mới không chỉ bổ sung tính năng mới mà còn vá các lỗ hổng về bảo mật như nghe lén hoặc gửi dữ liệu cho bên thứ ba. Những người dùng phiên bản cũ thường là đối tượng được tin tặc nhắm tới nhiều hơn cả.
Khi có bản cập nhật mới, Zoom sẽ thông báo cho người dùng khi mở ứng dụng. Bạn cũng có thể kiểm tra trong cửa hàng CH Play hoặc App Store. Việc cập nhật cũng đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian và thao tác của người dùng.
Sử dụng mật khẩu mạnh
Với mỗi cuộc gọi, Zoom sẽ tạo ra một địa chỉ gồm 9-11 ký tự là các số ngẫu nhiên. Theo các chuyên gia bảo mật của VSEC (công ty An ninh mạng Việt Nam), với hình thức tấn công Brute Force, tin tặc có thể dò được địa chỉ một cách dễ dàng và tham gia vào cuộc họp mà “host” không biết. Việc tấn công này xảy ra trong trường hợp cuộc gọi không cài đặt mật khẩu.
Để tránh các sự cố ở trên, người dùng Zoom nên đặt mật khẩu cho từng cuộc họp. Để đặt mật khẩu, người dùng vào Meetings, chọn Edit, click chuột vào phần Password và đặt mật khẩu. Mật khẩu mạnh bao gồm cả chữ in hoa, chữ thường, chữ số và ký tự đặc biệt. Sau khi tạo mật khẩu xong, người dùng chỉ cần bấm Save ở cuối góc phải là xong.
Kích hoạt tính năng “Waiting room”
Một trong những lý do khiến người dùng Zoom bị làm phiền bởi người lạ là “host” không cài đặt các tính năng cho phép kiểm soát người ra vào cuộc gọi. Trong thiết lập mặc định, ứng dụng chỉ kích hoạt tính năng ghi lại cuộc gọi.
Để kích hoạt tính năng phòng chờ, người dùng chỉ cần vào Meetings, chọn Edit, mở rộng phần cài đặt ở Advanced options và chọn từng mục: Enable Waiting Room (Chỉ khi chủ phòng đồng ý thì thì tài khoản mới được vào cuộc gọi); Enable join before host (Tham gia cuộc gọi trước chủ phòng); Mute participants on entry (Chủ phòng có quyền tắt micro của thành viên); Automatically record meeting on the local computer (Tự động ghi hình cuộc gọi).
Quản lý chia sẻ màn hình
Để tránh những cuộc tấn công Zoombombing, chủ phòng nên kiểm soát tính năng chia sẻ màn hình. Ứng dụng cho phép chỉ host mới có thể chia sẻ nội dung trong cuộc gọi nhưng không cài mặc định, người dùng phải thiết lập trong cài đặt.
Để kích hoạt tính năng quản lý chia sẻ màn hình. Người dùng có thể bắt đầu cuộc gọi, trong phần Share Screen, chọn Advanced Sharing Options, ở phần Who can share? chọn Only Host.
Vì sao Zoom liên tục gặp sự cố về bảo mật.
Khương Nha
Skype Meet Now cho phép trò chuyện video không cần đăng ký
Skype vừa bổ sung tính năng mới mang tên Meet Now giúp loại bỏ các yêu cầu liên quan đến tài khoản hoặc buộc người dùng tải xuống để sử dụng.
Meet Now cho phép thực hiện hội nghị video không thể dễ dàng hơn
Theo SlashGear, trước việc ngày càng nhiều người làm việc tại nhà trong mùa dịch Covid-19, các dịch vụ hội nghị video trực tuyến rất được quan tâm. Đối với người dùng, các dịch vụ yêu cầu đơn giản sẽ được ưu tiên sử dụng nhiều nhất, vì vậy không có gì dễ dàng hơn cả là chỉ cần nhấp vào một liên kết và có thể truy cập vào dịch vụ.
Đó là những gì mà Meet Now của Skype mang lại. Hãy nghĩ nó giống như một cuộc gọi hội nghị video với Skype nhưng đi kèm liên kết tồn tại trong một khoảng thời gian. Người dùng chỉ cần tạo một liên kết và chuyển nó đến những người cần tham dự cuộc họp. Khi họ nhấp vào liên kết, họ sẽ được đưa tới Skype hoặc Web nếu thiết bị đó có ứng dụng Skype.
Mặc dù rút gọn nhiều thao tác nhưng Meet Now vẫn cung cấp một số tính năng thiết yếu của Skype. Cụ thể, người dùng có thể ghi âm cuộc gọi để xem lại sau và thậm chí làm mờ nền trước khi nhảy vào cuộc hội nghị video để tránh những thứ phía sau lưng làm ảnh hưởng đến trải nghiệm. Thậm chí họ có thể chia sẻ màn hình và hiển thị các bài thuyết trình hoặc slide.
Tính năng mới bất ngờ của Skype đến vào thời điểm thích hợp, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề về an toàn đang là dấu hỏi lớn đối với Zoom. Điều này tạo cơ hội cho Skype trở thành một giải pháp không rắc rối và an toàn hơn cho nhu cầu làm việc tại nhà.
Kiến Văn
"Phốt" mới về Zoom: Có liên hệ với Trung Quốc, không đảm bảo an toàn nhất là cho thông tin nhạy cảm và riêng tư Những phát hiện mới nhất về Zoom đã khiến không ít người bất ngờ. Những ngày gần đây, cảnh học tập và làm việc văn phòng thông qua các ứng dụng giao tiếp và hội họp online - điển hình là Zoom - đã trở thành thói quen thường thấy của nhiều người nhằm mục đích cách ly xã hội, ngăn ngừa dịch...