4 bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn
Văn phòng Quốc hội cho biết theo lịch trình, phiên chất vấn của Quốc hội sẽ diễn ra từ chiều 12/6 đến hết ngày 14/6.
Quang cảnh Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Tại phiên chất vấn, Quốc hội cũng sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát sẽ trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các nhóm vấn đề như biện pháp khắc phục hạn chế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm; trách nhiệm và giải pháp của Bộ trong việc quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt gia tăng xuất khẩu; công tác quản lý Nhà nước về giá cả và chất lượng của cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để hạn chế tiêu cực và thúc đẩy sản xuất; trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sẽ làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm như giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn (vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi Nhà nước thu hồi đất,…).
Biện pháp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động; việc thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, hướng giải quyết của Bộ đối với vấn đề người lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài. Trách nhiệm của ngành trong việc đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công còn tồn đọng và hạn chế tiêu cực trong vấn đề này, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cho người có công.
Video đang HOT
Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Công an và Quốc phòng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội dành Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tập trung vào các nhóm vấn đề như giải pháp căn cơ để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa; chấn chỉnh những tiêu cực trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang…; ngăn chặn việc lưu hành, kinh doanh các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, tạo sự chuyển biến về văn hóa, đạo đức xã hội; hạn chế tình trạng tổ chức lễ hội, míttinh, kỷ niệm tràn lan, lãng phí; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh quản bá, xúc tiến du lịch; chấn chỉnh, ngăn chặn những tiêu cực và đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, gắn du lịch với văn hóa các vùng miền. Giải pháp đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, trong đó có thể thao thành tích cao, khắc phục những tiêu cực trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Nội dung chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ hỏi tập trung vào biện pháp tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố; giám sát việc thực hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, hạn chế việc để lọt tội phạm, oan người vô tội, ra quyết định kháng nghị, quyết định đình chỉ nhiều lần đối với bản án có hiệu lực gây bức xúc trong xã hội; công tác giám sát, phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng; tình hình thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án gắn với trách nhiệm của ngành.
Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Công an; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.
Theo vietbao
Các bộ trưởng "quá vô tình"?
Chiều 22/3 vừa qua, khi chất vấn Bộ trưởng BộGiáo dụcvà Đào tạo Phạm Vũ Luận, Phó chủ nhiệm Ủy banPháp luậtcủa Quốc hội, đại biểu Lê Minh Thông đã nhắc đến một số bức thư ngỏ mà theo lời ông là đã gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Tác giả các bức thư này chính là TS. Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam(VTV), người khởi xướng chương trình " Cơm có thịt" dành cho trẻ em vùng cao, một chương trình thiện nguyện được bắt đầu khi ông Tuấn tận mắt chứng kiến cảnh đói ăn thiếu mặc của hàng nghìn trẻ em tuổi mầm non.
Lý do khiến ông Tuấn phải viết đến hai lá thư là sự quá chậm trễ trong việc thực hiện Quyết định số 60/2011/QĐ-TT ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ với hai nội dung quan trọng. Một là trẻ mầm non 3, 4 tuổi tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn...được hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng để duy trì bữa ăn trưa tại trường. Hai là giáo viên mầm non ngoài biên chế (hợp đồng lao động) được hưởng chế độ trả lương và bảo hiểm cùng các chính sách khác giống như giáo viên mầm non có cùng trình độ đào tạo trong biên chế.
Thế nhưng, sau hơn một năm quyết định nói trên có hiệu lực, thông tư hướng dẫn vẫn... chưa có. Bởi thế, theo lời ông Tuấn thì "hàng chục vạn bé mầm non 3-4 tuổi, cả hơn chục vạn giáo viên mầm non diện hợp đồng lao động vẫn khắc khoải "sống để yêu thương" với đồng lương ngang bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu".
Quyết định số 60/2011/QĐ-TT ngày 26/10/2011 đã hỗ trợ mỗi cháu học sinh đang học tại các trường miền núi 120 nghìn đồng/tháng ăn trưa. Hơn một năm sau, thông tư liên bộ hướng dẫn thi hành quyết định vẫn chưa có - Ảnh: Thanh Hải.
Trả lời chất vấn về "trách nhiệm của Bộ trưởng và của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chậm trễ thi hành quyết định của Thủ tướng và giải pháp nào để đẩy nhanh việc này" của đại biểu Thông, ông Luận giải thích, vì đây là thông tư liên bộ (bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ), nên "nó có những nội dung khó khăn phức tạp, nhưng để chậm như vậy thì nó là một thiếu sót". Bộ trưởng thừa nhận như vậy, song ông cũng không nói đến khi nào "thiếu sót" này sẽ được khắc phục.
Ông Luận cũng cho hay, cách đây hai tuần khi họp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về cải cách hành chính, ông đã đề nghị cơ chế phân công soạn thảo văn bản sắp tới nên giao cho một cơ quan chủ trì quyết định, còn phối hợp với ai thì tuỳ bộ đó, nếu nhầm, nếu sai, nếu thiếu thì cơ quan chủ trì sẽ chịu trách nhiệm. Ông cũng không quên nhấn mạnh việc "không ai phải chịu trách nhiệm" nếu vẫn duy trì cơ chế phối hợp như hiện tại.
Có lẽ vì tin là quá khó, nên cũng không vị đại diện cho dân nào "truy" tiếp là đến bao giờ sẽ có thông tư, và nguyên nhân chính của sự chậm trễ hiện đang nằm ở bộ nào. Vì cho dù có đến ba bộ phối hợp, thì vẫn có địa chỉ rõ ràng chứ đâu phải vô danh.
Tuy nhiên, sau giờ giải lao của phiên chất vấn, Bộ trưởng Luận bỗng "xin bổ sung thêm" là thông tư để thực hiện Quyết định 60 đã được ban hành cách đây hai tuần.
Như vậy, có giả thiết đặt ra là do không trực tiếp ký thông tư nên Bộ trưởng không biết là thông tư này đã được ban hành trước phiên chất vấn tới hai tuần? Bởi, đó lẽ ra phải là thông tin đầu tiên được ông khẳng định khi đại biểu chất vấn về giải pháp để đẩy nhanh việc thi hành Quyết định 60.
Cho dù là thế, hay vì lý do lòng vòng ba bộ như ông giải thích, thì câu hỏi được ông Tuấn viết trong bức thư thứ hai là "dẫu để ra thông tư hướng dẫn thì phải thương thuyết với nhiều ngành, nhưng chậm trễ đến thế có quá vô tình không?", không phải là không có lý.
Câu hỏi về sự "vô tình" với công việc "cha chung không ai khóc" càng được xoáy sâu hơn khi theo dõi tiếp phần trả lời chất vấn sau đó của vị "tư lệnh" ngành giáo dục. Khi đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Luận cho biết mô hình trường thực nghiệm do GS. Hồ Ngọc Đại đã khởi xướng có áp dụng được trong thực tiễn giáo dục hay không?
Ở câu trả lời, Bộ trưởng Luận đánh giá đây là mô hình tốt, nhưng vướng luật, song chính ông đã quyết định cho áp dụng chương trình này ở 35 tỉnh.
"Khi tôi ký rồi, GS. Đại hỏi tôi: anh không sợ à? Tôi bảo, em cũng sợ, nhưng em cũng làm đúng điều Bác Hồ dạy, việc gì có lợi cho dân thì khó cũng cố làm, cố làm xem sao!", ông Luận kể.
Đến đây, có lẽ chữ "vô tình" không nên chỉ xuất hiện ở câu hỏi dành riêng cho Bộ trưởng Luận. Bởi rõ ràng, việc "vượt rào" để triển khai một công việc do mình ông chịu trách nhiệm, dù "sợ" nhưng có lợi cho cái chung ông vẫn làm. Còn việc cùng ngồi lại để ra được thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng phải chờ đến hơn một năm trời đằng đẵng. Chỉ đến khi thư ngỏ của ông Tuấn được các phương tiện thông tin đăng tải mới "góp phần thúc đẩy các bộ, ngành khẩn trương khắc phục sự chậm trễ này", như chính thừa nhận tại phản hồi của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đến ông Tuấn.
Và, có lẽ cũng cần thêm một câu hỏi nữa, nếu ông Tuấn không quyết liệt đến mức "xin phép hai tuần một lần trao đổi tiếp với Bộ trưởng" cho đến khi thông tư nói trên ra đời, thì sự "vô tình" sẽ còn kéo dài đến khi nào?
Theo vietbao
Hà Nội quyết liệt dẹp bến cóc, xe dù Ngày 7-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nghe Sở GTVT báo cáo công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động taxi, bến, bãi đỗ xe trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo siết chặt quản lý để dẹp nạn bến cóc, xe dù. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh,...