4 bí mật của hướng dẫn viên du lịch, tốt nhất du khách nên ngầm thấu hiểu
Để chuyến du lịch dễ dàng, vui vẻ hơn cho đôi bên, người hay xê dịch cần tinh tế hiểu được các bí mật của hướng dẫn viên du lịch.
Hướng dẫn viên du lịch là những chuyên gia địa phương, góp phần giúp du khách có một chuyến đi bổ ích, trọn vẹn và an toàn. Ở đây, bí mật của hướng dẫn viên du lịch không ám chỉ điều gì ám muội, ảnh hưởng tiêu cực đến du khách mà chỉ là một số nguyện vọng của họ khi chuyến đi diễn ra.
1. Khi bạn buồn chán thì họ biết được đấy!
Liên tục ngắt lời hướng dẫn viên du lịch là rất bất lịch sự, nhưng không có nghĩa là bạn chẳng tham gia, đón nhận những gì họ mang lại. Bên cạnh đó, thường xuyên ngáp, tách đoàn hoặc liên tục yêu cầu hướng dẫn viên lặp lại… là dấu hiệu chứng minh du khách của đoàn đang buồn chán.
Nếu bạn là hướng dẫn viên đó và bạn đã cố gắng hết mình, cảnh tượng trên có khiến bạn tổn thương chứ? Nếu câu trả lời là “có”, hãy tế nhị và chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của mình hơn dù quả là bạn có chán thật.
Họ biết bạn chán dù bạn không nói ra – một bí mật của hướng dẫn viên du lịch.
Giao tiếp bằng mắt, phản ứng tích cực những câu chuyện cười của họ và khi thích hợp, hãy hỏi họ một số câu hỏi liên quan đến chuyến tham quan. Chuyến du lịch sẽ thú vị hơn và bạn sẽ thực sự tận dụng được tối đa trải nghiệm của mình, cũng như không làm tổn thương hướng dẫn viên du lịch.
2. Họ mong bạn tự chuẩn bị những thứ thiết yếu
Trừ khi có quy định khác trong điều lệ của chuyến tham quan, hướng dẫn viên du lịch không có nghĩa vụ phải mang thêm áo chống nắng, nước hoặc những thứ khác… để phòng hờ cho khách du lịch. Trong trường hợp này, bí mật của hướng dẫn viên du lịch là: Tôi muốn các bạn có một chuyến đi vui, nhưng nếu bạn quan trước thiếu sau thì một mình tôi không thể cứu vãn được cho tất cả.
Ăn mặc phù hợp, tự chuẩn bị sẵn các món ăn dặm hay thuốc cơ bản và mang theo bất kỳ vật dụng cần thiết và đừng lệ thuộc vào một người hướng dẫn viên.
3. Không phải lúc nào họ cũng muốn trả lời bạn
Một trong những đặc quyền lớn nhất của việc tham gia đoàn tham quan có hướng dẫn viên là bạn có một “chuyên gia” giải đáp thắc mắc, nhưng điều này không có nghĩa là bạn có quyền hỏi bất kể giờ giấc.
Bạn nên nhớ, kể cả những hướng dẫn viên du lịch thân thiện nhất cũng đang làm việc mà thôi, và họ không có nghĩa vụ trả lời nhiều câu hỏi mang tính cá nhân (về giới tính, gia đình, mối quan hệ của họ…).
Video đang HOT
4. Có thể bạn nên “boa” cho họ
Nghi thức tiền boa có thể là một trong những phần khó nắm bắt nhất khi đi du lịch, vì vậy việc tìm hiểu trước các quy tắc về tiền boa ở nơi bạn đến Khi nói đến hướng dẫn viên du lịch, nhiều người cho rằng họ không cần phải đưa tiền boa vì họ đã trả tiền cho chuyến đi cả rồi.
Mong nhận được tiền boa là một bí mật hướng dẫn viên du lịch. Nhưng vấn đề này khá nhạy cảm nên họ thường im lặng.
Nếu nhìn lại, hướng dẫn viên du lịch của bạn là một người tận tụy, dễ mến và làm tốt công việc đề ra, bạn nên boa cho họ, xem như là quà tặng vì sự dẫn dắt của họ. Bạn không biết boa bao nhiêu là hợp lý? Hãy nói chuyện với một người dân địa phương hoặc nhân viên lễ tân để tìm ra cách boa và mức tiền boa tinh tế, phù hợp.
Hy vọng bài viết đã cho bạn cái nhìn tinh tế hơn và cảm thông hơn cho công việc hướng dẫn viên du lịch.
Hướng dẫn viên du lịch đổi nghề 10 lần để "tương thích" với dịch Covid-19
Ế tour vì dịch bệnh, cô hướng dẫn viên du lịch trẻ đã đổi nghề đến 10 lần từ lễ tân, nhân viên tư vấn, sales, tuyển dụng... cho đến tự kinh doanh tại nhà để "tương thích" với tình hình dịch Covid-19.
Dịch bệnh Covid-19 không chỉ gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe mà còn tác động rất nhiều đến cuộc sống và công việc của rất nhiều người. Trải qua 4 đợt dịch, trong đó 2 lần với "ròng rã" cả tháng, TPHCM phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để chống dịch đã khiến không ít người rơi vào cảnh "cùng đường bí lối" khi mất việc, hết tiền.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít người vẫn đang cố gắng vùng vẫy, thử đủ mọi cách để tìm ra cho mình một lối thoát. Câu chuyện của bạn Châu Phạm Sunny (sinh năm 1996), là một trong những ví dụ điển hình.
Đột ngột thất nghiệp vì dịch bệnh
Sunny tốt nghiệp vào tháng 3/2019 với tấm bằng cử nhân Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Sau khi lấy thẻ HDV quốc tế, cô gái trẻ hào hứng bắt đầu công việc hướng dẫn du khách quốc tế du lịch và khám phá Việt Nam, giới thiệu cũng như chia sẻ văn hóa, lịch sử, ẩm thực và con người Việt Nam.
Châu Phạm Sunny tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, trường Đại học KHXH&NV.
Với đặc thù công việc, mỗi ngày Sunny đều được "tung tăng" khắp mọi ngóc ngách trong thành phố, khắp các miền quê và những điểm du lịch mới lạ. Đây cũng chính là công việc thú vị và phù hợp nhất với một người trẻ cực "cuồng chân" và thích khám phá như cô.
Nhưng tận hưởng công việc chỉ mới được vài tháng, dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam đã đập tan mọi kế hoạch của Sunny.
"Em còn nhớ lần đó là ngay dịp Tết, ban đầu các tour của em đều đã được xếp kín lịch hết rồi. Nhưng đến mùng 1, mùng 2 rồi mùng 3... các tour tết bắt đầu bị hủy dần với lý do vì dịch. Lúc đó em mới bắt đầu cảm nhận được độ kinh khủng của trận dịch lần này", Sunny chia sẻ.
Cô hướng dẫn viên trẻ vẫn cố gắng cầm cự đi các tour còn sót lại cho đến ngày chính phủ dừng tất cả các chuyến bay quốc tế thì cũng là ngày cô chính thức thất nghiệp.
Công việc của Sunny là dẫn du khách quốc tế du lịch và khám phá Việt Nam, giới thiệu cũng như chia sẻ văn hóa, lịch sử, ẩm thực và con người Việt Nam .
Thời điểm ấy, Sunny chỉ nghĩ đơn giản rằng có lẽ dịch bệnh chỉ kéo dài một thời gian ngắn thôi, rồi mọi thứ sẽ sớm ổn định trở lại. Cô còn nhớ như in ngày cô buộc phải tạm dừng công việc yêu thích của bản thân là ngày 15/3/2020. Nhưng chẳng ngờ, dịch bệnh lại cứ mãi dai dẳng suốt hơn một năm trời.
Tuy buồn, nhưng Sunny vẫn giữ tinh thần lạc quan và xem như đây là một cơ hội để nghỉ ngơi và dành thời gian bên cạnh gia đình sau một thời gian dài làm việc không ngừng nghỉ. Vậy là cô quyết định tạm rời TPHCM, về quê nhà Tiền Giang để phụ giúp gia đình kinh doanh dịch vụ cưới hỏi.
Nhưng cũng vì những ảnh hưởng của dịch bệnh, các đám cưới đều phải hoãn lại, chưa được tổ chức nên tình hình kinh doanh của gia đình Sunny cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Với một người trẻ năng động, thích bay nhảy thì việc rơi vào cảnh "ăn không ngồi rồi" thực sự là một "cực hình".
Thay đổi gần 10 công việc để tìm lối thoát
Ngay khi tình hình dịch bệnh giảm bớt căng thẳng, lệnh giãn cách đầu tiên được tháo gỡ, mặc dù mảng du lịch quốc tế vẫn chưa được phục hồi nhưng Sunny vẫn quyết định khăn gói trở lại TPHCM để tìm cho mình một lối đi mới.
Thời gian dịch bệnh, Sunny dành nhiều thời gian cho bản thân hơn .
Chia sẻ cùng PV Dân trí, Sunny nói: "Em quyết định quay lại thành phố để tìm công việc, phần vì muốn tự thân trang trải cuộc sống, phần vì không thể chịu được cảnh ngồi không ở nhà".
"Em gửi CV (hồ sơ xin việc - PV) cho rất nhiều công ty và các ứng dụng tìm việc làm. Tính ra từ 6/2020 - 1/2021 em đã thay đổi công việc ở 6 công ty với 8 vị trí khác nhau, gồm: lễ tân, nhân viên tư vấn, nhân viên bán hàng, admin văn phòng, chăm sóc khách hàng, tuyển dụng, trợ lý, kiểm kho. Nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh và nhiều lý do khác mà công việc nào cũng kết thúc chóng vánh", Sunny nói thêm.
Tuy tìm được công việc, nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công ty cũng bị đặt vào "thế khó", việc hoạt động gặp nhiều trục trặc. Có công ty vì không đủ sức tuyển nhiều nhân sự nên Sunny phải kiêm nhiệm một lúc đến 3 - 4 vị trí khác nhau trong khi chỉ "ăn một đầu lương".
Có công ty vì thua lỗ trong mùa dịch mà nợ tiền lương của hơn 500 nhân viên. Riêng Sunny sau khi thôi việc đã phải kiên trì nhắn tin "đòi lương" mỗi ngày mới may mắn lấy lại được 2 tháng tiền lương của mình.
Dù đã cố gắng thay đổi đến gần 10 lần công việc nhưng cuối cùng Sunny vẫn đành tạm biệt TPHCM về quê lập nghiệp .
Chẳng phải riêng bản thân Sunny, những người bạn của cô trong ngành hướng dẫn viên du lịch cũng đang phải tạm gác ước mơ và đam mê của bản thân, tìm tạm một công việc nào đó để lo kế sinh nhai.
"Bạn bè trong ngành của em đa phần đều thất nghiệp vì dịch bệnh. Người thì bán bảo hiểm, người thì chạy grab, có người ko trụ nổi về quê làm nông", Sunny ngậm ngùi chia sẻ.
May mắn khi khởi nghiệp vẫn đau đáu với ước mơ
Tình hình dịch bệnh ở TPHCM cứ hết lần này đến lần khác chuyển biến phức tạp. Công việc nào của Sunny cũng lâm vào cảnh vừa tìm được đã gặp biến cố. Bế tắc, cô gái trẻ lại lần nữa tạm biệt thành phố chứa nhiều ước mơ và tình cảm để quay về quê nhà tìm hướng đi mới.
Mỗi ngày, Sunny đều đau đáu về đam mê du lịch của mình .
Thời điểm đó, gia đình Sunny vừa thu hoạch yến sào nhưng gần một tháng trời vẫn chưa bán được đơn hàng nào. Vậy là cô nàng thử giúp ba mẹ đăng thông tin yến sào lên mạng xã hội để rao bán. Không ngờ chỉ trong ngày đầu tiên, vài đơn hàng đã được đẩy đi nhanh chóng và chỉ trong vỏn vẹn 5 ngày, cô đã bán xong mẻ yến sào đầu tiên trước sự ngạc nhiên của ba mẹ.
Từ dạo đó, Sunny bắt đầu vận dụng những gì mình học hỏi được sau nhiều vị trí công việc để phát triển mảng kinh doanh yến sào. Cô thiết kế lại toàn bộ mẫu mã, bao bì của sản phẩm, xây dựng kế hoạch marketing cụ thể và tham gia giám sát chặt chẽ tất cả các khâu, từ sản xuất, tư vấn bán hàng, đóng gói cho đến chăm sóc khách hàng.
Sau 4 tháng, mặc dù việc khởi nghiệp đối với một cô gái trẻ là rất vất vả và nhiều khó khăn, nhưng thương hiệu yến sào mà Sunny phát triển đã đạt được những thành công nhất định và thu về doanh thu khá khẩm cho gia đình.
Hiện tại, cô hướng dẫn viên trẻ đang khá thành công với việc kinh doanh yến sào .
Tuy thời điểm hiện tại, việc kinh doanh của Sunny lại chịu không ít ảnh hưởng vì dịch tái bùng phát nhưng cô vẫn rất ủng hộ việc giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh và luôn tuân thủ nghiêm chỉnh theo chỉ thị của nhà nước.
"Khó khăn lắm mới có thể kiểm soát tốt được dịch bệnh như những lần trước, nên với em, việc TPHCM giãn cách là điều cần thiết. Tuy ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của riêng em cũng như tất cả các ngành, nhưng nếu không giãn cách thì tình hình nghiêm trọng và rất khó kiểm soát", cô chủ nhỏ chia sẻ.
Mặc dù khởi nghiệp với yến sào khá thành công, nhưng trong lòng cô gái trẻ vẫn còn ấp ủ rất nhiều ước mơ và hoài bão. Niềm đam mê với công việc hướng dẫn viên du lịch trong lòng Sunny vẫn hừng hực hệt những ngày đầu mới ra trường. Vậy nên mỗi ngày, cô vẫn luôn cầu mong dịch bệnh qua mau để cuộc sống bình yên quay lại và cô có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Thư giãn ở Keemala - Khu nghỉ dưỡng tổ chim độc đáo tại Phuket Khu nghỉ dưỡng Keemala tọa lạc trên sườn đồi được bao quanh bởi cây cỏ tự nhiên, với view nhìn thẳng ra bãi biển Kamala của Phuket, Thái Lan. Nơi thu hút du khách với những ngôi nhà được treo lủng lẳng như tổ chim, hồ bơi hiện đại, nhà hàng sang trọng và dịch vụ spa tuyệt vời. Từ sân bay, bạn...