3,74 triệu USD ứng phó với biến đổi khí hậu ở các tỉnh phía Bắc
Hôm nay 19.9, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định phê duyệt Dự án tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo đó, dự án sẽ được thực hiện tại các tỉnh: Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Giang và Yên Bái từ nay cho đến hết năm 2015.
Mục tiêu của dự án là tổ chức lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, chính sách và lập kế hoạch có liên quan đến cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp, thủy lợi và công trình giao thông nông thôn nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu với khí hậu trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn và quy hoạch ở cấp huyện và tỉnh.
Các mô hình trình diễn cho các giải pháp chi phí thấp dựa trên tài nguyên của địa phương để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ được xây dựng, làm cơ sở nhân rộng tại nhiều địa phương.
Tổng kinh phí để thực hiện dự án lên tới 3,74 triệu USD. Trong đó Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ không hoàn lại 3,4 triệu USD thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á và Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc.
Video đang HOT
Theo TNO
Người dân lúng túng ứng phó động đất
Đóng ghe, mua áo phao, lương thực và thuốc men, chuyển sang nhà sàn ở... là những kiểu ứng phó của người dân sống gần thuỷ điện Sông Tranh 2 trước nỗi lo vỡ đập trong những ngày động đất dồn dập vừa qua.
Học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My được thầy, cô giáo hướng dẫn lẩn trốn dưới gầm bàn mỗi khi xảy ra động đất. Ảnh: Trí Tín.
Trưa và tối 9/9, hai trận động đất lại xảy ra khiến người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và một số khu vực lân cận càng thêm hoang mang, lo sợ. Có mặt để khảo sát tại đây, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện vật lý địa cầu cho biết các trận động đất này diễn ra với cường độ nhỏ, khoảng dưới 3,5 độ ritcher.
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng tập huấn, hướng dẫn thì nhiều hộ dân đã loay hoay, lần mò tìm cách ứng phó với động đất để bảo toàn tính mạng gia đình. Anh Triều ở xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My kể, mỗi khi động đất xảy ra trong đêm là anh lại hô lớn các con thức dậy chui xuống gầm giường, gầm phản. "Nếu chạy ra sân không kịp thì lấy gối mềm nhồi bông che đầu chạy đến đứng ở góc tường, để lỡ có sập nhà thì tránh được thương vong", anh này nói.
Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Hậu ở xã Trà Sơn cũng vừa đóng hoàn tất chiếc ghe máy công suất hơn 20 CV. Ông Hậu cho biết, gia đình mình ở dưới hạ lưu cách chân đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa đầy 10 km nên động đất xảy ra dày đặc khiến cả nhà lo sợ. Nghe bạn bè ở dưới đồng bằng thúc giục, vợ chồng ông đã mua phao cứu sinh, thuê thợ về nhà đóng chiếc ghe máy.
"Trước là để đánh cá ven sông cải thiện bữa ăn hàng ngày, sau là làm phương tiện cho cả gia đình chạy nạn nếu đập thủy điện Sông Tranh 2 bị động đất mạnh phá vỡ, nước tràn về dâng cao gây ngập nhà", ông Hậu bộc bạch.
Nhiều hộ dân ở các khu tái định cư tại xã Trà Bui, Trà Đốc... (huyện Bắc Trà My) rời qua nhà sàn sinh sống đề phòng nguy hiểm mỗi khi động đất xảy ra. Ảnh: Trí Tín.
Còn tại các khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 ở các xã Trà Đốc, Trà Bui... bà con đã dựng nhà sàn sát bên căn nhà xây do nhà nước hỗ trợ. Mấy trận động đất vừa qua khiến những căn nhà xây bị nứt tường, hư hỏng nặng nên người dân phải chuyển mọi sinh hoạt, nấu ăn của gia đình sang ở bên nhà sàn để phòng tránh nguy hiểm.
"Mặt đất cứ nổ, rung miết làm dân làng sợ chết khiếp. Mỗi lần như vậy là tụi trẻ con của làng khóc ré, ôm riết chân người lớn", già làng Đinh Văn Chót (87 tuổi, ở thôn 3, xã Trà Đốc) bày tỏ âu lo.
Tương tự, động đất bất thường xảy ra liên tiếp đang trở thành nỗi ám ảnh và gây xáo trộn cuộc sống của các hộ dân sống lân cận thủy điện Sông Tranh 2. Người thì tính chuyện gửi con về quê cho ông bà, người thì tính sang nhượng đất, bán nhà để chuyển nơi ở đi nơi khác. Nhiều trường học cũng đang lo "sốt vó" sợ giáo viên giao động sẽ chuyển trường về xuôi hoặc bỏ nghề, chuyển công tác gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trước tình hình này nhà trường căn dặn học sinh phải khẩn trương lẩn trốn dưới gầm bàn nếu thấy dư chấn, giáo viên thì tự tìm cách ứng phó tùy theo hoàn cảnh, sao cho đảm bảo an toàn tính mạng. "Mỗi lần xảy ra động đất là tôi lao vội ra sân trường, không biết trốn tránh ở đâu cả", một cô giáo cho biết.
Nhiều lần thót tim vì động đất nối tiếp nhau cả tuần qua, vợ chồng chị Hồng ở thị trấn Bắc Trà My đã quyết định bán nhà, cũng là cửa tiệm đang ăn nên làm ra để vào Nam sống cùng các con. Chị bảo, ngôi nhà ở khu "đất vàng" của anh chị bình thường có giá đến gần cả tỷ, nhưng bây giờ chị chỉ rao bán với giá khoảng 700 triệu đồng. "Trong túi xách của mọi người lúc nào cũng có quần áo, vật dụng cá nhân, lương thực khô, vài chai nước tinh khiết... để chủ động chạy trốn động đất giữa đêm khuya", chị này cho biết.
Động đất xảy ra dồn dập khiến người già, trẻ em sinh sống gần khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My sợ hãi. Ảnh: Trí Tín.
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cũng thừa nhận nỗi lo lắng trước những trận động đất xảy ra với mật độ dày đặc. "Vợ chồng tôi đã bàn bạc, thống nhất về những vị trí có thể ẩn trú trong nhà mỗi khi động đất xảy ra. Chúng tôi đã mua sắm đèn pin, vật dụng, thuốc men để ứng phó với động đất xảy ra trong đêm", ông Phong chia sẻ.
Theo ông Phong, "dù muốn dù không" thì huyện Bắc Trà My cũng lập phương án ứng phó động đất, tổ chức diễn tập trong tình huống vỡ đập Sông Tranh 2 nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Dự kiến trong tuần tới, huyện Bắc Trà My sẽ mở đợt tập huấn, hướng dẫn cách thức ứng phó động đất qui mô lớn cho lãnh đạo các phòng ban, UBND xã, nhà trường... Từ lực lượng cán bộ nòng cốt này, họ sẽ phổ biến cách ứng phó động đất cho đông đảo người dân, học sinh trên địa bàn huyện.
Theo VNE
Người dân Quảng Nam được phổ biến cách ứng phó động đất Sau khi những trận động đất liên tục xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My gây hoang mang dư luận, người dân tỉnh Quảng Nam đã được hướng dẫn một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất. Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) tỉnh Quảng Nam...