36 phố phường ‘băng bó’ đến biến dạng
Riết rồi, đến HN người ta không biết xem gì. Vì thế, xin đừng để cầu Long Biên từng không chịu khuất phục bom đạn, giờ bị khuất phục bởi tầm nhìn hạn hẹp của chính chúng ta!
LTS: Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra ba phương án bảo tồn cầu Long Biên. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, nhà khảo cổ, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn HN, xung quanh vấn đề này.
Không chỉ là một cây cầu
Cách đây ít ngày, VTV 1 đưa tin bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đăng đàn ở Paris mở đầu cho năm Việt Nam tại Pháp 2014.
Cũng cách đây vài ngày, xôn xao trên mạng và ngoài đời câu chuyện về ba phương án xử lý cầu Long Biên của Bộ Giao thông vận tải, mà theo đa số ý kiến phát biểu đều cho rằng không ổn bởi “Cầu Long Biên là biểu tượng nhiều hơn là tải trọng”…Các nhà khoa học cũng lên tiếng quyết liệt: “Tôi nói ngắn gọn, cả ba phương án đều là phá cầu”, “Phá cầu Long Biên là xóa một phần ký ức Hà Nội”…
Câu chuyện cầu Long Biên hôm nay nhắc chúng ta về những nuối tiếc, xót xa “một đi không trở lại” của di sản nói chung và di sản đô thị nói riêng, những tàu điện Hà Nội, tuyến đường sắt Tháp Chàm Đà Lạt (bị tháo bỏ không tiếc, và cách đây không lâu, mấy cây cầu sắt còn nguyên trên tuyến đã được đem bán đồng nát), cầu Hiền Lương,… những ký ức có hình hài giờ biến thành vô hình và sẽ thành phi hình!
Những trường hợp như đường tàu điện Hà Nội, xe lửa Đà Lạt… cho thấy đã đến lúc phải có những nghiên cứu thấu đáo về loại hình di sản đô thị. Di sản như kết quả của đô thị hoá và như thế di sản là những phần hữu cơ của đô thị hoá chứ không phải di sản đối trọng đô thị hoá. Di sản và/là đô thị hoá.
Đặc biệt nguy hiểm cho di sản đô thị, đó là hình hài bên ngoài xem ra còn ổn nhưng bên trong thực ra sụp vỡ bất cứ lúc nào. Cái hình hài bên ngoài bền vững ấy đễ đánh lừa mắt người để chủ quan và phiến diện, khinh xuất khi đưa ra những chính sách liên quan.
Cầu Long Biên. Ảnh: LensMF
Hà Nội rồi sẽ còn gì để xem?
Quay trở lại với di sản đô thị cầu Long Biên, một trong không nhiều di sản đô thị mang dấu ấn thời Pháp thuộc, đánh dấu bước chuyển mình của Thăng Long – Hà Nội, từ đô thị kiểu Phương Đông chuyển sang đô thị quy hoạch về cấu trúc và công năng của đô thị Phương Tây.
Ở đây, cầu không đơn giản chỉ là cầu công trình của giao thông vận tải, mặc dù chức năng này của cầu Long Biên đã, đang và sẽ vẫn quan trọng. Đây là cây nối ký ức lịch sử chung và riêng và từ góc độ nghệ thuật, cầu là một tác phẩm tuyệt vời của con người kết hợp những kỹ thuật mới tiên tiến của một thời với biểu tượng tự nhiên Nhị Hà “quanh Bắc sang Đông” của Thăng Long Hà Nội.
Video đang HOT
Những kiến trúc thời mới – những cầu mới bắc qua sông Nhị Hà, không có cầu nào mà xét riêng về kiến trúc và nghệ thuật sánh bằng. Không có cây cầu nào chứa cả những bước chân âm thầm của đoàn quân và dân thực hiện chính sách “vườn không, nhà trống” thời kháng chiến và chứa cả những vòng xe nhẫn nại của những bà, những chị đang mang hồn quê vào phố!
Có lẽ sẽ còn rất nhiều điều để nói về cây cầu và số phận tương lai của cây cầu. Nhưng việc trước mắt có thể làm ngay là Hà Nội khẩn trương làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, để cầu “danh có chính, ngôn mới thuận” và những người quản lý, hoạch định chính sách phát triển đô thị ngồi lại bàn thảo với những người làm công tác bảo tồn, quản lý di sản với mục tiêu kinh tế hoá văn hoá và văn hoá hoá kinh tế.
Cầu Long Biên có thể được tiếp cận từ góc độ như nguồn tài nguyên không thể tái tạo trong phương hướng phát triển bền vững. Một quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời hiện đại đang được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Một điều không kém quan trọng, đó là việc tổ chức công khai lấy ý kiến của công chúng về số phận của cây cầu lịch sử văn hoá này!
Từ cách nhìn như thế, cả ba phương án của Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra với bản chất đặt mục đích kinh tế dưới cái vỏ bảo tồn thì đúng như GS. Nguyễn Quang Ngọc khẳng quyết, “phá cầu”!
Tin mới nhất từ chính quyền thành phố “chỉ bảo trì, nâng cấp, tăng khả năng giao thông chứ không dỡ bỏ hay xây mới cầu Long Biên” cùng ý kiến kịp thời của Hội đồng Di sản Quốc gia giúp chúng ta một mặt hy vọng vào những điều tốt đẹp, về khả năng hợp tác giữa nhà khoa học, nhà quản lý và người dân nhưng mặt khác, lại cần làm rõ thế nào là bảo trì, nâng cấp… rồi “cầu sẽ được bảo tồn như nhà cổ”…?
Tất cả những gì mà người quản lý đưa ra cho đến hôm nay cho thấy di sản đô thị chưa được đưa vào chính sách phát triển đô thị, những vấn đề của di sản đô thị như bảo tồn, bền vững và tái sinh… hầu như mượn từ vài loại di sản khác mà chúng ta thường gặp.
Với cầu Long Biên câu chuyện sẽ còn dài. Đây sẽ là tiền lệ tốt hay xấu phụ thuộc vào sự nghiêm túc và chân thành hợp tác giữa các bên, vì sẽ còn nhiều di sản đô thị như cầu Long Biên đang và sẽ đòi một thái độ ứng xử đúng mực!
Di sản đô thị nói riêng di sản vật thể nói chung của Hà Nội thực sự không còn nhiều, những cái còn thấy được cũng đang biến dạng nhanh chóng từng ngày. Nếu không hay chưa có được những công trình xây dựng dân sinh, công cộng, văn hoá, chính trị, quân sự, kinh tế… mang dấu ấn thời đại để lại cho thế hệ sau thì đừng phá một cách dễ dãi những di sản của thế hệ trước. Chẳng nên nói nhiều về giữ gìn bản sắc khi những ký ức có hình hài vẫn hữu ích, hữu dụng mà chúng ta đang tâm làm chúng trở thành vô dụng, vô ích.
Những biểu tượng của Thăng Long Hà Nội mỗi thời mỗi kiểu, nhưng biểu tượng nào cũng chất đầy ý nghĩa lịch sử, văn hoá và đang dần biến dạng. Sông Tô càng ngày càng ô nhiễm, đê La Thành từng chỗ san bằng, phạt ngọn, sông Nhị Hà nham nhở đôi bờ, Đàn Xã Tắc chôn vùi dưới cột đá hình thù nham nhở, đàn Nam Giao chôn vùi dưới trung tâm thương mại chọc trời, những ngôi biệt thự cổ thành chuồng chim, chuồng gà, 36 phố phường băng bó đến biến dạng… Riết rồi, đến Hà Nội người ta không biết xem gì.
Vì thế, xin đừng để cầu Long Biên, cây cầu từng không chịu khuất phục bom đạn Mỹ, giờ lại bị khuất phục bởi tầm nhìn hạn hẹp của chính chúng ta!
Và cùng với những nhịp cầu khác đã và sẽ xây, những nhịp cầu Long Biên nối đôi bờ Nhị Hà, và Hà Nội mai sau, những ký ức chảy ngang từ hữu ngạn sang tả ngạn, ký ức không rơi rụng xuống Nhị Hà cuốn đi!
Lâm Thị Mỹ Dung
Theo_VietNamNet
"Muốn bảo tồn cầu Long Biên thì phải giữ hình dáng, chức năng ban đầu"
"Muốn bảo tồn cầu Long Biên thì phải giữ đúng hình dáng ban dầu, với chức năng là cây cầu cho đường sắt, người đi bộ và xe cơ giới nhẹ. Nếu không như vậy, nó không còn là cây cầu Long Biên trước đây nữa", GS. TSKH Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trao đổi với VnMedia.
- Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra 3 phương án xây dựng mới và bảo tồn cầu Long Biên. Quan điểm của GS về việc này thế nào?
GS. Lã Ngọc Khuê: Việc Bộ Giao thông Vận tải và UBND Hà Nội đưa ra 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên gần đây là việc làm hết sức có trách nhiệm vừa để bảo tồn được cây cầu vứa để phát triển tuyến đường sắt đô thị phục vụ giao thông công cộng ngày càng ùn tắc nặng nề.
Cần phải hiểu rằng, đi đến bước này, Bộ Giao thông Vận tải và UBND Hà Nội đã trải qua gần chục năm với rất nhiều đề xuất và phương án khác nhau. Đầu tiên phương án được đưa ra là làm một cầu đường sắt đô thị cách đó 50 mét. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ làm cho không gian kiến trúc bị phá vỡ, dồn nén nặng nề ở trung tâm thành phố cho nên phương án đó không được chấp nhận.
Sau đó, lại chuyển sang một phương án khác là làm cầu đường sắt đô thị dịch chuyển lên 186 mét về phía Bắc. Phương án này sẽ phải phá nhiều tuyến phố từ Bốt Hàng Đậu qua Hàng Than đến Nguyễn Trung Trực...
Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng ở khu "đất vàng" này thì chưa thể nào tính hết được. Nhân dân ở đây đã sống lâu đời và cũng kế cận không gian khu phố cổ, cho nên cũng không đồng tình với phương án này. Vì vậy, qua nhiều năm nay không xử lý được.
Bộ Giao thông vừa đưa ra 3 phương án để xây mới và bảo tồn cầu Long Biên. Ảnh: Internet.
- Mới đây, đại diện Sở Giao thông vận tải nêu ý kiến cho rằng nên bảo tồn nguyên trạng cây cầu, đồng thời sửa chữa, nâng cấp tải trọng để phục vụ giao thông. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nếu bảo tồn thì sẽ phải bảo tồn như thế nào cho đúng, thưa GS?
Trong lúc còn có nhiều ý kiến khác nhau, tôi cho rằng chúng ta phải tìm cách để đi đến đồng thuận. Muốn vậy, phải dựa trên nguyên tắc, còn nếu chúng ta thảo luận mà không có nguyên tắc làm chuẩn sẽ rất khó kết luận.
Ý kiến cá nhân của tôi là phải làm sao để bảo tồn không mâu thuẫn với phát triển. Cho nên phải cố gắng làm thế nào để giữa cái bảo tồn và phát triển sống chung với nhau, đừng vì bảo tồn mà hy sinh phát triển, nhưng cũng đừng vì phát triển mà hy sinh bảo tồn.
Vấn đề thứ hai, khi bảo tồn một đối tượng, phải bảo tồn về không gian, hình dáng, kết cấu...nhưng quan trọng là phải bảo tồn đúng chức năng và công năng của nó.
Ví dụ như, ta bảo tồn khu phố cổ Hội An thì dân vẫn sống ở đó, vẫn sinh con đẻ cái, kinh doanh... chứ không phải rào lại chỉ cho người vãn cảnh xem ở bên ngoài. Bảo tồn như vậy mới có giá trị. Hoặc bảo tồn một cái chùa thì sau đó vẫn để cho người dân đến làm lễ chứ không phải ta rào lại vì sợ hư hại không cho ai vào. Nói một cách khác, bảo tồn thì phải làm sao cho đối tượng "sống" được chứ không phải làm cho nó "chết đi".
Ở đây, nó là cây cầu, muốn bảo tồn thì trước hết nó phải là cây cầu. Cầu thì phải dùng cho giao thông. Ở đây là giao thông đô thị. Điều cần nhấn mạnh rằng đây vốn dĩ là một cây cầu đường sắt.
Năm 1902, khi khánh thành chỉ để chạy tàu đường sắt. Hai bên có lan can cho người đi bộ; sau đó, hơn 10 năm, người Pháp mới mở ra hai bên cánh gà có đường cho ô tô hạng nhẹ. Bây giờ bảo tồn thì phải giữ đúng chức năng là cây cầu. Giữ đúng công năng cho cả đường sắt, người đi bộ và xe cơ giới nhẹ. Còn nếu không đúng như vậy, nó không còn là cây cầu Long Biên trước đây.
Nguyên tắc thứ ba là chúng ta cố gắng tối đa giữ cho được hình dáng, vẻ đẹp và không gian. Việc này đương nhiên chúng ta phải làm.
Xuất phát từ đó thì thấy phương án số 2 mà Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội đưa ra là rất hợp lý. Vẫn cho đường sắt hoạt động, vẫn cho xe cơ giới nhẹ đi qua và vẫn xây dựng với dáng vẻ của giàn thép như ngày xưa. Như vậy, về tổng thể vẫn là cây cầu Long Biên như trước đây. Vẫn vị trí cũ, công năng, chức năng, hình dáng như cũ... Vậy tại sao lại bảo đây không phải là cầu Long Biên nữa?.
- Tuy nhiên, nếu bảo tồn như vậy, nhiều ý kiến e ngại sẽ mất đi tính "cổ" của cây cầu. GS nói sao về điều này?
Theo tôi, không khác gì nét cổ cả, vì hình dáng vẫn thế không thay đổi. Bây giờ nhiều ý kiến cho rằng không được đụng đến và giữ nguyên trạng cây cầu hiện nay. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên trạng cây cầu hiện nay có còn là cầu Long Biên nữa không?.
Cây cầu Long Biên ngày xưa dài hơn 1.600 mét với 19 nhịp. Sau một thế kỷ sử dụng và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, quá nửa số nhịp (10 nhịp đã bị phá hoại hoàn toàn). 9 nhịp còn lại thì 2 nhịp số 6 và 8 bị phá hoại một phần, phải gia cố lại.
Hơn nữa, 9 nhịp còn lại hiện nay nhiều chỗ bị han gỉ rất nhiều. Các trụ cũng bị hư hại nhiều. Nhiều nhịp bây giờ đang phải kê đỡ bằng các trụ tạm. Cho nên nếu giữ nguyên trạng cây cầu hiện nay thì đây không phải là cây cầu Long Biên ngày xưa. Đấy là cái người ta nối ghép, chắp vá từ những mảnh vỡ của thời gian và chiến tranh còn lại chứ không phải là cầu Long Biên mà chúng ta hoài vọng như những gì vốn có của những năm 1967 vế trước.
Ví như có một ngôi chùa cổ bị sập đi hơn một nửa, phần còn lại cũng xuống cấp nặng nề, nếu không trùng tu lại toàn bộ mà giữ nguyên sự đổ nát như vậy mà lại bảo rằng như thế là bảo tồn ngôi chùa cổ là không đúng.
Cho nên, nếu nói bảo tồn cầu Long Biên thì chắc chắn phải thực hiện phương án 2 như Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội đã đề xuất.
- Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi!
Xuân Tùng - (Thực hiện)
Theo_VnMedia
Dời 9 nhịp cầu Long Biên để giảm giải phóng mặt bằng Nếu xây cầu mới cách cầu Long Biên cũ 186 m, gần 200 nhà dân sẽ phải di dời, còn phương án xây mới tại vị trí cũ và di dời 9 nhịp để bảo tồn thì sẽ chỉ phải giải tỏa 124 nhà ở tại khu vực phía nam cầu. Phương án xây dựng đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc...