350 nhân viên y tế Indonesia mắc Covid-19 dù đã tiêm chủng, Sinovac lý giải
Sau vụ việc 350 nhân viên y tế Indonesia mắc Covid-19 dù đã tiêm vắc xin Sinovac, các chuyên gia của Trung Quốc khuyến cáo tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch kể cả đã tiêm chủng.
Nhân viên y tế ở Jakarta, Indonesia (Ảnh minh họa: Reuters).
Reuters đưa tin, tính đến ngày 17/6, hơn 350 nhân viên y tế ở Indonesia, chủ yếu ở vùng Kudus, Trung Java, có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 mặc dù đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19 do công ty dược Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Hàng chục người trong số đó đã phải nhập viện. Điều này làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của một số loại vắc xin với các biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Y tế Singapore, ông Kenneth Mak, cho biết bằng chứng từ các nước khác cho thấy người đã tiêm vắc xin Sinovac vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.
Phản hồi trước những thông tin này, Sinovac ngày 22/6 giải thích, vắc xin không thể bảo vệ 100% người tiêm trước nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và đặc biệt là tránh nguy cơ tử vong. Các chuyên gia của Trung Quốc cũng cho rằng, có thể các nhân viên y tế của Indonesia đã nhiễm bệnh trước khi tiêm chủng nhưng không có triệu chứng và không được xét nghiệm cho đến khi virus tấn công hệ miễn dịch.
Video đang HOT
Tân Hoa Xã hôm 12/5 dẫn một nghiên cứu của Bộ Y tế Indonesia nói rằng, vắc xin Sinovac có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ các triệu chứng do Covid-19 ở nhân viên y tế tới 94%.
“Trong số 6.000 người, chỉ có 308 nhân viên y tế nhiễm bệnh, tức là tỷ lệ nhiễm khoảng 5,1% tổng số các nhân viên y tế. Hầu hết những người nhiễm bệnh đã hồi phục và bắt đầu đi làm trở lại,” Badai Ismoyo, người đứng đầu văn phòng y tế ở Kudus, cho biết hôm 20/6.
Nhân viên y tế là nhóm ưu tiên được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ở Indonesia kể từ khi chương trình tiêm chủng khởi động hồi tháng 1 năm nay. Hầu hết nhóm này được tiêm vắc xin Sinovac.
Indonesia là một trong những điểm nóng bùng phát dịch ở châu Á. Dịch bùng phát mạnh trở lại ở Indonesia gần đây được cho chủ yếu do sự lây lan của biến chủng Delta – biến chủng phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ được cho là dễ lây lan hơn và gây tỷ lệ nhập viện ở người bệnh Covid-19 cao hơn. Bộ Y tế Indonesia ngày 22/6 cho biết, chỉ trong vòng 24 giờ, nước này ghi nhận thêm hơn 13.000 ca nhiễm mới. Số ca bệnh tăng nhanh gây sức ép lớn lên hệ thống y tế của Indonesia vốn đã chao đảo sau làn sóng đầu tiên và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong đội ngũ y bác sĩ.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV hôm 21/6, Wei Sheng, giáo sư trường y thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong của Trung Quốc, cho biết theo kết quả của các thử nghiệm gần đây nhất, các vắc xin của Trung Quốc, trong đó có Sinovac, vẫn có hiệu quả ngăn ngừa biến chủng Delta. Tuy vậy, các chuyên gia của Trung Quốc khuyến cáo vẫn nên duy trì các biện pháp phòng dịch kể cả khi đã tiêm vắc xin bởi đó là cách hữu hiệu nhất để ngăn dịch bệnh lây lan.
Indonesia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Indonesia đang khẩn trương đẩy mạnh chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 do số ca mắc tăng nhanh trong vài ngày trở lại đây.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuần qua, số ca nhiễm theo ngày tại Indonesia có lúc lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 vừa qua với 8.892 ca ghi nhận ngày 10/6, trước khi giảm xuống còn 7.465 ca ngày 12/6/. Trước tình hình này, Tổng thống Joko Widodo yêu cầu đẩy nhanh chương trình tiêm chủng qui mô lớn tại Indonesia để đạt mục tiêu tiêm cho 700.000 người/ngày trong tháng 6 và 1.000.000 người/ngày trong tháng 7. Ông cũng kêu gọi chính quyền các tỉnh tiến hành tiêm chủng qui mô lớn tại địa phương mình để đạt mục tiêu quốc gia.
Dựa trên dữ liệu từ Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 13/6, số người đã được tiêm 1 mũi vaccine là 20.158.937 người, trong khi có 11.568.443 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sau 5 tháng Indonesia triển khai chương trình tiêm chủng. Con số này mới chỉ tương đương khoảng 6,37% mục tiêu 181.554.465 người được tiêm đầy đủ.
Tuy nhiên người phát ngôn về vấn đề tiêm chủng của Bộ Y tế Indonesia, Siti Nadia Tarmizi Tarmizi, vẫn lạc quan rằng có thể đạt mục tiêu đề ra, trong bối cảnh Indonesia sẽ tiếp nhận thêm vaccine trong nửa cuối năm 2021 sau những chậm chạp thời gian đầu.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin ước tính Indonesia sẽ nhận được tổng cộng 426 triệu liều vaccine, gồm 90 triệu liều trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, và số còn lại sẽ về đến nước này từ tháng 7 đến tháng 12.
Đến nay, Chính phủ Indonesia đã ký hợp đồng mua 94,7 triệu liều vaccine từ các nhà sản xuất khác nhau, gồm 84,5 triệu liều từ nhà sản xuất Sinovac của Trung Quốc, 2 triệu liều từ Sinopharm của Trung Quốc và 8,2 triệu liều của AstraZeneca.
*Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đã công bố phương án sửa đổi hệ thống quản lý nhập cảnh đối với người đã hoàn tất tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại nước ngoài. Theo đó, từ ngày 1/7, Chính phủ Hàn Quốc quyết định miễn cách ly bắt buộc 2 tuần sau nhập cảnh đối với người đã tiêm đủ liều vaccine ở nước ngoài, nhập cảnh với mục đích kinh doanh, học thuật, nhân đạo, thăm người thân trong gia đình trực hệ.
Trong bối cảnh nhiều công dân Hàn Quốc ở nước ngoài dù đã hoàn tất tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 song vẫn khó nhập cảnh Hàn Quốc, đã có hàng chục đơn kiến nghị của công dân Hàn Quốc tại nước ngoài gửi lên Phủ Tổng thống nước này, đề nghị miễn quy định cách ly bắt buộc 2 tuần sau khi nhập cảnh cho các đối tượng này. Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang áp dụng chính sách miễn cách ly đối với công dân đã hoàn tất tiêm phòng ở trong nước từ nước ngoài trở về.
Tuy nhiên, quy định mới chỉ áp dụng với điều kiện người nhập cảnh đã hoàn tất tiêm chủng sau 2 tuần với đủ mũi tiêm theo quy định bằng một trong 7 loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Trường hợp nhập cảnh từ các quốc gia có biến thể virus như Nam Phi không thuộc đối tượng được miễn cách ly. Công dân ở nước ngoài phải nộp giấy đăng ký và giấy chứng nhận tiêm chủng cho cơ quan ngoại giao Hàn Quốc tại nước sở tại để tiến hành kiểm tra và cấp giấy miễn cách ly.
Công dân được miễn cách ly sau khi nhập cảnh phải làm xét nghiệm COVID-19 3 lần, khai báo triệu chứng hàng ngày thông qua ứng dụng tự chẩn đoán tại nhà.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xúc tiến thỏa thuận với các quốc gia khác để công dân Hàn Quốc hoàn tất tiêm chủng được miễn cách ly khi nhập cảnh nước ngoài. Thủ tướng Kim cho biết sẽ tiến hành thảo luận với các quốc gia có tình hình phòng dịch ổn định, công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng và miễn cách ly theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Cũng liên quan đến vấn đề tiêm chủng vaccine, bắt đầu từ ngày 15/6, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm cho đối tượng ưu tiên tiêm chủng trong nửa đầu năm nay nhưng vẫn đang trong danh sách chờ. Cụ thể, 200.000 người thuộc đối tượng này bao gồm lực lượng cảnh sát, phòng cháy chữa cháy, giáo viên dưới 30 tuổi dạy mầm non và lớp 1-2 sẽ được tiêm bằng vaccine của hãng dược Pfizer (Mỹ) đến ngày 26/6.
Đối tượng là nhân viên dưới 30 tuổi làm việc tại bệnh viện đa khoa sẽ tiêm bằng vaccine của hãng dược Moderna (Mỹ). Đã có thêm 380.000 người đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19, nâng tổng số người đã tiêm mũi một đến nay ở Hàn Quốc lên 11,8 triệu người, tương đương 23% dân số.
Ca nhiễm cao kỷ lục, thi thể bệnh nhân Covid-19 Indonesia đặt trước cửa nhà Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia khi nước này ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong ngày 23/6. Nhân viên mặc đồ bảo hộ chôn cất nạn nhân Covid-19 tại Jakarta (Ảnh: Reuters). Indonesia ngày 23/6 cho biết số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này tăng thêm 303 trường hợp trong 24 giờ qua. Cùng ngày, Indonesia...