32 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm “biến mất”
Bà Ngô Phương Anh (ngụ Đà Lạt) làm đơn tố cáo ông Phạm Thế Long, giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, cùng một số nhân viên ngân hàng BIDV chiếm đoạt 32 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm do bà đứng tên.
Tin nhắn mà bà Anh cho là người của ngân hàng nhắn cho bà
Chỉ trong buổi sáng, sau khi sang tên sổ tiết kiệm 32 tỉ đồng do đại diện phòng giao dịch D2 Giảng Võ (Hà Nội) Ngân hàng thương mại Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Hồ trực tiếp trao, tới gần trưa cùng ngày toàn bộ số tiền đã “biến mất”.
Sáng 22-9, trao đổi với báo Tuổi Trẻ tại nhà ở Đà Lạt, bà Ngô Phương Anh (57 tuổi, ngụ Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết ngày 21-9 bà đã làm đơn tố cáo ông Phạm Thế Long, giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, cùng một số nhân viên ngân hàng chiếm đoạt 32 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm do bà đứng tên.
Giấy trắng thành giấy báo mất
Theo thông tin bà Phương Anh cung cấp, ngày 20-4 bà Bùi Thị Anh Thư (35 tuổi, thường trú tại đường Đào Duy Từ, Đà Lạt) đề nghị bà đi cùng tới BIDV chi nhánh Tây Hồ để hoàn tất thủ tục sang tên sổ tiết kiệm 30 tỉ đồng.
Việc sang tên do bà Thư mua miếng đất trị giá 36 tỉ đồng của gia đình bà Anh tại Đà Lạt cách đó ít tháng.
Trước đó, để trả số tiền mua nhà đất 36 tỉ đồng, bà Anh Thư đã làm hợp đồng ủy quyền cho bà Phương Anh sở hữu một sổ tiết kiệm có kỳ hạn 30 tỉ đồng mang tên Bùi Thị Anh Thư, do phòng giao dịch D2 Giảng Võ BIDV chi nhánh Tây Hồ phát hành vào ngày 21-1 và ngày hết hạn là 21-4-2016.
Tại đây, khoảng 17g30 bà Anh Thư và bà Phương Anh gặp ông Phạm Thế Long, ông Chung (chưa xác định được tên đầy đủ, chức vụ).
Ông Long nói bà Anh và bà Thư đưa chứng minh nhân dân để photo và đưa một tờ giấy trắng không có nội dung yêu cầu bà ký phía dưới.
Bà Anh giải thích: “Ông Long yêu cầu tôi ký vào tờ giấy trắng A4 và nói làm vậy để ngân hàng xác nhận xem có giống với mẫu chữ ký của tôi từng đăng ký tại ngân hàng hay không. Sau đó, ông Long nói thủ tục đã hoàn tất và hẹn tôi tới sáng 22-4 quay lại nhận sổ”.
Bà Phương Anh kể: “Sáng 22-4, tôi trở lại phòng giao dịch D2 Giảng Võ làm thủ tục nhận sổ tiết kiệm.
Ông Long đưa hơn 10 tờ giấy có tiêu đề “giấy nộp tiền” nhưng không có nội dung, yêu cầu tôi ký phía dưới.
Video đang HOT
Do chủ quan, tôi chỉ nghĩ phát hành sổ tiết kiệm mới nên ký để nộp vào thẻ mới nên đồng ý. Ngoài ra, còn có hai tờ giấy màu hồng cam kết không rút tiền trước thời hạn. Sau đó ông Long và ông Chung đưa sổ tiết kiệm mới kèm theo 5 bản sao y do ông Long ký và đóng dấu.
Nhận sổ tiết kiệm mới mang tên Ngô Phương Anh có kỳ hạn là 3 tháng, trị giá 32 tỉ đồng, tôi và chồng tin tưởng gửi trả lại sổ tiết kiệm mang tên Bùi Thị Anh Thư cho ông Chung cầm”.
Tuy nhiên, sự việc bắt đầu nảy sinh khi ngày 21-6 ông Chung nhắn tin vào điện thoại di động của bà Phương Anh: “Sổ ở BIDV tới thời hạn phải trả, cháu cho chị Thư mượn tiền để làm sổ cho cô, bây giờ đã đến hạn tất toán. Cô ra Hà Nội giúp cháu, nếu không tên cô sẽ bị treo trên toàn hệ thống ngân hàng, sau này không ai giao dịch với cô đâu”.
Nhận được nhiều tin nhắn từ ông Chung, ngày 1-7 bà Phương Anh đã nhờ người quen làm tại BIDV ở TP.HCM kiểm tra thì phát hiện 32 tỉ đồng đã bị rút sạch vào trưa 22-4.
“Ngày 9-9, gia đình tôi thuê luật sư tới phòng giao dịch D2 Giảng Võ yêu cầu lãnh đạo chi nhánh giải thích sự việc. Phòng giao dịch cho chúng tôi xem toàn bộ chứng từ giao dịch tôi nộp tiền cho hơn 10 người mà tôi không hề quen biết với số tiền là 32 tỉ đồng mà tôi đã ký chuyển và nộp tiền vào ngày 22-4. Riêng tờ giấy trắng tôi ký lại được trưng ra là giấy báo mất sổ tiết kiệm” – bà Phương Anh bức xúc nói. Bà đã giao sổ tiết kiệm gốc, đồng thời tường trình toàn bộ vụ việc lên Công an Hà Nội.
Đơn tố cáo của bà Phương Anh và tin nhắn mà bà Anh cho là người của ngân hàng nhắn cho bà
Camera chỉ lưu 3 tháng, giám đốc đã nghỉ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Hoàng Dương – giám đốc chi nhánh BIDV Tây Hồ – cho biết giao dịch này có phát sinh tại phòng giao dịch D2 Giảng Võ trực thuộc chi nhánh Tây Hồ.
Theo báo cáo của phòng giao dịch D2 Giảng Võ, ngày 9-9 bà Ngô Phương Anh đến làm việc với phòng giao dịch này và có xuất trình sổ tiết kiệm đề nghị rút toàn bộ 32 tỉ đồng.
Tuy nhiên, phòng giao dịch có kiểm tra thì sổ tiết kiệm đã được tất toán vào ngày 22-4. BIDV kiểm tra toàn bộ chứng từ thì thấy đầy đủ gồm có giấy báo mất sổ và đề nghị rút tiền do bà Anh ký và các giấy tờ về nhân thân gồm chứng minh nhân dân, mẫu chữ ký của bà Anh.
Khi rút tiền, bà Anh đã không rút tiền mặt mà tất toán sổ tiết kiệm rồi chuyển khoản cho 10 cá nhân bằng việc ký 10 giấy ủy nhiệm chi.
“Ủy nhiệm chi không phải bằng giấy trắng thông thường mà là ấn chỉ theo mẫu có màu đỏ, bằng nửa tờ A4 và được in sẵn ở trên là giấy nộp tiền. Bà Ngô Phương Anh đã ký 10 cái giấy này để chuyển tiền cho 10 người” – ông Vũ Hoàng Dương nói rõ thêm.
Cũng theo ông Dương, từ ngày 12-9 Công an Hà Nội đã làm việc nhiều lần với BIDV về vụ việc này.
Về mặt hồ sơ, ông Dương khẳng định việc tất toán sổ tiết kiệm cho bà Anh vào ngày 22-4 là hoàn toàn hợp lệ, đúng quy định. BIDV mong muốn cơ quan công an sớm làm rõ vụ việc, tránh gây hiểu lầm tới ngân hàng.
Về thông tin bà Anh làm việc tại phòng giao dịch BIDV vào 17g30 ngày 20-4, bà được giám đốc phòng giao dịch yêu cầu ký vào tờ giấy trắng để xác nhận chữ ký, ông Dương cho rằng BIDV cũng phải chờ cơ quan công an làm rõ.
Về bằng chứng ghi lại những giao dịch tại phòng giao dịch, ông Dương cho biết có camera ghi lại nhưng chỉ lưu trong khoảng 3 tháng, sau đó ghi đè lên.
Ông Dương cho biết thêm ông Phạm Thế Long hiện nay không còn là giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ.
Công an vào cuộc
Theo thông tin từ Phòng an ninh tài chính – tiền tệ – đầu tư (PA84) Công an Hà Nội, đơn vị này đã tiếp nhận đơn của bà Ngô Phương Anh về việc bị mất 32 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại phòng giao dịch D2 Giảng Võ BIDV chi nhánh Tây Hồ.
PA84 đã thụ lý vụ việc, tổ chức tiếp nhận các giấy tờ, tài liệu liên quan do bà Anh cung cấp. Công an đã lấy lời khai của bà Phương Anh, làm việc với đại diện BIDV để xác minh nội dung trong đơn của bà Anh.
“Đây là một vụ việc rất phức tạp, số tiền mà người dân khai nhận bị mất lớn. Cơ quan công an đang trong giai đoạn thụ lý vụ việc, thu thập tài liệu, chứng cứ, làm việc với các bên liên quan. Khi nào có kết quả điều tra mới đưa ra được đánh giá, kết luận trách nhiệm thuộc về phía nào” – một lãnh đạo PA84 cho biết.
Theo Tuổi Trẻ
Vụ bốc hơi "4 tỷ đồng": Khách hàng "phản pháo" phát ngôn của giám đốc SCB
Vụ việc khách hàng tố cáo ngân hàng Sài Gòn (SCB) làm "bốc hơi" 4 tỷ đồng tiếp tục gây tranh cãi bởi thông tin từ phía 2 phía có sự mâu thuẫn và phản bác nhau.
Bà Trần Thị Thanh Phúc, chủ nhân tài khoản "4 tỷ bốc hơi" tại SCB.
Sau những phát ngôn "phản pháo" mới đây của Giám đốc ngân hàng SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn về trường hợp bà Trần Thị Thanh Phúc mất 4 tỷ trong tài khoản SCB có những điểm không trùng khớp với thông tin trước đó về sự việc.
Khi trả lời báo chí, lãnh đạo ngân hàng SCB thừa nhận có sai sót của nhân viên ngân hàng khi vì nể khách VIP mà chấp nhận cho khách giao dịch qua điện thoại thay vì đến tại quầy hoặc có giấy uỷ quyền. Theo đó, đại diện SCB đang muốn tìm sự đồng cảm của dư luận khi ngân hàng nào cũng muốn "chiều" để "giữ" khách VIP.
Tuy nhiên, trao đổi với BizLIVE, chị Trần Thị Thanh Phúc, chủ nhân tài khoản "4 tỷ bốc hơi" tại SCB, cho biết: "không thể nói tôi là khách VIP của ngân hàng SCB ở chi nhánh Kim Ngưu. Bởi cho tới khi phát hiện mất tiền tôi chưa bao giờ đến chi nhánh này để giao dịch".
Và bà Phúc cho biết, số tiền hơn 4 tỷ trong tài khoản của bà mới được mẹ chồng chuyển cho vào 12/8/2015 thì cũng khó có thể nói là khách hàng lâu năm hay khách VIP của ngân hàng. Vì thế, cũng không thể cho rằng sai sót của ngân hàng chỉ là lỗi "nhân văn" của đa số các ngân hàng.
Đại diện SCB cũng cho biết, chính khách hàng đã thừa nhận mình trực tiếp ký vào tờ uỷ nhiệm chi trong đơn trình báo đầu tiên với ngân hàng và biên bản làm việc vào ngày 20/11/2015.
Theo đó, SCB cho biết, ban đầu bà Phúc viết đơn trình bày nói: "Tại thời điểm xảy ra giao dịch, tôi bị ốm, đau đầu nên bên cạnh lúc nào cũng có người bạn thân tên là Nguyễn Thị Thanh Hằng thay mặt giúp đỡ mọi việc. Tôi nghi ngờ trong lúc ốm, ngủ thì bạn tôi đã dùng điện thoại để giao dịch trả lời việc chuyển khoản số tiền 4 tỷ trên".
Tuy nhiên, khi trao đổi với bà Phúc thì bà cho biết, không làm bất cứ lá đơn nào có nội dung như trên. Cùng với đó biên bản làm việc vào ngày 20/11/2015 là nội dung do SCB soạn ra, có nhiều điểm có lợi cho ngân hàng, không phải là văn bản khách quan.
Về tình tiết mới là sự việc bà Phúc đã làm đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 4 tỷ đồng này vào tháng 11/2015.
Bà Phúc thừa nhận, có tố cáo người bạn tên Nguyễn Thị Thanh Hằng tới cơ quan điều tra vì tội lừa đảo vào ngày 20/11/2015, với nội dung, bà Phúc nghi ngờ bà Hằng có liên quan tới vụ việc mất 4 tỷ của mình.
Theo đó, bà Phúc kể lại: Tôi đã kí cho Hằng 4 tờ giấy A4 để Hằng bán nhà hộ (một ngôi nhà của bố mẹ chồng bà Phúc). Đó cũng là thời điểm bà Phúc bị ốm, bà Hằng ở bên cạnh cả ngày để chăm sóc.
Bà Phúc nghi ngờ rằng bà Hằng đã lợi dụng thời điểm này dùng điện thoại của mình để giao dịch với ngân hàng và xóa những tin nhắn khi ngân hàng gửi về nhằm thông báo giao dịch.
Bà Phúc cho biết thêm, hiện bà Hằng vẫn ở Hà Nội và từ khoảng cuối tháng 10/2015 thì không thấy đến nhà bà Phúc nữa.
Cho tới thời điểm này, sự việc của bà Phúc vẫn chưa có kết luận nào từ phía cơ quan điều tra, mà vẫn chỉ là những lời nói từ "1 phía", hoặc ngân hàng, hoặc khách hàng, chưa có cuộc làm việc chính thức nào giữa 2 bên.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico nhận định: "Trong bất cứ trường hợp nào, khi không phải chủ tài khoản tới rút tiền, chuyển khoản, mà lại thực hiện giao dịch thì ngân hàng đã sai".
"Nếu trong trường hợp, giấy ủy nhiệm đúng là chữ kỹ của chị Phúc đi chăng nữa, thì mới có giá trị xác minh 1 nửa. Vì thế mà ở đây ngân hàng chắc chắn là có lỗi, chỉ là lỗi bao nhiêu %, 50% hay 100% mà thôi", ông Đức cho biết.
Theo Bizlive