32 ngày chiến đấu với tử thần Covid-19
Kim Bello, bang Massachusetts, như chết đứng khi nghe bác sĩ thông báo chồng cô có rất ít cơ hội sống sau khi nhập viện vì nhiễm nCoV.
Ngày 7/3, Jim Bello, luật sư 49 tuổi cao to và khỏe mạnh, đột nhiên sốt cao hơn 39 độ C sau một chuyến leo núi ở New Hampshire. Sau vài ngày bị sốt, anh bắt đầu ho và tức ngực. Jim tới gặp bác sĩ và được kê một ít thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi. Nhưng tới ngày 13/3, Jim bị khó thở tới mức phải cấp cứu tại một bệnh viện ở ngoại ô Boston. Bác sĩ lập tức dùng máy thở.
“Nếu anh không qua khỏi thì sao?”, Jim lo lắng hỏi vợ, Kim Bello, 48 tuổi.
Kim cố gắng trấn an chồng. “Sau đó anh ấy nháy mắt với tôi giống như trong lần đầu tiên gặp nhau”, cô nhớ lại.
Ngay đêm đó, Jim được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, thành phố Boston và trở thành bệnh nhân Covid-19 đầu tiên phải đặt nội khí quản tại đây. Trường hợp của anh ban đầu có vẻ đơn giản và có thể dễ dàng xử lý, theo Paul Currier, bác sĩ đầu tiên tiếp nhận Jim.
Giống nhiều bệnh nhân Covid-19 khác, Jim xuất hiện hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). Phổi của anh bị viêm và tràn dịch tới mức các mô phổi giúp chuyển oxy vào máu trở thành những bong bóng sũng nước. Máy thở được sử dụng để giúp điều chỉnh nồng độ oxy, nhịp thở, áp lực và thể tích khí thở. Bác sĩ sẽ giữ áp lực máy thở đủ để giúp thông đường thở, nhưng tránh tình trạng phổi bị căng phồng quá mức và tổn thương thêm.
Bệnh nhân đặt nội khí quản thường được dùng thuốc an thần và thuốc giãn cơ để họ không cố tự thở, cho phép máy thở hoạt động.
Phim chụp X-quang phổi của Jim Bello ngày 14/3. Ảnh: NYTimes.
Từ cuối ngày đầu tiên cho đến ngày tiếp theo ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, tình trạng của Jim có dấu hiệu cải thiện tích cực, khi nồng độ oxy mà máy thở cung cấp giảm từ 65% xuống mức 35%. Nhưng sau đó, tình trạng của Jim đột ngột xấu đi khi nồng độ oxy mà anh cần cung cấp chạm ngưỡng tối đa 100%.
2h sáng ngày 18/3, tình trạng đáng báo động đến mức đội ngũ y tế phải đặt Jim nằm sấp để giảm áp lực của tim lên phổi, giúp giải phóng đường thở. Phương pháp đã có kết quả. “Thật tuyệt. Chúng tôi đã cứu được anh ấy”, bác sĩ Currier nghĩ trước khi tranh thủ chợp mắt.
Nhưng tới ngày tiếp theo, nồng độ oxy trong máu của Jim giảm mạnh. Bác sĩ đã bắt đầu cho anh dùng các loại thuốc mà nhiều bệnh viện đang thử: hydroxychloroquine, thuốc chống sốt rét mà Tổng thống Donald Trump ca ngợi, cùng với statin, nhưng loại thuốc này sau đó đã bị bỏ bởi gây tác dụng phụ tới gan của Jim.
Anh cũng được ghi tên vào dánh sách bệnh nhân thử nghiệm Remdesivir, thuốc kháng virus để điều trị Covid-19, dù không biết sau đó anh có sử dụng loại thuốc này hay không. Chiều hôm đó, các bác sĩ quyết định thử thêm thuốc ức chế miễn dịch tocilizumab khi lo ngại về tình trạng viêm phổi của Jim.
Không phương pháp nào có hiệu quả. Do đó, bác sĩ quyết định thử phương pháp cuối cùng: sử dụng ECMO, loại máy có thể thay thế chức năng của tim và phổi, giúp tuần hoàn máu và cung cấp oxy cho cơ thể. Đây là loại máy khá phức tạp và không có sẵn ở nhiều bệnh viện.
“ECMO không phải là phương pháp hoàn hảo. Có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra”, Yuval Raz, chuyên gia chủ chốt trong nhóm điều trị cho Jim, nhận định.
Rủi ro có thể bao gồm đột quỵ và các biến chứng xuất huyết. Các chuyên gia về ECMO phải đảm bảo lượng máu lưu thông qua máy không được quá thấp hoặc quá cao, để bệnh nhân không bị quá tải và vỡ mạch máu. Cho đến nay, hàng trăm bệnh nhân Covid-19 trên thế giới đã sử dụng phương pháp này, theo tổ chức phi lợi nhuận Extracorporeal Life Support. Hầu hết hiện vẫn dùng máy và các dữ liệu chưa đầy đủ, nên chưa thể đánh giá rõ ràng hiệu quả của phương pháp này.
Phổi của Jim bị xơ cứng tới mức khả năng giãn nở của nó, thường là trên 100 ở người khỏe mạnh và khoảng 30 ở người suy hô hấp cấp, chỉ ở mức một con số. Do đó, phổi của anh chỉ có thể xử lý được một lượng khí rất nhỏ so với bình thường. Máu đã bắt đầu chảy ra xung quanh các ống nội khí quản, nên bác sĩ phải tạm dừng sử dụng thuốc chống đông máu, theo bác sĩ Raz.
Video đang HOT
Phim chụp X-quang cũng cho thấy tình hình của Jim xấu đi. Hình ảnh đầu tiên chụp ngày 13/3 cho thấy phổi của anh vị viêm và tràn dịch nghiêm trọng, nhưng “vẫn có thể nhìn thấy phổi”, bác sĩ Raz cho biết. Ngày 18/3, mọi thứ xấu thêm nhưng vẫn còn nhìn thấy một chút. Nhưng đến ngày 20/3, “phổi của anh ấy hoàn toàn trắng xóa”.
Mặc dù các bác sĩ đều là những người có kinh nghiệm điều trị các ca suy hô hấp nghiêm trọng, diễn tiến bệnh của những người nhiễm nCoV khó có thể dự đoán được.
“Tình trạng của họ xấu đi rất nhanh. Bạn có thể thấy nhiều bệnh nhân trẻ yếu đi mỗi ngày, bất kể họ được chăm sóc rất tốt”, Peggy Lai, bác sĩ hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho hay.
Khi chưa tìm ra phương pháp điều trị Covid-19, bác sĩ phải chạy đua với các phương pháp thử nghiệm và đối mặt với thất bại. Họ cân nhắc rủi ro của những phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng và cẩn thận điều chỉnh máy móc, với hy vọng giúp phổi của bệnh nhân hoạt động để cơ thể chống lại tình trạng viêm nhiễm và khỏi bệnh.
“Điều khó khăn nhất đối với căn bệnh này là chúng ta không có gì để theo dõi và biết được dấu hiệu nào cho thấy tình trạng bệnh nhân sẽ xấu đi hay tốt lên”, Lai nói.
Bác sĩ và y tá cập nhật tình hình hàng ngày cho Kim, người đã phải nghỉ việc để chăm sóc ba con, Hadley 13 tuổi, Riley và Taylor, 11 tuổi. Cô và Hadley cũng xuất hiện triệu chứng nhẹ như tức ngực, nhưng bác sĩ cho rằng họ không cần phải xét nghiệm nCoV.
Bởi lệnh cấm thăm thân để ngăn lây nhiễm nCoV, y tá Kerri Voelkel đã giúp Jim có thể nói chuyện với gia đình hàng ngày. “Thật đau lòng khi đứng ở đây và nghe những đứa trẻ nói chuyện với bố của chúng”, Voelkel nói.
“Anh ấy sẽ vượt qua được chứ?”, Kim lo lắng hỏi trong khi tay nắm chặt điện thoại, đứng một mình trong sân.
Kim phải ra ngoài nghe điện thoại vì không muốn ba đứa con đang chơi điện tử trong phòng khách có thể nghe thấy cuộc nói chuyện giữa cô và bác sĩ Emmy Rubin đang điều trị cho chồng.
“Nếu cô muốn nghe một câu nói thật, tôi e là anh ấy khó lòng vượt qua”, bác sĩ Rubin nhẹ nhàng nói với Kim.
“Xin hãy nói thật với tôi”, Kim khẩn thiết.
Bác sĩ Rubin trấn an rằng họ không từ bỏ và Jim vẫn có cơ hội sống sót, nhưng cho biết nếu Jim bị ngừng tim, họ sẽ hết hy vọng. Kim như chết đứng khi nghe những lời đó.
Sáng hôm sau, 28/3, các bác sĩ đã thử ngừng dùng thuốc giãn cơ cho Jim để xem liệu anh có thể cải thiện được chút gì hay không. Kết quả thật bất ngờ khi Jim đã tỉnh dậy và nhướn mày. “Anh ấy đã cố gắng mở mắt”, Voelkel nhớ lại.
Khi được yêu cầu, Jim nắm chặt hai tay Voelkel. Anh gật đầu để trả lời những câu hỏi đúng sai đơn giản. Khi các y tá nói họ sẽ điều chỉnh tư thế của anh, Jim ra dấu đồng ý. “Lạy chúa, anh ấy đã tỉnh lại”, Voelkel vui mừng nói.
Voelkel đã gọi điện để tả lại chi tiết mọi thứ với Kim. Chiều hôm đó, Kim gửi tin nhắn cho bác sĩ Rubin rằng, “Xin hãy làm mọi điều có thể”. “Tôi hứa với cô sẽ làm tất cả những gì chúng tôi có thể”, bác sĩ Rubin trả lời tin nhắn.
Nhưng vài giờ sau khi thuốc giãn cơ hết tác dụng, Jim ở một mình trong phòng và cố gắng xoay nhẹ người, làm tăng huyết áp lên các mạch máu. “Chuyện này vốn dĩ là điều bình thường khi chúng ta thở, nhưng với anh ấy nó hoàn toàn không ổn. Nồng độ oxy giảm mạnh”, Raz nói.
Voelkel và Tyler Texeira, hai nhà trị liệu hô hấp, vội mặc đồ bảo hộ chạy vào. “Phổi của anh ấy kém tới mức chúng tôi không thể giúp anh ấy tỉnh táo. Do đó, chúng tôi buộc phải tiêm thuốc giãn cơ trở lại để cứu anh ấy”, cô nói.
Kim Bello cùng hai con gái nói chuyện với chồng qua FaceTime tại nhà riêng ở ngoại ô Boston, bang Massachusetts, ngày 11/4. Ảnh: NYTimes.
Các bác sĩ chỉ còn lựa chọn cuối cùng là cố gắng hút dịch bằng cách thêm một ống nối với máy ECMO, nhưng thao tác này yêu cầu phải ngừng máy thở trong 30 giây. “Tình trạng của anh ấy tệ đến mức chúng tôi cảm thấy nếu dừng máy ECMO 30 giây, anh ấy cũng khó có thể sống sót”, Rubin nói.
“Tôi đã khóc suốt quãng đường về nhà”, Voelkel kể lại sau khi kết thúc ca trực hôm đó. Cô nghĩ tới những cuộc điện thoại của con Jim, những đứa trẻ trạc tuổi con cô. “Nỗi tuyệt vọng khi nghĩ rằng chúng tôi không thể cứu sống người đàn ông này nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi”.
Rubin gọi cho Kim và đề nghị cô tới thăm chồng vào tối hôm đó, điều mà cô chỉ được phép làm duy nhất một lần trước đó. Hành lang bệnh viện trở nên đáng sợ. Cô mặc đồ bảo hộ và vào phòng bệnh của Jim.
“Tôi cảm thấy như nếu tôi cứ nói chuyện với anh ấy trong nhiều giờ, có lẽ anh ấy sẽ ổn định và khỏe lại. Tôi chỉ muốn Jim biết chúng tôi cần anh ấy nhiều thế nào, anh phải chiến đấu với nó và không thể rời xa chúng tôi”, Kim kể.
Cô lúc đầu được nói chỉ được thăm 15 phút, nhưng sau đó đã ở lại hơn 3 tiếng. “Em đang nắm chặt bàn tay anh, đang nắm lấy cánh tay anh. Em đang nằm cạnh anh và chạm tay lên đầu anh đó”, Kim thủ thỉ với chồng.
Ba ngày tiếp theo, hy vọng dần được thắp lên. Hình ảnh chụp X-quang cho thấy phổi trái của Jim đang sạch dần. “Sau đó, mọi thứ bắt đầu được cải thiện dần dần cho tới khi thực sự có chuyển biến”, Currier nói.
Ngày 5/4, Jim được rút máy ECMO sau 18 ngày phụ thuộc vào nó. Anh vẫn thở máy nhưng đã bắt đầu điều chỉnh được tình trạng giảm nồng độ oxy. Do đó, các bác sĩ quyết định bắt đầu bỏ dần thuốc an thần và giãn cơ.
Vài ngày sau, các bác sĩ trị liệu đỡ Jim ngồi ở mép giường. Voelkel gọi FaceTime cho Kim và cô thấy chồng mình đá nhẹ chân. “Em yêu anh. Tặng em một nụ hôn gió nào”, Kim bật khóc. Jim, dù vẫn còn ống thở ở miệng, đã cố gắng cử động tay để gửi cho vợ một nụ hôn.
Ngày 11/4, gần một tháng sau khi nhập viện, Kim cùng các con gọi FaceTime cho chồng. “Chào bố, con là Hadley và Taylor đây ạ. Bọn con nhớ bố rất nhiều. Chúng ta cùng nhau chiến đấu nhé và bố sẽ ổn thôi. Chúng con yêu bố”.
Jim, chưa thể nói chuyện vì còn thở máy, ngẩng đầu lên, mở mắt và vẫy nhẹ tay với gia đình anh. “Yêu anh”, vợ anh nói.
Các bác sĩ không biết tại sao Jim có thể sống sót, nhưng họ cho rằng đó là do thời gian. Mặc dù một số trường hợp bệnh nhân sẽ ngày càng nặng thêm nếu dùng máy thở lâu, một số người khác lại ngược lại. Các bác sĩ cũng không biết trong số những loại thuốc họ đã dùng cho Jim, loại nào có hiệu quả.
Nhưng Currier cho rằng ông không bất ngờ nếu điều đó là nhờ chuyến thăm của Kim. “Cô ấy đã ở bên giường bệnh suốt ba tiếng. Đó là thời điểm mọi thứ tệ nhất. Bạn không thể đánh giá điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt nhiều như thế nào”, Currier nói.
Ngày 14/4, Jim được rút máy thở và bắt đầu tự thở lần đầu tiên sau 32 ngày. Đó cũng là ngày đầu tiên anh có thể thì thào câu “Anh yêu cả nhà” với gia đình mình qua cuộc gọi FaceTime.
Jim Bello (thứ hai từ bên trái) chụp ảnh cùng gia đình tại nhà riêng ở ngoại ô Boston, ngày 25/4. Ảnh: NYTimes.
Khi Jim được đưa rời phòng chăm tóc tích cực để tới phòng bệnh bình thường, những nhân viên y tế, trước đây từng tuyệt vọng vì cho rằng không thể cứu anh, đã xếp hàng dọc hành lang và vỗ tay chúc mừng. Anh cũng vẫy tay lại với mọi người.
“Thật phi thường. Tất cả mọi người đều tin rằng anh ấy sẽ bình phục hoàn toàn”, Rubin nói.
Jim chia sẻ khi khỏe lại, anh muốn trở thành luật sư đại diện cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế. “Tôi có thể sống sót ngày hôm nay là nhờ tất cả những người như họ”, anh nói.
Khi có thể ăn uống và đi lại, Jim cho biết anh cảm thấy tự hào về người vợ của mình và háo hức tới ngày được về nhà. Không lâu sau đó, ngày 24/4, Jim cuối cùng được đoàn tụ với gia đình.
Thanh Tâm
Michael Bloomberg chi tiền hàng tháng để "được khen" trên mạng xã hội
Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận tiết lộ, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg thuê khoảng 500 người ở bang California viết các bình luận tích cực về ông trên các mạng xã hội và trả cho mỗi người 2.500 USD/tháng.
Tỷ phú Michael Bloomberg. Ảnh: AP.
Cụ thể, theo Wall Street Journal, những người được ông Bloomberg thuê sẽ đăng các bài viết và bình luận lên các trang trên mạng xã hội hàng ngày, cũng như gửi tin nhắn SMS cho bạn bè và người quen với nội dung "khen ngợi" ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Những người này làm việc khoảng 20 - 30 giờ mỗi tuần với mức lương 2.500 USD/tháng.
Wall Street Journal phân tích, chiêu bài này của tỷ phú nằm trong chiến dịch tranh cử nhắm vào cuộc bầu cử sơ bộ tại bang California diễn ra vào "siêu thứ Ba" 3/3.
Nếu hình thức vận động này thành công, nó có thể được sẽ được Bloomberg áp dụng ở các bang khác trong cuộc đua bầu cử. Đồng thời, ông Bloomberg sẽ phải trả "hàng triệu USD".
Trong khi đó, trong cuộc tranh luận của Đảng Dân chủ tại Las Vegas, Nevada diễn ra hôm thứ Tư (19/2), ông Bloomberg tuyên bố, sẽ công bố tờ khai thuế của mình trong vài tuần tới.
Theo các ước tính mới nhất của Forbes, Michael Bloomberg, chủ sở hữu Bloomberg LP, có khổi tài sản lên tới 64 tỷ USD. Tỷ phú cũng từng tuyên bố sẵn sàng chi toàn bộ gia tài khổng lồ của mình để loại Tổng thống Mỹ Donald Trump ra khỏi Nhà Trắng vào năm 2020.
Hôm 19/2, Wall Street Journal cũng đưa tin, nếu đắc cử tổng thống, Bloomberg sẵn sàng bán công ty do mình thành lập từ 40 năm trước để tránh xung đột lợi ích cá nhận và cộng đồng.
Ông Bloomberg chính thức tham gia đường đua bầuu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2019 và đã chi hơn 385 triệu USD cho các chiến dịch truyền thông.
Ông Bloomberg quyết định không tham gia bốn vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên của Đảng Dân chủ ở Iowa, New Hampshire, Nevada và South Carolina mà tập trung cho 14 bang sẽ bỏ phiếu vào ngày 3/3.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 59 sẽ được tổ chức vào ngày 3/11/2020.
Theo ĐTCK
Michael Bloomberg sẽ bán công ty nếu trở thành Tổng thống Mỹ Theo nguồn tin của Wall Street Journal, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg sẽ bán công ty tài chính và truyền thông Bloomberg LP do ông thành lập từ 40 năm trước, nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ. Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết, tỷ phú Bloomberg dự định chuyển giao Bloomberg LP sang quỹ ủy thác với mục...