31 tuổi, “hot boy” quản lý 200 lồng cá sông Đà, doanh thu 20 tỷ/năm
Trên vùng hồ sông Đà rộng lớn, trong hàng trăm tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, cơ ngơi lồng cá của anh Nguyễn Văn Toản ở xóm Vôi, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) là tầm cỡ nhất, khó ai có thể sánh bì. 31 tuổi, anh quản lý và điều hành Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng với gần 200 lồng cá đặc sản, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ lớn mạnh góp phần đưa thương hiệu cá sạch Hòa Bình vươn xa.
Anh Nguyễn Văn Toản (ngoài cùng bên trái), chủ doanh nghiệp thủy sản Hải Đăng giám sát quy trình nuôi cá lồng VietGAP.
Nặng lòng với nghiệp gia đình
Tốt nghiệp đại học Quốc gia Hà Nội, là cử nhân chuyên ngành CNTT, anh Nguyễn Văn Toản (sinh năm 1986) từng có 3 năm công tác tại Ban Quản lý các KCN tỉnh. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng, kinh doanh thủy đặc sản vốn là nghề truyền thống từ mấy chục năm của gia đình nên thâm tâm anh luôn đau đáu làm sao để cơ nghiệp của gia đình ngày càng phát triển lớn mạnh. Năm 2014, trước tình hình thực tế cần người kế nghiệp, anh quyết định nghỉ việc Nhà nước để tiếp quản việc sản xuất, kinh doanh thủy đặc sản của gia đình. Cũng từ đây, doanh nghiệp tư nhân Hải Đăng tiếp tục gặt hái những thành công mới và anh Toản là người trụ cột.
Trở lại câu chuyện của anh cách đây hơn hai chục năm về trước (chừng 6 – 7 tuổi), anh đã cùng bố mẹ mưu sinh nghề cá trên sông nước vùng hồ. Từ chỗ học hỏi cách làm của những hộ nuôi cá lồng bè ở tỉnh Hải Dương, gia đình anh đã dồn hết vốn liếng nuôi 5 lồng cá bột, dần dà tăng quy mô lên 28 lồng, 50 lồng và cứ thế nhân đến hàng trăm lồng. Nghe tưởng dễ nhưng để phát triển và duy trì quy mô lồng cá như thế này là cả chuỗi những nỗ lực, gian nan. Người làm nghề vừa phải lo chất lượng đầu vào, vừa phải lo vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đây lại là loại thực phẩm tươi sống, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng thành lập từ năm 2015, trước khi anh tiếp quản thì mẹ anh – bà Nguyễn Thị Bảy giữ vị trí giám đốc.
Quyết giữ thương hiệu cá sạch Hòa Bình
Video đang HOT
Để vững vàng phát triển doanh nghiệp, anh Toản xác định yếu tố tiên quyết là phải giữ bằng được thương hiệu cá sạch Hòa Bình, cũng là tâm huyết của gia đình mong muốn cung cấp cho thị trường tiêu dùng các loại thủy đặc sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo anh Toản, môi trường nước sạch vùng hồ và nguồn thức ăn tự nhiên tại chỗ chính là lợi thế vô giá, điều kiện hiếm có để sản xuất cá thương phẩm sạch. Điều quan trọng là người nuôi trồng phải biết khai thác tận dụng và không ngừng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Với quan điểm sản xuất gắn với kinh doanh thủy đặc sản chất lượng cao, nguồn thức ăn cho cá nuôi lồng của doanh nghiệp anh chủ yếu từ đánh bắt tự nhiên. Vào thời gian đầu khi mới xuống giống, anh sử dụng nguồn thức ăn cho cá bột là cám Mỹ đạt tiêu chuẩn chất lượng được phép lưu hành. Từ khi cá thịt đạt trọng lượng 1 kg trở lên, nguồn thức ăn của cá hoàn toàn là cá tép thu mua được trong dân với bình quân 2 – 3 tấn thức ăn/ngày. Về mầm bệnh, nguồn bệnh nếu có, anh xử lý bằng phương pháp hữu cơ như vôi, tỏi, tuyệt đối nói không với chất kháng sinh.
Theo cách nuôi này, mỗi lứa cá từ lúc nuôi đến khi xuất bán thương phẩm mất từ 2 năm đến 2 năm rưỡi. Đổi lại, chất lượng cá cho thấy rõ sự khác biệt, đảm bảo độ thơm ngon, chắc thịt. Đây đồng thời là yếu tố khẳng định thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Năm 2016, anh Toản xuất ra thị trường lô cá đặc sản đầu tiên kể từ khi anh đứng ra với vai trò quản lý, điều hành. Chưa quảng bá nhiều, khách mua buôn, mua lẻ chủ yếu tự tìm đến. Cũng kể từ năm 2016, chọn hướng quản lý chất lượng theo quy trình chăn nuôi tốt, anh áp dụng nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng nghĩa với việc thực hiện kiểm soát theo chuỗi sản xuất (từ các yếu tố đầu vào đến các yếu tố đầu ra). Qua đó, anh nhận thấy cách làm này hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc nhận diện, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu mối nguy, quản lý và xử lý tốt mầm bệnh, nguồn bệnh, bảo vệ môi trường bên ngoài, sản phẩm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, quyền và lợi ích của người nuôi, của cộng đồng dân cư được bảo vệ.
20 tỷ đồng/năm là tổng doanh thu mà doanh nghiệp của anh Nguyễn Văn Toản đạt được từ sau khi thực hiện đường hướng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh thủy đặc sản. Tại phường Đồng Tiến (thành phố Hòa Bình), doanh nghiệp có 1 kho trung chuyển thủy sản với đầy đủ hệ thống bảo quản đảm bảo khi xuất cá thương phẩm đến khách hàng có chất lượng tốt nhất. Bình quân mỗi ngày anh xuất bán 1 tấn cá, sản lượng cá sạch thương phẩm 350 tấn/năm. Các loại thủy đặc sản tự nhiên mà doanh nghiệp hiện nuôi trồng là lăng, nheo, vược, quất, trắm đen, chép giòn, chạch trấu…
Trong điều kiện thị trường cạnh tranh, với mục tiêu chiến lược đã vạch sẵn là sản xuất thủy đặc sản chất lượng cao, doanh nghiệp thủy sản Hải Đăng đã gây dựng được uy tín của mình mang tầm thương hiệu. Nguồn cung sản lượng của doanh nghiệp hiện đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng ở nhiều thị trường khó tính như Thủ đô Hà Nội, các tỉnh vùng Tây Bắc hay các tỉnh: Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương. Đặc biệt, doanh nghiệp chuyên cung cấp cá sạch cho chuỗi các nhà hàng, tham gia chuỗi thực phẩm sạch của thành phố Hà Nội với hệ thống hơn 30 cửa hàng.
Kể từ ngày 22/9/2017, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng chính thức thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm (bấm tem vào đuôi cá). Với ngành thủy sản Hòa Bình, đây là doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện giải pháp hiệu quả, minh bạch giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua thực phẩm. Theo anh Nguyễn Văn Toản, Giám đốc công ty, làm được điều này có nghĩa đã giúp doanh nghiệp khẳng định chất lượng thủy đặc sản nuôi, người tiêu dùng tiếp cận đúng sản phẩm chính hãng, an toàn, đồng thời giúp bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Bùi Minh (Báo Hòa Bình)
Sơn La: Nhiều nhà dân trên lòng hồ sông Đà "không lối thoát"
Nhiều nhà dân sinh sống trên lòng hồ sông Đà, thuộc tỉnh Sơn La bị ngập lụt nghiêm trọng, "không lối thoát" ngay cả khi thủy điện Sơn La dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du.
Đến 12h trưa nay (11.10), nước sông tiếp tục dâng cao, nhiều nhà dân sinh sống ở bản Heo, bản Luồn ven lòng hồ sông Đà thuộc xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn (Sơn La) vẫn ngập lụt nghiêm trọng.
Ông Hà Văn Pong là một trong những hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng, cho biết: "Nếu mưa lớn cứ tiếp tục thế này thì chắc chúng tôi không có nhà để ở nữa. Cuộc sống của người dân đang bị đảo lộn vì mưa lũ".
Mưa lớn nước sông dâng cao, ngập đến cột nhà của người dân vùng ven sông Đà.
Điểm Trường mầm non Heo - Luồn nằm ven dòng Sông cũng bị ngập lụt nghiêm trọng, nước sông dâng tràn vào lớp học, học sinh phải nghỉ học ở nhà mấy ngày nay. Mọi hoạt động sinh hoạt của người dân sinh sống trên lòng hồ sông Đà bị xáo trộn hoàn toàn.
Mưa lớn kéo dài, điểm Trường mầm non Heo - Luồn bị ngập .
Nằm bên bờ kia sông Đà, đối diện với Bản Heo, có 8 nhà của người dân ở bản Vàn, xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất". Tất cả đồ đạc của các gia đình phải vận chuyển đi nhờ nhà anh em họ hàng và chất đống trên sân Trạm y tế xã chờ nước rút.
Người dân huy động nhiều thuyền tập kết, để chở đồ đạc và tài sản đến nơi an toàn.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Mùi Văn Điều, bản Vàn cho biết: "Tôi sinh sống ở ven sông này từ nhỏ tới nay chưa thấy trận mưa lớn nào kéo dài làm nước sông dâng cao như vậy. Đến gần 13h trưa nay, nước sông vẫn tiếp tục dâng. Các hộ gia đình sinh sống trong vùng ảnh hưởng dọn dẹp và chuyển đồ đạc lên địa điểm cao hơn để bảo đảm tài sản.
Trước đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lệnh cho giám đốc công ty thủy điện Sơn La thực hiện quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Cụ thể, thủy điện Sơn La phải dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du. Thủy điện Sơn La cũng phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban chỉ đạo và các cơ quan liên quan để có các quyết định điều hành phù hợp với thực tế.
Theo Danviet
Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ, người dân khẩn trương ứng phó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình thực hiện mở 1 cửa xả lũ tại hồ thủy điện Hòa Bình vào 7h ngày 11.10. Hình ảnh xả lũ tại đập thủy điện Hòa Bình vào tháng 7.2017. Ảnh: Zing Công điện nêu rõ: Hiện nay, hồ Hòa Bình đã vượt...