309 bài thi được nâng điểm tại Sở Giáo dục và đào tạo Hà Giang
Vũ Trọng Lương khai thuê xe tải chở hòm đựng bài thi trắc nghiệm về phòng làm việc ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang để sửa điểm suốt 5 tiếng.
Sáng nay, là người bị thẩm vấn đầu tiên trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, bị cáo Vũ Trọng Lương (41 tuổi, cựu phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) nhận “đã một mình thực hiện” tất cả thao tác nâng điểm.
Bị cáo khai tháng 5/2018 được phân công làm kỹ thuật viên thuộc tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Cùng tháng đó, Lương “nhận lệnh” từ ông Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) nói cần nâng điểm cho một số thí sinh đặc biệt. Đầu tháng 5/2018, ông Hoài đưa danh sách đưa Lương và sau đó hai lần gửi thêm qua tin nhắn, e-mail. Tổng cộng, 93 thí sinh cần nâng điểm.
Bị cáo Vũ Trọng Lương bị dẫn giải tới tòa vào sáng 14/10. Ảnh: H.N.
Ngoài những thí sinh này, Lương cũng nhận nâng điểm cho 14 em khác qua người thân, bạn bè. Tên những người này được Lương nêu công khai tại tòa như chị Hoàng Thị Hồng Nhẫn ( Công an tỉnh Hà Giang) nhờ một suất cho con, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (trường THPT Vị Xuyên) và Nguyễn Thanh Cảnh (trường THPT Ninh Hồ) mỗi người nhờ một thí sinh…
Bị cáo Lương khai ông Hoài là người khởi xướng việc nâng điểm bởi ngoài bằng chứng là các danh sách đã nhận, Lương còn ghi âm các cuộc nói chuyện giữa hai người. Thẻ nhớ chứa dữ liệu ghi âm được Lương cất trong con lợn tiết kiệm đem gửi mẹ vợ song hiện thẻ đã bị mất.
Lương nhiều lần khẳng định không thỏa thuận, hứa hẹn gì về việc đưa, nhận tiền, hay vật chất trong việc nâng điểm. “Tất cả đều là nhờ vả, có người trực tiếp đến nhà đặt vấn đề, có người nhắn tin song tin nhắn thì bị cáo đã xóa đi”, Lương khai.
Video đang HOT
Theo lời khai sáng nay của bị cáo Lương, việc chấm thi bắt đầu từ 29/6/2018, hạn gửi dữ liệu về Bộ Giáo dục và Đào tạo là 6/7/2018. Lương là kỹ thuật viên và cũng là người chấm. Tổ xử lý xử lý bài thi trắc nghiệm có 10 thành viên (7 cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo, hai thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo và một Công an tỉnh Hà Giang).
Từ 30/6 đến 2/7/2018, Lương sao chép đáp án do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố và “dán” vào 309 phiếu trả lời trắc nghiệm để nâng điểm cho 107 thí sinh. “Chỉ hai giây là xong một bài”, Lương khai hôm nay.
Xử lý xong bài thi trắc nghiệm, Lương sao lưu kết quả vào đĩa CD để gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo và chủ tịch hội đồng thi. Ngày 7/7/2018, Lương nói với ông Hoài: Điểm của thí sinh được nâng là rất cao nên sợ Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm tra. Để kín kẽ, Lương đề xuất sửa chữa trực tiếp vào bài thi để phù hợp với kết quả trong đĩa CD dữ liệu điểm đã gửi về Bộ. Ông Hoài đồng ý.
Sáng 7/7/2018, được ông Hoài đưa chìa khóa phòng chứa bài thi trắc nghiệm, túi đựng bài thi, Lương thuê xe tải đến trường THPT chuyên Hà Giang (nơi chứa bài thi) vận chuyển hòm chứa bài thi mang về phòng làm việc của mình ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Từ 12h tới 17h hôm đó, Lương ngồi lỳ trong phòng để nâng điểm bằng cách: tẩy đáp án sai, sửa đáp án đúng, đóng niêm phong. “Sửa mỗi bài mất khoảng 6 giây”, Lương khai.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Trong ngày 14-16/9, TAND tỉnh Hà Giang xét xử vụ án nâng điểm cho 107 thí sinh tại Hà Giang, 5 bị cáo gồm:
- Bà Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015.
- Ông Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang), Lê Thị Dung (cựu cán bộ Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, theo điều 366.
- Ông Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356.
Theo Bảo Hà – Phạm Dự (VnExpress)
Tòa án Hà Giang xét xử độc lập dù Chánh án có con được nâng điểm
Chánh án tỉnh Hà Giang được xác định có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Do đó, việc giải quyết vụ án hoặc phát ngôn được phân công cho các Phó chánh án.
Nhóm bị cáo nâng điểm ở Hà Giang hầu tòa ngày 18/9.
Như đã đưa, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã thông báo kết quả kiểm tra, xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Theo đó, 151 cán bộ, đảng viên của tỉnh có liên quan vụ gian lận thi cử.
Trong số bị kỷ luật, có nhiều phụ huynh liên quan lĩnh vực pháp luật như ông Đỗ Tiến Dũng - Phó GĐ Công an tỉnh đã để vợ tác động nên con được nâng điểm; Lại Thị Hương - GĐ Sở Tư pháp đã nhờ xem điểm trước, con không được nâng điểm; Vương Ngọc Hà - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh để mẹ đẻ tác động cho con đồng chí, con được nâng điểm...
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Chánh án TAND tỉnh bị xác định để chồng tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con. Trong khi đó, chính TAND tỉnh Hà Giang sắp tới sẽ xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi.
Về việc này, ông Trương Huy Huân - Phó chánh án TAND tỉnh Hà Giang cho biết ông là người trực tiếp phụ trách vụ án, bà Lan Anh hoàn toàn không liên quan hoặc tham gia quá trình xử lý.
Theo ông Huân, báo chí đã thông tin đầy đủ các diễn biến liên quan gian lận điểm thi tại tỉnh gồm việc bà Lan Anh có con được nâng điểm. Về phần mình, ngay sau khi hồ sơ vụ án được chuyển sang, tòa án đã họp và phân công ông Hoàng Văn Tiến - Phó chánh án thường trực chỉ đạo xử lý vụ án.
"Tôi được phân công là người phát ngôn về vụ án. Theo quy định, chánh án là người phát ngôn nhưng vì liên quan tới vụ án nên Chánh án đã báo cáo Ban cán sự Đảng, phân công tôi phát ngôn riêng về vụ án. Đồng chí Lan Anh không có bất cứ một trách nhiệm gì với vụ án này" - ông Trương Huy Huân nói.
Sau khi Phó chánh án Hoàng Văn Tiến hết nghiệm kỳ, ông Huân tiếp tục được giao là người phụ trách xử lý vụ án kiêm người phát ngôn. Qua đây, ông Huân khẳng định các thẩm phán, hội thẩm được phân công giải quyết vụ án gian lận điểm thi sắp tới sẽ độc lập, chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử.
Trước đó, vụ án được đưa ra xét xử ngày 18/9 nhưng thẩm phán, chủ tọa Vương Thị Thu Hà đã công bố quyết định hoãn tới ngày 14 đến 16/10 vì vắng mặt nhiều người liên quan.
Các bị cáo trong vụ gồm Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục -Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang (phòng Khảo thí), Vũ Trọng Lương - nguyên Phó phòng Khảo thí bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Bị cáo Phạm Văn Khuông - nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung - nguyên cán bộ Công an tỉnh Hà Giang bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Riêng Triệu Thị Chính - nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT phải hầu tòa về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Nhóm các bị cáo bị cơ quan điều tra, truy tố xác định đã sửa kết quả 309 bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT) nêu quan điểm: "Về pháp luật, khi xét xử thẩm phán là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên kết quả phiên tòa chỉ phụ thuộc vào cá nhân thẩm phán và Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, trong công tác pháp luật tại tòa án chúng ta cũng phải hiểu có nguyên tắc trên dưới... không phải tự do".
XUÂN ÂN
Theo tienphong
Khai trừ Đảng 2 cựu cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La Đảng ủy khối cơ quan doanh nghiệp Hà Giang ra quyết định khai trừ khỏi Đảng đối với Trưởng và phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục. Hai nguyên cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La bị liên quan vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 bị khai trừ khỏi Đảng Ngày 17/9, Ủy ban kiểm tra Tỉnh...