30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội
Ngày 14.12 tại Hà Nội, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết sẽ rót 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2013 – 2015.
Gói tín dụng này còn phải chờ Ngân hàng Nhà nước bật đèn xanh.
Theo đó, BIDV và Bộ Xây dựng đã ký biên bản thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình nhà ở xã hội (NƠXH).
Tuy nhiên, ngay tại lễ ký này, Bộ Xây dựng và BIDV cũng thừa nhận, gói tín dụng này có hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào lãi suất có đủ hấp dẫn các DN hay không…
Cơ hội giúp người nghèo có nhà
Video đang HOT
Theo thỏa thuận được ký kết, trong giai đoạn 2013 – 2015, BIDV cam kết dành gói tín dụng trung – dài hạn quy mô 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng NƠXH, trong đó chủ đầu tư và người mua nhà là đối tượng thụ hưởng chính.
Cụ thể, với các chủ đầu tư thực hiện dự án, doanh số cho vay tối đa là 10.500 tỉ đồng (35% gói tín dụng), mức cho vay tối đa là 70% trên tổng mức đầu tư dự án. Lãi suất cho vay bằng lãi suất của NH Phát triển VN.
Với người mua nhà, doanh số cho vay tối đa là 19.500 tỉ đồng (65% gói tín dụng), với mức cho vay tối đa là 85% trên giá trị căn nhà. Lãi suất cho vay thấp hơn 10% so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân các TCTD.
Đối tượng được BIDV xem xét cấp tín dụng gồm: Chủ đầu tư triển khai các dự án NƠXH, nhà ở thương mại có diện tích sàn căn hộ dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; người mua nhà thuộc các đối tượng có thu nhập thấp (TNT), trung bình không đủ điều kiện được giải quyết mua NƠXH…
“Chỉ cần mỗi TCTD bỏ ra 3% tổng dư nợ là chúng ta đã có ngay 100.000 tỉ đồng, giả sử mỗi mét vuông NƠXH là 15 triệu đồng thì chúng ta đã có ngay từ 5-6 triệu căn hộ cho người TNT, CNLĐ. Làm như vậy không chỉ giải quyết được phần nào khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư trong quá trình triển khai các dự án NƠXH, mà còn góp phần tạo điều kiện để người lao động TNT có nhà” – Chủ tịch HĐQT BIDV – ông Trần Bắc Hà – nói.
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đây là hành động góp phần phá băng thị trường BĐS, vừa là cơ hội giúp dân nghèo, người lao động có nhà ở.
Chờ Ngân hàng Nhà nước bật đèn xanh
Theo thống kê của BIDV, hiện tính chung các khoản cho vay liên quan đến nhà ở (mua, sửa chữa, xây mới…) thì dư nợ hiện tại của BIDV đã lên tới 15.800 tỉ đồng, tương đương 5,2% quy mô dư nợ của NH này. Hiện NH đang triển khai khá nhiều gói tín dụng kích cầu cho thị trường BĐS như gói tín dụng 2.000 tỉ đồng dành cho các dự án nhà ở TNT khu vực đô thị và nhà ở công nhân KCN; chương trình tín dụng 4.000 tỉ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà với mức cho vay tối đa bằng 85% giá trị căn nhà… Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các gói tín dụng mới đạt chưa đầy 50%.
BIDV cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chưa đạt như các gói mục tiêu đề ra, trong đó các vấn đề về nợ xấu, tài sản thế chấp và lãi suất đang là những lực cản chính. “Hiện phần lớn nhà thầu xây dựng đang có nợ xấu nên không thể cho vay mới được.
Bên cạnh đó, khó khăn nhất là lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay chỉ nên ở mức bằng 2/3 lãi suất huy động. Nếu lãi suất dưới 6% thì có thể chấp nhận được. Để làm được điều này thì mình BIDV không thể làm được nếu không có chính sách hỗ trợ lãi suất của NHNN…” – Chủ tịch HĐQT BIDV nói.
Như vậy, xem ra để gói tín dụng hàng ngàn tỉ này đến được với DN và người dân, còn phải chờ NHNN bật đèn xanh!
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, theo nghị định phát triển NƠXH mà bộ vừa trình Chính phủ, các cơ chế hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều.
Các dự án NƠXH sẽ được hưởng mức thuế thu nhập DN là 10%, thuế GTGT với người mua là 5%. Bên cạnh đó cũng mở rộng đối tượng được mua NƠXH, thu hẹp bớt điều kiện, tiêu chí được mua, bán NƠXH; trong khu vực phát triển NƠXH được trích 20% quỹ đất để làm NOTM, bán theo giá NOTM để bù đắp chi phí xây dựng NƠXH; cho phép các địa phương có thể hỗ trợ hạ tầng trong phạm vi dự án…
Bộ Xây dựng đang kiến nghị những chính sách này được áp dụng từ quý II/2013.
Theo laodong
Vinataba: "Thương vụ 30 Nguyễn Du" không phải đầu tư ngoài ngành
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đang tiến hành các thủ tục mua lại phần vốn góp của bên nước ngoài tại Công ty TNHH Liên doanh Nguyễn Du - liên doanh giữa Vinataba và công ty Pavia Properties Ltd - để xây dựng văn phòng hoạt động của Tổng công ty và đơn vị thành viên.
Theo Vinataba, văn phòng Tổng công ty cũng như các đơn vị phụ thuộc được bố trí phân tán nhiều nơi, thậm chí có đơn vị chưa có địa điểm để thực hiện các hoạt động của mình nên đã gây khó khăn cho công tác quản trị và điều hành.
Lãnh đạo Vinataba cho biết để tiến hành việc nhận chuyển nhượng vốn góp trong liên doanh, ngày 21.12.2011, Vinataba đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương mua lại toàn bộ phần vốn góp 65% trong liên doanh Nguyễn Du.
Tiếp đó, ngày 8.3.2012, doanh nghiệp này có thêm công văn báo cáo Thủ tướng về thực trạng văn phòng làm việc của tổng công ty và đơn vị thành viên, nguồn vốn để mua lại vốn góp trong liên doanh và phương án khai thác, sử dụng tòa nhà tại số 30 Nguyễn Du.
Sau khi có ý kiến của Cục Đầu tư nước ngoài, Vinataba cũng đã có văn bản giải trình bổ sung theo đó "mục đích mua lại toàn bộ phần vốn góp trong liên doanh Nguyễn Du và chuyển thành công ty phụ thuộc" là "để làm trụ sở văn phòng tổng công ty, văn phòng giao dịch thương mại các đơn vị phụ thuộc và phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm...".
Hiện nay, theo Vinataba, văn phòng Tổng công ty cũng như các đơn vị phụ thuộc được bố trí phân tán nhiều nơi, thậm chí có đơn vị chưa có địa điểm để thực hiện các hoạt động của mình nên đã gây khó khăn cho công tác quản trị và điều hành.
Vinataba cũng khẳng định việc mua lại vốn góp không phải là "hoạt động đầu tư ra ngoài ngành" nên đã được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đồng ý về nguyên tắc tại Công văn số 2513 ngày 14.4.2012.
Trong khi đó, với vốn điều lệ 3.878 tỷ đồng, thương vụ chuyển nhượng tại liên doanh Nguyễn Du của Vinataba cũng được xác định là không trái với quy định "tổng mức đầu tư ra ngoài công ty không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty" như quy định.
Sau khi Cục Đầu tư nước ngoài có ý kiến, Vinataba cũng đã xin điều chỉnh ngành nghề của công ty và mục tiêu dự án là cải tạo, nâng cấp, xây dựng và vận hành một tòa nhà văn phòng cho thuê tại 30 Nguyễn Du để làm trụ sở văn phòng tổng công ty, văn phòng giao dịch thương mại của các đơn vị phụ thuộc và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến hoạt động cho thuê văn phòng.
Phần diện tích văn phòng mà Vinataba và các đơn vị phụ thuộc nếu không sử dụng hết sẽ được dùng để cho các đơn vị thành viên, các công ty liên kết và đối tác của tổng công ty thuê lại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Là một tổng công ty nhà nước lớn với tổng doanh thu lên tới 30 nghìn tỷ đồng trong năm 2011, trụ sở cũ của Vinataba được dùng chung với Tổng công ty Giấy Việt Nam trên khu đất 230 m2 tại 25A Lý Thường Kiệt, vốn là khu đất được Hà Nội cho Tổng công ty Giấy Việt Nam thuê. Còn hiện nay, Vinataba đang thuê 4 tầng tại tòa nhà Phú Điền tại số 83 Lý Thường Kiệt để làm trụ sở chính.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản nêu ý kiến xung quanh kế hoạch chuyển nhượng này, theo đó về nguyên tắc, việc chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp của bên nước ngoài và chuyển đổi liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam là không trái với quy định của pháp luật.
"Việc mua lại của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam dùng vào mục đích nêu trên là có thể xem xét với điều kiện phải chứng minh được tính hiệu quả của việc mua lại làm trụ sở, đồng thời, không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam", công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, và nhấn mạnh rằng trong hồ sơ xin chuyển nhượng, Vinataba đã "không có văn bản nào giải trình về tính hiệu quả của mục đích mua lại làm trụ sở, đồng thời cũng không có văn bản giải trình cụ thể về nguồn vốn dùng để mua lại phần vốn góp bên nước ngoài (4 triệu USD) và chứng minh việc sử dụng một số lượng lớn tiền mặt của doanh nghiệp như vậy mà không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh".
Bộ này cũng yêu cầu Vinataba cần thay đổi nội dung về việc xây dựng và kinh doanh tòa nhà làm văn phòng và căn hộ cho thuê tại số 30 Nguyễn Du, Hà Nội theo quy định của pháp luật vì trước đó, trong quá trình xin phép chuyển nhượng vốn, Vinataba đã không đề cập đến ngành nghề kinh doanh cụ thể sau khi chuyển nhượng.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho rằng đây chính là việc đầu tư ngoài ngành. Do vậy, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ chủ quản về vấn đề đầu tư ngoài ngành để báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét quyết định theo thẩm quyền", văn bản của Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh.
Theo laodong
Bất cập nhà ở cho người có thu nhập thấp Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp, gần đây UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép các DN đầu tư xây dựng hàng loạt các dự án chung cư Vĩnh Điềm Trung, An Bình, 312 Dã Tượng... Căn hộ chung cư Vĩnh Điềm Trung với giá cao, không phù hợp cho người...