“300 tỷ đồng đảm bảo an toàn thực phẩm/năm, chỉ giải ngân được 64 tỷ”
“Bộ Y tế là cơ quan được phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách cho vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm lớn nhất nhưng trong số 300 tỷ đồng được duyệt của năm 2016, đến gần hết năm cũng mới chỉ được tạm ứng… 64 tỷ.
Sáng 15/2, đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các Bộ về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016. 3 Bộ liên quan trong quy trình từ trang trại đến bàn ăn là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế cùng tham gia báo cáo tại phiên họp giám sát.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, giai đoạn 2011 – 2016 Bộ này được cấp trên 190 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Nguồn thu được để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý an toàn thực phẩm (phí, lệ phí) là xấp xỉ 960 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật quốc tế qua 7 dự án ODA của nước ngoài với tổng kinh phí 2.100 tỷ đồng.
Mức đầu tư nói trên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, là rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra tại nghị quyết của Quốc hội cũng như chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là Trưởng đoàn giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành về nội dung này.
Kinh phí Bộ được cấp để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015 chỉ đạt 29,68% kế hoạch đề xuất cũng là là một khó khăn lớn để đảm bảo hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, lãnh đạo Bộ nhìn nhận.
Tán thành nhận định này, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, kinh phí cấp cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của ngành rất hạn chế.
Video đang HOT
Báo cáo của Bộ Công Thương thể hiện, tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm của ngành giai đoạn 2011- 2015 là 101 tỷ đồng.
“Cả 5 năm chỉ được trên 100 tỷ, số tiền này quá ít” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo cụ thể, các nguồn kinh phí cấp cho hoạt động sở công thương các địa phương (đơn vị trực tiếp triển khai các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương) rất hạn hep nên các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý và thực thi nhiệm vụ tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình, đề án của Bộ.
Về phía Bộ Y tế, cơ quan này đánh giá, mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng đầu tư kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn rất thấp.
Đại diện Bộ Y tế dẫn ví dụ so sánh, giai đoạn 2001 – 2005 chỉ bằng 1/25 của Thái Lan (Thái Lan là 1 USD/người/năm còn Việt Nam là 780 đồng/người/năm). Giai đoạn 2006 – 2016 kinh phí được tăng lên khoảng 1.600 đồng/người/năm. Giai đoạn 2011 – 2015 bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh mỗi năm mỗi thành phố chi trên 100.000 đồng/người.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm có tổng mức vốn là 4.139 tỷ đồng (giai đoạn 2012 – 2015). Tuy nhiên, tính cả năm 2011 đến 2015 thì tổng nguồn vốn là 1.251,49 tỷ đồng, mới chỉ chiếm 30,2% so với tổng mức vốn được phê duyệt.
Trong đó, viện trợ quốc tế là 430 tỷ đồng thì đến nay mới huy động được khoảng 10 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2016 dự án an toàn thực phẩm thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số dự kiến được cấp 300 tỷ đồng. Tuy nhiên đến tháng 11/2016 dự án mới được tạm ứng 64 tỷ, nội dung hoạt động tại Trung ương vẫn chưa được phê duyệt.
Đây là dự án thuộc an toàn thực phẩm thuộc ngành y tế, tuy nhiên để đảm bảo các hoạt động an toàn thực phẩm thông suốt, Bộ Y tế vẫn bố trí và đưa các nội dung hoạt động an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp và công thương vào dự án này, báo cáo nêu rõ.
Đánh giá chung về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016, Bộ Y tế cho biết từ 2011 – 2015 cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỷ đồng.
Kết quả giám sát liên tục từ 2011 – 10/2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết.
Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.
Trong giai đoạn 2011 – 2016 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), nguyên nhân do độc tố tự nhiên chiếm 27,9%, do hoá chất chiếm 4,3% và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
P.Thảo
Theo Dantri
TP HCM được lập Ban quản lý an toàn thực phẩm
Thủ tướng vừa quyết định thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM nhằm thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra gian hàng thực phẩm ở một siêu thị ở quận 11, TP HCM. Ảnh: VGP
Văn phòng Chính phủ cho hay Thủ tướng vừa quyết định thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm TP HCM trong 3 năm tới. Đây là cơ quan thuộc UBND TP HCM, có nhiệm vụ giúp thành phố thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
Ban quản lý có tư cách pháp nhân, được tổ chức với một trưởng ban, không quá 3 phó ban cùng nhiều phòng chức năng khác.
Trước đó, Sở Nội vụ TP HCM có tờ trình Chính phủ xin thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn; khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành...
Ban được lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc các phòng, Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương.
Theo thống kê, nếu tính cả người dân vãng lai, hiện TP HCM có trên 10 triệu người. Mỗi năm, thành phố tiêu thụ khoảng 287.000 tấn thịt, hơn một tỷ quả trứng, khoảng một triệu tấn rau và 170.000 tấn thủy sản. Nông sản do thành phố tự sản xuất chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu, còn lại phải nhập từ nhiều nguồn và phần lớn chưa kiểm soát được nguồn gốc.
Hiện, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP HCM do nhiều cơ quan đảm nhận như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện. Việc này được cho là thiếu nhất quán và chồng chéo nên lập Ban quản lý an toàn thực phẩm là cần thiết và cấp bách.
Xuân Hoa
Theo VNE
Thị trường nước mắm phục hồi sau "cú sốc asen" Mặc dù nước mắm truyền thống đã được minh oan nhưng nhiều doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt hại không nhỏ. Thông tin nước mắm nhiễm asen vượt ngưỡng do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (Vinastas) công bố lập lờ đã khiến doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm truyền thống lao đao, NTD hoang mang....