30% trái cây Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu
Theo Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM, hiện trong số trái cây Trung Quốc đang có mặt trên thị trường TP.HCM, có gần 30% bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, tập trung chủ yếu là 3 loại trái cây: quýt, lê và táo.
Trái cây ngoại nhập vào TPHCM, chỉ phát hiện trái cây Trung Quốc nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu- Ảnh TL
Chỉ phát hiện trái cây Trung Quốc có dư lượng thuốc trừ sâu
Theo thống kê tại 3 chợ đầu mối ở TPHCM (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền), số lượng trái cây Trung Quốc chiếm đến trên 90%, chủ yếu là quýt, lê, táo…
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đức Tiến, chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật TPHCM, cho biết hàng đêm tại mỗi chợ đầu mối đều được kiểm tra đầu vào, nhưng không phải kiểm tra hết tất cả các loại trái cây mà chỉ kiểm tra những loại trái cây nghi ngờ có dư lượng thuốc trừ sâu.
Thường mỗi đêm kiểm tra, lực lượng Chi cục bảo vệ thực vật lấy từ 5 dến 10 mẫu trái cây để xét nghiệm.
“Chúng tôi không thể nào lấy mẫu hết tất cả các loại trái cây, chỉ lấy mẫu những loại trái cây nghi ngờ hay nhận được phán ánh của người tiêu dùng về loại trái cây nào đó có vấn đề.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết thêm, hiện ngành bảo vệ thực vật đang đề xuất phương án lấy mẫu tập trung. Thay vì phải đi lấy mẫu mỗi đêm, tốn nhiều thời gian công sức, mỗi tháng tập trung lấy 8 đêm, mỗi đêm có thể lấy 30 mẫu để đảm bảo mỗi tháng cũng được khoảng 300 mẫu.
Theo ông Tiến, trái cây ngoại nhập vào Việt Nam, chỉ có trái cây Trung Quốc là phát hiện nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu với số lượng khoảng 30%, còn trái cây ở các quốc gia khác thì gần như không có dư lượng thuốc trừ sâu.
Nhận định về điều này, ông Tiến cho rằng, do không được kiểm soát chặc chẽ quy trình sản xuất trái cây ở Trung Quốc.
“Trong quy trình sản xuất trái cây ở Thái Lan, từ dư lượng thuốc trừ sâu, chất lượng đến gắn nhãn mác.. được quy định và kiểm soát khá chặc chẽ. Trong khi đó, việc giám sát, kiểm tra trái cây ở Trung Quốc chưa được chặt chẽ, một phần do diện tích trái cây Trung Quốc lớn, dân cư đông”, ông Tiến nói.
Có nguy cơ gây ung thư
Video đang HOT
“Có 3 cấp độ gây nguy hại ở thuốc trừ sâu là cấp tính, mạn tính và trường viễn. Đối với trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép, nếu sử dụng thì khả năng sẽ gây bệnh cấp tính; còn ở trái cây nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu ở mức cho phép, người sử dụng vẫn không thấy bệnh tật gì, nhưng nếu sử dụng kéo dài, thời gian tích tụ thuốc trừ sâu trong cơ thể nhiều, nguy cơ gây ung thư là rất cao”, ông Tiến cho biết.
Sở dĩ, Chi cục bảo vệ thực vật TPHCM phát hiện trái cây Trung Quốc nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu chưa vượt mức cho phép là do kiểm tra trễ, dư lượng thuốc trừ sâu trong trái cây đã giảm. Thời gian mà trái cây Trung Quốc qua cửa khẩu để vào Việt Nam rồi đến TPHCM thì dư lượng thuốc trừ sâu đã giảm đáng kể, vì thời gian mà thuốc trừ sâu tồn tại trong trái cây chỉ khoảng 5 đến 7 ngày.
Vấn đề đặt ra lúc này, nhà nước phải đưa ra những rào cản kỹ thuật để hạn chế, loại trừ trái cây Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu nhập vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật hiện nay là rất khó khăn, đòi hỏi phải có cơ sở khoa học. Vì khi loại bỏ bất cứ một hoạt chất nào trong trái cây, phải chứng minh được vì sao, hoạt chất đó độc hại như thế nào, dựa trên cơ sở khoa học nào…
“Nhiều khi biết được trái cây Trung Quốc có hoạt chất đó, nhưng chúng ta lại không có chất chuẩn để kiểm tra, nên kiểm tra hoài cũng phá không phát hiện ra; hoặc không biết trong trái cây Trung Quốc có hoạt chất gì, dù có chất chuẩn cũng không thể phát hiện được”, ông Tiến cho biết.
Nhiều khi không biết trong trái cây Trung Quốc có hoạt chất gì, dù có chất chuẩn cũng không thể phát hiện được.
Hiện nay nhu cầu người tiêu dùng sử dụng trái cây Trung Quốc là khả lớn, một phần là do gia trái cây Trung Quốc giá rẻ.
Do đó, vấn đề trước mắt là các cửa khẩu phải kiểm soát chặt chẽ, đủ sức kiểm tra các hoạt chất có trong trái cây. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng trái cây an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ, có chứng minh của cơ quan chức năng. Thay đổi thói quen chọn lọc trái cây của người dân.
Mới đây, 17 lô hàng gồm hàng trăm tấn với 8 loại nông sản Trung Quốc gồm quýt, nho, cam, táo, hồng, chanh, cà rốt và củ cải trắng đã bị cơ quan chức năng phát hiện có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Trước tình hình trên, hiện nay các mặt hàng trái cây, rau, củ, quả Trung Quốc trên địa bàn TP.HCM đã giảm mạnh sức tiêu thụ.
Theo Hồ Quang
Một thế giới
Lật tẩy mánh thúc chuối chín "siêu tốc" bằng hóa chất độc hại
Nếu như trước đây người dân buôn chuối phải mất cả tuần rấm chuối mới có chuối chín để bán, thì nay họ có thể biến hàng trăm nải chuối xanh thậm chí còn non chín vàng rộm chỉ sau một đêm.
Chuối giấm bằng nhúng hóa chất có màu vàng rộm, các lái buôn đang sắp lại chuối để đưa đi bán.
Nhiều ngày thâm nhập vào các chợ chuối nhóm phóng viên đã tận mắt chứng kiến cảnh dùng thuốc hóa học để rấm chuối. Mỗi ngày hàng trăm nải chuối chín siêu tốc nhờ thuốc hóa học được đưa đi tung hoành khắp thị trường Hà Nội. Việc nhiều người kinh doanh buôn bán hoa quả đang quá lạm dụng vào thuốc ép chín đang khiến sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa.
Chuối chín siêu tốc sau một đêm
Nhiều lần lân la dò hỏi rồi tìm đến chợ chuối Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm bên sông Hồng ở cuối đường Hàm Tử Quan tìm mua chuối về bán, chúng tôi đã làm quen được với B - một chủ đầu nậu cung cấp chuối lớn nhất tại đây và được B thu xếp cho một khoảng đất hơn 7m2 làm nơi để xe máy và tập kết chuối. Theo giới thiệu, hiện B cung cấp chuối xanh cho hơn 20 lái buôn, hầu hết số chuối xanh đều lấy từ một chủ tàu tên Hưng, có nguồn cung ở Ba Vì (Hà Nội). Mỗi tuần 3 lần, Hưng chở chuối về đây nhập. "Để tránh cho chuối bị gãy và giập nát chúng tôi mua cả buồng tại vườn rồi chở về đây bán. Về đây, họ thúc chuối chín bằng thuốc", Hưng cho biết.
Chợ chuối Phúc Tân được xem là một trong những điểm cung cấp chuối lớn nhất hiện nay ở Hà Nội. Tại đây, có khoảng hơn 30 lái buôn, mỗi người tự quy hoạch cho mình một khoảng đất từ 5 đến 7m2 để làm nơi tập kết và rấm chuối. Cứ tầm 15h20 chiều, những chuyến tàu chở chuối từ Ba Vì, Lạng Sơn... bắt đầu về chợ, hàng chục tiểu thương thoăn thoắt xuống tàu gánh chuối lên bờ. Cả khu chợ rộng hàng trăm mét vuông tràn ngập trong màu xanh, vàng của chuối.
Làm việc cho B, ngoài vợ còn có thêm 3 người phụ nữ khác, họ chia nhau mỗi người một việc, người sắp lại số chuối đã rấm hôm trước lên xe, người cắt những buồng chuối xanh vừa gánh lên ra thành từng nải. Gánh nốt hai buồng chuối tiêu cuối cùng lên bờ, B giục vợ: "Pha thuốc hãm luôn đi". Đang cắt chuối, người phụ nữ này nhanh chóng xuống bờ sông gánh lên hai thùng nước, một người phụ nữ khác tên Duyên lấy một lọ nước to bằng ngón tay đổ vào thùng nước rồi khuấy đều. Ngay lúc đó, họ cầm từng nải chuối nhúng vào thùng rồi xếp gọn vào một góc.
Sau khi múc nước từ chậu ra tưới chuối, họ lại đổ nước này vào thùng để tiếp tục tưới cho các buồng chuối khác.
"Phải rửa chuối rồi mới rấm à?", tôi hỏi. Trước câu hỏi khá "ngây ngô" của tôi, B cười phá lên. "Chú nghĩ bọn anh rảnh lắm à. Nhúng thế cho chuối nhanh chín. Chú làm ăn lâu dài anh sẽ truyền cho chú ít bí quyết", B nói. Vẫn chưa hết ngạc nhiên, tôi tỏ vẻ băn khoăn: "Phải có bí quyết gì chứ đợi từng này chuối chín để đi bán có khi mất cả tuần". B vỗ vai tôi bảo: "Làm luôn đi. Pha thuốc rồi nhúng chuối vào mà rấm cho nhanh, từ giờ đến sáng là chín vàng hết. Bây giờ còn rấm như ngày xưa có mà ăn cháo", B dạy lái buôn mới.
Nói rồi B đưa cho tôi một lọ thuốc, trên lọ ghi toàn chữ Trung Quốc mà không hề có hướng dẫn sử dụng hay ngày sản xuất... "Đây là hóa chất, ngâm chuối với thuốc này, chuối vừa chín nhanh lại vừa vàng đẹp. Một lọ này pha với khoảng 30 đến 40 lít nước, tùy theo nhu cầu của mình, muốn chuối chín nhanh thì pha ít nước, chín chậm thì pha nhiều nước. Nhúng nước xong, xếp vào một góc lấy chăn bông trùm lên đến sáng mai là có chuối chín đi bán. Cả cái chợ này làm như vậy hết, nhưng cẩn thận cái mồm không bị công ăn bắt như chơi, người mua biết được có mà nhịn đói", B khuyên dạy tôi. Theo B, chuối đã quá già không nên dùng nhiều thuốc vì khi chín chuối sẽ nhanh bị rục, dễ gãy và thâm.
Lân la để học hỏi kinh nghiệm, tôi được bà Liên - một đầu nậu buôn chuối tại đây tiết lộ: Trước rấm chuối bằng hương nhưng lâu chín lắm, đã thế lại nhanh thâm. Mấy năm nay, mấy ông chủ tàu chuối ở trên Lạng Sơn xuống bán chuối xanh rồi đưa thuốc này cho. "Họ vận chuyển chuối xanh xuống bán cho đỡ bị gãy và hư hỏng. Dùng thuốc này không lo gì chọn chuối non chuối già, cứ nhúng vào nước rấm một đêm là sáng mai tất cả đều chín vàng rộm", bà Liên cho hay.
Theo bà Liên, ngoài nhúng vào thùng có thể đổ vào bình để phun, chuối có thể cắt ra thành từng nải hoặc để cả buồng rồi múc nước tưới lên.
"Thế làm kiểu này có độc hại gì không, lỡ ăn vào bị ngộ độc thì sao?", tôi hỏi. Bà Liên cười sang sảng đáp: "Độc cái gì mà độc. Mấy năm nay có nghe ai ăn chuối bị chết đâu". Đứng bên cạnh, B cũng tiếp lời: "Độc, nguy hiểm đâu không thấy, cũng chẳng cần quan tâm nhưng làm kiểu này chuối chín đẹp, rất dễ bán".
Chuối ngâm hóa chất bán tràn lan
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc nhúng chuối với hóa chất được các lái buôn sử dụng công khai ngay trong chợ chuối. "Sợ chứ sao không, công an thấy họ phạt, người dân thấy ai còn dám mua. Có người lạ đi vào phải dừng ngay việc nhúng chuối. Mà vào là biết liền vì chúng tôi cử người theo dõi từ ngoài ngõ rồi. Công an, nhà báo đến điều tra là biết liền, mấy ông ấy hay hỏi lắm, hỏi mình cứ bảo có biết gì đâu là được", bà H - một lái buôn tại chợ chuối cho biết.
Để mua được thuốc nhúng chuối không hề dễ, nhiều lái buôn cho biết, thuốc này rất khó mua, hầu hết đều do những người buôn chuối từ Lạng Sơn, Ba Vì, Khoái Châu (Hưng Yên) đưa về cho hoặc bán lại. Một nguyên tắc bất thành văn ở chợ chuối là người lạ vào đây không bao giờ mua được thuốc rấm. "Các hiệu thuốc bán thuốc bảo vệ thực vật cũng có, nhưng người lạ vào mua họ không bán đâu, người buôn chuối có ai là người không dùng đến thuốc đâu. Phải làm ăn lâu dài như chúng tôi mới mua được, thuốc rấm chuối, rấm cà chua, hoa quả gì cũng có hết. Thuốc này được mua từ Trung Quốc, bây giờ nhiều người còn mua về rồi dán lại nhãn chữ Việt Nam để bán, một phần cũng để tránh công an phát hiện", B cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi lọ thuốc hóa chất có giá từ 2.000 đến 3.000 đồng.
Chúng tôi đã đến một số cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật để tìm mua, nhưng hầu hết các chủ quầy thuốc đều lắc đầu, trả lời không có, thậm chí nhiều chủ quầy thuốc đều tỏ thái độ mắng mỏ người mua hàng. Tuy nhiên, khi vào vai một tay buôn chuối áo quần cũ rích, xộc xệch, chúng tôi lại nhận được một thái độ khác từ những chủ quầy thuốc. Sau ánh mắt dò xét, họ không chỉ lấy thuốc ra bán, còn hẹn lần sau thiếu thì đến lấy.
Loại hóa chất mà những người buôn chuối dùng để rấm chuối.
Sau khi rấm xong, toàn bộ số chuối này sẽ được các lái buôn chuyển đi bán tràn lan khắp thành phố. Theo chân bà Hường - một người bán chuối dạo lâu năm xung quanh khu vực chợ Đồng Xuân, mới thấy số chuối được rấm bằng thuốc rất dễ bán. Bình quân mỗi ngày, bà Hường bán được khoảng 30 nải chuối, mỗi nải có giá dao động từ 13 - 20 ngàn đồng, tùy từng loại. "Chuối lấy chợ nào cũng rấm như vậy hết, không nhúng thuốc rấm lấy đâu ra chuối chín mà bán. Người mua cũng có để ý đâu mà lo", bà Hường nói.
Đa số người tiêu dùng không hay biết chuối chín vàng và đẹp như vậy là do hóa chất. Những người biết lại cho rằng chưa thấy ai bị ngộ độc nên vẫn mua. "Thực chất chuối chín vàng đẹp nhưng ăn không ngon lắm, ăn vào cảm giác sần sùi như đang ăn chuối luộc", chị Trần Thị Dung - một người dân ở quận Hoàng Mai cho biết.
Một cán bộ Viện Nghiên cứu rau quả (Gia, Lâm, Hà Nội) cho biết, loại hóa chất được người buôn chuối dùng để thúc chuối chín rất nguy hiểm, nếu hóa chất ngấm vào chuối người sử dụng sẽ rất dễ bị ngộ độc, thậm chí ngộ độc mạnh có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đây là loại hóa chất không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam.
Theo Đình Vũ
Lao động
Hoa quả Trung Quốc nhiễm độc... vẫn an toàn Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) vẫn ăn hoa quả nhiễm độc vì chúng vẫn an toàn. PV: Cục Bảo vệ thực vật vừa phát hiện 17 lô hàng với gần 300 tấn hoa quả có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép. Quy trình xử lý số hoa quả nhiễm độc này thế nào,...