30 ca tai biến nặng sau tiêm chủng nửa năm 2018
6 tháng đầu năm có 4.114 trường hợp bị phản ứng thông thường và 30 ca tai biến nặng sau tiêm chủng trong đó 2 người tử vong.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng có 27 người tiêm vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, 3 tiêm vắxin dịch vụ. Số ca tai biến ghi nhận ở 12 tỉnh thành, nhiều nhất là Phú Thọ (7 người), Thanh Hóa (5)…
Nhiều nhất là các ca tai biến sau tiêm vắcxin Quinvaxem với 18 trường hợp, tiếp theo là vắcxin viêm gan B. Tỷ lệ phản vệ sau tiêm vắcxin Quinvaxem như vậy thấp hơn so với ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới.
Bé đang được tiêm chủng. Ảnh: L.N.
Hội đồng chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắcxin, kết luận 24 trường hợp tai biến nặng do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ; 21 ca do quá mẫn sau tiêm chủng. Có 5 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng không rõ nguyên nhân.
Các trường hợp bị tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Lê Nga
Theo Vnexpress
Video đang HOT
Dịch sởi và những biến chứng khó lường
Sởi là một bệnh truyền nhiễm rất thường gặp ở trẻ em do virus gây ra. Bệnh sởi dù lành tính nhưng nếu không được tiêm chủng đầy đủ, khi mắc bệnh không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng. Ở Việt Nam, trong các ca tử vong ở trẻ em thì tỉ lệ mắc bệnh sởi tử vong cao hàng đầu. Bệnh sởi có nguy cơ lây lan trên diện rộng và bùng phát thành dịch nếu chúng ta lơ là, chủ quan.
Cha mẹ cần theo dõi để nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh sởi
Hãy nghĩ đến bệnh sởi nếu trẻ gặp dấu hiệu này
Bà Trần Thị Minh Lý, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội cho biết: Không khó để nhận biết trẻ có nguy cơ mắc sởi dựa vào những dấu hiệu dễ nhận biết. Trong ngày đầu trẻ sốt rất cao từ 39 - 40 độ rồi xuất hiện ban đỏ trên da. Ngày thứ 2 thứ 3, trẻ bắt đầu có hiện tượng nổi ban sần, mịn như nhung ở da.
Mới đầu xuất hiện ở tai rồi lan dần ra mặt, xuống cổ, xuống lưng... Khoảng thời gian này bệnh nhân có thêm triệu chứng viêm kết mạc, mắt đỏ có rỉ, ho khan, hắt hơi, sổ mũi (viêm hô hấp) và có những đốm trắng bên trong má. Ngày thứ 4 - 6, ban mới lan xuống tay, chân. Quá trình phát ban xuất hiện từ 5 - 6 ngày rồi dần mất đi.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh sởi, các gia đình cần chủ động đưa trẻ từ 9 - 18 tháng tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi tại các trạm y tế xã, phường. Khi phát hiện dấu hiệu ho, sốt, chảy nước mũi, phát ban, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị phòng các biến chứng của bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Cha mẹ cần để ý theo dõi và nhận biết sớm các dấu hiệu này nhất là từ ngày thứ 2 kể từ khi trẻ sốt để không bị nhầm với sốt phát ban do virus thông thường.
Sốt phát ban thông thường và sốt phát ban khi mắc sởi đều sốt cao nhưng sốt phát ban thông thường mọc ban toàn thân chứ không mọc lần lượt như bệnh sởi và không bị viêm kết mạc hay viêm đường hô hấp. Việc cha mẹ theo dõi để nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh sởi và đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị sẽ làm trẻ sớm bình phục, tránh biến chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Những biến chứng thường gặp
Mặc dù là bệnh lành tính những nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Tỉ lệ mắc sởi ở trẻ em là rất cao nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Các biến chứng phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi.
Đặc biệt ở trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A hoặc bị các bệnh miễn dịch như HIV, AIDS... mắc sởi thì nguy cơ biến chứng là rất cao. Biến chứng thường gặp nhất là viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, tiêu chảy và ói mửa do sởi. Mờ hoặc loét giác mạc, có thể gây mù lòa hoặc viêm não do bệnh nhiễm trùng gây phù nề. Phụ nữ có thai nếu mắc bệnh sởi có thể gây sảy thai, đẻ non, nhẹ cân.
Các trạm y tế xã phường trên địa bàn Hà Nội đều bố trí lịch tiêm chủng hàng tuần đảm bảo cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm theo đúng kế hoạch
Chăm sóc trẻ đúng cách để hạn chế lây lan
Bệnh sởi có thể lây lan qua đường nước bọt và dịch từ người bệnh. Nếu người bệnh phát tán virus ra ngoài môi trường ho, hắt hơi... thì người lành cũng có thể bị nhiễm virus nếu hít phải nước bọt trong không khí của người nhiễm bệnh.
Nếu trong bối cảnh dịch sởi bùng phát, số người mắc bệnh vào viện đông dẫn đến quá tải phải nằm ghép, nhiều ca sởi nặng và chuyển sang biến chứng thì việc lây chéo giữa các bệnh nhân với bệnh nhân, giữa bệnh nhân với những người đi chăm sóc càng cao, bệnh càng lâu khỏi.
Vì vậy, đối với trẻ mắc sởi được phát hiện kịp thời, qua thăm khám, đủ điều kiện được bác sĩ khuyến cáo chăm sóc và điều trị tại nhà cũng là một cách tốt để trẻ được cách ly với môi trường bệnh viện ô nhiễm và sớm bình phục hơn.
Tuy nhiên, cha mẹ khi chăm sóc con mắc sởi tại nhà phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc, cách ly và chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho trẻ nhất là đối với trẻ mắc sởi có thể trạng kém, hay ốm yếu.
Theo bà Lý, trẻ mắc sởi cần nghỉ học, không gửi trẻ ở các cơ sở trông giữ ngay từ khi phát hiện hoặc trẻ có dấu hiệu mắc sởi cho đến khi đảm bảo trẻ khỏi bệnh hoàn toàn để tránh lây nhiễm cho những trẻ lành khác.
Việc cách ly này còn áp dụng tại nhà, không để trẻ mắc bệnh dùng chung các vật dụng cá nhân như cốc, chén, bát đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng... với các thành viên trong gia đình. Những đồ chơi, vật dụng mà trẻ mắc sởi tiếp xúc cần được thường xuyên tẩy rửa bằng xà phòng và các chất tẩy thông thường khác.
Khi chăm sóc trẻ mắc sởi cũng cần đặc biệt lưu ý rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc để tránh lây nhiễm sang các thành viên khác trong gia đình.
Bố mẹ cũng lưu ý thường xuyên theo dõi nhiệt độ, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, vệ sinh thân thể cho trẻ bằng nước ấm, nhà cửa, chăn chiếu, phòng ngủ thông thoáng, sạch sẽ hàng ngày.
Cha mẹ không kiêng khem trong bữa ăn đối với trẻ mắc sởi, mà phải bù đắp, nâng cao thể trạng sức khỏe cho trẻ bằng chế độ ăn đủ dinh dưỡng, giàu vitamin A để bảo vệ mắt dễ bị tổn thương do sởi và nâng sức đề kháng cho trẻ.
Trong quá trình điều trị tại nhà cho trẻ mắc sởi thường xuyên có bác sĩ thăm khám, theo dõi. Khi trẻ có những dấu hiệu ban sởi lặn mà vẫn sốt, ho nhiều, tiêu chảy nhiều... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Tường Vy
Theo giaoducthoidai.vn
Tăng cường nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng mở rộng Chiều 10.9, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết vắc xin Quinvaxem sẽ ngừng sử dụng tại VN và thay thế bằng vắc xin ComBeFIVE. Một số điểm tiêm chủng hiện đã hết vắc xin Quinvaxem - THÚY ANH Trước thông tin một số điểm tiêm chủng tại TP.HCM hết vắc xin Quinvaxem (phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho...