3 yếu tố quan trọng để sống chung với đại dịch
Bên cạnh xét nghiệm, Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu và tìm kiếm các loại vaccine và thuốc điều trị Covid-19.
Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam sống chung với đại dịch.
Đại dịch Covid-19 đã xuất hiện gần 2 năm và vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với những biến chủng mới phát sinh. Theo các chuyên gia dịch tễ học, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại giống như cúm mùa.
Vì vậy, để chung sống bình thường với Covid-19, chúng ta cần đảm bảo 3 yếu tố: Xét nghiệm nhanh, chính xác; đảm bảo tỷ lệ cần thiết người dân được tiêm vaccine và phát triển nhanh thuốc trị bệnh.
Xét nghiệm
Xét nghiệm để phát hiện ca mắc Covid-19 là chiến lược xuyên suốt từ đầu dịch của Việt Nam và phát huy hiệu quả trong việc chỉ điểm F0, từ đó khoanh vùng, dập dịch.
Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã thực hiện 14.611.799 mẫu cho 42.465.923 lượt người trong làn sóng dịch thứ 4.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian qua, các địa phương, nhất là những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, đã đẩy mạnh việc xét nghiệm trên diện rộng.
Gần nhất, ngày 8/9, Bộ Y tế đã có công điện đề nghị các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây, trong đó có Hà Nội và TP.HCM.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, bài học của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng và kinh nghiệm chống dịch của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, quận 7, huyện Củ Chi của TP.HCM hay Khánh Hòa…, là thực tiễn về mặt khoa học trong xét nghiệm, đảm bảo phải tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để tiếp tục lây lan.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.
Video đang HOT
Muốn biết tất cả nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, bắt buộc phải thông qua xét nghiệm. Do đó, vấn đề xét nghiệm rất quan trọng để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng.
Tiêm vaccine
Hiện Việt Nam có 7 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất) , SputnikV (Viện nghiên cứu Gamaleya), Covid-19 Vaccine Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (Covid-19 Vaccine Moderna), Comirnaty (Pfizer – BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm) và mới nhất là Hayat – Vax.
Theo thông tin từ Bộ Y tế tối 11/9, trong ngày 10/9, cả nước đã có 1.175.698 liều vaccine phòng bệnh Covid-19 được tiêm. Đây là số lượng mũi tiêm cao nhất được thực hiện trong 24 giờ từ trước đến nay. Lý do là nhiều địa phương đang đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine cho người dân.
Qua đó, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam tính đến hết ngày 10/9 là 27.108.588. Trong đó, số người được tiêm một mũi là 22.367.824, số lượng mũi 2 được thực hiện là 4.740.764 liều.
Trong 5 ngày liên tiếp từ 7/9, Hà Nội đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng với mức hơn 200.000 liều/ngày. Số lượng tiêm trong ngày 11/9 của Hà Nội là 411.452 mũi, vượt qua kỷ lục trước đó 24 giờ (360.690 mũi trong ngày 10/9).
Hayat Vax là vaccine mới nhất được Việt Nam phê duyệt sử dụng. Ảnh: G24.
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, ngoài Hà Nội và TP.HCM, một số địa phương khác cũng có tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 khá cao là Đồng Nai (69,41%), Bình Dương (82,92%), Long An (120,25%), Quảng Ninh (59,95%) hay Khánh Hòa (51,93%).
Các tỉnh, thành phố có số lượng người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine cao nhất cả nước bên cạnh Hà Nội, TP.HCM là Hải Dương (125.205 người), Long An (139.475), Bắc Ninh (149.012), Quảng Ninh (161.752).
Thuốc điều trị Covid-19
Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc Remdesivir với số lượng 1,7 triệu liều. Đây là loại thuốc đã được Bộ Y tế bổ sung vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, nặng.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo hệ thống các công ty dược nhập các nguyên liệu và chủ động sản xuất để chuẩn bị cho chiến lược phòng, chống dịch bệnh lâu dài, song song với việc nhập các thuốc khác để điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Hồi đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Remdesivir là loại thuốc đầu tiên được FDA cấp phép sử dụng trong việc điều trị Covid-19.
Để được FDA phê duyệt, Remdesivir đã phải vượt qua 3 giai đoạn thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại 226 địa điểm ở 17 quốc gia.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 được công bố vào tháng 10/2020 trên Tạp chí Y học New England cho thấy Remdesivir đã rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân khoảng 5-7 ngày so với những bệnh nhân nặng dùng giả dược. Người dùng Remdesivir cũng có nguy cơ tử vong thấp hơn so với các đối tượng dùng những loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt khác.
Nghiên cứu cũng cho thấy điều trị bằng thuốc Remdesivir có thể ngăn bệnh nhân tiến triển thành bệnh hô hấp nặng hơn. Những người được điều trị bằng Remdesivir ít cần hỗ trợ hô hấp hơn.
Remdesivir là thuốc đầu tiên và duy nhất được FDA phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Reuters.
Sau khi được FDA cấp phép, Remdesivir lập tức trở thành một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới bởi độ khan hiếm.
Trong 3 tháng đầu được cấp phép, toàn bộ các lô thuốc Remdesivir đều đã được đặt mua và để phục vụ cho thị trường Mỹ.
Hàng loạt sức ép được tạo ra khiến Gilead Sciences phải chia sẻ bản quyền cho 5 nhà sản xuất dược phẩm khác để đảm bảo nhu cầu của các nước.
Tới nay, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…, đưa vào phác đồ điều trị.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm cách chuyển Remdesivir từ dạng tiêm sang dạng uống (đông khô), tránh kéo dài thời gian nhập viện đồng thời tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản và sử dụng.
Tại nước ta, mới nhất, ngày 10/9, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ 156.168 lọ (tương đương 1.446 thùng) thuốc Remdesivir 100 mg để phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19 từ kho dự phòng chống dịch của Bộ Y tế. Đây là lần phân bổ nhiều nhất thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 đến thời điểm này.
Trong đợt phân bổ lần 6, Bộ Y tế phân bổ cho 46 đơn vị gồm các Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long.
Một số Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng được phân bổ. Đặc biệt, Sở Y tế TP.HCM được phân bổ nhiều nhất với gần 40.000 lọ Remdesivir.
Như vậy đến nay, tính cả 5 đợt phân bổ trước đó, gần 384.000 lọ thuốc Remdesivir được Bộ Y tế phân bổ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 và Sở Y tế một số địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế biểu dương cống hiến của các 'chiến sĩ áo trắng' ngày đêm chống dịch
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa gửi thư biểu dương, động viên các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế đang ngày đêm ra sức cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người dân các khu vực nguy cơ. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa gửi thư biểu dương, động viên các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế đang ra sức cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19.
Bày tỏ sự trân trọng, biết ơn các cán bộ y tế đang ngày đêm làm nhiệm vụ, nỗ lực trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch với nhiều biến chủng virus lây nhiễm nhanh và mạnh hơn. Toàn ngành Y tế đang ra sức cùng cả nước phòng, chống dịch. Hơn ai hết, mỗi nhân viên y tế luôn ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ cao cả của mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh; chúng ta phải thường xuyên, liên tục cảnh giác cao độ, làm hết sức, hết mình để phòng, chống dịch bệnh vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân".
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm "chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công" nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát và lây lan trên diện rộng, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu "vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành Y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, cùng với các lực lượng tuyến đầu khác, toàn ngành Y tế cần được đặt trong tình trạng tập trung cao độ, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong ngành không được chủ quan, lơ là; mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, vận dụng những kinh nghiệm quý, bài học hay qua các đợt chống dịch để kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, xử lý tình huống cho phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác phòng, chống dịch. Để làm được điều đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống y tế Việt Nam; cần sự dấn thân, cống hiến, phục vụ của mỗi cá nhân và tinh thần đoàn kết của toàn ngành vì sức khỏe của nhân dân.
Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long một lần nữa biểu dương những cống hiến của các "chiến sĩ áo trắng" trên mọi miền Tổ quốc và đánh giá: Các "chiến sĩ áo trắng" đã không quản ngày đêm tận tâm hết mình, bất chấp vất vả, gian nan, hiểm nguy; họ thực sự là chiến sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, giao phó thực hiện nhiệm vụ cao cả là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, có thể chúng ta phải chịu đựng những thiệt thòi, những rủi ro, nhưng không vì thế mà chúng ta chùn bước. Truyền thống vẻ vang từ các thế hệ thầy thuốc cha anh là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh giúp chúng ta mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để chiến đấu và sớm chiến thắng đại dịch.
"Giặc" COVID-19 không chỉ xuất hiện ở một số địa phương như trước đây, mà đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Chúng ta không được phép chậm trễ, không được phép ngơi tay. Trách nhiệm bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của nhân dân và sự bình an của đất nước đang nằm trên vai chúng ta. Tôi tin tưởng rằng toàn ngành Y tế sẽ chung một nhịp đập vì sức khỏe của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Các Thầy thuốc hãy luôn giữ vững tinh thần, không quản gian nguy, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh, hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
TP Vũng Tàu: Huy động tổng lực xét nghiệm cho trên 35.000 hộ dân 'vùng đỏ' Sáng 11/9, Thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng SARS-Ccho oV-2 trên 35.000 hộ dân tại 5 phường vùng "vùng đỏ". Trên 3.200 nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên và Tổ COVID cộng đồng tham gia kế hoạch tầm soát lần này. Tại phường 10, 60 đội sẽ tiến...