3 quán bình dân siêu mắc, siêu đông khách của Sài Gòn
Lẩu cua Nguyễn Thị Nghĩa, cháo tiều chợ Bàn Cờ, Ốc Kim Thư… đều được thực khách than về độ siêu mắc, thế nhưng ngược lượng khách đến quán không hề giảm mà ngày càng đông.
Lẩu cua Nguyễn Thị Nghĩa
Lẩu cua tại đây mê hoặc thực khách với số lượng cua “khủng”.
Tọa lạc trước vỉa hè nhà số 2 Nguyễn Thị Nghĩa (gần góc ngã tư Nguyễn Thị Nghĩa- Lê Lai), lẩu cua tại đây nổi tiếng về chất lượng, số lượng và “tai tiếng” về giá thành – ngang giá với khách sạn 5 sao. Song dù “than” không ít, lượng khách và danh tiếng của góc quán vỉa hè này không thay đổi. Thậm chí, một số thực khách còn thừa nhận “dù giá ở đây mắc hơn những nơi khác nhưng mỗi tháng phải đến ăn một lần mới đã thèm”.
Để có được lượng khách và số khách “chịu chi” như thế, công lớn là nhờ hương vị và độ đầy đặn của món ăn. Cụ thể, nồi lẩu cua ở đây đầy ắp đến nỗi nếu không “ăn bớt” những chiếc càng cua đỏ au, phần thân cua khủng hay múc bớt nước ra chén, thực khách sẽ chẳng thể cho các món rau đi kèm vào nồi. Điểm cộng thứ hai là thịt cua luôn tươi, chắc với phần gạch cua “khủng” đến nỗi nếu có ai được “ưu ái” mời đến phần thứ hai đều lắc đầu từ chối vì ngán.
Ngon như thế nên cách ăn lẩu cua tại đây cũng khác những nơi khác. Đó là ngay khi nước lẩu sôi, bạn nên tranh thủ thưởng thức cua trước rồi mới từ từ nhâm nhi các loại rau cùng nước dùng thơm đậm, thoảng vị sả, chua thanh cà chua. Nếu bạn thích thưởng thức ngược lại cũng không vấn đề gì. Tuy nhiên, độ ngon của món ăn sẽ giảm đi rất nhiều với cái bụng “hơi no no” của bạn.
Địa chỉ: Lẩu cua bể, số 2 Nguyễn Thị Nghĩa, Q.1, TP. HCM.
Cháo Tiều chợ Bàn Cờ
Chỉ cần điểm sơ việc dù hỏi bất kỳ người dân nào ở khu khu vực chợ Bàn Cờ hay các thực khách sành ăn, bạn đều có thể nhận được bản hướng dẫn vanh vách đường đến quán cháo Tiều này. Thậm chí, quán có những khách quen ăn lên đến vài chục năm. Thế nhưng, những thực khách lần đầu đến quán đều chỉ có một cảm giác chung là rời khỏi quán càng nhanh càng tốt với mức giá “không thể trên trời” hơn của một quán cháo bình dân trong hẻm nhỏ (65.000 đồng tô cháo thập cẩm).
Nhiều thực khách sau khi ngạc nhiên đã chọn cách ngồi lại quán, gọi món cháo mắc nhất trong thực đơn với mục đích “zoom” xem “nó” gồm những gì mà có giá như thế. Để cuối cùng vỡ lẽ các thành phần của món cháo khá bình thường, thậm chí không quá khác so với món cháo lòng quen thuộc.
Video đang HOT
Thật ra, cái ngon của cháo không nằm ở số lượng mà nằm ở chất. Đầu tiên là phần “thịt thà” trong cháo không được nấu trước hay chế biến đại trà mà được cắt sẵn, khi khách gọi món mới cho vào luộc chín. Tiếp đó là phương pháp nấu đặc biệt khiến phần gạo và thịt bằm hòa quyện vào nhau, dẻo mềm, mịn ngọt. Không chỉ thế, phần cháo ấy còn được vị cay nồng của hành lá, cay thơm của tiêu, cay ấm của gừng tươi cắt mỏng nâng lên một bậc khiến nó không chỉ ngon khó cưỡng mà còn có tác dụng giải cảm, thanh nhiệt.
Địa chỉ: Quán cháo Tiều Cô Út chợ Bàn Cờ, 51/33 Cao Thắng, P. 3, Q. 3, TP. HCM (từ hẻm 51 Cao Thắng chạy thẳng vào khoảng 200m, quán nằm bên tay trái).
Ốc Ngon của diễn viên Kim Thư
Sò dương nướng mỡ hành.
Sò điệp nướng phô mai.
Ốc khế nướng tiêu xanh.
Cà-ri ốc
Mực chiên giòn.
Nghêu nướng nước mắm.
Tọa lạc trên đường Pastuer, một trong những trục đường lớn của Sài Gòn, ốc Ngon của diễn viên Kim Thư thu hút thực khách với không gian rộng, những góc ngồi thoáng mát dưới gốc cây cổ thụ và những món ốc quen thuộc được chế biến, phối vị lạ mắt, lạ miệng. Đó là lý do, ngay từ khi khai trương quán đã có một lượng khách nhất định.
Không chỉ có điểm cộng về vị trí, với mức giá từ 30.000 – 70.000 đồng. các món ốc ở đây cũng được điểm cộng về giá cả. Tuy nhiên, có thưởng thức mới biết mức giá như thế nhưng phần ốc của quán chỉ “tin hin” vài miếng. Nhóm bạn nào đi từ 5 -6 người, phải gọi khoảng hai phần cho mỗi món mới “đủ chia”. Phần chi phí cũng vì thế mà đội lên khá nhiều so với việc thưởng thức cùng số lượng món tại các quán khác.
Đó là lý do sau nhiều lần cân đo, không ít tín đồ ốc “gán” cho ốc Ngon cái tên siêu mắc. Tuy nhiên, “đắt xắt ra miếng” và miếng ngon là vô giá nên không vì thế này mà lượng khách đến quán sụt giảm.
Địa chỉ: 194D Pasteur, P. 6, Q. 3, TP. HCM.
Theo Tapchiamthuc
5 phố ẩm thực nổi tiếng của Sài Gòn
Sự có mặt của hàng loạt hàng quán cùng kinh doanh một món biến những con đường như Nguyễn Cảnh Chân, Vĩnh Khánh, Hà Tôn Quyền... thành những phố ẩm thực riêng biệt của Sài Gòn.
Phố ốc Vĩnh Khánh
Càng nghẹ rang muối ớt đặc trưng của Ốc Oanh.
Ngoài việc nhấm nháp các món ốc, bạn còn có thể "tranh thủ" mang phần muối này về "chấm mút" với trái cây.
Từ chiều đến đêm, cả con đường Vĩnh Khánh (Q.4), nhất là khúc gần ngã ba Hoàng Diệu - Vĩnh khánh luôn nhộn nhịp với những chiếc bếp than đỏ lữa nướng ốc, rang ốc, những người phục vụ chạy không kịp nghĩ và hàng ngàn "tín đồ" ốc đến, thưởng thức hàng trăm món ốc ngon, rồi đi.
Rất khó để xác định các quán ốc tại đây, quán nào ngon hơn, nổi tiếng hơn vì mỗi quán đều chọn cho mình một thế mạnh khác nhau, một món đặc trưng riêng. Song nếu xét số lượng khách đến quán, lượng khách chờ chực "săn" chỗ ngồi cùng sự bành trướng bàn ghế trong một không gian rộng, ốc Oanh nổi trội hơn tất cả.
Hai trong những món bạn nên thử ở ốc Oanh là càng ghẹ rang muối ớt với cách chế biến "bới muối ớt tìm càng", cùng vị cay, tươi, thơm, đậm của món ăn. Món thứ hai là một loại ốc nào đó xào rau muống. Điểm nhấn của món ăn này chính là vị thơm ngon khó cưỡng của phần nước xào chấm mút cùng bánh mì không chỉ ngon mà còn no bụng.
Phố ốc Thành Thái
Nếu "bê nguyên" con đường Thành Thái thì không đúng, chính xác là đoạn đường Thành Thái bắt đầu từ ngã tư Thành Thái - Tô Hiến Thành và kết thúc ở ngã ba Thành Thái - Lý Thường Kiệt.
Nếu phố ốc Vĩnh Khánh hơi "phức tạp" với những quán ốc bán dạng vỉa hè thì phố ốc Thành Thái "sang chảnh" hơn với những quán ốc được đầu tư kỹ về không gian, bài trí, thiết kế. Điểm cộng là chi tiền đầu tư nhiều hơn, song giá thành của hai nơi này tương đương nhau.
Cũng như phố ốc Vĩnh Khánh, rất khó nói quán nào tại phố ốc Thành Thái quán nào trội hơn hay đặc biệt hơn. Song nếu tìm hiểu kỹ, một số tín đồ ốc tại con đường này đánh giá khá cao Ốc Xuân và ốc Một. Tuy nhiên, cả hai quán ốc này đều có điểm trừ là phục vụ khá chậm. Riêng ốc Xuân, khi tính tiền, bạn nên xem kỹ hóa đơn nếu không sẽ phải trả một số món mình không gọi vì nhân viên nhầm lẫn với bàn khác.
Phố trái cây đĩa Nguyễn Cảnh Chân
Tọa lạc trong trung tâm Q.1, phố trái cây đĩa Nguyễn Cảnh Chân từ lâu là điểm đến của những bạn trẻ thích thưởng thức cái tươi mát của trái cây, cái thanh cảnh của việc ngồi "chém gió" với bạn bè.
Mỗi đĩa trái cây ở các quán tại đây đều khá giống nhau là có khoảng từ 5 - 8 loại trái cây theo mùa, một ít đông sương được chế biến theo kiểu thủy mặc, một ít dừa non rim dẻo xếp gọn trong một chiếc đĩa nhỏ. Đĩa trái cây đó trước khi đến tay khách sẽ được phủ thêm một lớp đá lạnh xay mịn, xiro xanh đỏ để tăng màu sắc và tăng vị.
Hình thức giống nhau nên điểm thu hút khách của mỗi quán phụ thuộc vào vị ngon của đông sương hay mềm ngọt của dừa. Theo đánh giá của nhiều bạn trẻ, quán gần cuối bên tay phải hướng từ đường Trần Hưng Đạo vào Nguyễn Cảnh Chân có hai món này ngon nhất.
Phố sủi cảo Hà Tôn Quyền
Sủi cảo thập cẩm hấp dẫn.
Bạn sẽ không thể đoán được phần mực trong tô sủi cảo là mực khô hay mực tươi.
Bên cạnh há cảo nước, bạn đừng quên vị giòn, thơm của sủi cảo chiên.
Con đường nhỏ Hà Tôn Quyền trong Chợ Lớn có lẽ đã định danh với món sủi cảo được xem là ngon nhất ở Sài Gòn. Sủi cảo có vỏ là bột mì, trong là nhân thịt với tôm. Theo nhiều tài liệu thì sủi cảo là món biến thể của vằn thắn.
Sủi cảo nước được chia làm hai loại là sủi cảo chạp gồm sủi cảo, rau cải nước dùng. Sủi cảo thập cẩm phong phú hơn với sủi cái, cá viên, mực, da heo và rau cải. Khó nhận dạng nhất trong các thành phần của tô sủi cảo tại đây là mực. Rất dày, ăn giòn, nhưng khi ăn không phân biệt được đây là mực khô hay mực tươi. Tuy nhiên, theo người bán thì đây là mực khô được ngâm theo kỹ thuật riêng để tạo ra miếng mực nở to và giòn, có màu nâu sậm. Bên cạnh đó, bạn có thể thưởng thức vị giòn của sủi cảo chiên hợp vị với sa tế.
Mặc dù có vài chục quán trên đoạn đường này, nhưng người sành ăn thường chọn sủi cảo Thiên Thiên (hẻm 191 Hà Tôn Quyền) hoặc sủi cảo Ngọc Ý (187 Hà Tôn Quyền), hai trong những quán lâu đời nhất ở đây.
Phố trà chanh Võ Văn Kiệt
Trà chanh là một trong những nét văn hóa của Thủ đô và đã du nhập vào Sài Gòn được vài tháng. Với điểm mạnh giá rẻ, không gian rộng, trà chanh nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ Sài thành và cũng từ đó, hàng loạt quán trà chanh, phố trà chanh ra đời như phố trà chanh Võ Văn Kiệt, Lê Thị Riêng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Trần Quang Khải (Q.1); Nguyễn Thái Sơn, Quang Trung (Q.Gò Vấp), Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh)... Trong đó với các điểm cộng như không gian rộng, thoáng, view đẹp, tọa lạc ở trung tâm, phố trà chanh Võ Văn Kiệt là nổi bật hơn cả.
Có khá nhiều quán trà chanh dọc con đường này thế chỉ những quán có chủ là người Hà Nội hay gốc Hà Nội với cách pha "chính chủ" mới thu hút được nhiều khách đến quán.
Theo Tapchiamthuc
Mới lạ lẩu xiên 20.000 đồng phố Lê Quý Đôn Mô hình lẩu xiên có lẽ đã rất quen thuộc với các bạn trẻ Sài Thành nhưng tại Hà Nội, mới chỉ Anh Em Quán là "thức thời" cập nhật. Lê Quý Đôn vốn là con phố mà ban ngày khá đông đúc nhộn nhịp vì nằm sát khu chợ nhưng hễ mặt trời "xuống núi" là lại hắt hiu đến khó hiểu....