3 nô lệ Anh bị giam 30 năm: Hành trình giải cứu
Họ đã trải qua cả cuộc đời bị giam cầm trong nỗi sợ hãi tột cùng, và họ đã phải vượt qua nỗi sợ hãi đó để đến với tự do.
Theo lời một nhân viên từ thiện thì đó là “một ngôi nhà bình thường trên một con phố không có gì đặc biệt”. Thế nhưng đằng sau cánh cửa luôn im ỉm đóng của căn nhà tách biệt hoàn toàn khỏi hàng xóm láng giềng ở ngoại ô thủ đô London đó, có 3 người phụ nữ đã bị giam cầm làm nô lệ suốt hơn 30 năm qua trong điều kiện sống tồi tệ mà không ai hay biết.
Trong quãng thời gian đằng đẵng 30 năm đó, những người phụ nữ này đã sợ hãi trước những lời đe dọa của ông bà chủ 67 tuổi đến mức họ không dám bỏ chạy, không dám gọi cảnh sát hay tâm sự với bất kỳ ai khác.
Bị ngược đãi nặng nề về thể chất và tinh thần, họ buộc phải tin rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận bị giam cầm trong căn nhà này dưới sự kiểm soát của ông bà chủ.
Những phụ nữ này đã phải chịu kiếp nô lệ suốt 30 năm ngay ở thủ đô London (Ảnh minh họa)
Bà Aneeta Prem, Giám đốc quỹ từ thiện Freedom, người trực tiếp tham gia vào chiến dịch giải cứu những người phụ nữ nô lệ này khỏi một ngôi nhà ở Lambeth, phía nam London cho hay: “Đó là cuộc sống của kiếp nô lệ. Họ đã phải ở đó và không được đi bất cứ nơi nào khác. Họ cảm thấy rằng nguy hiểm đang bủa vây trùng trùng. Họ bị hạn chế làm tất cả những gì có thể.”
Thanh tra Kevin Hyland thuộc đơn vị chống buôn người của Sở Cảnh sát Đô thành London nói: “Cuộc sống của họ bị kiểm soát chặt chẽ, và vì thế mà họ buộc phải chấp nhận cảnh giam cầm trong ngôi nhà trên.”
Người lớn tuổi nhất trong số các nạn nhân này là một phụ nữ Malaysia 69 tuổi, và người trẻ nhất mới 30 tuổi, người được cho là ra đời trong chính ngôi nhà này và đã phải chịu kiếp nô lệ ngay từ lúc sinh ra.
Khi họ bị rơi vào tay của ông bà chủ, lúc đó Margaret Thatcher mới bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ 2 của mình, Sally Ride đi vào lịch sử với tư cách là người phụ nữ thứ hai bước vào vũ trụ, và bộ phim “Trở về Jedi” vẫn đang tràn ngập trên các rạp chiếu.
Video đang HOT
Điều khiến mọi người sốc không kém là trong gần 3 thập kỷ bị giam cầm như thế, giữa thủ đô của nước Anh trong thế kỷ 20 và 21 nhưng họ không thể nào cầu xin được sự giúp đỡ của người khác.
Thanh tra Hyland cho biết họ vẫn được hưởng “vài quyền tự do trong khuôn khổ”, tuy nhiên việc họ có được ra ngoài hay không và được đi bao xa vẫn còn là một điều bí ẩn với các điều tra viên. Việc hàng xóm có biết đến sự tồn tại của những con người tội nghiệp này hay không cũng đang là một câu hỏi cần giải đáp.
Thanh tra Hyland thông báo về vụ giải cứu nô lệ gây chấn động nước Anh
Tuy nhiên, bà Prem cho rằng hàng xóm không hề biết gì về những con người này, bởi đây chỉ là một ngôi nhà quá đỗi bình thường trên một con phố bình thường.
Bước ngoặt trong cuộc đời của những người phụ nữ này diễn ra vào này 4/10, khi họ xem một bản tin của BBC, trong đó bà Prem kêu gọi Bộ trưởng Giáo dục Michael Gove phải quan tâm tới các học sinh không tới trường sau kỳ nghỉ hè.
Bản tin này cũng đề cập đến những hoạt động của quỹ từ thiện Freedom trong việc chống nạn bắt cóc trẻ em, và những người phụ nữ tội nghiệp này đã quyết định sẽ gửi trọn niềm tin của họ vào tổ chức này.
Ngày 18/10, họ đã làm một việc mà họ cho là vô cùng liều lĩnh, đó là tìm cách đánh lạc hướng của ông bà chủ để thực hiện một cú điện thoại cầu cứu đến quỹ từ thiện trên.
Sau khi nhận được cuộc gọi này, các chuyên gia của quỹ từ thiện Freedom đã bàn bạc về tính nghiêm túc của cuộc gọi này. Một tuần sau đó, họ tiếp nhận thêm nhiều cuộc gọi từ các nạn nhân, và họ nỗ lực hết mình để lấy được lòng tin của những người phụ nữ luôn sợ sệt này.
Ban đầu, những người phụ nữ này quá sợ hãi nên không dám nói địa chỉ nhà cho các nhân viên từ thiện. Tuy nhiên sau vài cuộc gọi và cảm thấy đủ tin tưởng, họ đã cung cấp đủ thông tin để các nhân viên từ thiện hình dung được bức tranh về tấn thảm kịch của họ.
Đến ngày 25/10, những người phụ nữ này đã lấy hết can đảm để thực hiện điều mà họ chưa bao giờ dám nghĩ tới trong suốt 30 năm qua, đó là bước ra khỏi nhà trong lúc ông bà chủ đi vắng.
Họ đã tới gặp cảnh sát và các nhân viên từ thiện tại một địa điểm đã định trước gần đó, sau đó cảnh sát tới ngôi nhà trên để giải cứu người phụ nữ 69 tuổi. Cảnh sát đã đưa tất cả các nạn nhân tới một nơi an toàn, tuy nhiên mãi 4 tuần sau đó họ mới thu thập đủ bằng chứng từ những lời khai bấn loạn của các nạn nhân để bắt giữ cặp vợ chồng chủ nhà với cáo buộc giam cầm người làm nô lệ trái phép.
Thanh tra Hyland cho biết: “Họ bị sang chấn tâm lý nặng nề nên những thông tin mà họ cung cấp rất nhỏ giọt và lộn xộn khiến việc phát lệnh bắt bị chậm trễ. Chúng tôi đã rất khó khăn trong việc xác minh những thông tin do họ cung cấp để thu thập đủ chứng cứ.”
Ông Hyde cho biết mặc dù đã phá nhiều vụ án buôn người nhưng chưa bao giờ ông gặp trường hợp các nạn nhân bị giam cầm trái với ý nguyện của họ trong gần như suốt cả cuộc đời như vậy. Sau khi được giải cứu, họ hầu như lạ lẫm với mọi thứ xung quanh, và họ sẽ phải mất nhiều thời gian để nắm bắt được các thông tin về cuộc sống hiện tại.
Bà Prem nói: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để giúp đỡ và hỗ trợ họ. Giờ đây họ đang tìm cách xây dựng lại cuộc đời. Họ đã trải qua một cuộc sống đầy khó khăn, và chúng tôi hy vọng rằng họ có thể tiếp tục cuộc sống tự do của mình.”
Theo Telegraph
Anh: Giải cứu 3 phụ nữ bị bắt làm nô lệ 30 năm
Cảnh sát Anh vừa giải cứu 3 phụ nữ bị bắt làm nô lệ suốt hơn 30 năm tại một ngôi nhà ở thủ đô London và bắt giữ 2 nghi phạm.
Ngày 21/11, cảnh sát thủ đô London, Anh cho biết họ vừa bắt giữ một cặp vợ chồng và giải cứu 3 người phụ nữ bị bắt làm nô lệ suốt 30 năm trời trong một ngôi nhà ở London.
Đơn vị chống buôn người thuộc Sở Cảnh sát Đô thành London đã bắt giữ hai vợ chồng 67 tuổi này tại nhà của họ ở phía nam London vào sáng thứ Năm.
Cảnh sát London cho biết vụ bắt giữ này được thực hiện sau khi họ bắt đầu thực hiện cuộc điều tra chống nạn bắt người làm nô lệ từ tháng 10, khi một tổ chức từ thiện nhận được cuộc gọi bí mật từ một phụ nữ cho biết bà đã bị nhốt trong một ngôi nhà suốt hơn 30 năm.
Cảnh sát London họp báo thông báo về vụ giải cứu nô lệ
Cảnh sát đã lần ra địa chỉ của ngôi nhà này, và với sự giúp đỡ của tổ chức từ thiện trên, họ đã giải cứu được 3 nạn nhân bị bắt làm nô lệ trong nhà gồm một phụ nữ Malaysia 69 tuổi, một phụ nữ Ireland 57 tuổi và một phụ nữ Anh 30 tuổi.
Người phụ nữ 30 tuổi này cho biết cô đã bị nhốt trong ngôi nhà này từ bé đến nay và chưa hề được ra ngoài. Cảnh sát đang điều tra khả năng cô này được sinh ra ngay chính trong ngôi nhà này hay không.
Cảnh sát London cho biết các nạn nhân này đều bị sang chấn tâm lý nặng nề, và họ đã được cảnh sát đưa tới nơi an toàn.
Thanh tra Kevin Hyland cho biết sau khi xem một bộ phim tài liệu về đề tài hôn nhân ép buộc với sự tham gia của tổ chức từ thiện Freedom trên truyền hình, các nạn nhân đã tìm cách liên lạc với tổ chức này để cầu xin được giải cứu.
Ông Hyland cho biết trong suốt nhiều năm làm cảnh sát của mình, ông chưa thấy bất cứ vụ việc nào mà các nạn nhân bị bắt làm nô lệ trong thời gian dài như vậy.
Hồi tháng trước, một báo cáo của tổ chức từ thiện Walk Free Foundation cho thấy hiện có gần 30 triệu người đang phải sống như nô lệ ở 162 nước trên toàn thế giới, và Anh không phải là một ngoại lệ.
Mặc dù được xếp thứ 160 trong danh sách này, song người ta ước tính có hơn 4000 nô lệ đang bị giam cầm trái phép ở Anh, một con số mà tổ chức từ thiện này cho là đáng báo động.
Theo CNN
Anh giải cứu 3 phụ nữ làm "nô lệ trong 30 năm" Cảnh sát Anh vừa giải cứu được 3 phụ nữ bị bắt giữ làm "nô lệ" trong một căn nhà ở nam London suốt 30 năm. Kevin Hyland cho biết cặp đôi bị bắt trong vụ giữ làm nô lệ 3 phụ nữ không phải là người Anh. Cuộc giải cứu được thực hiện sau khi tổ chức từ thiện Freedom Charity vào...