3 ngôi sao ‘điên’ và ‘quái’ nhất của V-Pop
Từ dòng nhạc, phong cách trình diễn tới trang phục trên sân khấu, họ đã được dấu ấn và những nét riêng đặc biệt trong làng nhạc Việt.
Lê Cát Trọng Lý
Có lẽ Giải 3 cuộc thi Hát cho niềm đam mê và Giải cao nhất Giải thưởng Bài hát Việt 2008 do Hội đồng nghệ thuật bình chọn cho ca khúc Chênh vênh đồng thời nhận giải Nhạc sĩ trẻ triển vọng đã là một tấm “vé thông hành” thuận lợi trong những bước đầu sự nghiệp của Lê Cát Trọng Lý. Mang tố chất của con nhà nghệ thuật vì có bố là một ca sĩ, cô ngày càng chứng tỏ bản thân mình là một người có tài, có thực lực, nhưng những bước đi trong nghệ thuật của cô đều khiến khán giả phải bất ngờ.
Luôn là hình ảnh cô gái tóc xù với cây đàn ghita hoặc viola, nhắm mắt, thả hồn mình theo cảm xúc âm nhạc với những giai điệu ascoustic mộc mạc, trải nghiệm và vô cùng giản dị. Không phô trương nhưng lại không quá sơ sài, giọng hát lúc nhẹ nhàng, lúc mạnh mẽ đến cao trào như thổi sâu vào trái tim người nghe một thứ cảm xúc khó tả.
Cũng có khán giả phải nhận định rằng: “Lý hát như thiền”. Đúng vậy, nhạc Lê Cát Trọng Lý khiến những người nghe lần đầu phải thắc mắc, tò mò vì chưa cảm nhận được chiều sâu trong ca từ bài hát. Một cô gái mới ngoài 20 tuổi, lại có những nhìn nhận và sự trải nghiệm khá “đời” của Lê Cát Trọng Lý, sáng tác để thỏa mãn cảm xúc cá nhân và mỗi một tác phẩm lại là một khúc mắc của cô về cuộc sống, những điều còn hoài nghi và trăn trở đã thôi thúc con tim cô viết nên những khúc ca này.
Và đối tượng khán giả mà Lê Cát Trọng Lý hướng đến dường như là không giới hạn, đủ mọi lứa tuổi. Họ tìm đến nhạc của cô do phần lớn là do muốn tìm một khoảng tĩnh, một sự trầm lắng trong âm nhạc mà cực kì hiếm gặp trong làng nhạc VIệt bây giờ.
Và thành công của cô gái trẻ trung, xinh đẹp nhưng chất chứa nhiều tính “tự sự” ấy là những tình cảm nồng nhiệt của khán giả dành cho cô, cụ thể hơn là sự “trông mong” và chờ đợi những sản phẩm âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý phát hành. Hay cũng như năm 2011, Lý tổ chức Liveshow với thời gian 2 tháng qua nhiều thành phố trong cả nước và tại thành phố nào thì cũng xảy ra tình trạng cháy vé.
Hiện tại, Lê Cát Trọng Lý cũng đang trong quá trình học hỏi và tìm tòi thêm những nhạc cụ dân tộc để làm mới mình, để chứng minh cho khán giả thấy rằng cô thực sự có tài năng và không chỉ có gói gọn như mọi người đã từng thấy ở cô.
Tùng Dương
Từ khi “diện kiến” khán giả ở cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2004, khán giả đôi lúc phải bất ngờ về phong cách trình diễn, trang phục lẫn chất nhạc mà anh lựa chọn. Hầu hết các ca khúc anh thể hiện trong cuộc thi đều là các sáng tác mang phong cách dân gian đương đại của nhạc sĩ Lê Minh Sơn – thể loại khá khó nghe nhưng lại chứng minh con đường của Tùng Dương chắc chắn và chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật cao. Anh đã được xướng lên với giải thưởng do Hội đồng nghệ thuật bình chọn.
Video đang HOT
Bước chân ra từ cuộc thi, anh cũng “liều” mình làm một cuộc “cách tân” cả về phần nghe lẫn phần nhìn, thử nghiệm, “ướm mình” với những sáng tác của các nhạc sĩ khác như Ngọc Đại, Như Huy, Giáng Son, Đỗ Bảo … thì thực sự, cái chất “quái” trong Tùng Dương gần như tăng gấp đôi.
Và cái “quái” cái “lạ” đó đã giúp Tùng Dương mang về rất nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý như Album Những ô màu khối lập phương giành giải Album của năm trong Giải Cống Hiến 2007, Album Li ti 2010 đã giúp anh nhận hai giải Ca sĩ của năm và Album của năm ở Giải Cống Hiến 2010, quán quân năm 2007 và 2009 tại chương trình Bài hát Việt với Con cò và Đồng hồ treo tường … và mới đây nhất là anh đã làm dậy sóng cả làng nhạc với giải thưởng Bài hát của năm 2012 với bài hát Chiếc khăn Piêu của nhạc sĩ Doãn Nho. Ngoài ra những bản nhạc pop, Newage thậm chí là Electronic cũng giành được nhiều lời tán dương từ phía người yêu âm nhạc.
Tùng Dương sở hữu trong mình chất giọng tenor (nam cao) nhưng vẫn mang đậm màu sắc của giọng baritone ( nam trung) ,chính vì thế mà khán giả có thể cảm nhận và thấy rõ được khả năng biến hóa và thích ứng được bất cứ thể loại nhạc nào và đồng thời thể hiện cái tôi rất cao trong âm nhạc và sự sáng tạo khôn lương của Tùng Dương.
Vẫn biết dòng nhạc mình đang theo đuổi là một dòng nhạc rất kén người nghe và tính phổ cập không cao, nhưng Tùng Dương không bao giờ e ngại hay lo sợ, anh vẫn âm thầm, bước những bước đi vô cùng vững chãi và đầy chất lượng. Bên cạnh đó, anh cũng không ngừng thử thách bản thân để khám phá dòng nhạc pop để tiếp cận dễ dàng hơn đến công chúng.
Nguyễn Đình Thanh Tâm
Riêng Quán Quân Sao Mai Điểm Hẹn 2012 thì luôn giữ phong cách “điên” và “quái” từ trong cuộc thi đến nay. Duy trì phong độ ổn định, hình ảnh ngày càng mới lạ khiến không ít khán giả phải ngỡ ngàng.
Một mực khẳng định Nguyễn Đình Thanh Tâm là Nguyễn Đình Thanh Tâm, Tùng Dương là Tùng Dương, không bao giờ muốn mình là một bản sao của ai hết vì anh cho rằng phong cách ăn mặc, cá tính âm nhạc, giọng hát của anh hoàn toàn khác Tùng Dương.
Luôn chọn dòng nhạc mang âm hưởng dân gian hiện đại, chính anh cũng là người luôn muốn mình khác mọi người, theo một gu chất riêng để khẳng định được cá tính của bản thân. Không ngủ quên trên chiến thắng sau khi đăng quang, Thanh Tâm “cần cù” chăm chỉ liên tục cho ra những sản phẩm chất lượng mang đặc dấu ấn của anh và thỏa mãn khán giả cả về phần nghe lẫn phần nhìn.
Nhạc của Nguyễn Đình Thanh Tâm mang trong mình rất nhiều cảm xúc bởi tính đa dạng, phong phú trong chất nhạc. Lúc trẻ trung, sôi động, tuy nhiên vẫn có những khoảng trầm và đôi chút hơi hướng tâm linh. Với mỗi single hay album, anh đều tập trung hết sức mình, chăm chút và đầu tư công phu, khéo léo pha trộn giữa những cái mới và cái truyền thống để tạo ra những bản nhạc độc đáo và thú vị nhất.
Theo 2Sao.vn
Vpop: Nhiều album 'chất' nhưng vẫn lặng lẽ
Mặc dù được đầu tư lớn và tâm huyết nhưng những cái tên như "Lý tuổi 25", "Cánh diều lạc phố", "Vòng tròn"... vẫn chưa thực sự có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống âm nhạc.
Trải qua một thời gian dài ảm đạm, công chúng và giới chuyên môn đang ngày càng hài lòng hơn với nhiều sản phẩm âm nhạc được đầu tư công phu và chất lượng. Các nhà sản xuất trong nước ngoài - việc tích cực nâng đỡ, định hướng những giọng ca mới - còn làm việc với nhiều nhà sản xuất nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng ghi âm, nắm bắt những xu hướng mới nhất trên thế giới. Thành công của Vol 8 - Tâm của Mỹ Tâm mới đây là ví dụ tiêu biểu cho những điểm sáng của nhạc Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Mỹ Tâm bởi có rất nhiều album được đầu tư rất kỹ lưỡng nhưng vẫn chưa có sức lan tỏa xứng đáng.
Tuổi 25 - Lê Cát Trọng Lý
Tuổi 25 - album đầu tay được Lê Cát Trọng Lý phát hành vào cuối năm 2012 -là một trong số những đề cử tại giải âm nhạc Cống hiến lần thứ 8. Điểm độc đáo của album này là tất cả các tác phẩm đều được thu trực tiếp trên sân khấu nhưng vẫn giữ được sự trong và sạch của âm thanh. Điều này giúp một nghệ sĩ thiên về ngẫu hứng như Trọng Lý giữ được cảm xúc tốt khi truyền đạt nội dung các tác phẩm. 9 bài hát là một phần rất nhỏ nhưng chắt lọc và xuất sắc nhất trong nhiều năm hoạt động nghệ thuật miệt mài của Lê Cát Trọng Lý.
Lê Cát Trọng Lý hoạt động như một nghệ sĩ indie nên Tuổi 25 - mặc dù nhận được nhiều phản hồi khác nhau - khá lặng lẽ. Một số người nghe ghi nhận những nỗ lực của cô nhưng không ít người cho rằng đây là album thất bại bởi các sáng tác đều cũ kỹ và bị một màu.
Tuổi 25 là tự sự về một tình yêu dịu dàng, trong trẻo bên cạnh những luận bàn về thân phận con người và xã hội. Nhưng hơn tất cả, có lẽ đó là một tuyên ngôn nho nhỏ của Lê Cát Trọng Lý về thứ nghệ thuật mà cô theo đuổi. Một sản phẩm thực sự rất đáng để thưởng thức nhưng có lẽ chính vì thế mà nhiều người tỏ ra tiếc nuối, rằng giá như Lê Cát Trọng Lý có một ê-kíp chuyên nghiệp hỗ trợ thì khoảng cách giữa cô và khán giả sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều.
Giấc mơ tôi - Uyên Linh
Giấc mơ tôi của Uyên Linh là một trường hợp khá giống Lý tuổi 25, bởi cả hai đều là sản phẩm hay, nhưng chưa được đánh giá cao bởi không chứa đựng nhiều đột phá và sức lan tỏa chưa rộng rãi. Nếu như Lê Cát Trọng Lý lặng lẽ cho ra đời Tuổi 25 thì Giấc mơ tôi được Uyên Linh rào đón rồi "khất lần" trong 2 năm. Nếu Lý muốn khẳng định tôi đã 25 và đây là âm nhạc của tôi thì Uyên Linh thẳng thắng thừa nhận những gì khởi đầu không phải là con đường mà cô theo đuổi.
Giấc mơ tôi được thu âm rất kỹ lưỡng với toàn bộ nhạc cụ thật như trống jazz, guitar, bass piano..., sau chuyển đi master tại The Mastering Lab (Mỹ). Thực hiện master cho Uyên Linh là kỹ sư Sunny Nam, người được đề cử giải Grammy 2012 cho kỹ sư thể loại non-clasical thực hiện.
Thông thường, một ca sĩ khi đã tạo được dấu ấn trong lòng người hâm mộ bằng phong cách nào đó thì họ nắm lấy nó như một cơ hội để đến gần, nhanh hơn với khán giả. Nhưng ở đây Quốc Trung đã yêu cầu Uyên Linh làm điều ngược lại. Người ta thấy ở Người hát tình ca một Uyên Linh khác với cô trước đó: kỹ thuật hơn, tiết chế hơn. Mượn được phối kiểu slow rock khá ngọt ngào với phần solo guitar đậm chất blues, trống jazz nghe cuốn hút và gợi cảm, Chỉ là giấc mơ đượcUyên Linh tiết chế nhiều trong giai điệu jazz hiện đại đúng kiểu Quốc Trung. Người hát tình ca, Giấc mơ tôi, Sao chẳng về với em... cũng đều được làm mới và thú vị hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mặt trái của thử nghiệm lại chính là tốc độ thích nghi còn nhiều hạn chế của khán giả đại chúng. Chính vì vậy, sau khi ra mắt, Giấc mơ tôi vẫn bị "chìm".
Vòng tròn - Hồng Nhung
Tiếp tục là một dự án âm nhạc được thực hiện bởi nhạc sĩ/nhà sản xuất Quốc Trung, sản phẩm đánh dấu cuộc tái ngộ 7 năm của anh và Hồng Nhung sau album Khu vườn yên tĩnh. Vòng tròn là album nhạc điện tử có tiết tấu sôi động, trẻ trung và nổi loạn. Tuy nhiên, thể loại nhạc điện tử (electronic) lại khá kén người nghe tại Việt Nam. Sức lan tỏa của album "thê thảm" đến mức sau khi ra mắt, ca khúc Vòng tròn được đưa lên sân khấu Bài hát Việt trình diễn nhưng gần như vẫn còn xa lạ với khán giả. Thậm chí có nhà báo mảng văn hóa chia sẻ: "Riêng với bài hát Vòng tròn, tôi thực sự không biết một chút gì về nó. Tôi chưa nghe bài này bao giờ".
Ở Việt Nam trước đó, Hà Trần (album Vi sinh) và Tùng Dương (album Li ti) đã thử nghiệm với nhạc điện tử, nhưng họ đã ít nhiều thành công bởi đã tìm được cách tiếp cận riêng với công chúng. Trong khi đó, dường như Hồng Nhung chỉ dừng lại ở việc làm mới chính mình mà chưa đem được những "món lạ" cho khán giả, chưa kể các sáng tác trong Vòng tròn chưa thực sự xuất sắc và khá "vụn" khi đứng cùng nhau.
Cánh diều lạc phố - Nguyễn Đình Thanh Tâm
Đẹp từ hình thức đến nội dung là những mỹ từ thỏa đáng để dành tặng album đầu tay của ca sĩ trẻ Nguyễn Đình Thanh Tâm. Bước ra từ một cuộc thi không còn sức nóng, hát một loại nhạc khó nghe và sở hữu ngoại hình quái là những bất lợi của anh chàng. Nhưng nếu chỉ nhìn vào âm nhạc, Nguyễn Đình Thanh Tâm hoàn toàn có thể tự tin về sản phẩm đầu tay này.
Cánh diều lạc phố là một thách thức với khán giả bởi âm nhạc dân gian đương đại vốn đã kén người nghe lại được anh xử lý bằng một bản năng quá mạnh mẽ. Ngay cả cách biên tập đĩa cũng rất "quái" khi phần đầu dữ dội với rock, dance; phần sau nhẹ nhàng hơn với jazz, acoustic. Tuy nhiên, nếu chịu khó lắng nghe vài lần, người nghe nhạc sẽ dễ bị thu phục bởi ít nhất là một trong số những ca khúc trong album này.
Những ca khúc Nguyễn Đình Thanh Tâm chọn đưa vào album của mình không mới, thậm chí khá cũ nhưng vẫn đem đến những ấn tượng đặc biệt. Lời ru tôi được tháo bỏ lớp áo mượt mà mang dấu ấn Thanh Lam để trở nên thô ráp, ma quái. Hòn đá trong vườn tôi cũng bị "lột sạch" sự tinh tế trong phiên bản Hồng Nhung mà phá phách, chuyển động hơn rất nhiều. Tương tự, Ngẫu hứng phố, Tôi đọc báo công cộng, Chín bậc tình yêu... cũng đều được làm mới trong cả bản phối và cách hát.
Sáu tháng cho một sản phẩm đầu tay có vẻ hơi quá sức với một người mới trong âm nhạc như Nguyễn Đình Thanh Tâm nhưng rõ ràng, đĩa nhạc đã thể hiện được dấu ấn đặc biệt của chàng trai này.
Ngoài những sản phẩm kể trên, còn rất nhiều album khác như Thanh Lam - Hà Trần, Thanh Lam acoustic, Nửa (Đinh Đặng Hoàng Anh)... rất đáng nghe nhưng hầu hết chưa thực sự phổ biến. Tuy nhiên, có lẽ đây không phải là một nghịch lý bởi đa phần trong số đó đều là những thử nghiệm mới nên khó được người nghe truyền tai nhau. Mỗi sản phẩm đều ghi đậm dấu ấn riêng và xứng đáng là những niềm tự hào của những người sáng tạo ra chúng.
Theo Đất Việt
10 bìa album nhạc Việt ấn tượng nhất Đây là 10 thiết kế đã góp phần thể hiện được hình ảnh của ca sĩ và thông điệp của album một cách hiệu quả. Âm bản - Đoan Trang Âm bản là một album tôn vinh những nhạc sỹ nữ trẻ đang trong giai đoạn khẳng định phong cách sáng tác riêng như: Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Jazzy Dạ Lam, Bảo...