3 ngày 2 đêm khám phá Lý Sơn
Đón bình minh ở hòn Mù Cu, tắm biển trên đảo Bé và tham quan núi Thới Lới, chùa Đục là những trải nghiệm trong hành trình.
Huyện đảo Lý Sơn sở hữu nhiều bãi biển nước xanh biếc, bầu trời nắng trong và nhiều điểm tham quan đình, chùa, lăng miếu. Nơi đây gồm 3 đảo là Đảo Lớn (Cù Lao Ré), Đảo Bé (đảo An Bình) và hòn Mù Cu, nằm sát với Đảo Lớn, không có người ở.
Với 2 mùa mưa, nắng rõ rệt, thời điểm đẹp nhất để du lịch Lý Sơn là từ tháng 4 đến tháng 8. Vào khoảng thời gian này thời tiết ổn định, trời ít mưa và có nắng. Dưới đây là lịch trình 3 ngày 2 đêm gợi ý khám phá huyện đảo.
Di chuyển tới Lý Sơn
Huyện đảo nằm cách đất liền khoảng 30 km, vì vậy phương tiện di chuyển chính là tàu thủy từ cảng Sa Kỳ. Ở đây có nhiều hãng tàu cao tốc đưa du khách tới đảo Lý Sơn với giá vé khoảng 300.000 – 340.000 đồng (khứ hồi). Bạn nhớ mang theo chứng minh nhân dân hoặc bằng lái xe để mua vé. Thời gian di chuyển từ cảng đến đảo khoảng 35 phút.
Từ Hà Nội, TP HCM, du khách đặt vé máy bay tới sân bay Chu Lai với giá vé một chiều khoảng 1.200.000 đồng, thời gian bay 1 tiếng 30 phút. Sân bay cách cảng Sa Kỳ khoảng 42 km, bạn có thể di chuyển bằng taxi, giá một chiều khoảng 350.000 đồng hoặc đi xe bus dừng chặng tại TP Quảng Ngãi để tiết kiệm chi phí.
Xuất phát từ TP Đà Nẵng, ngoài xe taxi, phương tiện di chuyển phổ biến nhất đến TP Quảng Ngãi là tàu hỏa, giá 180.000 khứ hồi. Cảng cách trung tâm thành phố 20 km.
Ngày 1: Chùa Hang – Hang Câu – Đỉnh Thới Lới
Sau khi nhận phòng và nghỉ ngơi, du khách thuê xe máy bắt đầu hành trình khám phá Đảo Lớn. Giá thuê xe máy trung bình 120.000 đồng một ngày.
Điểm đến đầu tiên là Chùa Hang, ngôi chùa hơn 400 tuổi, nằm trong hang đá lớn ở lưng chừng núi, thờ Phật và các vị có công khai hoang hòn đảo. Trên đường lên chùa, vòng qua eo núi, du khách có thể thu vào tầm mắt cảnh xóm làng, cánh đồng tỏi và cỏ xanh của hòn đảo. Sân chùa lớn được bao quanh bởi hàng cây cổ thụ, là nơi đặt tượng Phật Bà Quan Âm nhìn ra biển. Ngoài ra, du khách có thể tham quan các bệ thờ tạc trên nhũ đá tự nhiên và di tích Chăm Pa.
Cảnh biển Lý Sơn nhìn từ núi Thới Lới. Ảnh: Chế Văn Hiền.
Trước khi đến Hang Câu, du khách có thể tới tham quan hải đăng, nằm phía đông đảo. Ngọn hải đăng có chiều cao 45 m, giúp du khách ngắm nhìn khung cảnh biển xung quanh và cánh đồng tỏi bao la.
Từ đây, di chuyển khoảng 2 km, du khách sẽ đến với Hang Câu. Nơi này, một bên là bãi biển xanh ôm vào bờ cát trắng mịn, một bên là vách núi cao, mang hình khối khác biệt do tác động của gió và sóng biển. Dọc về phía nam Hang Câu là bãi tắm rộng, với rặng san hô nhiều màu sắc. Du khách còn có thể trải nghiệm lặn ngắm san hô, chèo thuyền kayak.
Nếu không tắm biển, du khách có thể đi tới đỉnh núi Thới Lới để ngắm hoàng hôn. Đây là một trong 5 ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động của huyện đảo. Núi có độ cao khoảng 170 m so với mặt nước biển và đường lên có độ dốc cao. Trên đỉnh núi là lòng chảo khổng lồ, với hồ nước ngọt cấp nước cho huyện đảo. Ở đây, du khách có thể bắt gặp những con bò đang gặm cỏ hoặc đàn cò trắng bay dập dìu. Ngoài ra, bạn không nên bỏ lỡ trải nghiệm chụp ảnh tại cột cờ tổ quốc cao 20 m trên núi.
Buổi tối, du khách có thể thưởng thức hải sản Lý Sơn ở dọc cảng, trong đó quán Phát Hải, thôn Tây, An Hải là địa chỉ được nhiều du khách và người dân địa phương gợi ý. Du khách sẽ chọn đồ tươi và hỏi giá trước, sau đó yêu cầu chế biến. Ở đây, các món ăn gợi ý là sò cát nướng mỡ hành, cua huỳnh đế, nhum biển, hàu, ốc tượng… Giá trung bình mỗi du khách khoảng 200.000 – 300.000 đồng.
Sau khi ăn tối, du khách di chuyển tới chợ đêm, cách cảng khoảng 1 km.
Video đang HOT
Ngày 2: Hòn Mù Cu – Đảo Bé – Cổng Tò Vò
Du khách nên dậy sớm để đến hòn Mù Cu để ngắm nhìn những tia nắng đầu ngày rọi xuống mặt biển hay những bãi đá đen đặc trưng của nơi này.
Sau đó, du khách có thể trở lại cảng Lý Sơn, để đi cano tới Đảo Bé, nơi nhiều người ưu ái đặt tên “Maldives Việt Nam”. Vé tàu khứ hồi tới đây có giá 100.000 đồng. Sau 20 phút, bạn có mặt tại Đảo Bé, có thể thuê xe máy hoặc đi xe điện, xe tuk tuk tham quan đảo.
Bãi Sau là điểm đến nổi tiếng nhất ở đây, bãi biển nhỏ nhưng nước trong vắt, có thể nhìn thấy đáy. Du khách có thể đăng ký lặn biển ngắm san hô, giá 90.000 đồng một người, bao gồm tiền thuê kính và áo phao. Sau khi tắm, bạn tắm lại bằng nước ngọt, giá 20.000 đồng một người trước khi tiếp tục tham quan. Trước khi trở lại cảng về Đảo Lớn, du khách có thể ghé thăm và chụp ảnh lưu niệm ở cây phong ba cô đơn.
Đảo Bé có diện tích khoảng 0,7 km2, đi thuyền thúng ngắm san hô là một trong những trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích trên đảo. Ảnh: Tran Thanh Sang/Shutterstock.
Buổi trưa, du khách dùng bữa tại quán cơm hải sản Đại Hằng hoặc quán Út Ngọc trên Đảo Lớn. Giá trung bình mỗi khách là 150.000 đồng.
Sau khi nghỉ ngơi, du khách di chuyển tới thăm chùa Đục, thôn Tây, xã An Vĩnh. Ngôi chùa được xây dựng năm 2008, có 3 am thờ trong hang đá, trên vách núi Giếng Tiền, một trong những ngọn núi lửa ngưng hoạt động tại huyện đảo. Để tới đây, du khách leo 100 bậc theo sườn núi. Trước cửa hang là tượng Phật Bà Quan Âm cao 27 m hướng ra biển, có tên là Quan Âm Đài.
Nằm cách chùa khoảng 2 km là cổng Tò Vò, một trong những điểm chụp ảnh mang tính đặc trưng nhất của đảo Lý Sơn. Người dân đảo cho rằng, cánh cổng vòm cao hơn 2 m bên biển được hình thành do nham thạch đông cứng khi gặp nước từ hàng triệu năm trước. Xung quanh cánh cổng là những bãi đá nham thạch đen hoang sơ. Buổi chiều, khi mặt trời lặn, ánh nắng vàng cam phản hắt trên nền trời, le lói qua những cạnh đá, du khách có thể ghi lại những bức ảnh với khung cảnh đẹp.
Ngày 3: Tham quan chợ hải sản – Kết thúc chuyến đi
Bạn có thể thức dậy sớm vào ngày cuối hành trình, di chuyển tới cầu cảng để tham quan phiên chợ cá. Ngoài trải nghiệm khung cảnh tấp nập của những thuyền, ghe và phiên chợ sớm của người dân, du khách có thể mua các loại hải sản tươi về làm quà. Tuy nhiên, để đem loại thực phẩm này lên máy bay, bạn cần đóng gói kỹ bằng thùng xốp kín, không chứa đá, nước và thoát mùi. Do vậy bạn có thể ghé các quầy đồ khô ở gần đó để mua tỏi, hải sản khô về làm quà. Sau khi ăn sáng và trả phòng, du khách di chuyển tới bến cảng để về đất liền.
10 điểm check-in không thể bỏ qua khi đến đảo Lý Sơn
Lý Sơn là một huyện đảo trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi được du khách ưu ái ví von như đảo 'Jeju của Việt Nam' bởi cảnh sắc đẹp yên bình, nên thơ.
Và đặc biệt, đây cũng là nơi cho ra đời những bức ảnh lung linh cực chất xuất hiện trong mỗi chuyến du hí tại Đảo Lý Sơn của các bạn trẻ trên khắp mạng xã hội.
1. Cổng Tò vò
Cổng Tò Vò là địa danh rất thu hút du khách khi đặt chân đến đảo Lý Sơn. Cổng cao khoảng 2,5 m, hình thành từ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ hoang sơ, không có sự tác động của con người.
Xung quanh cổng là những bãi đá nham thạch đen bóng, có hình thù kỳ lạ ẩn hiện trong làn nước trong veo. Đứng ở cổng bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của khu làng chài sung túc ở phía Bắc, núi Giếng Tiên ở phía Nam. Đặc biệt hoàng hôn hay bình minh nơi đây sẽ giúp bức ảnh của bạn lung linh, huyền ảo hơn.
Cổng Tò vò là địa điểm check-in yêu thích của các bạn trẻ
2. Đảo bé (Đảo An Bình)
Đảo Bé hay còn gọi là đảo An Bình, cách huyện đảo Lý Sơn khoảng 1 km. Nơi đây đang trở thành "thiên đường du lịch biển đảo" ở miền Trung, hấp dẫn đông đảo du khách, nhất là giới trẻ.
Đảo bé được mệnh danh là "thiên đường du lịch biển đảo" ở miền Trung
3. Hòn Mù Cu
Hòn Mù Cu nằm cách trung tâm huyện 3,2 km, sát với vũng neo đậu tàu thuyền An Hải, nơi đây là địa điểm check-in mới được khai quật thời gian gần đây. Khung cảnh nơi đây hoang sơ, được tạo bởi những hòn đá đen có hình thù độc đáo. Hòn Mù Cu được mênh danh là nơi ngắm mặt trời mọc lý tưởng nhất ở đảo Lý Sơn.
Hòn Mù Cu với những tảng đá đen có hình thù lạ mắt
4. Đỉnh Thới Lới
Đỉnh Thới Lới là sự lựa chọn của rất nhiều du khách khi đến Lý Sơn. Một bên núi, một bên biển, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp say đắm lòng người. Khi leo lên đỉnh núi du khách sẽ được ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh của Lý Sơn với biển xanh, mây trắng, những cánh đồng tỏi hay chiếc thuyền xa. Nơi đây thích hợp cho những buổi cắm trại qua đêm.
Khi leo lên đỉnh núi du khách sẽ được ngắm nhìn toàn bộ quang cảnh của Lý Sơn
5. Hang câu
Hang Câu nằm ở xã An Hải, dưới chân núi Thới Lới là nơi có phong cảnh hùng vĩ với một bên là biển xanh, một bên là núi lớn sừng sững. Núi Thới Lới được gió biển, mưa trời bào mòn qua năm tháng mà hình thành nên một dáng vẻ kỳ lạ với những đường "sóng lượn" theo sườn núi. Đứng ở Hang Câu nhìn lên đỉnh Thới Lới, cảnh đẹp tuyệt vời. Đây là background cực chuẩn cho những anh chàng, cô nàng thích chụp hình theo phong cách tối giản cùng những bộ trang phục mùa hè cá tính.
Hang Câu có phong cảnh hùng vĩ với một bên là biển xanh, một bên là núi lớn sừng sững là background cực chuẩn cho những anh chàng, cô nàng thích sống ảo
6. Chùa Đục
Với vị trí tuyệt đẹp "tựa sơn, hướng hải" - Chùa Đục tọa lạc ngay giữa sườn núi Giếng Tiềng hướng thẳng ra biển lớn. Để đến được Chùa Đục, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo triền núi. Đường đi tuy có hơi vất vả nhưng khi đã đến được chùa, cảm nhận được "vị" thanh tịnh của nơi cửa Phật, tìm thấy tâm hồn tự do khi phóng tầm mắt nhìn ra biển, du khách sẽ quên ngay mệt mỏi và cũng không quên tìm những góc chụp đắt giá cho album ảnh kỷ niệm Lý Sơn của mình.
Để đến được Chùa Đục, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo triền núi
7. Cánh đồng tỏi
Với Lý Sơn, tỏi đã trở thành nguồn thu nhập chính và thương hiệu "Lý Sơn" ngày một gần với nhiều người Việt. Những cánh đồng tỏi xanh mát được trồng chăm chút trên đất cát trắng cũng sẽ là nơi lý tưởng cho bạn chụp những bức ảnh với các mảng xanh bắt mắt.
Những cánh đồng tỏi xanh mát trồng ctrên đất cát trắng như những ô bàn cờ đẹp mắt
8. Miệng núi lửa Giếng Tiền
Từ trên cao nhìn xuống, miệng núi lửa Giếng Tiền hệt như "chiếc chảo khổng lồ" nhô lên giữa biển trời huyện đảo Lý Sơn. Miệng núi lửa này rộng hàng trăm mét, cao 30-40 m nghiêng về phía bắc, có niên đại khoảng 1 triệu năm. Trầm tích cổ Miocen muộn ở phần vách cao của miệng núi lửa Giếng Tiền bị phun trào xuyên cắt tạo hình thù kỳ thú ở phía Tây đảo Lý Sơn. Thảm thực vật cùng với rừng dương phòng hộ bao quanh dấu tích những miệng núi lửa tạo "lá phổi xanh" cho các khu dân cư xung quanh.
Miệng núi lửa Giếng Tiền hệt như "chiếc chảo khổng lồ" nhô lên giữa biển trời huyện đảo Lý Sơn
9. Ngắm bình minh
Còn gì tuyệt vời hơn khi được đắm mình vào cảnh bình minh trên Lý Sơn. Từng đoàn thuyền về trong nắng sớm. Không khí lao động hăng say, rộn ràng cả một vùng biển. Những hàng mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt góc cạnh của những người dân chài. Ánh sáng tràn mặt biển, xuyên qua từng khe lưới nặng trĩu. Một ngày mới bắt đầu với nguồn năng lượng sống bất tận.
Còn gì tuyệt vời hơn khi được đắm mình vào cảnh bình minh trên Lý Sơn
10. Cột cờ chủ quyền biển đảo
Cột cờ được xây dựng trên núi Thới Lới, ngọn núi cao nhất đảo Lý Sơn. Cột cờ có chiều cao 20m, đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới ở đảo Lý Sơn không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn được ví như "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm.
Cột cờ Tổ Quốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam
Du khách tấp nập đổ về Đà Lạt, mải chơi vui quên luôn giãn cách Chiều tối 30/4, du khách tấp nập đổ về Đà Lạt vui chơi trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Đèo Bảo Lộc ùn tắc cục bộ khi hàng trăm xe ô tô nối đuôi nhau. Chợ đêm nườm nượp khách không khẩu trang, không giữ khoảng cách Theo ghi nhận của PV, từ chiều tối ngày 30/4, lượng khách đổ lên...