3 năm đi làm cửu vạn không ăn thua, về nhà trồng dưa lưới thu 65 tấn quả “hết veo trong 1 nốt nhạc”
Đến giờ này, bản thân Nguyễn Phúc Bách vẫn không thể ngờ rằng làm nông nghiệp lại khiến mình nổi tiếng như vậy.
Sau 3 năm đầu tư trồng dưa lưới, Nguyễn Phúc Bách trở thành tỷ phú. Ảnh: Phạm Hạnh.
Mơ hồ về tương lai, hoài nghi năng lực
Đầu năm 2019, Nguyễn Phúc Bách (xóm Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) mua nửa ha đất nông nghiệp vùng đất bãi để dựng 4.500m2 nhà màng trồng dưa lưới, nâng tổng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao lên 7.000m2.
Cuộc sống của chàng trai sinh năm 1992 thay đổi quá nhanh, khiến nhiều người quên mất anh từng có 3 năm làm nghề cửu vạn, sống lay lắt trong những lán công trường ở thủ đô Hà Nội với đồng lương chưa ráo mồ hôi đã hết tiền.
Bách từng có quãng thời gian mơ hồ về tương lai và hoài nghi về năng lực của bản thân. Để rồi anh quyết định sinh ra từ đâu bắt đầu từ đó. Cuộc chuyển đổi từ nghề cửu vạn thành anh chăn bò diễn ra vào năm 2014 với vốn liếng là một bò cái sinh sản. Sau vài năm, đàn bò của Bách lên tới 15 con.
Nguyễn Phúc Bách luôn tay pha dung dịch dinh dưỡng cho cây trồng mỗi ngày 3 lần. Ảnh: Phạm Hạnh.
Vùng đất bãi ven sông Đáy đất đai trù phú nhưng mùa lũ hay ngập. Không có chỗ chăn thả, đàn bò đói meo nên tăng trọng chậm. Nhà có một mẫu ruộng, Bách không trồng rau theo kiểu truyền thống mà chơi trội. Anh đầu tư xây bể nước mấy chục m3 giữa cánh đồng, lấy nước sạch để hòa phân bón hữu cơ vi sinh bón cho rau qua hệ thống tưới tiết kiệm.
Chính quyền xã thấy có người xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, tưởng lấn chiếm đất làm nhà, dựng trang trại nên quyết liệt lập biên bản và chuẩn bị phương án để cưỡng chế.
Ông Phạm Văn Biển, Chủ tịch xã Phù Lưu, nổi tiếng cứng rắn trong quản lý đất đai, thế nhưng chẳng hiểu sao khi thấy Bách nói muốn làm mô hình nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP lại mủi lòng bảo: “Tạm thời chưa cưỡng chế vội, xem thằng cu trẻ tuổi ấy làm ăn thế nào”.
Những cây dưa lưới giống Nhật trong khu nhà màng của Nguyễn Phúc Bách. Ảnh: Phạm Hạnh.
Cứ 2-3 ngày, Chủ tịch xã lại yêu cầu cán bộ địa chính xuống hiện trường đển giám sát, chẳng khác gì đối tượng đặc biệt.
Video đang HOT
Những lứa su hào, bắp cải lần lượt được xuất đi. Rau củ ngon nên các cửa hàng thực phẩm ngoài Hà Nội đặt mua tới tấp. Thế nhưng, đầu tư cả một đống tiền mà chỉ để canh tác loại cây trồng phổ thông như vậy thì lãi quá thấp. Một lần nữa, Bách phải chuyển hướng đi mới.
300 triệu đi tong cho lần đầu khởi nghiệp
Dù trong đầu trống rỗng ý tưởng đầu tư nông nghiệp nhưng có thứ gì đó luôn thúc giục Nguyễn Phúc Bách đầu tư một khu nhà màng.
“Năm 2017, khi lên xã xin làm dự án, bản thân tôi cũng không tư duy được sẽ làm cái gì và trồng cây gì trong đó”, Bách nhớ lại. May là chính quyền cấp xã và huyện tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục và thông qua.
Cây trồng được tưới dung dịch dinh dưỡng nhỏ giọt, giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào. Ảnh: Phạm Hạnh.
Kể từ lúc Bách vận hành khu nhà màng rộng 2.300m2, nhiều chuyện cười ra nước mắt diễn ra. Vụ đầu tiên anh trồng dưa lê. Cây mọc tốt um nhưng không đậu quả, thế là mất trắng. Chẳng được học làm nông ngày nào, nên gặp trường hợp như vậy Bách không thể lý giải được nguyên nhân do giống dởm hay quy trình chăm sóc có vấn đề.
Anh lang thang đến các nông trại đầu tư nhà màng để tìm hiểu, rồi cũng có người thương “chàng ngố” Nguyễn Phúc Bách và bảo: “Trồng cây trong nhà màng thì lấy đâu ra ong với côn trùng, phải thụ phấn bằng tay mới được”.
Sau khi học được bí kíp thụ phấn bằng tay, vụ thứ hai, Bách không trồng dưa lê mà trồng dưa lưới giống Nhật. Lần này, cây xanh tốt và ra trái lúc lỉu. Đến lúc quả dưa lưới đạt trọng lượng 1,5kg thì ôi thôi, nước lũ sông Đáy dâng cao, cả vùng đất bãi chìm trong biển nước. Cây chết úng, héo rũ mà quả thì non chưa thể hái để bán, thế là lại một lần thất bại.
Chăm sóc vườn cây, công việc ưa thích của Nguyễn Phúc Bách. Ảnh: Phạm Hạnh.
“Năm ấy tôi dự tính vườn dưa đạt năng suất khoảng 5 tấn quả. Giá dưa lưới thời điểm năm 2017 là 55.000 đồng/kg, vậy là gần 300 triệu ra đi, trong khi đó chi phí chăm sóc cây khoảng 70 – 80 triệu đồng”, Bách nói.
Cả cơ nghiệp lớn Bách đầu từ hai bàn tay trắng, cũng đến lúc phải trả nợ vài trăm triệu đồng cho các đại lý vật liệu xây dựng theo cam kết, thanh niên trẻ sinh năm 1992 phải bán đàn bò 15 con và vườn đào để trả chủ nợ khó tính.
Bách chia sẻ, nhà có 4 anh em, từ nhỏ đã quen sống chung với lũ rồi. Mùa ngập lụt ngày trước nhiều khi không có gạo mà ăn, nên khi chứng kiến cảnh mất mát như vậy chỉ tiếc chút thôi chứ không nản.
Để chuẩn bị cho vụ sản xuất thứ ba, chàng thanh niên trẻ có làn da đen với dáng người đậm lại xắn tay lội bùn gạt đi rác rưởi, bắt lại hệ thống tưới nhỏ giọt và gia cố bờ bao bên ngoài để phòng lũ.
Thành công bước đầu đã đến. Những quả dưa lưới được anh tiếp thị để đưa vào các cửa hàng hoa quả trên thành phố Hà Nội. Thế nhưng, người ta chê dưa của vị nhạt và xấu mã nên khó bán.
Nguyễn Phúc Bách lần theo những trái dưa lưới ngon bán trên các sạp hàng để tìm địa chỉ và đến một số chủ vườn ở phía Nam hỏi bí quyết trồng. Cuối cùng người anh cũng tìm được bộ giống và phân tốt.
Chăm sóc dưa như chăm con
Quá trình đầu tư trồng dưa lưới, Bách không ngừng mày mò để tìm cách tối ưu hóa đinh dưỡng cho cây trồng.
Bách mua gạch và thuê thợ xây thành từng rãnh nổi có chiều rộng (lòng) khoảng 30 x 30cm rồi đổ đất và đặt cây giống trong giá thể. Mỗi gốc cây được cắm vòi tưới nước dinh dưỡng. Phải xây rãnh như vậy để rễ cây phát triển tập trung, không ăn sâu và rộng. Nhờ đó có thể quản lý chính xác lượng nước tưới và phân bón cho cây trồng.
“Mỗi ngày tôi cho cây “ăn” 3 lần. Khẩu phần ăn hôm sau phải thay đổi so với hôm trước theo nhu cầu phát triển của cây và tránh lãng phí dưỡng chất. Do đó, quả dưa lưới tôi trồng có mùi vị rất khác biệt so với các nhà vườn khác”, Bách chia sẻ.
Nguyễn Phúc Bách – chàng nông dân không sợ thất bại. Ảnh: Phạm Hạnh.
Ông Phạm Văn Biển, Chủ tịch xã Phù Lưu cho biết Nguyễn Phúc Bách là người đầu tiên đưa dưa lưới về huyện Ứng Hòa, Hà Nội và thành công. Với khoảng 7.000m2 nhà màng, anh thuê 7 lao động với mức lương thấp nhất là 4,5 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi 500 – 600 triệu đồng. Rất nhiều đoàn tham quan từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lâm Đồng và thậm chí có tỉnh ở phía Nam cũng về mô hình nhà Bách để học tập.
Để có ngày hôm nay, chàng trai sinh năm 1992 rút ra được kinh nghiệm để đời, đó là làm nông nghiệp thì không thể ăn xổi và không thể bỏ cuộc lúc gặp khó khăn. Khi thất bại, mình làm lại thì sẽ có cơ hội gỡ gạc được, vấn đề là phải tìm cách khắc phục điểm bất cập trong mô hình.
Bách bảo năm nay vườn nhà anh thu được 65 tấn quả nhưng không đủ cung ứng ra thị trường. Hiện một số hộ dân trong xóm đã học Nguyễn Phúc Bách và đang đầu tư nhà màng trồng dưa lưới. Chàng trai trẻ đang lên kế hoạch thành lập hợp tác xã dưa lưới VietGAP để phục vụ nhu cầu thị trường.
Chàng trai 9X mơ về nông nghiệp công nghệ cao với... 3 con bò
Khởi nghiệp bằng 3 con bò cái, nhưng chàng trai Nguyễn Phúc Bách (SN 1992), xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chưa bao giờ nghĩ mình chỉ dừng lại ở chăn nuôi. Anh mơ về mô hình nông nghiệp công nghệ cao với những sản phẩm sạch, an toàn, và bước đầu, giấc mơ ấy đang dần hiện hữu.
Từ 3 con bò...
Khác với mong ước của bạn bè cùng trang lứa, học hết cấp 3, Bách không thi đại học mà quyết định gắn bó với nghề nông. "Tôi sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp truyền thống, nên hiểu được sự vất vả, lam lũ của người nông dân... Đó cũng là động lực để tôi lập nghiệp từ chính những gì mình đã trải qua" - Bách nói.
Trong thời gian này, Bách đang chuẩn bị hoàn thiện thêm 2 khu nhà màng áp dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới. Nâng tổng số lên 3 khu nhà màng trồng dưa lưới với tổng diện tích 7.000m2. Ảnh: Minh Ngọc
Để khởi nghiệp, từ số tiền dành dụm ít ỏi, vay mượn người thân và ngân hàng, Bách quyết định mua 3 con bò cái. Chỉ sau vài năm, từ 3 con bò này, Bách đã có đàn bò gần chục con, trở thành thanh niên nuôi nhiều bò thịt nhất xã.
Tuy nhiên, theo Bách, mặc dù thời điểm đó anh sở hữu đàn bò hàng chục con, nhưng anh nhận ra như vậy chưa đủ, sự khổ cực và vất vả theo cách làm nông nghiệp thời xưa đã không còn phù hợp, từ đó tư duy làm nông nghiệp của Bách đã dần thay đổi.
Theo đó, Bách vừa nuôi bò, vừa nghe ngóng nơi nào có mô hình nông nghiệp hiện đại là anh tới tham quan, rồi mua sách về học, tìm hiểu thông tin, liên hệ với các đơn vị cung ứng vật tư... với quyết làm nông nghiệp công nghệ cao trên chính quê hương mình.
Trải qua một thời gian lăn lộn, sau khi đến nhiều nơi, đi nhiều chỗ để học hỏi kinh nghiệm về làm nông nghiệp công nghệ cao, Bách quyết định bàn với bố mẹ bán đàn bò để đầu tư khu nhà màng, nhà lưới khung thép kiên cố với hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, trồng cây trên giá thể, lắp đặt hệ thống camera giám sát quy trình sản xuất...
Ban đầu, bố mẹ Bách rất lo lắng. Bởi lẽ, ngoài mức đầu tư tiền tỷ, bao đời nay nông dân ở đây đã quen trồng các loại cây truyền thống, sản xuất ngoài trời, quen nắng mưa chứ làm kiên cố thì trồng cây gì cho để thu hồi vốn cả tỷ đồng.
... đến mô hình nông nghiệp mơ ước
Giữa năm 2017, từ hơn 100 triệu đồng ban đầu cùng nguồn vốn vay, Bách đầu tư một khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 1.000m2 trồng thử nghiệm các loại rau, quả. Ai ngờ, vườn rau cho năng suất thấp, lại bị sâu ăn nên Bách thua lỗ.
Không nản chí, Bách làm lại từ đầu. Khắc phục được những thiếu sót về kỹ thuật, vụ tiếp theo chỉ trong 40 ngày Bách thu hoạch được 4 - 5 tấn rau, đổ buôn cho đầu mối. Gia đình, người thân, bạn bè ai cũng vui mừng.
Nhưng không dừng lại ở đó, sau nhiều đêm trăn trở, Bách nhận ra làm nông nghiệp muốn thành công thì không thể canh tác ồ ạt trên diện rộng mà phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ càng nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Bách tiếp tục tìm hiểu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Năm 2018, Bách quyết định chuyển 100% diện tích sang trồng dưa lưới. Vụ đầu tiên, năng suất không cao do cây ra quả vào thời điểm mùa hè, nhiều lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới 42 độ C, trong khi các biện pháp hạ nhiệt trong nhà màng chưa chuẩn nên năng suất chỉ đạt 30% so với dự kiến.
Rút kinh nghiệm sau thất bại của vụ trồng dưa lưới đầu tiên, chàng trai trẻ mạnh dạn mở rộng, xây dựng nhà kính quy mô 3.000m2, trồng 5.500 gốc dưa lưới giống Nhật, với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng. Vườn dưa phát triển tốt, trung bình mỗi quả dưa lưới nặng khoảng 1,5 - 2kg.
Để sản phẩm của mình được thị trường biết đến, Bách đã áp dụng trồng dưa lưới theo quy chuẩn VietGAP, hiện nay sản phẩm đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch của Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Thời gian này, Bách đang chuẩn bị hoàn thiện thêm 2 khu nhà màng áp dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới. Nâng tổng số lên 3 khu nhà màng trồng dưa lưới với tổng diện tích 7.000m2. Mô hình dưa lưới của anh được trồng với công nghệ cao, mọi quy trình tưới nước, đảm bảo chất dinh dưỡng... được điều khiển tự động hóa chỉ 3 nhân công.
Hiện nay, mỗi vụ dưa, Bách thu được 5.000 quả, giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư và chăm sóc, mỗi vụ anh thu được khoảng 150 - 200 triệu đồng.
Nghiên cứu xây dựng sân bay thứ hai ở Hà Nội Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội kiến nghị cơ quan chức năng xem xét xây dựng sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, phía Nam thành phố. Góp ý cho đồ án quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà...