3 lượng vàng và câu chuyện tình người tại Đồng Tháp
Hơn 10 năm chăm chồng bị tai biến, 5 năm sống đơn độc với bệnh khớp và đói nghèo trong căn chòi lá liêu xiêu… cuộc đời cụ Nguyễn Thị Tồn (dì Ba) có lẽ sẽ mãi âm thầm và cô quạnh như vậy, cho đến khi một điều kỳ diệu đến bất ngờ…
Cuộc đời nghèo khó và tình nghĩa xóm làng
Chúng tôi tìm đến gặp cụ Tồn tại ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp vào một ngày tháng 5 oi ả, thế nhưng khi bước vào căn chòi của cụ thì không khí bỗng trở nên dịu mát đến lạ. Không khó để có thể nhận ra nền căn chòi chỉ được làm bằng những tấm ván gỗ dạng cốt pha hoặc củi thanh được xin từ các nhà đang xây, vì không nhiều nên gỗ lợp thưa đến nỗi có thể để lọt cả bàn tay qua. Tuy nhiên, sự sạch sẽ, chỉn chu và gió luồn qua các khe gỗ thật may đã khiến căn chòi mát mẻ, dễ chịu hơn. Chỗ cụ ở chỉ có độc một chiếc đèn nhỏ, trần nhà lợp tôn, vách tường được dựng lên từ các tấm bạt đan xen với áo mưa và rơm, bít bùng đến độ ánh sáng không lọt nổi vào trong. Ngồi trong nhà, ta chỉ thấy được ánh sáng leo lét hắt lên từ bên dưới nền nhà thông qua những khe gỗ. “Cơ ngơi” ấy nằm trên nền đất chật hẹp, trũng sâu, kề một cái hố lớn.
Cụ Tồn sống neo đơn và nghèo khó suốt 15 năm qua. Do bị bệnh khớp và tuổi đã cao nên cụ chỉ có thể dùng các miếng giẻ để lau phần sàn, trần “nhà” bị “bỏ quên”, mạng nhện chăng đầy, bồ hóng bám đen… Căn chòi đã cô quạnh lại càng thêm tối tăm.
Kể từ ngày người thân duy nhất là chồng cụ qua đời sau hơn 10 năm chống chọi với căn bệnh tai biến, vì chỉ còn một người cháu ở xa, cụ chỉ còn nương náu vào tình cảm của hàng xóm xung quanh. Cô Thắm chủ tạp hóa vẫn cho cụ mua thiếu vài gói mì, dăm túi dầu gội đầu… để cụ mang về bán. Bà con trong xóm mọi người qua lại mua đồ ủng hộ cụ, bán được đồ cụ lại mang tiền nợ hàng đi trả. Cứ như vậy mỗi ngày kiếm được vài ngàn tiền lời, cụ mua rau và lon gạo sống qua ngày.
Mỗi lần cụ đổ bệnh nặng, bà con lối xóm lại góp dăm chục giúp cụ, thêm chi phí hơn 10 năm ông bệnh tình trầm kha số tiền nợ đã lên tới hơn 40 triệu thế nhưng “bà con chẳng ai đòi vì biết dì dùng tiền để trả bác sĩ chứ không tiêu xài gì cho dì cả, nhưng cả đời dì không quên số tiền nợ từng người và chỉ cầu trời có ngày trả được hết nợ” – cụ Tồn tâm sự – “Ngày ông mất, trong nhà chỉ trong nhà chỉ có 7 ngàn bạc, tờ 5 ngàn và tờ 2 ngàn, không có miếng nước mà uống… Ông thèm bánh tiêu, nói vợ đưa ông 2 ngàn bạc để mua mà dì cũng không có. Nhắc tới là khổ lắm con ơi. Ông mất 5 năm nay, dì thì bệnh tình, nhiều bữa không nắm gạo mà ăn, phải nhịn đói hoặc ăn cháo gói ở chợ người ta cho con ạ”.
Cụ Tồn dắt xe ra chợ mua nợ mì gói, dầu gội gói và vài thứ linh tinh về bán để kiếm sống qua ngày (ảnh PV)
Chị Trang Thị Kim Giàu, người cùng ấp cho biết: “Cụ đến đây đã được mấy chục năm rồi. Xóm này ai cũng lại mua đồ cho cụ Ba (tên thường gọi của cụ Tồn) vì thấy hoàn cảnh cụ nghèo, ở một mình, xóm ủng hộ. Lúc trước cụ và ông về đây ở, ông bị bệnh nằm 10 năm vì bị tai biến, cụ mượn tiền, xóm cũng giúp đỡ. Lúc ông mất trong nhà chỉ còn có 7 ngàn, ở xóm người thì đi xin hàng, người cho cụ tiền giúp cụ làm đám tang. Sau đám tang, cả xóm cũng ủng hộ cho vài chục ngàn gom lại giúp cụ. Từ hồi ông mất đến giờ, sáng cụ thức dậy xách xe đạp chạy xuống chợ. Chợ cũng thương cho ăn bữa qua ngày rồi cụ lại về. Lấy hàng ở tạp hóa chị Thắm ở chợ chị cũng cho lấy thiếu, bán hàng xong lại trả tiền hàng cho chị, gối đầu như vậy sống qua ngày. Mấy lần cụ bệnh cả xóm cũng xúm lại đưa đi bệnh viện chữa chạy. Nhưng nghĩ cũng thương cụ vì từ 15 năm nay chẳng bao giờ cầm được tờ 500 ngàn. Nay cũng mừng vì cụ sắp có tiền để an hưởng tuổi già rồi”.
Hạnh phúc bất ngờ!
3 lượng vàng (tương đương số tiền 100 triệu đồng) có thể sẽ không lớn đối với một số người có sức khỏe, có tuổi trẻ, có công việc ổn định… nhưng đối với cụ Tồn thì đó là cả một gia tài khổng lồ mà cả đời cụ không dám ước mơ, nói gì đến việc có được trong tay. Với cuộc sống còn quá chật vật, neo đơn, nặng lòng với những món nợ tiền bạc, nợ ân tình như cụ thì 3 lượng vàng có giá trị cả về vật chất và tinh thần lớn lắm.
Vô tình trúng được giải thưởng 3 lượng vàng trong chương trình khuyến mãi tri ân của một thương hiệu mì ăn liền, cụ Tồn lúc đầu còn không dám tin vì cả đời mình chưa từng may mắn đến thế. Đến khi có người hướng dẫn cụ liên lạc với tổng đài và đại diện công ty tổ chức chương trình khuyến mãi đến thụ lý, xác minh giải thưởng thì nụ cười “trệu trạo” mới bắt đầu thắp sáng khuôn mặc khắc khổ ấy. Hạnh phúc nhỏ nhoi cũng bắt đầu lan tỏa từ đây.
Video đang HOT
Cụ Tồn trong căn chòi cô quạnh tại Đồng Tháp (ảnh: PV)
Ngày cụ nhận giải, không khí tại ấp 1, xã Mỹ Hòa vô cùng náo nhiệt khi có các cán bộ nhãn hàng mì 3 Miền đến tổ chức lễ trao giải 3 lượng vàng SJC từ chương trình “Mở Lốc Trúng Vàng”. Bà con chòm xóm người góp cái ghế, người cho mượn khoảnh sân, người mang nước đến cho cụ. Từ đầu đến cuối lễ trao giải, cụ chỉ cười tươi được một lần, còn lại suốt cả buổi cụ chỉ trầm ngâm hoặc rơm rớm nước mắt.
Ngay sau khi nhận giải thưởng, cụ và chị Giàu đã lên xe ô tô của công ty đi ra chợ huyện đổi vàng sang tiền mặt, số tiền hơn 100 triệu này được gửi tiết kiệm và trả tiền nợ cho cụ. Niềm hạnh phúc trọn vẹn của cụ Tồn lan truyền trong cả xóm nghèo.
Cuối đời, may mắn bất ngờ đã đến với cụ Tồn (Đồng Tháp) khi được nhận thưởng 3 lượng vàng từ nhãn hàng mì Reeva 3 Miền Gold.
Hiếu Bình
Theo Dantri
Mẹ nguyện chết để con được chào đời - câu chuyện của tình mẫu tử!
Mang thai được 3 tháng cũng là lúc Bắc phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Cơ hội để Bắc níu giữ mạng sống là phải bỏ đứa con. Nhưng khát khao được trông thấy con chào đời, Bắc đã bỏ qua mọi lời khuyên, quyết giữ lại đứa bé...
Đó là câu chuyện cảm động về tình mẫu tử của Vương Thị Bắc ở thôn Nguyên, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Nỗi đau người vợ trẻ
Dù chuyện xảy ra đã hơn một năm nhưng người thân, bà con chòm xóm đến giờ vẫn không thôi xúc động mỗi khi nhắc lại câu chuyện nặng tình mẫu tử của Bắc. Bắc là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em. Bố mẹ vốn chỉ làm nông nên cái nghèo cứ đeo bám lấy gia đình Bắc quanh năm suốt tháng.
Cuối năm 2012, Bắc lấy chồng là người cùng hoàn cảnh. Hạnh phúc đến khi Bắc mang thai đứa con đầu lòng. "Dù nghèo nhưng hai vợ chồng rất thương yêu nhau và cả gia đình chồng hết sức thương yêu em", Bắc nghẹn ngào nhớ lại.
Bắc nghẹn ngào kể lại những tháng ngày chiến đấu chống lại bệnh ung thư để giữ lấy đứa con
Nhưng niềm hạnh phúc ấy chẳng tày gang, khi mang bầu được 3 tháng thì Bắc phát hiện mình đã mắc bệnh ung thư. Cũng từ đây cuộc sống, hạnh phúc của người vợ trẻ như bị đảo ngược hoàn toàn: chồng buồn bã, xa lánh; gia đình chồng cũng thờ ơ.
"Lúc biết em mang bệnh, mọi người bên nhà chồng đã quay lưng lại với em. Họ cho rằng gia đình em đã giấu bệnh, lừa dối gia đình họ". Ngậm đắng nuốt cay, Bắc đành phải dọn dẹp đồ đạc trở về với bố mẹ đẻ.
Ông Vương Vinh Quang, bố em Bắc ngậm ngùi: "Sau khi cưới gia đình đã cắt khẩu của nó để nhập về bên nhà chồng, nhưng sau khi nó mang bệnh thì gia đình họ không cho nhập vào nữa. Tôi lại đành phải nhập lại hộ khẩu cho nó".
Ông Vương Vinh Quang kể lại những ngày tháng khó khăn mà con gái ông phải vượt qua
Đau đớn và tuyệt vọng, nhiều lần Bắc đã nghĩ đến bước đường cùng, Bắc nhiều lần đã nghĩ về cái chết để giải thoát cho mình và đứa con bất hạnh. Nhưng cứ nghĩ về đứa con đang lớn trong bụng, người mẹ ấy lại chỉ biết chạy vào căn buồng tối khóc một mình.
Đứa con đang thành hình trong bụng là niềm an ủi, là động lực để Bắc sống tốt. Bắc cố tìm mọi cách để con được chào đời khỏe mạnh. Thế nhưng, sau lần khám lại thứ 2, khi cái thai đã được gần 5 tháng, các bác sĩ đã khuyên Bắc nên bỏ cái thai đi vì tình trạng sức khỏe của người mẹ rất xấu, nếu giữ lại cái thai sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của cả 2 mẹ con. Lời khuyên của bác sĩ lại một lần nữa làm Bắc như chết đứng. Những suy nghĩ hỗn độn bắt đầu bám riết lấy tâm trí: bỏ con hay là giữ lại?
"Lúc đó sức khỏe của nó rất yếu, chúng tôi cũng khuyên nó nên bỏ đứa bé đi để điều trị bệnh cho tốt rồi sau này sinh đứa khác cũng được. Nhưng nó chỉ im lặng rồi khóc", đôi mắt của ông Quang hoen đỏ.
Giữa lúc ấy, tình mẫu tử thiêng liêng trỗi dậy hơn bao giờ hết. Cuối cùng bất chấp mọi lời khuyên của bác sĩ và những người thân trong gia đình, Bắc quyết giữ lại cái thai với suy nghĩ: chấp nhận chết nhưng phải để con cất tiếng khóc chào đời.
P hép màu !
Quyết định của Bắc khiến mọi người trong gia đình đều bàng hoàng, ai cũng lo cho tính mạng của Bắc nhưng vì thương con, thương cháu nên không ai dám trách móc nửa lời. Thay vào đó, những thành viên trong gia đình luôn ở bên động viên để Bắc có thêm động lực vượt qua cơn hoạn nạn.
Bắc biết một ngày nào đó mình sẽ phải rời xa đứa con bé nhỏ này
Rồi cái ngày mong đợi nhất cũng đã đến với Bắc. Đầu tháng 8/2013, một cô công chúa bé bỏng nặng 2,4kg đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vỡ òa của gia đình và các bác sĩ trong Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh.
"Ngay đến lúc đưa vào phòng mổ trong đầu em vẫn còn những suy nghĩ nếu sinh con ra mà mình không còn sống nữa thì con sẽ ra sao. Lúc đó em chỉ biết cố nén để những giọt nước mắt không chảy ra", Bắc nhớ lại.
Thế nhưng một điều kỳ diệu là sau 30 phút vào phòng sinh, mẹ và con đều an toàn. "Lúc nhìn thấy con cất tiếng khóc chào đời em đã khóc rất nhiều, khóc vì thương con, khóc vì hạnh phúc".
Và giờ đây cô công chúa Nguyễn Thị Thu Phương đã được 21 tháng tuổi, vẫn sống hạnh phúc bên mẹ và gia đình bên ngoại.
Nhớ lại những ngày tháng chứng kiến con gái chiến đấu với tử thần để giữ lấy đứa con trong bụng, ông Quang vẫn nghẹn ngào: "Có nhiều lúc thấy con gái sắp không qua khỏi vì bệnh tật nhưng nó vẫn quyết giữ đứa con trong bụng tôi thấy thương vô cùng. Giờ mẹ tròn con vuông, đó như là một phép màu kỳ diệu".
Giờ đây Bắc vẫn đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến giáp, nhưng cô con gái nhỏ là động lực vô cùng mạnh mẽ giúp Bắc chiến đấu với bệnh tật.
"Vài tháng em lại phải ra bệnh viện để xạ trị một lần. Hằng ngày phải uống thuốc hoóc môn tuyến giáp theo hướng dẫn của bác sĩ. Cứ nghĩ về con, em lại phải càng cố gắng hơn. Giờ em chỉ ước sao cho mình sống được thêm ngày nào hay ngày đó để chứng kiến sự phát triển của con", Bắc ôm lấy đứa con nghẹn ngào.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Khát khao sống của nữ nghệ sĩ bị ruồng bỏ khi mắc ung thư Dù phải vật lộn chống chọi căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối nhưng nữ nghệ sĩ nổi tiếng một thời vẫn luôn giữ những hy vọng sống tươi đẹp. Bén duyên với nghệ thuật từ sớm nhưng cuộc đời nữ nghệ sĩ cải lương Phạm Thị Bích Thủy (SN 1962) nhanh chóng rẽ lối sau hai cuộc hôn nhân...