3 luật sư bào chữa cho hai nghi can trong vụ thảm sát 6 người
Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước và hai công sự đã được công an tỉnh Bình Phước mời tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho hai nghi can gây ra vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước nhằm đảm bảo tính khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Hai nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến sẽ được 3 luật sư tham gia bào chữa theo chỉ định của cơ quan chức năng
Trao đổi với PV Dân trí lúc 7h sáng 14/7, Luật sư Hoàng Kim Vinh – Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước cho biết, ông cùng hai luật sư khác đã được c ông an tỉnh Bình Phước chỉ định là luật sư sẽ tham gia bào chữa cho Nguyễn Hải Dương (quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (cùng 24 tuổi, quê Bình Phước, cả hai cùng 24 tuổi, tạm trú xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. HCM). Hai đối tượng này được xác định là nghi can trực tiếp gây ra vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (ngụ xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành).
Luật sư Vinh cùng hai đồng nghiệp chính thức nhận nhiệm vụ vào chiều 12/7 và đã tham gia buổi hỏi cung, lấy lời khai hai nghi can đầu tiên tại nhà tạm giam Công an tỉnh Bình Phước.
Trong buổi tham gia lấy khẩu cung đầu tiên của nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến diễn vào ngày 13/7, Luật sư Hoàng Kim Vinh cho biết, cả hai nghi can đều thừa nhận diễn biến vụ án, quá trình, động cơ gây án phù hợp với kết quả điều tra được Ban chuyên án cung cấp trong buổi họp báo diễn ra vào chiều 11/7 tại trụ sở Công an huyện Chơn Thành.
“Nếu phạm tội, các bị can sẽ bị pháp luật trừng trị. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình chúng tôi phải tham gia bào chữa cho họ theo luật định. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc giám sát quá trình hỏi cung, xem xét có vấn đề gì mâu thuẫn không, có vi phạm tố tụng hay không nhằm nhằm tránh oan sai” – Luật sư Vinh chia sẻ.
Các luật sư sẽ được tham dự các buổi lấy lời khai hai nghi can khi được triệu tập. Trong ảnh, Nguyễn Hải Dương đang được lấy lời khai tại Công an huyện Chơn Thành
Video đang HOT
Trả lời cầu hỏi của PV Dân trí về việc luật sư có được tham gia tất cả các buổi lấy khẩu cung của hai nghi can, Luật sư Vinh cho biết: “Chúng tôi chỉ tham gia lấy khẩu cung, lời khai của các nghi can khi có sự chỉ định, triệu tập của cơ quan công an”.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an cho biết, đây là một án đặc biệt nghiêm trọng nên việc tố tụng phải diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Cần phải có luật sư tham gia bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho hai nghi can nhằm đảm bảo tính khách quan.
Liên quan đến vụ thảm sát này, chiều 13/7, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Phước đã ký quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến để điều tra về hành vi “Giết người” và “Cướp tài sản”.
Trung Kiên
Theo Dantri
Ba cái nhất của chuyên án triệt phá vụ thảm sát ở Bình Phước
Vụ án giết người cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người trong cùng một gia đình thiệt mạng ở Bình Phước đã cơ bản hoàn thành quá trình điều tra ban đầu.
Trải lòng với phóng viên về hành trình "triệt phá" vụ án mạng thảm khốc này, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, Trưởng ban Chuyên án chia sẻ chuyên án thắng lợi nhờ hội tụ một lực lượng "đánh án" tinh nhuệ nhất, dưới sự chỉ đạo sát sao nhất của Lãnh đạo Bộ Công an và với quyết tâm cao nhất, bằng mọi biện pháp, nhanh chóng đưa hung thủ ra "ánh sáng."
Trách nhiệm và nỗi lo
Nhớ lại thời điểm nhận được thông tin về vụ án, Trung tướng Phan Văn Vĩnh kể, khi đó, ông đang cùng lãnh đạo một số đơn vị của Tổng cục Cảnh sát dự một cuộc họp tại Lâm Đồng.
Ngay lập tức ông rời cuộc họp, đặt vé bay về Bình Phước. Không có chuyến, ông cùng một số sỹ quan tùy tùng bay thẳng về Thành phố Hồ Chí Minh, từ Thành phố Hồ Chí Minh, cơ động bằng ôtô về Bình Phước.
Tới thẳng hiện trường vụ án, việc đầu tiên của người chỉ huy cao nhất lực lượng Cảnh sát là xỏ găng tay, cùng các đơn vị, trực tiếp tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án trong bối cảnh hiện trường vô cùng hỗn loạn bởi hàng trăm người dân đã ra vào khu vực xảy ra vụ án. 3 giờ sáng hôm sau, công tác khám nghiệm mới tạm dừng.
Vụ án mạng quá thảm khốc, gây tâm lý lo lắng, bất an trong quần chúng nhân dân, bên cạnh nỗi xót xa, hậu quả của vụ án đặt lên vai những người chiến sỹ Công an chúng tôi một trách nhiệm không nhỏ.
"Cũng giống như vụ án Lê Văn Luyện, vụ thảm án ở Bình Phước trở thành nỗi trăn trở lớn của tôi, vừa lo chỉ đạo, huy động sức mạnh điều tra sớm nhất, vừa lo trả được "món nợ" cho các nạn nhân, sớm tìm ra thủ phạm," Trung tướng Phan Văn Vĩnh tâm sự.
Đại tướng Trần Đại Quang, Chỉ huy cao nhất của lực lượng Công an nhân dân đã xuống hiện trường, thắp nén hương chia buồn với gia đình những nạn nhân xấu số; đồng thời trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập Ban Chuyên án.
Đại tướng cũng chỉ đạo tập trung tất cả các nguồn lực để khám phá vụ án, cử những cán bộ tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm tham gia Ban Chuyên án.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban chuyên án chia sẻ những kinh nghiệm khám phá thành công vụ thảm án ở Bình Phước. Ảnh: Công an nhân dân.
Tinh nhuệ và tận tụy
Không kịp cả chuẩn bị về hậu cần, có đến 7-8 vị tướng trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo phá án. Tướng Vĩnh kể, riêng Đại tá Trần Thắng Phúc - Giám đốc Công an Bình Phước, được Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu dừng mọi cuộc làm việc, tập trung lo phá án. Suốt 3 ngày đêm, anh Phước không kịp cả về thay quần áo, vẫn chốt tại Ban Chuyên án với nguyên bộ Cảnh phục.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh cùng Trung tướng Triệu Văn Đạt, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - 2 Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về trật tự xã hội, cùng lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an; lãnh đạo Công an 10 tỉnh, thành phố phía Nam - những địa bàn lân cận Bình Phước, chỉ huy Công an tất cả các huyện, thị của Bình Phước cũng được lệnh có mặt, tham gia điều tra. Một mạng lưới toàn bộ khu vực được giăng lên, quyết tâm truy bắt hung thủ vụ thảm án.
Ban Chuyên án thành lập 6 tổ công tác với 6 nhiệm vụ phải thực hiện. Trong đó, 1 tổ công tác chuyên tiếp nhận thông tin từ mọi đầu mối người dân, các cơ quan báo chí, các mũi trinh sát và làm việc liên tục ngày đêm để phân tích, báo cáo với Ban Chuyên án nhằm định hướng điều tra, tướng Vĩnh nói.
Đối với những vụ án nghiêm trọng, không có con đường nào khác là sự tận tâm, tận lực, chắt chiu từng tình tiết nhỏ để "dựng khung, dựng hình" vụ án. Bởi vậy, không còn con đường nào khác là hàng nghìn cán bộ được đưa vào trận đánh phải đồng tâm hiệp lực, nỗ lực hết sức với trách nhiệm, kinh nghiệm của mình.
"Chúng tôi trân trọng từng ý kiến góp ý nhỏ không kể là chiến sỹ hay tướng lĩnh, chỉ huy để cùng phân tích, thống nhất quan điểm. Đơn cử như cuộc họp án đêm 8/7 tới 2 giờ sáng, với sự có mặt nhiều tướng lĩnh Công an, song chúng tôi ghi nhận, tiếp thu cả ý kiến của cả một người trẻ tuổi, mới mang quân hàm thượng sỹ," ông Vĩnh nói.
Sự đồng thuận trên cơ sở bản lĩnh, kinh nghiệm dày dạn của những điều tra viên, kỹ thuật viên, cán bộ, chiến sỹ tham gia Ban Chuyên án, vận dụng hết các kỹ năng điều tra đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn.
Quần chúng nhân dân tham gia phá án
Theo tướng Vĩnh, muốn "đánh gục" tội phạm nhất thiết phải có những căn cứ có giá trị pháp lý. Yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn đến việc khám phá thành công chuyên án đặc biệt này là sự ủng hộ, hỗ trợ to lớn của các tầng lớp quần chúng nhân dân cả trong nước, ngoài nước. Trong hàng nghìn tin nhắn tố giác tội phạm, có những thông tin nhận định khá đầy đủ, chi tiết và được Ban Chuyên án ghi nhận, đánh giá, phân tích.
Về những khó khăn khi điều tra vụ án, Trung tướng Phan Vĩnh nhận định: "Không có vụ án nào dễ cả, tội phạm đã muốn gây ra vụ án thì không dễ gì chúng tự tra tay vào còng. Mỗi vụ án một cuộc đấu tranh toàn diện với tội phạm nhưng cần xác định trọng tâm, trọng điểm. Các đối tượng luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội, né tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra. Hơn nữa, những vụ thảm khốc thường khiến dư luận hoang mang lo ngại, nên việc điều tra, khám phá càng khẩn trương hơn bao giờ hết"./.
Theo VietnamPlus
Độc giả phác thảo vụ thảm án ở Bình Phước Hai ngày sau khi cảnh sát công bố kết quả điều tra ban đầu vụ thảm sát ở Bình Phước, độc giả Giang Nguyễn phác thảo lại diễn biến vụ việc dưới nét vẽ minh họa. Dương yêu Linh (con gái đại gia gỗ Bình Phước) từ lâu. Đầu năm 2015, do gia đình ngăn cấm, thiếu nữ chủ động nói chia tay....