3 lần đi Tà Năng và nhiều nỗi bàng hoàng
Có rất ít nơi tuyệt vời như Tà Năng – Phan Dũng còn sót lại ở Việt Nam, tôi rất mong người Việt Nam thật sự có trách nhiệm với nguồn tài nguyên quý giá của họ trước khi chúng biến mất.
Cảnh hoang sơ tuyệt đẹp ở Tà Năng .
Có giả thuyết cho rằng lý do khiến những người hiện đại không còn tiếp xúc với thiên nhiên là vì chúng ta không còn có thể nhìn thấy những ngôi sao khi đêm tới nữa. Điều này là do ánh sáng nhân tạo từ các bóng đèn điện trong thành phố đã che lấp mất những tia sáng tự nhiên trên bầu trời đêm.
Nếu không nhờ hàng triệu vì sao ấy tồn tại như một lời nhắc nhở không dứt về vị trí của loài người trong vũ trụ, thì có lẽ chúng ta cũng đã quên mất cái thực tế con người chỉ là những thực thể nhỏ bé đứng bấp bênh trên một hòn đá nhỏ giữa thiên hà vô tận.
Chúng ta thậm chí không hề quan tâm đến bầu trời trông như thế nào, ta sống biệt lập trong những tường thành ta đã dựng. Ngắt kết nối với vũ trụ, chặn cả những lời nhắc nhở thân tình về sự mong manh của loài người, ta càng lúc càng mù quáng, càng lúc càng xa rời trong mối quan hệ với vũ trụ và môi trường tự nhiên.
Ngày đầu tiên trên hành trình Tà Năng – Phan Dũng -Ảnh: Lê Đức Phú Quang.
3 lần và nhiều nỗi bàng hoàng
Lần đầu tiên đến Tà Năng – Phan Dũng, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy của nó, nét đẹp hùng vĩ nguyên sơ, gần như chưa được khai phá.
Đó là một cuộc hành trình ba ngày gian khổ, tôi đã phải liên tục leo lên trèo xuống các ngọn đồi dốc, cõng theo một khối lượng lớn nước và thức ăn trên vai, cộng cả việc rất dễ bị lạc ở nơi đó nếu không có sự chuẩn bị trước và hiểu biết về đường đi lối lại.
Nhóm của chúng tôi gồm bốn người, mặc dù phải đối mặt một vài trở ngại trên đường đi nhưng cuối cùng cả nhóm cũng tìm được hướng đi đúng.
Thật may mắn là chúng tôi có một số kiến thức về sinh tồn, có la bàn, thêm cả bản năng men theo bờ sông, nó đã dẫn chúng tôi ra khỏi rừng mà không hề bị sây sát nặng. Đến phút cuối cùng trước khi rời, chúng tôi đã không lấy bất cứ thứ gì đi và cũng chẳng hề vứt bất cứ thứ gì ở lại.
Dòng suối đẹp ở Tà Năng trước nguy cơ bị xả rác -Ảnh: Lê Đức Phú Quang.
Lần thứ hai tôi trở lại rừng là một năm sau đó, nó dần bắt đầu bị bao phủ bởi các nhóm du khách, tôi cũng nhận thấy rằng có rất nhiều người thích đi vào cùng thời điểm giống như tôi. Và lần thứ ba chỉ vừa xảy ra tháng trước, lần này thật đáng tiếc, Tà Năng – Phan Dũng đã thật sự gặp rắc rối lớn.
Vào sáng đầu tiên của chuyến mạo hiểm thứ ba đến Tà Năng – Phan Dũng, vật lộn với cái balô chất đầy đồ ăn, quần áo và sáu lít nước cho hành trình suốt ba ngày hai đêm, tôi nhận thấy không thể bị lạc được nữa, ta có thể dễ dàng lần theo dấu của những mảnh rác bị bỏ lại từ đầu tới cuối cung đường.
Khi bước xuống đường mòn, tôi thấy một nhóm người trong những bộ quần áo trekking mới coóng đắt tiền cùng với gậy “tự sướng” gắn với điện thoại luôn ở trên tay, mang theo loa và mở nhạc ầm ĩ khắp khu rừng.
Họ chả khác gì một đám xe cộ vào giờ cao điểm, luôn luôn la lối ồn ào, chẳng hề quan tâm đến bất cứ thứ gì ở xung quanh, phá phách và vô ý tứ, vứt rác ở bất cứ nơi đâu miễn tiện tay.
Tôi nghĩ thầm: “Họ cũng có thể ở nhà và nhìn được tất cả mọi thứ qua Internet. Thế này không phải thực sự là cách để du ngoạn”. Đằng xa, người khuân vác mang tất cả đồ dùng thiết yếu, thức ăn và quần áo phụ.
Video đang HOT
Rác du khách bỏ lại giữa Tà Năng -Ảnh: Trần Văn Hiệu
Có lần, tôi đọc được đoạn quảng cáo chuyến đi Tà Năng – Phan Dũng của một công ty du lịch viết: “Du khách chỉ cần mang theo các đồ dùng cá nhân cần thiết, càng ít càng tốt. Tất cả những thứ còn lại chúng tôi sẽ lo hết toàn bộ từ đồ ăn, nước uống, lều trại, túi ngủ, tấm cách nhiệt, đèn pin…”.
Ngày thứ hai, chúng tôi đến được thác Yaly. Tim tôi như thắt lại khi nhìn thấy hàng đống vỏ lon bia vương vãi trên nền cỏ xanh mướt, các chai nhựa và rác thải ở khắp mọi nơi.
Tôi thường đổ đầy các bình nước dự trữ bằng nước dưới dòng suối, nhưng lần này tôi phải chứng kiến cảnh tượng hàng chục người vứt rác và xả đủ thứ hóa chất xuống dòng nước, gội đầu với dầu gội ngay bên dưới thác, thậm chí cả đi vệ sinh.
Sau đoạn đường dài… -Ảnh: Duyên Phan.
Quá trình hủy hoại tài nguyên rừng
Tất cả đều bắt đầu với việc khám phá ra một nơi chốn đẹp đẽ mới, như Tà Năng – Phan Dũng hay Sơn Đoòng. Ngay sau đó, tiền là vấn đề thứ hai vào cuộc, lúc đầu có thể chỉ là một vài nhóm khách du lịch, rồi họ sẽ bắt đầu bán các sản phẩm như đặc sản hay quà lưu niệm để thu lợi.
Dần dần cơn đói sẽ càng lớn, cơn khát tiền sẽ càng cao. Từ đó, nó tiếp tục phát triển và lớn mạnh hơn nữa, cầu tăng, cung tăng, du khách tăng và thu nhập cũng tăng.
Tà Năng – Phan Dũng là một ví dụ tuyệt hảo. Hai năm trước khi tôi đến, tôi không hề thấy một bóng dáng nào ngoài vài người thợ đốn gỗ thân thiện.
Nhưng chỉ vừa tháng trước, khi cả nhóm leo tới đỉnh một ngọn núi nhỏ cực kỳ xinh đẹp để nghỉ chân vào cuối ngày, tôi nhìn quanh, cứ như thể có cả một ngôi làng đang cắm trại xung quanh tôi.
Có rất ít nơi tuyệt vời như Tà Năng – Phan Dũng còn sót lại ở Việt Nam, tôi rất mong người Việt Nam thật sự có trách nhiệm với nguồn tài nguyên quý giá của họ trước khi chúng biến mất.
Đêm cuối cùng cắm trại trên Tà Năng ở điểm cao nhất của hành trình -Ảnh: Lê Đức Phú Quang.
Tôi không bao giờ tin vào việc đi khám phá bằng các chuyến tour được sắp xếp sẵn. Nếu bạn thật sự muốn đi, nhưng lại nghĩ rằng mình chẳng đủ khỏe để mang theo tất cả nước và thức ăn thì đừng đi.
Hãy rèn luyện cơ thể tới khi cảm thấy đã sẵn sàng. Đừng tự lừa dối. Nếu lo sợ sẽ bị lạc là vấn đề của bạn, cứ lên mạng vì tất cả bản đồ bạn cần đều nằm ở đó.
Hãy nghiên cứu cách dùng la bàn, học cách men theo những dòng sông, mở rộng kiến thức. Đừng gian lận và lấy nó làm cái cớ cho việc hủy hoại rừng. Nếu bạn không biết phải mang thứ gì theo, tra Google hoặc hỏi người thân cũng là cách hay, bạn phải tập nghiên cứu, phải học và phải làm.
Chẳng có lý do gì để bỏ cuộc. Nhưng nếu đối với bạn, các chuyến tour được xếp sẵn và người mang hành lý hộ là một điều tất yếu thì rõ ràng bạn vẫn chưa sẵn sàng để đi.
Trên hành trình Tà Năng – Phan Dũng -Ảnh: Lê Đức Phú Quang
Đây là vấn đề toàn cầu, hi sinh Mẹ thiên nhiên để đổi lấy sự cách tân, phá hủy môi trường chỉ vì tiền. Nó không phải là vấn đề của chính phủ, cảnh sát hay kiểm lâm.
Nó là vấn đề của chính chúng ta và chính quyết định của mình. Bắt đầu bảo vệ rừng ngay bây giờ vì một khi đã biến mất, nó sẽ không bao giờ quay lại.
2 ngày trekking chinh phục Tà Năng Phan Dũng, cung đường đẹp nhất miền Nam
Cung đường trekking dài 30km đẹp bậc nhất miền Nam bắt đầu từ xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng băng qua xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đưa đến trải nghiệm khó quên cho chúng tôi.
Chúng tôi khởi hành sớm từ TP.HCM lúc 19h để đến Sàn Homestay của người dân tộc Tày ở bìa rừng Tà Năng nghỉ ngơi và thưởng không khí thanh bình của vùng cao trước ngày trekking.
Sáng hôm sau, trước khi vào rừng chúng tôi đã có một bữa ăn sáng tuyệt vời dưới ánh nắng sớm ấm áp. Trứng ốp la, bánh mì nóng và rau xanh do chị Diện, chủ nhà tự trồng ngoài vườn đã sẵn sàng.
|
Ngày 1: Thử thách đi liền 15km
Buổi sáng hướng dẫn viên phổ biến các quy tắc an toàn trong hành trình và thông tin chi tiết về quãng đường, khí hậu, địa hình,... Mỗi người được phát một cây gậy, áo mưa và chai nước .
Điểm bắt đầu trekking là một ruộng lúa của người đồng bào Churu. Người Churu theo chế độ mẫu hệ cho nên người chồng phải ở rể và không được sở hữu tài sản, vì thế anh chàng đồng bào mà đoàn thuê chở đồ muốn đi làm cũng phải xin phép vợ thì mới được đi. Các bạn nữ trong đoàn đều thích thú với văn hóa này, còn các bạn trai thì thầm nghĩ mình may mắn làm sao.
Tiếp nối quãng đường là những rừng thông ba lá mát rượi. Mọi người bắt đầu thích thú lắng nghe tiếng thông reo trong gió. Sau 6km đường bằng đầu tiên và vài con suối nhỏ róc rách là bắt đầu đoạn leo dốc.
|
Những con dốc ở đây không quá gắt nhưng cứ kéo dài mãi, cả đoàn cứ thắc mắc là bao giờ hết dốc. Tuy nhiên phần thưởng bắt đầu hiện ra khi chúng tôi ra đến được đồi cỏ đầu tiên, một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ trải dài xuất hiện, những đồi cỏ mát xanh tươi như một thảo nguyên đang yêu mùa xuân vậy, bầu không khí trong lành của cao nguyên và những cơn gió mát mẻ lồng lộng, làm vơi đi rất nhiều những gian nan ban nãy.
Chúng tôi đặt chân qua địa phận xã Phan Dũng, nơi có chóp inox đánh dấu tọa độ ranh giới hai tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận. Từ đây có thể nhìn thấy ngọn núi cao nhất khu vực do người Pháp đặt tên là Hòn Diên.
|
Nghe người bản địa đồn là trên núi từng có một con cọp bị thọt còn 3 chân rất hung hăng nên các thợ rừng không ai dám đi ngang khu vực đó. Từ ranh giới hai tỉnh sẽ có hai hướng đi về phía Phan Dũng. Nếu đi thẳng về đồi Lính sẽ mất 2 ngày 1 đêm, còn nếu rẽ trái thì đến thác Yavly sẽ mất 3 ngày 2 đêm.
Lần này chúng tôi không đi thác Yavly vì hiện đang là mùa mưa. Từ tháng 7 đến tháng 10 sẽ có lũ rất nguy hiểm. Đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra khi nhiều nhóm tự túc đi trek vẫn cố đi suối, thác vào mùa mưa lũ.
Đến 16h chiều cả đoàn tới bãi trại là đồi Hai Cây Thông, đây là một ngọn đồi cao khoảng 900m so với mực nước biển và có tầm nhìn rất rộng. Hầu hết các đoàn trekking đều hạ trại ở đây. Tối hôm ấy cả nhóm cùng nhau ăn tối, chia sẻ và hát hò trong không khí thanh bình của núi rừng hoang dã, kết thúc ngày một với ly rượu nếp cẩm thơm lừng. Mọi người đi ngủ sớm để có sức sáng dậy đón ánh bình minh trên cao nguyên.
|
Ngày 2: chinh phục tiếp 15km
Để về đích chúng tôi bắt đầu hạ độ cao từ 900m xuống còn 400m. Hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi nhận biết sự thay đổi độ cao bằng cách quan sát sự khác biệt của cảnh quan từ hệ rừng ôn đới lá kim sang rừng hỗn giao lá rộng - lá kim rồi tới những trảng cỏ và cuối cùng là hệ rừng thưa rụng lá, hay còn gọi là rừng khộp - vốn vô cùng khắc nghiệt ở đây vào mùa khô, vì hầu hết các con suối sẽ đều cạn dòng, nếu chẳng may bị lạc sẽ rất khó tìm được nước.
Những rừng cây họ Dầu bắt đầu xuất hiện dày đặc với đặc trưng là vỏ cây cực dày để có thể chống lại cái nắng khắc nghiệt của vùng bắc Bình Thuận. Thuở xưa, người Chăm dùng nhựa cây Dầu để chống thấm cho ghe thuyền, chất đốt và làm vữa cho gạch của các tháp Chăm. Sau khi đổ dốc liên tục, chúng tôi nghỉ trưa ở một con suối nhỏ, nhắm mắt lại nghe tiếng suối tiếng chim kêu, mở mắt ra là thiên nhiên, mới thấy tuyệt diệu làm sao.
Tiếp tục bộ hành trong rừng thưa đến 14h thì đoạn đường cuối cảnh quan rừng đã không còn đẹp nữa, bãi xe ôm của những anh đồng bào người Raglai đã ở trước mắt, chúng tôi liên tưởng đến bài hát "Giấc mơ Chapi" của nhạc sĩ Trần Tiến, thì ra là nói về những chàng trai dễ mến đang ở ngay trước mắt mình. Để tạo thêm thu nhập cho người bản địa nên chúng tôi quyết định lên xe ôm tới xã Phan Dũng (5km).
Mệt mỏi là thế đó, nhưng ai cũng muốn nán lại nhìn ngắm cung đường xinh đẹp này một hồi lâu mới thôi. Đi những nơi thế này, mới nhận ra: "Đâu cần phải đi đâu xa như nước ngoài, Việt Nam mình đẹp lắm, thơ lắm, tự hào lắm Việt Nam mình ơi"!
Những điều lưu ý khi trekking cung đường Tà Năng- Phan Dũng Không nên tự ý đi để đảm bảo độ an toàn, đã có nhiều chuyện đáng tiếc đã xảy ra trên cung đường này do tự đi. Hiện nay có khá nhiều đơn vị tổ chức tour giúp đảm bảo sự an toàn và lều trại, đồ ăn thức uống, bảo hiểm du lịch. Luyện tập thể lực như: Chạy bộ, leo cầu thang,.. trước đó ít nhất 1 tuần để có sức khỏe tốt. Luôn bám sát đồng đội, tuyệt đối không được tách đoàn. Không đi trekking vào ban đêm. Trang bị giày trekking và balo có đai trợ lực để đi bộ thoải mái hơn. Giá tour 2 ngày 1 đêm trọn gói trung bình từ 2,5- 3tr/ người, nếu có ngủ ở homestay trước khi đi trekking và tắm biển, ăn hải sản ở biển Cổ Thạch thì giá là 3,8tr/người. |
Cung đường trekking mạo hiểm Tà Năng - Phan Dũng mê hoặc các 'phượt thủ' Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận vừa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức chương trình khảo sát trekking (đi bộ đường dài dã ngoại) trên cung đường Tà Năng (huyện Đức Trọng - Lâm Đồng) - Phan Dũng (huyện Tuy Phong - Bình Thuận). Nối liền ba tỉnh Lâm Đồng...