3 kịch bản phán quyết vụ ly hôn vợ chồng ‘vua cà phê’ Trung Nguyên
HĐXX phúc thẩm có thể chấp nhận đề nghị của VKS để sửa bản án; hủy án để xét xử lại hoặc bác tất cả kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: ‘Qua không muốn đoàn tụ với cô Thảo’
“Qua không muốn đoàn tụ nữa vì nhiều việc đã xảy ra, cả một tiến trình mấy năm trời nó đau đớn lắm, ghê gớm lắm”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Chiều nay (5/12), TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ đưa ra phán quyết vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Trong phiên tòa phúc thẩm, bà Thảo kháng cáo đề nghị hủy án, không đồng ý phán quyết chia tài sản theo tỷ lệ 6:4 và buộc bà giao hết cổ phần Trung Nguyên cho ông Vũ. Ngoài ra, bà thể hiện mong muốn được đoàn tụ với chồng.
Ông Vũ không chấp nhận chia tài sản theo tỷ lệ 6:4, muốn được nhận 70% tài sản. Bên cạnh đó, VKSND TP cũng kháng nghị toàn bộ bản án của TAND TP.HCM.
Phán quyết của HĐXX phúc thẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các bên đương sự sau ly hôn.
Nếu chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát…
Trong trường hợp tòa chấp nhận đề nghị của đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM, bản án sơ thẩm sẽ được sửa đổi.
Ông Vũ và bà Thảo sẽ được cho ly hôn. Tuy nhiên, phần kháng cáo chia khối tài sản theo tỷ lệ 7:3 của ông Vũ sẽ không được chấp nhận; một phần kháng cáo của bà Thảo liên quan đến vấn đề hôn nhân và cấp dưỡng được đồng ý và phần chia tài sản chung của hai vợ chồng bị hủy.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng luật sư sau phiên tòa ngày 2/12. Ảnh: Lê Quân.
Tại tòa sơ thẩm trước đó, tòa ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên đương sự, bà Thảo được quyền nuôi con, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 4 người con 10 tỷ đồng mỗi năm, tính từ năm 2013 cho đến khi các con vào đại học.
Tuy nhiên, trong bản án sau đó lại ghi cấp dưỡng “cho đến khi các con trưởng thành”, không cụ thể năm bao nhiêu tuổi.
Luật sư của ông Vũ cho biết bà Thảo muốn thay đổi tỷ lệ cấp dưỡng từ 10 tỷ đồng mỗi năm cho 4 người con thành 20% cổ phần của ông Vũ trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, bà Thảo bác bỏ, cho rằng không đề cập đến điều này.
Nếu chấp nhận đề nghị của VKS cũng đồng nghĩa với việc phần tài sản chung của hai vợ chồng sẽ được phân chia lại.
Ở phiên tòa sơ thẩm, bà Thảo đã đề nghị cho bà sở hữu 51%, ông Vũ nắm 39% trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment); 15% tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và mỗi người 7,5% cổ phần trong Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Riêng 4 công ty còn lại, nguyên đơn đồng ý cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.
Tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý và đề nghị chia cho ông 70% tổng số cổ phần tại 7 công ty, bà Thảo 30%.
Hủy bản án
Đây cũng chính là mong muốn của bà Thảo trong phiên tòa phúc thẩm này. Bà cho rằng có quá nhiều điều bất hợp lý, vi phạm tố tụng trong bản án nên cần phải được xét xử lại từ đầu.
Theo luật, trong trường hợp HĐXX xét thấy việc thu thập chứng cứ ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, nhưng tại cấp phúc thẩm không thể bổ sung, khắc phục được; thành phần HĐXX sơ thẩm không đúng hoặc có vi phạm khác về thủ tục tố tụng dân sự làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án… thì tòa án sẽ hủy bản án sơ thẩm.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Lê Quân.
Lúc này, vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo sẽ được xét xử lại từ đầu ở cấp sơ thẩm. Với những chia sẻ của ông Vũ tại tòa thì thật khó để “vua cà phê” chấp nhận đề nghị đoàn tụ với bà Thảo. Tranh chấp dai dẳng trong vụ ly hôn này xuất phát từ việc phân chia tài sản.
Tòa sẽ xem xét quan hệ hôn nhân, con cái, cấp dưỡng, tài sản cũng như yêu cầu của hai bên.
Y án
Nếu bản án sơ thẩm tuyên đúng hoặc trường hợp có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án thì tòa cấp phúc thẩm sẽ bác tất cả kháng cáo và kháng nghị, tuyên y án sơ thẩm.
Khi đó, phần tài sản chung được định giá tổng cộng hơn 7.500 tỷ đồng sẽ chia theo tỷ lệ ông Vũ 60%, bà Thảo 40%.
Bà Thảo được tiếp tục quản lý số tiền mặt, bao gồm tiền Việt Nam và ngoại tệ cùng với vàng tại các ngân hàng trị giá 1.764 tỷ đồng. Cùng với đó, ông Vũ sẽ thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch 1.224 tỷ theo phán quyết của tòa cho lượng cổ phần tại Trung Nguyên.
Về bất động sản, ông Vũ sẽ sở hữu 6 bất động sản trị giá hơn 350 tỷ đồng còn bà Thảo sở hữu 7 bất động sản trị giá hơn 375 tỷ đồng.
Số bất động sản này được chia 50:50 theo giá trị và bà Thảo sẽ trả lại cho ông Vũ 12,5 tỷ đồng chênh lệch. Số tiền này đã được cấn trừ vào khoản tiền 1.224 tỷ đồng ông Vũ phải trả cho bà Thảo.
Nếu theo dõi diễn biến phiên tòa, bạn đọc sẽ thấy cả ông Vũ và bà Thảo đều không muốn mất vị trí, vai trò của mình ở Trung Nguyên. Bà Thảo mong muốn đoàn tụ để chữa bệnh cho chồng, còn ông Vũ muốn sớm kết thúc vụ ly hôn nhanh chóng.
Vậy quyết định thế nào để hóa giải “điểm nghẽn” này, gánh nặng đặt lên vai HĐXX.
Bà Thảo: TNI ‘chỉ bằng móng tay’ của Tập đoàn Trung Nguyên
Phần tài sản tại ở Công ty TNHH Trung Nguyên International (TNI) mà ông Vũ có ý tặng cho, bà Thảo xác nhận và cho hay trị giá TNI khoảng 100 tỷ, “chỉ bằng móng tay” của tập đoàn.
Hoài Thanh
Theo news.zing.vn
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: "Hội đồng xét xử đang ép chúng tôi"
"Sau phiên xét xử buổi sáng, thực sự HĐXX đang ép chúng tôi, bất công quá", bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ với báo chí sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp ly hôn giữa bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ diễn ra sáng 2/12.
Sáng 2/12, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục mở phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp ly hôn giữa vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên. Đây là lần thứ 4 phiên tòa được mở và xử kín theo yêu cầu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Sau khi kết thúc phiên tòa, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lập tức ra về. Còn bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có những chia sẻ với báo chí về diễn biến phiên tòa. Theo đó, bà Thảo cho rằng sau phiên xét xử buổi sáng, phía bà đang bị HĐXX "ép" và chịu bất công.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo kêu "bất công" với báo chí sau buổi xét xử sáng 2/12. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Theo bà Thảo, phía bà đã nộp đơn yêu cầu thay đổi thành viên HĐXX trước khi mở phiên tòa, thẩm quyền thuộc Chánh án giải quyết, nhưng HĐXX vẫn cho rằng đây là thẩm quyền giải quyết của HĐXX và không chấp thuận.
Vấn đề thứ hai, phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục yêu cầu giám định năng lực hành vi của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bởi, theo hồ sơ thể hiện thì yêu cầu của bà Thảo chưa được tòa án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Kết luận năng lực hành vi của ông Vũ trước đây ở cấp sơ thẩm không được thu thập theo đúng trình tự quy định của pháp luật, đó là tự ông Vũ đi trưng cầu mà không theo quyết định của tòa án.
"Cả 5 mẹ con tôi đều van xin HĐXX phải xem xét để làm sao cho gia đình chúng tôi có thể đoàn tụ, có cơ hội chăm sóc sức khỏe cho chồng tôi nhưng HĐXX không xem xét. Tôi ở đây cầu cứu với truyền thông cũng như cầu cứu với tất cả các lãnh đạo. Tôi cũng đã có đơn gửi đến Viện Kiểm sát tối cao, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát tối cao. Đồng thời, gửi đơn đến Ủy ban Kiểm tra của Quốc hội kêu cứu giám sát phiên tòa này một cách nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Tôi cần đúng pháp luật, tôi cần công lý phải được bảo vệ, bảo vệ cho mẹ con tôi và bảo vệ cho luật pháp của đất nước mình. Tôi mong các bạn lên tiếng giúp đỡ để phiên tòa xử đúng. Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của chồng tôi", bà Thảo nói.
Luật sư Lê Thị Hoài Giang - luật sư đại diện hợp pháp của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, trước khi phiên tòa sáng nay diễn ra, bà Thảo đã đề nghị xin đổi thành viên HĐXX vì 2 thành viên trong HĐXX hôm nay đã tham gia ban hành quyết định phúc thẩm trong cùng một vụ án.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ ra về ngay sau khi phiên xét xử kết thúc. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Theo đó, Quyết định 01 do ông Phan Đức Phương là chủ tọa ký, ông Phan Đức Phương và ông Nguyễn Hữu Ba là hai thành viên trong HĐXX hôm nay không chấp nhận kháng cáo trước đây của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Theo luật sư Giang, đây là điểm mấu chốt để phía bà Thảo yêu cầu thay đổi HĐXX nhưng không được chấp nhận.
"Chúng tôi căn cứ vào quy định của pháp luật, bắt buộc khi bà Thảo tiếp tục có yêu cầu giám định năng lực hành vi dân sự thì tòa phải tạm đình chỉ để bà Thảo thực hiện quyền đó nhưng tòa cũng không chấp nhận yêu cầu thứ 2 của bà Thảo", luật sư Lê Thị Hoài Giang thông tin.
Trong vụ án này, vấn đề giám định viên giám định tài sản trong khối tài sản chung của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ở tập đoàn cà phê Trung Nguyên không được tòa án triệu tập. Theo Luật sư Phạm Công Hùng, điều này rất khó khăn cho bà Thảo.
"Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người kháng cáo về phần tài sản, mà phần tài sản thì bản án sơ thẩm lại tuyên xử chia cho bà Thảo bằng tiền là phần tài sản hữu hình là nhà, xe... Tuy nhiên, tài sản vô hình là thương hiệu của Tập đoàn Trung Nguyên, các vấn đề liên quan đến tài sản vô hình không được định giá. Vì vậy, phía bà Thảo yêu cầu giám định viên đến để làm rõ mà tòa không triệu tập, theo tôi điều này là không ổn", ông Hùng khẳng định.
Theo danviet.vn
ĐBQH Lê Thanh Vân : "Cần làm rõ ai đang thao túng Trung Nguyên" Vụ "ly hôn ngàn tỷ" của vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên đang được dư luận khá quan tâm. Nhìn từ góc độ của một đại biểu Quốc hội, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ về những vấn đề liên quan đến bản án sơ thẩm của vụ ly hôn...