3 kịch bản cho dịch virus corona mới
Dịch viêm phổi do virus corona mới (2019-nCoV) gây ra vẫn chưa cho thấy dấu hiệu thuyên giảm. Sau hơn 1 tháng hoành hành, vẫn còn nhiều câu hỏi cần lời giải đáp, như virus lây lan thế nào và chết chóc đến đâu.
Theo trang Vox, chuyện gì sẽ xảy ra với dịch bệnh trong thời gian tới cũng là vấn đề thu hút nhiều quan tâm. Dưới đây là 3 kịch bản được giới chuyên gia đưa ra.
1 – Dịch được khống chế
Đây là kịch bản tích cực nhất và cũng là những gì xảy ra với dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) – bùng phát năm 2003 và về cơ bản đã biến mất 1 năm sau đó. Đáng chú ý, virus gây SARS cũng là một virus corona. “SARS là trường hợp kinh điển về cách các biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng khác nhau có thể ngăn chặn sự bùng phát của một dịch bệnh” – bà Jessica Fairley, chuyên gia tại Trường ĐH Emory (Mỹ), nhận định.
Trong thời gian xảy ra dịch SARS, tất cả cơ quan y tế đều nỗ lực xác định các ca nhiễm càng nhanh càng tốt và cách ly bệnh nhân. Bằng cách đó, hệ miễn dịch của họ có thể chống lại virus mà không lây lan sang bất kỳ ai mới. Trong những trường hợp không may mắn, virus sẽ khiến bệnh nhân tử vong và biến mất cùng họ. Theo bà Fairley, điều này đòi hỏi nỗ lực điều phối chặt chẽ và một loạt biện pháp mạnh mẽ, như hạn chế đi lại, cách ly, giám sát thân nhiệt hành khách tại sân bay…
Công dân Malaysia về tới thủ đô Kuala Lumpur hôm 4-2 sau khi rời khỏi TP Vũ Hán – Trung Quốc Ảnh: Reuters
2 – Dịch tự kết thúc
Dịch bệnh bùng phát giống như hỏa hoạn. Khi đó, virus giống như ngọn lửa, còn những người dễ bị nhiễm bệnh giống như nhiên liệu. Một đám cháy sẽ tự tắt nếu không còn gì để đốt. Tương tự, một đợt bùng phát virus sẽ kết thúc khi nó ngừng tìm những người dễ bị tổn thương để lây nhiễm.
Ông Michael Mina, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ), lấy dịch virus Zika 2015-2016 ở Puerto Rico và Nam Mỹ như một ví dụ về một dịch bệnh tự kết thúc. “Hàng chục ngàn người bị nhiễm bệnh rất nhanh (hơn 35.000 trường hợp ở Puerto Rico trong năm 2016.) Nhưng sau đó, số lượng người dễ bị bệnh giảm dần do những người có nguy cơ cao nhất tiếp xúc với muỗi mang virus đã mắc bệnh” – ông Mina giải thích. Tuy nhiên, hiện chưa rõ dịch 2019-nCoV sẽ tự hết thế nào bởi hiện chưa rõ những người nào dễ bị nhiễm virus này.
Video đang HOT
Đây được xem là kịch bản không ai mong muốn bởi dịch bệnh sẽ khiến nhiều người bị nhiễm hơn và có thể gây tử vong nhiều hơn. Mức độ tồi tệ của kịch bản này còn phụ thuộc vào các yếu tố mà giới chức y tế đang cố gắng “giải mã”: bao nhiêu người nhiễm virus bị đổ bệnh và bao nhiêu người trong số họ tử vong, và virus có dễ lây lan giữa người hay không.
3 – Virus corona mới trở thành virus thông thường
Đây là điều xảy ra trước đây. Vào năm 2009, một chủng mới của virus cúm H1N1 mới đã gây đại dịch toàn cầu. Dù vậy, theo ông Mina, nó sau đó đã trở thành một phần trong cuộc sống bình thường của chúng ta khi mùa cúm đến.
Ông Amesh Adalja, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), cho biết hiện có 4 chủng virus corona thường lây nhiễm, gây cảm lạnh thông thường hoặc viêm phổi ở người. Có khả năng 2019-nCoV sẽ trở thành chủng thứ 5 và có thể đến và đi theo mùa. Nó có thể sẽ trở thành một loại virus theo mùa ở Trung Quốc hoặc như bao phủ khắp thế giới như bệnh cúm. Dĩ nhiên, đây không phải là kịch bản tốt đẹp bởi nhân loại nhìn chung không cần có thêm một chủng virus thông thường nữa để đối phó.
Phương Võ
Theo nld.com.vn
Sau Vũ Hán, Bắc Kinh cũng vắng bóng vì dịch virus corona
Giống nhiều thành phố khác, Bắc Kinh ban hành các giới hạn đi lại, đóng cửa những khu công cộng, tạo ra cảnh tượng vắng lặng chưa từng thấy ở thủ đô vốn phồn hoa, sầm uất.
Trong ảnh, con đường gần như không bóng người bên ngoài sân bay quốc tế của thủ đô Bắc Kinh, thường ngày vẫn chật kín xe đưa đón. Bắc Kinh không nằm dưới lệnh phong tỏa chính thức như ở Vũ Hán và nhiều thành phố tỉnh Hồ Bắc, nhưng chính quyền đã hạn chế mọi sinh hoạt cộng đồng. Thủ đô của Trung Quốc, cũng như nhiều thành phố khác, gần như đóng cửa, cuộc sống bị đình trệ.
Cửa tiệm, rạp phim, bảo tàng, đền chùa, tiệm làm tóc, quán karaoke, nhà hàng đều đã đóng cửa. Tử Cấm Thành và một đoạn thường đông khách du lịch của Vạn Lý Trường Thành đã đóng cửa từ trước Tết. Thông báo từ chính quyền được dán lên tường chung cư và cửa tiệm, yêu cầu mọi người đề phòng, tránh "những nơi đông người". Đa số các sự kiện lễ hội dịp Tết đã bị hủy.
Nhiều cửa hàng, siêu thị yêu cầu đo thân nhiệt bất cứ ai muốn vào, hoặc dán biển cấm người không đeo khẩu trang. Bản thân sự nghi ngờ cũng "lây lan" như một thứ virus. "Ở đó... đừng tới gần chúng tôi", một người đàn ông đang chơi cầu lông với con gái ở công viên, nói với phóng viên New York Times.
Một số khu phố tự lập trạm gác, sẵn sàng cấm những ai trở về từ vùng dịch sau kỳ nghỉ Tết. Chẳng hạn, ở khu chung cư Xifuheyuan ở phía đông Bắc Kinh, một tấm biển cảnh báo bất kỳ ai trở về từ Hồ Bắc sẽ được đưa tới khách sạn cách ly 14 ngày.
Giữa các tin đồn ngày càng nhiều trạm gác được lập ra, Phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh Chen Bei ngày 1/2 lên tiếng nói chính quyền sẽ không chấp nhận hiện tượng này. Mặt khác, các thông báo của chính quyền khuyến khích người dân từng đến Hồ Bắc, hoặc có tiếp xúc người từng đến Hồ Bắc, hãy "báo với chính quyền khu vực".
Các nhân viên trên tàu đeo khẩu trang đi xuống ga tàu Bắc Kinh. Cư dân Bắc Kinh đến từ tỉnh Hồ Bắc cũng bị hỏi nhiều lần là đã đi những đâu gần đây hay có người thân tới thăm hay không (quê quán được ghi trên căn cước). Bắc Kinh có ít nhất 212 ca nhiễm virus corona và một ca tử vong.
Theo quan sát của New York Times, đa phần người dân Bắc Kinh tuân thủ đề nghị của giới chức và tự giác ở nhà. Phương tiện công cộng vẫn chạy nhưng gần như không có khách. Đường xá vốn thường ách tắc, nay rộng thênh thang.
"Hoan hô tất cả nhân viên y tế và các tình nguyện viên", một biểu ngữ tại sân bay Bắc Kinh viết. Kỳ nghỉ lễ được kéo dài, các công sở cho nhân viên làm từ xa. Các nhà hàng, nhà bán lẻ cũng không thể mở cửa vì nhân viên đã về quê và khó quay lại. Ngày 3/2, thành phố "sống lại" đôi chút khi một số văn phòng chính phủ quay lại làm việc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải tổ chức họp báo trực tuyến, nhận câu hỏi qua WeChat.
Ngày 2/2, người Bắc Kinh tận dụng đợt tuyết đầu tiên trong năm Canh Tý để vạch chữ "Vũ Hán cố lên", "Trung Quốc cố lên" trên tuyết. Dịch bệnh khiến các tài xế giao hàng - xương sống của ngành thương mại điện tử đang bùng nổ ở Trung Quốc - mất đi đáng kể khách, một tài xế cho biết mất tới 90% lượng hàng. Các công ty giao hàng quảng bá dịch vụ giao đồ ăn "không chạm", một số khác còn gửi khách bản chứng nhận thân nhiệt của người đưa hàng .
Những năm trước, Tết Nguyên Đán cũng làm thành phố vắng đi, nhưng công viên, bảo tàng, trung tâm thương mại, và nơi công cộng vẫn đông người tới để vui chơi giải trí. Nhưng giờ đây, ngay cả những nơi đó cũng vắng bóng người. Ở một công viên gần quảng trường Thiên An Môn, không còn các nhóm tới hát, người tới đá cầu hay các cụ già tập thể dục. Chỉ còn tiếng loa nhắc lại các thông báo: tránh tụ tập, rửa tay thường xuyên, không khạc nhổ, đeo khẩu trang.
Theo news.zing.vn
Cô gái Việt ở Stockholm: Cả ngày bị hỏi 'có phải người TQ không' Điều này có thể không mấy xa lạ ở các quốc gia châu Âu khác, thậm chí là cả làn sóng tẩy chay người châu Á như ở Pháp, nhưng với tôi đó thực sự là một chút cảm giác lạ lùng. Bỗng một sáng mùa đông, anh phục vụ ở quán cà phê kế bên Nhà hát thành phố - Stockholm Konserhus...