3 giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp qua hòa giải ở cơ sở
Ở Việt Nam, hòa giải ở cơ sở (HGOCS) là hình thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án phổ biến nhất. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động HGOCS thì cần tập trung vào một số giải pháp chính.
HGOCS thường được sử dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các mối quan hệ gia đình, dân sự hoặc ở trong cộng đồng địa phương. Hình thức này được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Trên thực tế, báo cáo năm 2018 của Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) và kết quả khảo sát thực địa cho thấy có 45 – 50% số người được khảo sát sẽ không đến Tòa án để giải quyết các mâu thuẫn dân sự. Thay vào đó, họ sẽ nhờ tổ HGOCS để tiến hành hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp của họ.
Giai đoạn 2014 – 2018, các tổ HGOCS trên cả nước đã tiến hành hòa giải 760.755 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 612.807 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,6%); hòa giải không thành 147.948 vụ. việc (tỷ lệ 19,4%). Có 79,5% người dân tham gia trong nghiên cứu tại 3 địa phương khảo sát hoàn toàn tin tưởng và rất tin tưởng vào vai trò, giá trị và tác động của HGOCS.
Tuy nhiên, hiện nay, hòa giải viên ở cơ sở còn thiếu tính chuyên nghiệp, kiến thức pháp luật còn hạn chế, kỹ năng hòa giải chưa cao. Trong đó, đáng chú ý, chỉ có 37,1% ý kiến người dân đánh giá hòa giải viên am hiểu pháp luật, hiểu vụ việc.
Hội thi Hòa giải viên giỏi tổ chức ở Hà Nội tạo sân chơi bổ ích cho các hòa giải viên
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật ( Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc chia sẻ: “Công tác HGOCS đã giải quyết kịp thời, dứt điểm những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững, xây dựng khu dân cư văn hóa, sống hòa thuận, hạnh phúc, yên vui, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác HGOCS thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững”.
Hoạt động HGOCS đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế. Khi quan hệ cộng đồng làng xã ổn định, bền chặt, các thôn, bản, tổ dân phố giữ được an ninh, trật tự, khiến mỗi cá nhân và gia đình yên tâm lao động, sản xuất, làm ăn hiệu quả hơn, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Công tác HGOCS cũng thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân, xã hội trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội
“HGOCS là một công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý ở Việt Nam. Tuy vậy, các biện pháp giải quyết tranh chấp dễ tiếp cận, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí như HGOCS cũng cần bảo đảm được quyền con người” – ông Nicholas Booth – Cố vấn chương trình Tiếp cận Công lý và Quyền con người của UNDP nhấn mạnh.
Video đang HOT
Ông Booth cũng cho rằng, hòa giải viên ở cơ sở cần tham gia nhiều tập huấn về pháp luật và họ cần đảm bảo được quyền của các nhóm yếu thế được bảo vệ, ví dụ như người trải qua bạo lực gia đình. Phụ nữ không nên bị ép tham gia hòa giải với những người chồng có hành vi bạo lực vì áp lực xã hội hoặc vì họ không tìm được các giải pháp hỗ trợ khác”.
Các thành viên bàn hướng giải quyết trước khi đưa vụ việc ra hòa giải
Tại Hội thảo tham vấn “Thực trạng giải quyết tranh chấp bằng HGOCS” diễn ra mới đây, đã có 3 kiến nghị chính được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động HGOCS. Đó là: Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về HGOCS; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên; Các kiến nghị về việc cần nâng cao kiểm tra, đánh giá kết quả hòa giải.
Mục tiêu của Hội thảo là để chia sẻ các phát hiện chính về chất lượng và hiệu quả giải quyết tranh chấp ở cơ sở thông qua hoạt động hòa giải và từ đó, nêu các kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết tranh chấp ở cơ sở thông qua hoạt động hòa giải.
Hội thảo là hoạt động tiếp nối hoạt động khảo sát nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác HGOCS trên địa bàn ba tỉnh Hà Giang, Kiên Giang và Đắk Nông đã diễn ra hồi cuối tháng 9/2019.
Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE)”, do Liên minh Châu Âu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ Tư pháp đồng tổ chức, với mục đích hỗ trợ tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân Việt Nam, đặc biệt là nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người nghèo.
Trong tương lai, Chương trình EU JULE sẽ dựa vào kết quả khảo sát, đánh giá của nghiên cứu này để xây dựng một bộ tài liệu HGOCS có nhạy cảm giới, đặc biệt hướng đến việc bảo đảm quyền tiếp cận tư pháp của nhóm đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái trong các mâu thuẫn, tranh chấp.
T.Hoàng
Theo PLVN
"Mong các thầy, cô giáo có nhiều đóng góp hơn nữa cho công tác đào tạo cán bộ pháp luật"
Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, pháp luật của Bộ Tư pháp đóng góp như thế nào trong công cuộc đào tạo cán bộ pháp luật của đất nước?
Với những khó khăn, thách thức hiện nay, định hướng phát triển các trường thời gian tới là gì? Nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2019), Báo Pháp luật Việt Nam phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
- Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự đóng góp của hệ thống các cơ sở đào tạo do Bộ Tư pháp quản lý trong công cuộc đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ phát triển kinh tế đất nước?
Bộ Tư pháp đang quản lý 06 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, pháp luật gồm Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, 04 Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ (một trường đã được sáp nhập vào Trường đại học Luật Hà Nội). Các cơ sở đào tạo do Bộ Tư pháp quản lý đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Tôi xin nhấn mạnh một số việc lớn như sau:
VớI 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội đã, đang là cơ sở đào tạo luật có uy tín đứng đầu tại Việt Nam. Từ năm 1979 đến nay, Trường đã đào tạo được gần 120 ngàn cử nhân; hàng ngàn tiến sỹ, thạc sỹ cho đất nước; nhiều đồng chí nguyên là cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đang trong quá trình xây dựng thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật để vươn mình đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước.
Bộ trưởng Lê Thành Long
Đối với Học viện Tư pháp: Với hơn hai thập kỷ xây dựng và phát triển, Học viện đang từng bước trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp. Từ năm 1998 đến nay, Học viện đã đào tạo cho 59.862 học viên (trong đó đào tạo: thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, đấu giá viên, thừa phát lại, lý lịch tư pháp, trung cấp lý luận chính trị - hành chính...) hoàn thành vượt mức tổng chỉ tiêu, tiến độ, kế hoạch đề ra. Công tác bồi dưỡng công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và theo nhu cầu xã hội được đẩy mạnh, tăng cường.
Chất lượng các khóa đào tạo, bồi dưỡng đã có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, Học viện Tư pháp còn hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào tổ chức đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp cho 160 giảng viên, cán bộ tư pháp và pháp luật làm việc trong các lĩnh vực thi hành án, công chứng viên, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy cho các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật và tư pháp của Lào.
Kể từ năm 2009 đến nay, các Trường Trung cấp Luật đã và đang tiến hành tuyển sinh, đào tạo được trên 13.075 học sinh. Hiện các Trường vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo Trung cấp Luật nhằm tăng cường nguồn nhân lực làm công tác pháp luật. Năm 2019, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030, các Trường đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cấp thành Trường cao đẳng. Bên cạnh giữ ổn định về quy mô tuyển sinh, đào tạo trong nước, một số Trường đã có hướng đi mới thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với CHDCND Lào tuyển sinh đào tạo trung cấp luật cho lưu học sinh Lào.
Với những đóng góp nêu trên của các cơ sở đào tạo cho công cuộc đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ phát triển kinh tế đất nước thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý.
-Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong đào tạo cán bộ pháp luật của các cơ sở đào tạo như hiện nay, hệ thống các Trường của Bộ gặp phải những khó khăn gì và xin Bộ trưởng cho biết định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới?
Qua thống kê, cả nước có khoảng hơn 90 cơ sở đào tạo luật và các chức danh tư pháp. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong đào tạo cán bộ pháp luật của các cơ sở đào tạo và những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động như hiện nay, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp quản lý cũng gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh và đặc biệt là chuẩn bị cho việc tự chủ Đại học, Cao đẳng, đào tạo nghề trong thời gian tới.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức này, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu các cơ sở đào tạo thuộc Bộ không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để bổ sung kịp thời nguồn cán bộ làm công tác pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. Ngày 16/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1030/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định:
Duy trì và phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể "Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật".
Duy trì, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới hoạt động để phát triển Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng nghề luật, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.
Rà soát, đánh giá các điều kiện, năng lực và nhu cầu xã hội để tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ. Thực hiện nâng cấp 03 Trường Trung cấp Luật lên Cao đẳng Luật tại 03 miền Bắc, Trung, Nam. Giải thể Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột để thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk (từ ngày 31 tháng 12 năm 2019). Chuyển giao Trường Trung cấp Luật Tây Bắc về Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La quản lý hoặc chuyển đổi thành phân hiệu của 01 Trường Cao đẳng Luật trực thuộc Bộ Tư pháp theo quy định. Từ năm 2025, duy trì 03 trường Cao đẳng Luật tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, tài liệu, phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ về số lượng và mạnh về chất lượng để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ cao đẳng luật.
- Nhân kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam Bộ trưởng có nhắn gửi điều gì đến giáo viên các nhà trường trong hệ thống?
Nhân kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ tôi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp của các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của các Trường và Học viện, chúc mừng những thành quả mà các thầy giáo, cô giáo đã đạt được.
Tôi mong các thầy, cô luôn tận tâm, nhiệt huyết truyền tải pháp luật, kiến thức và kỹ năng đến với người học; định hướng, động viên người học tích cực học tập, nghiên cứu và vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn. Với lòng say mê nghề nghiệp, mỗi thầy, cô hãy chủ động học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón nhận thời cơ, hóa giải thách thức; chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Đồng thời, mỗi thầy, cô cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và luôn là tấm gương sáng để các thế hệ học viên, học sinh, sinh viên noi theo trong học tập và nghiên cứu.
Cuối cùng, thay mặt Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ, tôi gửi tới các thầy giáo, cô giáo cùng gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc và đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong công tác, có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp "trồng người" nói chung và hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói riêng.
-Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
PV Thu Hằng (thực hiện)
Theo baophapluat
Lấy giáo dục pháp luật trong nhà trường làm nền tảng Thực tế có những mâu thuẫn, tranh chấp không lớn nhưng do nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã tạo ra những bức xúc, không kiềm chế được hành vi ứng xử của mình, từ đó gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Còn thiếu ý thức tự giác tìm hiểu pháp luật Cổng Thông tin Chính...