3 điểm đến ở An Giang vào Top 50 điểm du lịch hấp dẫn TPHCM và ĐBSCL
Tối 29/11, tại TP Cần Thơ, Chương trình bình chọn ‘Điểm đến hấp dẫn TPHCM và ĐBSCL’ đã công bố kết quả với 50 điểm đến được công nhận.
Lễ công bố kết quả bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Chương trình bình chọn “Điểm đến hấp dẫn TPHCM và ĐBSCL” do UBND TPHCM phối hợp UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức.
Chương trình nhằm tăng cường liên kết phát triển du lịch, thúc đẩy ngành du lịch TPHCM và ĐBSCL đa dạng hóa loại hình điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những đặc trưng về thiên nhiên và văn hóa của các địa phương.
Thông qua chương trình, các đơn vị cũng mong muốn đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tìm kiếm đối tác, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam.
Sau gần 8 tháng phát động, từ tháng 4/2024 đến nay, Chương trình đã thu hút được 126 điểm đến du lịch đủ điều kiện tham gia. Các điểm đến này có tài nguyên du lịch, sản phẩm, dịch vụ nổi bật, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí… của du khách.
Kết quả, Ban tổ chức đã chọn ra 50 điểm đến. Trong đó, tỉnh An Giang có 3 điểm đến là Khu du lịch quốc gia Núi Sam, Điểm du lịch Rừng tràm Trà Sư và Điểm du lịch Cồn Én.
Video đang HOT
Khu du lịch quốc gia Núi Sam (TP Châu Đốc) là điểm đến nổi tiếng hàng đầu An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung, mỗi năm thu hút khoảng 5 triệu du khách. Khu
du lịch có bốn Di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia là miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang. Đặc biệt, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ vào cuối tháng 4 âm lịch hằng năm là lễ hội lớn nhất Nam Bộ, được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Điểm du lịch Rừng tràm Trà Sư (TX Tịnh Biên, An Giang).
Điểm du lịch Rừng tràm Trà Sư (TX Tịnh Biên) là khu rừng tràm ngập nước tiêu biểu của tiểu vùng Tây sông Hậu. Đây là nơi sinh sống của hàng trăm loài động vật và thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Sự đa dạng về cảnh quan và phong phú về tài nguyên giúp rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý thú với những ai yêu thích khám phá thiên nhiên.
Điểm du lịch Cồn Én (huyện Chợ Mới, An Giang).
Điểm du lịch Cồn Én (huyện Chợ Mới) tuy ra đời chỉ vài năm, nhưng đã nhanh chóng thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ. Điểm du lịch được xây dựng với chất liệu chủ đạo là gỗ lũa, tức loại gỗ chìm dưới nước lâu năm, nên hoàn toàn khác biệt với các khu điểm du lịch ở Việt Nam. Đó là minh chứng cho tư duy sáng tạo của con người An Giang.
Lễ công bố kết quả Chương trình bình chọn “Điểm đến hấp dẫn TPHCM và ĐBSCL” là hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch – Thương mại TP. HCM và ĐBSCL, nhằm quảng bá sản phẩm và kích cầu du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Qua bình chọn, Ban tổ chức hy vọng hình ảnh các điểm đến du lịch TPHCM và ĐBSCL sẽ tiếp tục được lan tỏa và thu hút du khách tìm đến.
An Giang điểm đến du lịch tâm linh ấn tượng
An Giang ngoài cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của dãy Thất Sơn huyền bí cùng các di tích lịch sử cách mạng hào hùng, di tích văn hóa với nhiều lối kiến trúc độc đáo, những điểm đến "check-in" ấn tượng.
Đặc biệt, An Giang còn nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo du gần xa đến tham quan và chiêm bái.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam
An Giang được biết đến là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với những cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, những công trình di tích lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa độc đáo của đồng bào 4 dân tộc anh em Kinh - Chăm - Hoa - Khmer và còn là nơi tập trung của rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng với hệ thống công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc. Nhắc đến những điểm nổi tiếng ở An Giang không thể không nhắc đến Khu du lịch quốc gia núi Sam (TP. Châu Đốc) với quần thể di tích lịch sử văn hóa, như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang. Đây là những di tích lịch sử văn hóa có lối kiến trúc độc đáo được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia gắn với sự tích huyền bí thời khẩn hoang mở cõi của vùng đất An Giang. Hàng năm, Khu du lịch quốc gia núi Sam diễn ra lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ 23 đến 27/4 (âm lịch). Được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001, lễ hội không chỉ mang tính chất tín ngưỡng tâm linh mà còn là hoạt động văn hóa đặc trưng của cư dân Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng. Nơi đây mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan và hành hương, chiêm bái cầu bình an, sức khỏe, may mắn, tài lộc, con cái, tình duyên,...
Ngoài ra, còn có chùa Xvayton (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn), ngôi chùa hơn 300 năm tuổi có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp, nơi lưu giữ nhiều bộ sách kinh lá buông của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang. Quần thể di tích văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn), nơi lưu dấu những chứng tích của quốc gia cổ Phù Nam. Hay, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Thánh đường Mubarak (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) một trong những thánh đường Hồi giáo lâu đời nhất có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở An Giang. "Mỗi khi có thời gian rảnh là em thường đi những chuyến du dịch kết hợp hành hương cùng bạn bè, người thân. Qua những chuyến đi em không những được tham quan, chiêm bái mà còn được tìm hiểu được những phong tục, tập quán, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ở An Giang" - Lâm Thị Thúy Ngân du khách từ tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Chùa Tây An
Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm
Chùa Vạn Linh trên núi Cấm
Chùa Tà Pạ
Chùa Xvayton
Chùa Kim Tiên
Không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử văn hóa có kiến trúc độc đáo, thiên nhiên còn ban tặng cho An Giang rất nhiều ngọn núi lớn nhỏ giữa đồng bằng châu thổ. Người xưa đã chọn 7 ngọn núi tiêu biểu (thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên ngày nay) để đặt tên cho cụm núi này là Thất Sơn hay còn gọi là Bảy Núi. Trong đó, Thiên Cấm Sơn còn gọi là núi Cấm thuộc xã An Hảo (huyện Tịnh Biên) cao 716m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao nhất. Thiên Cấm Sơn còn đặc biệt nổi tiếng với nhiều hang sâu, vồ cao như: vồ Bồ Hong có điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, vồ Thiên Tuế có dấu vết vua Gia Long, vồ Bà, vồ Ông Bướm,... gắn liền với những tín ngưỡng dân gian, các câu chuyện huyền thoại kỳ bí về các bậc tu tiên, các loài thú dữ biết nghe kinh dưỡng tánh bảo vệ người hiền, những sự tích về thuở cha ông đi khẩn hoang, mở cõi... được truyền miệng nhau qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, Thiên Cấm Sơn còn có chùa Vạn Linh với lối kiến trúc độc đáo, nổi bật với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với tháp Quan Âm Cát 9 tầng cao 35m.
Đối diện là chùa Phật Lớn, bảo tháp Xá lợi và tượng Phật Di Lặc cao 33,6m được công nhận là "Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi" lớn nhất Châu Á năm 2013. Lần đầu tiên đến với núi Cấm, cô Nguyễn Thị Hải Yến, 57 tuổi đến từ tỉnh Cà Mau, chia sẻ: "Ở đây có không khí mát mẻ, không gian thoáng đãng, vừa đi lễ phật mà tôi vừa cảm nhận được sự yên bình, thư thái, thanh thản, quên đi sự ồn ào của cuộc sống thường ngày nữa". Ngoài ra, An Giang còn có hàng ngàn cơ sở thờ tự lớn nhỏ với hàng trăm ngôi chùa nổi tiếng, có kiến trúc độc đáo, như: chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai, chùa Tà Pạ (huyện Tri Tôn), An Hòa Tự (huyện Phú Tân), chùa Giồng Thành (TX. Tân Châu), chùa Hòa Thạnh, chùa Lầu, chùa Kim Tiên, chùa bánh xèo (huyện Tịnh Biên), chùa Phước Thành (huyện Chợ Mới), chùa Linh Ẩn (huyện An Phú) Nam Linh Sơn Tự, Thiền viện Trúc Lâm An Giang (huyện Thoại Sơn), chùa Ông Bắc (TP. Long Xuyên). Bên cạnh đó là các nhà thờ Thiên Chúa, Tin Lành, các thánh đường Hồi giáo và các ngôi đình thần với lịch sử xây dựng lâu đời và kiến trúc độc đáo góp thêm nhiều lựa chọn cho những ai đến An Giang để du lịch tâm linh.
Cùng với nhiều loại hình du lịch khác, du lịch tâm linh, về nguồn đang ngày càng được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh về những vùng đất mới, mở ra cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm cho ngành du lịch tỉnh nhà. Du lịch tâm linh, về nguồn không chỉ là sản phẩm du lịch đơn thuần mà mang "giá trị kép", vừa thúc đẩy phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, giá trị di sản, di tích, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, kết nối cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cùng nhau phát triển, xây dựng quê hương, đất nước./.
4N3Đ "đẩy thuyền" về An Giang khám phá "vùng đất sơn kỳ thủy tú" của miền Tây Nam Bộ Được ví là "vùng đất sơn kỳ thủy tú", "vùng đất màu xanh" của miền Tây Nam Bộ, An Giang là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn. Cùng theo chân bạn Nhất Nam khám phá An Giang 4N3Đ nha! Thuộc khu vực miền Tây Nam Bộ, nằm giáp với Campuchia, An Giang được ví là vùng đất "sơn kỳ thủy...