3 cường quốc mạnh nhất thế giới thèm khát điều gì?
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm (10/11) tuyên bố, hợp tác với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu của nước Nga. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa nói đến “giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương” trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã và đang tích cực đẩy mạnh chiến lược xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương. Vì sao 3 cường quốc mạnh hàng đầu thế giới Nga, Mỹ và Trung Quốc lại quan tâm đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đến vậy.
Châu Á-Thái Bình Dương – trọng tâm địa chính trị toàn cầu
Đặc điểm địa lý, chính trị, quy mô kinh tế và tiềm năng phát triển to lớn là những nhân tố quyết định để khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thay thế khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương trở thành trọng tâm địa chính trị toàn cầu.
Về mặt địa lý tự nhiên, khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, nhóm các quần đảo ở Thái Bình Dương và vành đai các nước trong khu vực Nam Bắc Mỹ. Số lượng các quốc gia trong khu vực này gấp đôi Liên minh châu Âu (EU) và tổng dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới. Hiện nay, khu vực này bao gồm những quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới (Nga, Trung Quốc và Mỹ), 4 trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia), 3 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản).
Về chính trị, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chiếm 3 trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Trung Quốc, Mỹ và Nga), 7/10 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc).
Video đang HOT
Về quy mô kinh tế, GDP của 21 nước thành viên Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) chiếm 55% tổng GDP thế giới và 44% thương mại toàn cầu. Tương lai phát triển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được đánh giá là rất rộng mở khi có sự kết hợp giữa số lao động dồi dào, nhu cầu thị trường rộng lớn và nguồn tài nguyên thiên nhiên của một số nước với công nghệ cao và kinh nghiệm quản lý của nhiều nước phát triển trong khu vực.
Tổng thống Nga Putin (thứ hai tính từ bên trái), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân (đứng giữa), Tổng thống Mỹ Obama (ngoài cùng bên phải).
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất và đóng vai trò đầu tầu trong liên kết kinh tế thế giới. Đây là khu vực tập trung 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất.
Với tất cả những yếu tố trên, Châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành trọng tâm địa chính trị toàn cầu. Tương lai thế giới phụ thuộc rất nhiều vào Châu Á-Thái Bình Dương. Sức mạnh, vị thế, tầm ảnh hưởng của các nước lớn cũng phụ thuộc rất nhiều vào khu vực này. Do đó, việc các nước lớn đặt Châu Á – Thái Bình Dương ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong chính sách của mình là điều đương nhiên.
Châu Á-Thái Bình Dương trong chính sách của Mỹ, Nga, Trung Quốc
Mấy năm trở lại đây, Mỹ đã khiến mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc rơi vào trạng thái liên tục căng thẳng khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố chiến lược xoay trục về Châu Á- Thái Bình Dương. Chính sách này còn được gọi dưới những cái tên khác như “chuyển hướng trọng tâm” hay “tái cân bằng” ở Châu Á-Thái Bình Dương. Theo chiến lược này, Washington thể hiện mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho Châu Á-Thái Bình Dương bằng việc lên kế hoạch điều chuyển phần lớn số vũ khí quân sự của họ đến khu vực cùng với việc tăng cường mở rộng các liên minh chính trị, ngoại giao cũng như thúc đẩy đầu tư, hợp tác kinh tế trong khu vực.
Hơn ai hết, Mỹ hiểu rõ vai trò, vị thế của Châu Á-Thái Bình Dương đối với thế giới cũng như đối với sự phát triển của chính nước này. Việc Mỹ xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương không chỉ để giúp nước này duy trì vị thế siêu cường số 1 thế giới mà còn giúp họ kiềm chế một đối thủ đang vươn lên mạnh mẽ trong khu vực là Trung Quốc.
Nắm được Châu Á-Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc Mỹ có thể tiếp tục đứng trên vị trí siêu cường độc tôn của thế giới.
Tổng thống Obama đến tham dự hội nghị APEC lần này với mục tiêu là đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chiến lược chuyển hướng trọng tâm sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ông Obama được cho là sẽ thuyết phục các nước nhanh chóng thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận được cho là một phần của chiến lược xoay trục của Mỹ.
Về phía Trung Quốc, mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói đến giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương. Hôm 9/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói đến viễn cảnh thực hiện “giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương” do Trung Quốc chủ trì và dẫn dắt. “Chúng ta phải có trách nhiệm tạo dựng và thực hiện một giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương cho toàn thể nhân dân trong khu vực”, Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói như vậy tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Có lẽ đây là lần đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình nói đến giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương nhưng người ta tin rằng giấc mơ này khá giống với “giấc mộng Trung Hoa” mà giới lãnh đạo ở thủ đô Bắc Kinh liên tục nhắc đi nhắc lại trong thời gian gần đây.
Sở dĩ nói giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương có điểm trùng hợp với “giấc mộng Trung Hoa” là vì nó đều hướng tới mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành siêu cường hàng đầu thế giới. Trên con đường hướng tới giấc mộng Trung Hoa, rõ ràng Bắc Kinh cần phải thực hiện giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương.
Sau Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cũng đã tuyên bố tại hội nghị APEC rằng, Nga và các nước Châu Á-Thái Bình Dương nên tận dụng tiềm năng hợp tác để đem lại lợi ích chung cho cả hai bên. “Với tư cách là một phần của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Nga cần phải sử dụng các lợi thế cạnh tranh của mình ở nơi đang trở thành trọng tâm của kinh tế, đầu tư và công nghệ toàn cầu. Hợp tác với các nước trong Châu Á-Thái Bình Dương sẽ là ưu tiên hàng đầu của nước Nga”, ông Putin nhấn mạnh.
Với những phát biểu trên, người ta có thể thấy rõ các cường quốc hàng đầu thực sự đang có cuộc đua tranh quyết liệt để giành ảnh hưởng chính trị cũng như lợi ích kinh tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năng động nhất thế giới này.
Theo VnMedia