3 câu hỏi lớn trong thảm họa đắm phà Hàn Quốc
Đã 2 ngày trôi qua kể từ khi phà chở 475 người bị đắm ở ngoài khơi Hàn Quốc, 268 người vẫn bị mất tích, trong khi 28 người được xác nhận là đã thiệt mạng. Một loạt câu hỏi được đặt ra, như vì sao chỉ cứu được 179 người, vì sao chỉ có 2 trong 46 bè cứu sinh được sử dụng và vì sao thuyền trưởng lại rời phà sớm?
Thuyền trưởng phà đắm giấu mặt trong chiếc mũ áo, nói lời xin lỗi và cho biết xấu hổ trước những gì đã xảy ra.
Vì sao hoạt động cứu hộ lại diễn ra chậm chạp đến vậy?
Vào sáng ngày 16/4, khi đội cứu hộ đến hiện trường chiếc phà chở gần 500 người, trong đó có phần đa là học sinh trung học, thì phà đang nghiêng, nhưng vẫn có thể tiếp cận được. Ban đầu, nhiều người cho rằng việc cứu hộ toàn bộ hành khách trên phà có thể thực hiện được. Nhưng mọi thứ vượt ra ngoài dự đoán nhanh một cách bất ngờ. Sau khoảng 2 tiếng rưỡi bị nghiêng, phà đã bị lật úp và chìm gần như hoàn toàn, chỉ còn nhô mỏm đuôi lên trên mặt nước.
Trong số 475 hành khách và phi hành đoàn trên phà, chỉ có 179 người được cứu, trong khi 268 người vẫn đang mất tích.
Ngoài ra, hành khách được thủy thủ đoàn yêu cầu ngồi im trong suốt khoảng 1 tiếng, có thể là để tránh làm cho tình trạng nghiêng của phà trầm trọng hơn. Song điều này khiến cho họ bị tước đi thêm thời gian để thoát thân.
Một thủy thủ trên phà cho biết lệnh sơ tán đã không được đưa ra ngay lập tức khi phà bị nghiêng, do các thủy thủ đã tập trung hết ở phòng điều kiển để cố gắng lấy lại thăng bằng cho phà. Những người sống sót trên phà cũng cho biết, phà bị khựng lại vào khoảng 7h40 sáng ngày 16/4, nhưng phải đến gần 9h sáng, tín hiệu cấp cứu mới được phát đi.
Thủy thủ Oh Yong-seok, 58 tuổi, cho biết không rõ liệu lệnh sơ tán của thuyền trưởng, được đưa xuống cho các thủy thủ đoàn, có thực sự được chuyển xuống cho hành khách qua hệ thống loa hay không. Nhiều người sống sót cho biết họ không nghe thấy lệnh sơ tán.
Vì sao chỉ có 2 bè cứu sinh được sử dụng trong số 46 bè cứu sinh trên phà?
Theo các chuyên gia, có vẻ như thủy thủ đoàn không nhận ra tình trạng nghiêm trọng của vụ việc và không nhận ra nước tràn nhanh vào phà, khiến nó bị chìm chỉ trong vòng khoảng 2 tiếng rưỡi. Đây cũng có thể là lý do mà thủy thủ đoàn yêu cầu hành khách ngồi im và nghĩ rằng phà vẫn là nơi trú ẩn an toàn. Và thực tế cho thấy, trong số 46 bè cứu sinh trên phà, chỉ có 2 bè được sử dụng.
Video đang HOT
Vì sao thuyền trưởng lại sớm rời tàu?
Theo thông lệ, thuyền trường là người cuối cùng rời tàu và phải ở lại để giúp đỡ những người khác. Nhưng trong trường hợp này, thuyền trưởng Lee Joon-seok được cho là đã rời tàu từ sớm.
Theo một số người sống sót, ông Lee là một trong những người đầu tiên được cứu, mặc dù không ai thực sự nhìn thấy ai rời phà. Lực lượng bảo vệ bờ biển và công ty quản lý phà từ chối bình luận về điều này.
Thuyền trưởng hiện đang bị tạm giữ để thẩm vấn. Ông có thể đối mặt với các cáo buộc lơ là trách nhiệm và ngộ sát.
Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi xảy ra vụ đắm, thuyền trưởng Lee hôm qua đã khóc và nói lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân. Ông cũng cho biết rất xấu hổ trước những gì đã xảy ra.
Trung Anh
Tổng hợp
Hàng hóa là "thủ phạm" gây đắm phà Hàn Quốc?
Tờ Korea Times của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin của Lực lượng bảo vệ bờ biển cho rằng nguyên nhân khiến phà bị nghiêng và đắm nhanh vào ngày 14/6 vừa qua, khiến gần 300 người mất tích, có thể là do số hàng lớn trên phà bị dịch chuyển đột ngột.
Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót bên trong chiếc phà đắm.
Phà chuyển hướng đột ngột khiến hàng bị dịch chuyển?
Theo Korea Times, một nhóm chuyên gia thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển và Cơ quan Pháp lý đã bắt đầu tiến hành điều tra, nhưng nguyên nhân cuối cùng dự kiến sẽ được kết luận sau khi phà được trục vớt.
Lực lượng bảo vệ bờ biển cũng đang thẩm vấn nhiều thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có thuyền trưởng Lee Joon-seok về khả năng họ có thay đổi hướng đột ngột khi phà bị lật hay không.
Trong khi đó, giả thuyết phà đâm phải đá ngầm đã bị loại bỏ.
Ngoài gần 500 hành khách, với phần đa là học sinh trung học ở một trường ở bên ngoài Seoul đang đi dã ngoại, phà còn chở theo khoảng 180 xe hơi và 1.157 tấn hàng, trong đó có những công-ten-nơ lớn. Nếu phà thay đổi hướng đột ngột, số hàng này có thể bất ngờ dịch chuyển và khiến phà bị nghiêng mạnh về một bên và kéo phà nhanh chóng chìm xuống biển.
Hơn nữa, hiện trường vụ tai nạn, nằm cách đảo Byeongpoong, thuộc tỉnh Nam Jeolla, khoảng 20 km, nổi tiếng là nơi để các tàu thuyền chuyển hướng.
Lực lượng bảo vệ bờ biển nghi ngờ phà Sewol đã rẽ đột ngột khi chuyển hướng.
Phà ngừng chạy 1 tiếng trước khi gửi tín hiệu cấp cứu
Những người sống sót trên phà cho biết phà đã ngừng di chuyển khoảng 1 tiếng trước khi gửi tín hiệu cấp cứu vào 8h58 sáng ngày 16/4.
"Phà đột ngột nghiêng vào khoảng 7h40 sáng, khi tôi đang ghi nhật ký công việc. Cửa sổ bị vỡ và mọi người khó có thể đứng thẳng", một thành viên thủy thủ đoàn có họ là Jeon cho biết với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc.
Những người sống sót khác cũng cho biết phà bị nghiêng đột ngột và họ nghe thấy một tiếng động "lớn".
Lực lượng bảo vệ bờ biển cho rằng những công-ten-nơ lớn trên phà có thể phát ra tiếng động đó khi va phải thành phà. Và số hàng trên phà bị dịch chuyển đột ngột có thể ảnh hưởng đến cơ chế lái tàu.
Lực lượng bảo vệ bờ biển đã thẩm vấn thuyền trưởng với tư cách là nghi phạm. Ông có thể phải đối mặt với cáo buộc ngộ sát nếu việc làm của ông trên phà dẫn đến vụ đắm.
Nước tràn vào nhanh do phà bị thủng?
Tuy nhiên một số chuyên gia lại nghi ngờ giả thuyết hàng hóa là "thủ phạm" gây ra thảm họa đắm phà.
"Lực lượng bảo vệ bờ biển cho rằng phà đắm là do đã chuyển hướng đột ngột khiến số hàng trên phà bị dịch chuyển. Tuy nhiên phà được thiết kế có thể chuyển hướng trong khả năng của chúng", giáo sư Yoon Jong-hee, Đại học Hàng hải và Đại dương Hàn Quốc cho biết. Ông là thành viên của nhóm điều tra của chính phủ Hàn Quốc. Ông cũng nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để kết luận phà đắm là do chuyển hướng đột ngột.
Phà Sewol đã bị đắm chỉ 2 giờ 20 phút sau khi ngừng hoạt động. Theo những người sống sót, nước bắt đầu tràn vào phà chỉ 20 phút sau tiếng động lớn phát ra.
Nếu phà nghiêng mà không bị thủng, sẽ phải mất lâu hơn nữa để nước tràn vào.
Vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng thân phà phải có lỗ thủng. Việc tìm kiếm xem phà có bị thủng hay không và nếu có, thì lỗ thủng đó có xuất phát từ bên trong hay không sẽ là những đầu mối quan trọng xác định nguyên nhân đắm phà.
"Điều khẩn cấp bây giờ là cứu hộ. Tìm lỗ thủng trên thân phà là điều thứ yếu. Do vùng biển tại nơi phà đắm có tầm nhìn khá kém, nên sẽ mất thời gian để xác định nguyên nhân", ông Yoon nhận định.
Theo Dantri
Đắm phà Hàn Quốc: Chuyện buồn về bé gái 5 tuổi được cứu sống Một bé gái 5 tuổi đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt ở Hàn Quốc trong thảm họa đắm phà ngày 16/4 vừa qua. Bé là một trong những người sống sót nhỏ tuổi nhất được cứu, nhưng gia đình bé, gồm bố mẹ và anh trai, vẫn nằm trong số gần 300 người đang bị mất tích. Bé gái Know....