3 bệnh nhân mắc bạch hầu tại Thanh Hóa đã xuất viện
Hiện cả 3 ca mắc bạch hầu tại khu phố Đoàn kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đều đã được xuất viện.
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho biết, sau nhiều ngày điều trị bệnh bạch hầu tại Bệnh viện, hai bệnh nhân (một cụ già 74 tuổi và một cháu 10 tuổi), đều trú tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, vừa được xuất viện vào ngày 14/8.
Trung tâm Y tế huyện Mường Lát tổ chức phun cloramin B tại ổ dịch (ảnh TTYTML)
Hai bệnh nhân này là người thân và do tiếp xúc gần với bệnh nhân P.L.M. (17 tuổi, đang mang thai tháng thứ 8) nên lây bệnh.
Theo quy định của ngành Y tế, hai bệnh nhân này sẽ hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh trong vòng 7 ngày, tiếp tục theo dõi ngoại trú đủ 60 đến 70 ngày.
Video đang HOT
Trước đó, bệnh nhân mắc bạch hầu đầu tiên là thai phụ điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sau hơn 1 tuần điều trị đã hết các triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm lại bệnh nhân âm tính với vi khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân được xuất viện ngày 12/8.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân khu Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát phòng, chống dịch bệnh bạch hầu (ảnh TTYTML)
Trong nhiều ngày qua, tại ổ dịch bạch hầu ở huyện Mường Lát không phát hiện thêm ca mắc mới. Trung tâm Y tế huyện Mường Lát đã và đang tập trung khoanh vùng dịch bạch hầu, cho người dân ở khu phố Đoàn Kết uống thuốc kháng sinh dự phòng để phòng, chống dịch.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát đang chờ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cấp bổ sung cho huyện 25.000 liều vắc xin uốn ván – bạch hầu để tiêm phòng cho các đối tượng nguy cơ và nguy cơ cao tại thị trấn Mường Lát và ba xã giáp ranh là Quang Chiểu, Tam Chung, Pù Nhi.
Không thể chủ quan với dịch bệnh
Ngày 8/8, Thanh Hóa xác định có thêm 2 ca mắc bạch hầu tại một ổ dịch ở thị trấn Mường Lát.
Như vậy, tính tới nay, trên phạm vi cả nước đã ghi nhận 8 trường hợp mắc bạch hầu (trong đó có 1 ca tử vong). Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Ngày 8/8 một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Hải Phòng đã tử vong. Nhưng thật đáng lo ngại là trong xã hội lại xuất hiện sự chủ quan với dịch bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc bạch hầu vài năm trở lại đây có sự biến động liên tục, tăng rồi giảm, sau đó lại tăng. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước ghi nhận 8 ca mắc bạch hầu tại Hà Giang (3 ca); Nghệ An (1 ca, người bệnh đã tử vong), Bắc Giang (1 ca) và Thanh Hóa (3 ca).
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, kể từ khi 1 ca mắc bệnh bạch hầu được phát hiện (và tử vong) tại tỉnh Nghệ An hồi cuối tháng 6, tới nay đã có thêm 3 tỉnh phát hiện bệnh nhân bệnh bạch hầu, dù rằng đó là những ca bệnh lẻ tẻ.
Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ lây nhiễm của bạch hầu thấp hơn so với Covid-19, do đó khả năng gây đại dịch thấp nhưng đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh là 10 - 20%, cao hơn Covid-19, nhất là những người chưa được tiêm chủng.
Trong khi đó, diễn biến của dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn tiếp tục phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Với riêng Hà Nội, các ổ dịch vẫn chưa được loại trừ và số ca nhập viện vẫn ở mức cao. Trong tuần gần đây, Hà Nội ghi nhận thêm 171 ca bệnh (tăng 46 ca so với tuần trước đó) và 8 ổ dịch SXH mới. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.600 ca mắc SXH. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới thì các ca SXH xảy ra sớm và nặng hơn mọi năm. Có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc. Ông Cường cũng cho rằng, người mắc SXH cao tuổi, trẻ em, người có bệnh nền hoặc suy giảm hệ miễn dịch nếu không phát hiện và điều trị sớm thì có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Đại diện khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa) cho biết, trong tháng 5 và tháng 6/2024 không có ca bệnh SXH nào. Thế nhưng từ tháng 7 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận gần 60 ca. Dự báo số ca mắc SXH có nguy cơ tăng cao trong tháng 8 này và cả tháng 9 tới. Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần đầu tháng 8 cả thành phố có khoảng 170 ca và có khoảng 20 ổ dịch đang hoạt động (35 ổ dịch đã được loại bỏ).
Do nhiều yếu tố, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Không chỉ là dịch bệnh mới mà kể cả những loại dịch bệnh tưởng chừng như đã được khống chế hoàn toàn ở nước ta thì nay cũng có dấu hiệu trở lại. Cơ quan Y tế liên tục đưa ra cảnh báo, hướng dẫn nhưng đáng lo ngại là việc chủ động phòng chống dịch cho bản thân, người thân cũng như cộng đồng ở nhiều người dân lại đang cho thấy rất lơ là. Trong khi đó, cùng với việc tiêm chủng thì ý thức phòng chống dịch của mỗi người sẽ mang tính chất quyết định để hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
Với bệnh bạch cầu và dịch SXH, đều cùng nguy hiểm, nhưng nhiều người dân khi có triệu chứng đã tự mua thuốc điều trị mà không đến bệnh viện. Các cơ sở y tế cho biết, nhiều trường hợp khi nhập viện thì bệnh đã phát triển rất nặng, cơ thể người bệnh suy nhược nên việc điều trị, phục hồi càng thêm khó khăn và kéo dài.
Chắc hẳn trong chúng ta không ai quên được những ngày gian nan trong đại dịch Covid-19, kéo dài suốt từ đầu năm 2020 cho đến giữa năm 2023. Cả xã hội phải gồng mình cũng chỉ vì một số cá nhân lơ là đã khiến cho dịch lây lan rộng và bùng phát mạnh. Đó phải được coi là bài học đắt giá nếu vẫn chủ quan với bất cứ dịch bệnh nào.
Không chỉ người dân chủ động phòng chống dịch, mà cơ quan Y tế và chính quyền địa phương cũng rất cần mạnh tay hơn với dịch bệnh. Không để đến lúc dịch bệnh lan rộng mới rút kinh nghiệm, kể cả "rút kinh nghiệm sâu sắc" đi chăng nữa vì điều đó cũng không đẩy lùi được dịch bệnh, không trả lại được sự yên bình cho cộng đồng.
Phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh là việc không thể lơ là. Không thể phó mặc cho ngành Y tế mà tự mỗi người dân, chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị đều không thể chủ quan nếu như không muốn phải trả giá đắt.
Bắc Giang: Hai bệnh nhân bạch hầu sức khỏe đã ổn định Theo BSCK II Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, tình trạng sức khỏe hai trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở địa phương đều ổn định. Trước đó, trong hai ngày 07/7 và 10/7, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát hiện hai trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu là Moong...