3 anh em bị điện giật phải nhập viện cấp cứu lúc dựng nêu Tết
Chiều tối nay (28/1), ông Phan Thành Giáp – Trưởng Công an xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên ( Hà Tĩnh) xác nhận vụ việc nói trên và cho biết vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 14 giờ cùng ngày tại thôn Phú Thượng.
Hiện trường xảy ra sự việc
Thời điểm đó, khi ba anh em họ là Lê Đình Minh (SN 1969), Lê Đình Quân (SN 1967) và Lê Đình Thế (SN 1968), đều trú tại thôn Phú Thượng, xã Cẩm Duệ đang dựng cây nêu (cao khoảng 13m) thì bị dòng điện 35kV từ trên cao phóng xuống, khiến cả 3 bị thương, phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu.
Được biết, trước đó, lúc 18 giờ 30 phút ngày 26/1, tại địa bàn thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, một số người dân khi dựng cột cây nêu đã làm chập điện trên đường dây trung thế, gây ra một tiếng nổ lớn. Vụ việc này không gây thiệt hại về người nhưng làm cả khu vực bị mất điện.
Nguyễn Nam
Video đang HOT
Theo baohatinh
Cách dựng cây nêu ngày Tết theo đúng phong tục cổ truyền
Dựng cây nêu đúng cách trong ngày Tết có tác dụng xua đuổi quỷ dữ và mang lại những điều tốt lành cho gia đình.
Cây nêu thường được dựng trong dịp Tết Nguyên đán với mục đích mong muốn điều tốt đẹp và xua đuổi quỷ dữ. Ảnh minh họa internet.
Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho hay, trước đây, mỗi dịp Tết Nguyên đán, trước mỗi cửa nhà người dân thường dùng tre để làm cây nêu cắm trước nhà. Cắm nêu với ý nghĩa tâm linh là mong muốn những điều tốt đẹp trong năm mới và xua đuổi tà ma, quỷ dữ.
Thế nhưng, hiện nay, rất ít gia đình còn giữ được phong tục này. Một số gia đình còn cắm nêu nhưng cũng không còn đúng với phong tục cắm nêu cổ truyền.
"Người ta cắm nêu giờ chỉ lấy đẹp mà không hiểu hết ý nghĩa tâm linh. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng gì đến tâm linh vì đẹp và tâm linh có tính chất khác nhau", GS Biền chia sẻ.
Theo GS Biền, người Việt xưa coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Cây nêu phải làm bằng tre vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi.
Về cách dựng cây nêu, giáo sư Biền cho biết: "Tre phải là loại tre già, to, thẳng, không được cụt ngọn. Trên ngọn để lại một phần lá tươi hoặc buộc lá dứa vào tượng trưng cho mây trời.
Thân cây có thể được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió... Bên dưới gốc, rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma".
Cây nêu thường được cắm vào ngày 23 tháng Chạp, bởi đó là ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời, không có người quản lý nhà cửa nên quỷ sẽ hoành hành, dữ tợn hơn. Cây nêu có tác dụng xua đuổi quỷ tránh xa vùng đất của con người.
Ngày hạ nêu là ngày mùng 7 tháng Giêng. Trước khi hạ nêu, cần tránh động thổ để cho đất được hội tụ sinh khí, phì nhiêu. Sau khi hạ nêu, con người có thể bước vào lễ hội mới, bước đầu có những hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Sự tích cây nêu
Tục xưa truyền rằng, từ xa xưa, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản "ăn ngọn cho gốc". Quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.
Thương người, Phật mách cho trồng khoai lang. Cuối vụ, người thu hoạch hết phần củ, để lại quỷ phần lá. Quỷ đổi điều khoản sang "ăn gốc cho ngọn". Phật lại mách người quay lại trồng lúa. Người thu hoạch lúa, phần rơm rạ cho quỷ.
Bực tức vì 2 vụ liền không thu được gì, quỷ đổi điều khoản "ăn cả gốc lẫn ngọn". Phật bảo người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây nên cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ, quỷ chẳng thu được gì.
Không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến mua một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy hời, quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sao mở rộng che khắp mặt đất.
Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển. Uất hận, chúng mang quân đánh chiếm lại ruộng đất. Biết quỷ sợ vôi bột, lá dứa, máu chó, Phật bảo người sử dụng những thứ đó để 3 lần đánh bại lũ quỷ.
Bại trận, quỷ khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý. Từ đó trở đi, mỗi địp Tết đến, quỷ lại được về đất liền. Người dân dựng cây nêu trước nhà để ma quỷ không lại gần phần đất của mình.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Chó "điên" xuất hiện cắn hàng chục người, cả khu chợ náo loạn Một con chó "điên" bất ngờ xuất hiện tại chợ trung tâm thương mại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) rồi lao vào cắn khiến hơn 10 người bị thương. Con chó bị xe máy đè chết tại chợ Chiều 22/1, ông Nguyễn Trọng Danh, Trưởng Công an thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xác nhận, trên...