2Dark – Tựa game đáng sợ phá vỡ cả quy tắc thông thường, kể cả trẻ em cũng chẳng được an toàn
Đáng tiếc rằng, ý tưởng thì hay, nhưng tựa game kinh dị 2Dark lại được thực hiện quá cẩu thả và đáng thất vọng
Frédérick Raynal là một trong số những huyền thoại làng game ít người biết đến nhất. Một trong những tác phẩm kinh điển nhất mà ông từng tạo ra chính là Alone in the Dark. Nhiều năm sau, một huyền thoại khác lấy cảm hứng từ tác phẩm của ông: Resident Evil. Về cơ bản, có thể coi Frederick Raynal là cha đẻ của game kinh dị. Và tác phẩm mới nhất của ông cũng đang thu hút sự chú ý của cộng đồng game thủ: 2Dark. Đáng tiếc rằng, nếu tựa game có cách chơi tương đồng với sự kỳ quái và đột phá trong ý tưởng, thì 2Dark đã có được thành công lớn hơn.
Cốt truyện của tựa game có vẻ không phù hợp với bất kỳ ai dưới 18 tuổi: Một anh chàng thám tử với câu chuyện quá khứ khi vợ anh bị sát hại, con cái thì bị bắt cóc. Game bắt đầu với cảnh thám tử Smith đến một thị trấn mang tên Gloomywood để điều tra sự biến mất của vài đứa trẻ. Cốt truyện quá quen thuộc với các fan của game và phim ảnh kinh điển đúng không nào?
Thế nhưng, hình ảnh và diễn biến game lại khác biệt hoàn toàn so với nền đồ họa 8 bit lại còn được nhồi nhét thêm hiệu ứng nhiễu như băng VHS những năm 80. Sử dụng góc nhìn từ trên xuống cũng không khiến cho 2Dark bớt xấu xí so với nhiều game indie khác đang có trên thị trường. Nhiều khả năng chính Raynal muốn hình ảnh xấu xí để tương đồng với nội dung của game.
Tại thị trấn này, thám tử Smith nhận ra những đứa trẻ bị mất tích đã bị cả một nhóm những kẻ điên bắt cóc và nếu anh không nhanh tay, chúng sẽ bị giết hại. Thứ khiến người chơi cảm thấy choáng váng chính là việc chi tiết “trẻ em bị sát hại” không phải được mô tả thông qua những câu hội thoại hay cốt truyện, mà được đem tới cho chúng ta bằng những hình ảnh trong game, đáng sợ và ám ảnh vô cùng.
Đến đây tôi cho rằng, 2Dark đã làm hơi quá đà. Ngay cả những tựa game bạo lực nhất, gây nhiều tranh cãi nhất như Grand Theft Auto cũng còn e dè không dám đưa những chi tiết bạo lực liên quan tới trẻ em vào game, ấy vậy mà tựa game indie này lại liều lĩnh làm điều chưa một tựa game nào dám làm trước đó. Cũng cần nói rằng, 2Dark không đưa những hình ảnh đáng sợ như vậy để khiến tựa game trở nên nổi tiếng giống như mấy cô nàng thích sống ảo. Nhưng tệ một điều là, bản thân gameplay của nó cũng chẳng có chút gì xứng đáng để chúng ta bỏ vài tiếng đồng hồ ra thưởng thức cả.
Rõ ràng 2Dark là một tựa game kinh dị sinh tồn với gameplay tập trung vào hành động bí mật. Gần như toàn bộ bản đồ trong game bị bóng tối bao phủ và bạn sẽ phải dùng đuốc hoặc đèn pin để dò dẫm.
Video đang HOT
Đạn dược thì ít nhưng đối thủ lại cực kỳ trâu máu, và việc trốn trong bóng tối vô tình trở thành lựa chọn hoàn hảo nhất khi bạn chơi game. Thế nhưng bản đồ được thiết kế quá tệ, cộng thêm tốc độ chạy của Smith cũng chậm chạp vô cùng khiến người chơi không ít lần phải load lại màn chơi trong đau khổ. Bạn có thể nghĩ rằng đó là để game khó hơn, nhưng thực sự 2Dark được làm với sự cân bằng vô cùng tệ hại.
Tiếc thay cho một tên tuổi, khi tựa game có những ý tưởng vô cùng táo bạo nhưng lại được thực hiện thiếu sự đầu tư và óc sáng tạo, để tạo ra một game kinh dị vừa khiến người chơi khó chịu, vừa dễ bị cấm tại nhiều quốc gia vì hình ảnh của nó.
Theo GameK
Resident Evil 7 cũng hay, nhưng muốn chơi game kinh dị thật sự thì phải chờ Outlast 2!
Resident Evil 7 là một tựa game hay, nhưng khi nói đến game kinh dị hay, chúng ta phải nói đến Outlast 2
Tôi đến giờ vẫn tin tưởng rằng, Resident Evil 7 là một tựa game thành công. Một trong những tựa game kinh dị đầu tiên ra mắt vào đầu năm 2017 đã có được sức hút cực kỳ mạnh mẽ. Hóa ra, phiên bản mới của dòng game kinh dị đã có tuổi đời lên tới 2 thập kỷ này được những nhà làm game lột xác, đưa nó trở về cội nguồn nơi những phiên bản đầu tiên khiến biết bao thế hệ game thủ phải khiếp hãi với những con zombie gần như bất tử, những hành lang dài tối tăm nơi bạn cố gắng nín thở chờ đợi những thứ kinh hoàng ập đến.
Không còn là những góc phố bẩn thỉu nơi bạn gặp hàng đàn zombie khát máu, không còn là những âm mưu thủ đoạn tầm cỡ toàn cầu của tập đoàn hắc ám Umbrella, cũng chẳng còn những con quái vật khổng lồ mỗi lần đấu trùm khiến bạn toát mồ hôi vì bắn mãi không chết. Những thứ nhàm chán và gây ra khó chịu cho game thủ thực sự đã chẳng còn. Thay vào đó là một Resident Evil kinh hoàng, đáng sợ và ám ảnh với bất kỳ ai có cơ hội thưởng thức.
Những nhân vật mà bạn gặp được trong tựa game, tưởng chừng quen thuộc, là người thân yêu với bạn, mà nói cụ thể hơn chính là cô vợ mà bạn từng đầu gối tay ấp trước khi biến mất một cách bí hiểm mà thậm chí bạn tưởng chừng cô ấy đã vĩnh viễn ra đi hóa ra lại trở thành những con quái vật đúng nghĩa đen. Ai mà tin nổi chỉ vài phút sau khi tìm thấy cô vợ, ả bỗng biến thành một con quái thú khát máu đè ngửa bạn ra lấy cưa máy kéo một đường đứt phăng cẳng tay trái của bạn cơ chứ? Phải nói rằng trong nhiều năm trở lại đây rất ít game có được những hình ảnh gây sốc, ấn tượng mạnh mẽ tới game thủ như vậy.
Tuy nhiên, sau khi chơi xong game, mà phải chơi đi chơi lại vài lần, chinh phục những độ khó mới hơn và chiến thử những bản DLC cực kỳ độc đáo mà các nhà làm game tại Capcom đem lại cho game thủ, tôi mới bất chợt nhận ra, dù có kinh hoàng, ghê sợ đến mức nào đi chăng nữa, thì nó vẫn là một phiên bản Resident Evil. Bạn vẫn có vũ khí, nhiều lựa chọn vũ khí khác nhau là đằng khác, để hạ gục những con quái vật vốn từng là con người, những đồng loại của chúng ta nhưng bị thứ vũ khí sinh học của Umbrella Corp tác động lên cơ thể.
Bạn có súng lục, súng máy, tiểu liên, phóng lựu, thậm chí là có thể tự craft ra những thứ vũ khí và biệt dược riêng để có thể chống chọi lại những con quái vật ghê rợn trong mỗi màn chơi. Nói cách khác, dù bạn là "dân thường", nhưng trong game bạn vẫn giống một siêu nhân đúng nghĩa đen, cứ lấy chai nước rót lên người là mọi vết thương sẽ được trôi sạch, bạn lại khỏe như trâu, nhìn thấy zombie ở đâu là nổ súng ở đó. Nói cách khác, dù bầu không khí và phong cách chơi có khác biệt, nhưng về xương sống, về cơ bản, nó vẫn cứ là một trò chơi mang đậm phong cách Resident Evil: Sinh tồn là trên hết.
Nhưng giờ đây game kinh dị đã được phát triển lên một tầm cao hoàn toàn mới. Như chúng tôi đã từng phân tích trong các bài viết trước đây, game kinh dị đã phát triển trở thành một genre, một thể loại độc lập.
"Thời gian gần đây một thể loại game kinh dị mới đã xuất hiện, đó là "mô phỏng kinh dị". Thứ khiến cho nó mới mẻ và đặc biệt chính là không có gameplay tiêu chuẩn định hình thể loại game. Thay vào đó, bản thân những chi tiết kinh dị mới là thứ tạo ra chất kích thích thôi thúc game thủ thưởng thức tựa game. Trước đây, những game kinh dị đều được dựa trên nền một thể loại khác, ví dụ bắn súng hay nhập vai. Thế nhưng giờ đây, game kinh dị chất lượng đều là những cái tên thuần kinh dị, từ đó hoàn thiện hơn trải nghiệm kinh hoàng của game thủ."
Hiểu một cách đơn giản, ngày xưa kinh dị chỉ là một chi tiết được đưa vào các thể loại game đã có sẵn thì bây giờ game kinh dị chỉ có đúng hai mục tiêu đơn giản nhất, đó là kể ra câu chuyện mà nhà làm game lồng ghép vào trò chơi, và hai là... làm cho bạn sợ đến chết khiếp thì thôi. Ngoài ra, khó có thể đặt chúng vào một thể loại game nào đó có sẵn. Chúng ta chỉ có thể gọi chúng là... game kinh dị mà thôi.
Và khi nói đến game kinh dị "thật sự", chúng ta sẽ phải nói đến Outlast.
Điều gì khiến người chơi cảm thấy ghê sợ nhất trong thể loại game kinh dị? Những con quái vật dị dạng, sự thiếu thốn về vũ khí phòng thân hay cảm giác bất lực và buộc phải chạy trốn? Outlast - Tựa game kinh dị indie do hãng Red Barrels phát triển đã mang lại tất cả những yếu tố đó. Theo nhiều game thủ đã từng được trải nghiệm tựa game kinh hoàng này đều có chung một kết luận: Với chiếc máy quay và góc nhìn người thứ nhất, những bước chân của nhân vật chính trong game trở nên nặng nề và đáng sợ hơn tất thảy những tác phẩm game kinh dị khác cùng thời điểm ra mắt.
Trong Outlast, người chơi vào vai nhà báo Miles Upshur, người cố gắng thâm nhập vào nhà thương điên Mount Massive để tìm hiểu vì sao nó lại mở cửa trở lại bởi một tập đoàn bí ẩn sau nhiều năm bị niêm phong. Trò chơi thiết kế theo góc nhin người thứ nhất và Miles chỉ được trang bị một chiếc camera để nhìn được trong bóng tối, tất nhiên nó cũng không thể sử dụng vĩnh viễn mà cần phải có pin - vật dụng đặt rải rác trong các căn phòng tối tăm của Outlast.
Chính gameplay rất sát với bản năng con người đã khiến Outlast trở thành một cơn ác mộng không phải ai cũng dám trải nghiệm. Bạn, tay không tấc sắt bước vào cuộc điều tra có thể sẽ chấm dứt chính mạng sống của nhân vật trong game, và món vật phẩm duy nhất bạn có là... chiếc máy quay.
Phần 2 của Outlast, dự kiến ra mắt vào tháng 04 tới, sẽ tiếp tục đưa cơn ác mộng của người chơi lên một tầm mới, với đồ họa ấn tượng hơn, và gameplay cũng ám ảnh hơn gấp bội. Tin tôi đi, bạn hoàn toàn có thể lên mạng, vào YouTube xem thử gameplay demo Outlast 2, bạn sẽ thấy đáng sợ hơn gấp bội phần so với Resident Evil 7. Trong khi tựa game của Capcom biến bạn thành một chiến binh cố gắng sống sót giữa một chiến trường ghê rợn, thì Outlast bắt bạn sống sót bằng những bản năng gốc vốn có trong mỗi con người.
Đó là lúc, chúng ta coi Resident Evil 7 là một tựa game hay, nhưng trên tất cả, khi nói đến một game kinh dị hay, chúng ta phải nói đến Outlast!
Theo GameK
11 yếu tố rập khuôn trong game kinh dị đã khiến fan ngán ngẩm (P2) Vẫn biết game là thế giới ảo, nhưng phải công nhận rằng có những chi tiết "hư cấu" đến lạ lùng khiến người chơi phải phì cười. Ăn một miếng thịt sống giữa trận chiến để hồi phục sinh lực hoàn toàn ư? Bình thường thôi, nhưng thứ mà người chơi khó chấp nhận nhất về độ "ảo" trong game kinh dị chắc...