29.000 chữ ký của người dân đề nghị chống xâm hại tình dục trẻ em
Ngày 17.3, 24 tổ chức xã hội đã thu thập 29.000 chữ ký của người dân để cùng nhau ký tên kiến nghị Thủ tướng và Chủ tịch Quốc về nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Kiến nghị viết: “Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1544 vụ vào năm 2014. Như vậy, nếu trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, thì cứ 8 giờ trôi qua lại có ít nhất một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Nạn nhân thường bị đe dọa để không dám tố cáo thậm chí bị giết chết để bịt đầu mối.
Theo một nghiên cứu tổng hợp gần đây của chúng tôi từ 322 vụ xâm hại tình dục được đưa tin trên báo trong 5 năm từ 2011 – 2016 , có tới 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, thậm chí có bé chỉ mới 2 tuổi. 60% nạn nhân ở độ tuổi 11-25. Số trường hợp bị bạo lực kép (nạn nhân vừa bị cưỡng hiếp, bị cướp tài sản vừa bị hành hụng thậm chí bị giết chết) chiếm 32%. Số vụ hãm hiếp tập thể với phần lớn do 3-5 thủ phạm chiếm 13,5%.
Qua phản ánh của báo chí và nghiên cứu thực tế của chúng tôi cho thấy, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, dù có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự lại được xử lý theo cách “hòa giải”. Các bộ luật liên quan còn có những khoảng trống khiến cho các công cụ pháp lý kém hiệu lực, có nguy cơ bỏ sót tội phạm.
Thư kiến nghị
Điển hình là vụ 9 cháu bé ở Vũng Tàu bị một người đàn ông cao tuổi xâm hại kéo dài hơn 1 năm mà thủ phạm vẫn nhởn nhơ…. Hay vụ cháu bé 3 tuổi ở Ba Vì và vụ cháu bé 8 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị xâm hại cuối năm 2015. Gia đình hai cháu đều đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.
Ngay sau Tết Đinh Dậu, một cháu bé 13 tuổi đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý dù gia đình đã báo cáo. Cách đây không lâu vụ cháu bé 8 tuổi ở Hoàng Mai bị xâm hại nhiều lần bởi người đàn ông 34 tuổi. Gia đình đã tố cáo nhiều lần nhưng kẻ ác vẫn không bị xử lý. Gần đây nhất là vụ cháu bé 7 tuổi ở Thủ Đức (Tp HCM) bị kẻ xấu xâm hại ở trường dẫn đến tổn thương, gia đình tố cáo vụ việc lên các cơ quan chức năng nhưng kẻ xấu vẫn không bị vạch mặt mà còn được che giấu…
Kiến nghị cũng bày tỏ sự vui mừng vì những dấu hiệu tích cực khi Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã chỉ đạo cho Viện KSND Vũng Tàu và cơ quan điều tra ran gay quyết định khởi tố bị can đối với thủ phạm dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu, đồng thời yêu cầu các tỉnh rà soát lại các vụ án về xâm hại tình dục trên toàn quốc. Cùng đó, vụ án trẻ 8 tuổi bị xâm hại tình dục ở Hoàng Mai cũng đã bắt giam thủ phạm…
Video đang HOT
Cần có các giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em
Theo các nhà xã hội, một số lý do khiến các vụ xâm hại còn chậm chễ và ít được tố cáo là do:
Quy trình tố tụng ở một số nơi có nhiều kẽ hở và thiếu nhạy cảm, gây nên tổn thương và thiệt thòi cho nạn nhân và gia đình. Không ít cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho nạn nhân là thiếu hiểu biết hoặc hành xử không đúng mực.
Sự chậm chễ giải quyết, thậm chí thái độ tắc trách, làm ngơ trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở một số địa phương càng khiến cho nạn nhân và gia đình của họ mất lòng tin vào công lý và chịu tổn hại nặng nề hơn, đồng thời gây ra sự bức xúc cao trong dư luận xã hội.
Từ ngày 13.3 đến 17.3, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với Bạo lực giới GBVNet đã tổ chức lấy chữ ký của người dân thông qua mạng xã hội bày tỏ sự ủng hộ phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Trong chưa đầy 4 ngày ngày đã lấy được 29.000 chữ ký.
Tuy nhiên, để tăng cường ngăn chặn sớm các vụ xâm hại tình dục trẻ em, 24 tổ chức xã hội, đã kiến nghị các giải pháp: 1.Quốc hội và các cơ quan pháp luật rà soát hệ thống pháp luật, chính sách liên quan nhằm tăng cường quyền lực cho công cụ pháp lý bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, đặc biệt là trẻ em. 2. Quốc hội và các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật để đảm bảo tất cả các vụ xâm hại tình dục trẻ em phải được đưa ra ánh sáng và giải quyết thấu đáo. Đồng thời chấm dứt cách xử lý theo kiểu hòa giải đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em. 3. Các cơ quan chức năng được tăng cường năng lực để vào cuộc nhanh chóng, giải quyết kịp thời và hiệu quả ác vụ xâm hại tình dục… 4. Các cơ quan có chức năng giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em như Bộ GD ĐT, Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế cần nhanh chóng xây dựng mới hoặc cập nhật nội dung giáo dục giới tính, tình dục và kỹ năng sống cho trẻ em trong và ngoài trường học để các em có kiến thức tự bảo vệ mình… 5. Các cơ quan liên quan cũng cần phối hợp với các đoàn thể xã hội tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, tinh thần và xã hội cho nạn nhân và gia đình để họ vượt qua cú sốc tâm lý… 6. Bộ tư pháp và cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến giáo dục các quy định của pháp luật liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, quy trình tố tụng điều tra trường hợp xâm hại tình dục và cơ quan có trách nhiệm tham gia điều tra và hỗ trợ 7.Thiết lập số điện thoại đường dân nóng quốc gia báo cáo trường hợp xâm hại tình dục trẻ em…
Theo Danviet
Xâm hại tình dục trẻ em: "Yêu râu xanh" núp bóng người thân quen
Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó nhiều vụ kéo dài, không được giải quyết dứt điểm khiến không chỉ nạn nhân và gia đình mà cả dư luận hết sức bức xúc.
Trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ở nhiều địa phương chậm được xử lý gây nên bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Gần đây nhất là việc gia đình chị Nguyễn Thị L (ở Hoàng Mai, Hà Nội) tố cáo con gái chị bị một người đàn ông xâm hại.
Ngày 13.3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc này. Trước đó, Chủ tịch nước đã yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND Tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp, điều tra sớm làm rõ và có kết luận về vụ dâm ô trẻ em tại TP.Vũng Tàu.
Thủ phạm là người rất bình thường, quen biết
Nói về các vụ xâm hại tình dục trẻ em, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội (ISDS) cho biết: "Tôi cay đắng, thậm chí phát khóc khi nói về những vụ việc này". TS Hồng cho biết, nhiều người thường cho rằng kẻ XHTD trẻ em là những kẻ không bình thường, biến thái, mắc bệnh (tâm thần) mới có những hành vi khốn nạn đó. Nhưng thực tế hầu hết những "yêu râu xanh" đó hoàn toàn bình thường về mặt trí tuệ, sức khoẻ tâm thần. Đó có thể là công chức, cán bộ, thậm chí có chức vụ cao, là trí thức, là doanh nhân. Khi bị phát hiện, nhiều người còn nhận xét về kẻ xâm hại là "người tốt", "hiền lành", "đứng đắn", "hay giúp đỡ người khác". Nhưng tại sao những kẻ đó lại đang tâm hãm hại các cháu bé, thậm chí cả con đẻ, cháu ruột, hay học trò của mình...?
"Nếu chúng là người tốt, hiền lành, các cháu bé đáng thương của chúng ta có lỗi hay sao? Có phải các cháu có lỗi vì dễ thương quá, xinh xắn quá, ngây thơ quá và bất lực quá?" - TS Hồng phẫn nộ.
Bà Hồng chia sẻ, gần đây, bà đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về vấn nạn này. Vì không thể tiếp cận được các số liệu của các cơ quan chức năng và cũng vì nguồn số liệu đó khá sơ sài nên bà đã tổng hợp các vụ XHTD phụ nữ và trẻ em được đưa tin trên báo điện tử trong vòng 5 năm (từ 2011-2016). Phân tích sơ bộ ban đầu cho thấy trong số 322 trường hợp bạo lực tình dục được đưa tin, có tới 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, thậm chí có những bé chỉ mới 2 tuổi; 60% nạn nhân ở độ tuổi 11-25. Một số trường hợp bị bạo lực kép: Nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, hành hung và thậm chí bị giết chết, chiếm 32%. Số vụ hãm hiếp tập thể với phần lớn là do 3 đến 5 thủ phạm chiếm 13,5%.
"Trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ hay không đi ra khỏi nhà vào đêm tối, phân tích của chúng tôi cho thấy 73% số thủ phạm XHTD là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng. Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Ngoài ra, phần lớn các vụ XHTD cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân" - TS Hồng cho biết.
Theo TS Hồng, XHTD để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ thể chất, tinh thần và cả tài chính cho nạn nhân. Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Thậm chí, không ít người đã tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị XHTD.
Không thể thờ ơ
Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam năm 2015, có tới 87% số phụ nữ từ 2 TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% số người chứng kiến đã không có hành động gì. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam cũng trong năm 2015, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.
Bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP) cho rằng, nếu chúng ta không lên tiếng thì các vụ XHTD sẽ tiếp tục "leo thang" càng ngày càng nghiêm trọng. Khi kẻ xâm hại không bị trừng trị sẽ có thêm nhiều kẻ xâm hại khác phạm tội. Và trẻ em, phụ nữ sẽ thành các "con mồi" của chúng mà không nhận được sự bảo vệ.
"Chỉ chưa đến một ngày sau khi báo chí đưa về vụ việc cháu bé 8 tuổi nghi bị xâm hại ở Thủ Đức, các báo lại đồng loạt đưa tin Phòng Giáo dục Thủ Đức có công văn nói rằng không có việc cháu bé bị xâm hại. Cháu bị chảy máu vùng kín là do tự ngã. Tôi thật sự phẫn uất khi đọc những thông tin này. Cũng nhân lời khẳng định của nhà trường và Phòng Giáo dục Thủ Đức về việc không có người lạ vào trường, tôi muốn nhắc lại rằng 90% số trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục do người quen, trong đó gần 50% là người trong gia đình, họ hàng. Do vậy, đừng vội loại trừ người có thể xâm hại các em không phải người "lạ". Vì thế, chừng nào vụ việc này chưa được làm rõ, các trẻ em khác vẫn có thể có nguy cơ" - bà Hoàng Anh cho biết.
Theo bà Hoàng Anh, gần đây đã có trường hợp em bé 13 tuổi ở Cà Mau quyên sinh sau khi bị XHTD và vụ việc của em cũng không được lắng nghe, được giải quyết. "Trong các phản hồi trên facebook, tôi thấy một bà mẹ thậm chí đã miêu tả nỗi đau như thế này "nếu con gái tôi bị lạm dụng, có thể tôi sẽ phải giúp nó chết để nó không bị dằn vặt trong nỗi đau cả đời". Đây là một ứng xử tiêu cực, nhưng để nói là nỗi đau do XHTD trẻ em là kinh khủng. Ngay cả việc kẻ thủ ác bị đưa ra ánh sáng, bị phạt tù, nỗi đau với trẻ em và gia đình của họ cũng khó mà giảm đi nhưng ít nhất để họ còn có niềm tin, tin vào một xã hội liêm chính và công bằng" - bà Hoàng Anh nói.
Theo bà Khuất Thu Hồng, một số vụ XHTD trẻ em đã gặp phải sự vào cuộc chậm trễ của cơ quan thực thi pháp luật và thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền. Một số vụ khác lại được giải quyết theo cách "hoà giải" và đền tiền ngay cả khi vụ việc đã có dấu hiệu hình sự, tội phạm nhận tội. Ngoài ra, quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm thậm chí còn khiến nhiều nạn nhân dường như bị bạo lực và lạm dụng thêm nhiều lần nữa.
"Nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì nhận ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng ngừa và thực thi luật pháp lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực. Thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý XHTD lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình" - TS Hồng phân tích. Theo TS Hồng, nếu những vấn đề này không được giải quyết thì XHTD đối với trẻ em và phụ nữ sẽ còn tiếp tục gia tăng, với diễn biến ngày càng phức tạp.
Trước các vụ XHTD trẻ em liên tục mà không được giải quyết dứt điểm, 15 tổ chức trong Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) đã ra "tâm thư" kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn này.
Theo Danviet
Xâm hại tình dục: "Tại sao những kẻ đồi bại vẫn nhởn nhơ?" Đó là thắc mắc của TS.Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội sau một số vụ xâm hại tình dục trẻ em gây chấn động dư luận nhưng vẫn rơi vào im lặng. Trong thời gian qua, có rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em bị gia đình tố cáo nhưng thủ phạm vẫn nhởn nhơ...