28 triệu ca phẫu thuật bị hoãn vì Covid-19
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Birmingham, Anh, khảo sát 359 bệnh viện ở 71 nước, ghi nhận 28 triệu ca phẫu thuật đã bị hoãn do Covid-19.
Ảnh minh họa
Theo kết quả khảo sát công bố trên tạp chí British Journal of Surgery hôm 12/5, 28,4 triệu ca mổ chưa khẩn cấp phải hủy hoặc hoãn trong thời gian 12 tuần, chiếm 72,3% các ca phẫu thuật, để tập trung chống Covid-19. Trong đó, 6,3 triệu ca phẫu thuật chỉnh hình và 2,3 triệu ca phẫu thuật ung thư. Cứ thêm một tuần giãn cách xã hội, thế giới thêm 2,4 triệu ca phẫu thuật bị ảnh hưởng.
Trong thời gian đỉnh dịch, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo các bệnh viện nên hủy phần lớn các ca mổ không thiết yếu trong vòng 12 tuần. Sau đó, các trung tâm y tế sẽ phục hồi khoảng 20% công suất so với trước đại dịch. Mục đích để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho bệnh nhân khác. Ngoài ra, các phòng mổ cũng được chuyển thành Khu chăm sóc Tích cực.
Anh phải hủy 516.000 ca phẫu thuật, bao gồm 36.000 ca ung thư, thiệt hại hai triệu bảng. Nước này cứ thêm một tuần giãn cách sẽ có hơn 43.000 ca phẫu thuật bị hủy. Dự kiến sau này nước Anh mất khoảng 11 tháng để giải quyết tất cả ca phẫu thuật còn tồn đọng.
Video đang HOT
“Đây là việc làm cần thiết nhưng sẽ tạo gánh nặng lớn cho bệnh nhân và xã hội”, tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Aneel Bhangu, giảng viên cao cấp tại Đại học Birmingham, nói. “Tình trạng bệnh nhân có thể xấu đi, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống khi phải chờ đợi được mổ. Trong một số trường hợp như ung thư, trì hoãn mổ có thể dẫn tới bệnh nhân tử vong”.
Bác sĩ Dmitri Nepogodiev, thành viên đội khảo sát, cảnh báo: “Các bệnh viện cần thường xuyên đánh giá tình hình để có thể tiến hành lại các ca mổ sớm nhất có thể”.
Các bệnh viện tại Việt Nam trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng tiến hành nhiều biện pháp để giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Cụ thể, thiết lập đường dây nóng tư vấn bệnh từ xa; phát thuốc sử dụng từ một đến hai tháng để hạn chế việc đi lại, nhất là người bệnh cao tuổi, có bệnh lý nguy hiểm; cử bác sĩ đến nhà khám chữa bệnh hoặc trao đổi qua điện thoại với bệnh nhân trên 60 tuổi.
Một số bệnh viện lớn hoãn nhiều ca mổ theo lịch, không cần phẫu thuật gấp. Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội không tiếp nhận người đến khám… Hiện, các bệnh viện đã hoạt động trở lại bình thường.
Tranh thủ phẫu thuật thẩm mỹ giữa dịch Covid-19
Nhiều bệnh nhân coi đại dịch là "thời điểm vàng" để phẫu thuật thẩm mỹ vì biết rằng họ có thể đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi.
Dịch Covid-19 quét qua, các trường học tại Nhật Bản đóng cửa hàng loạt, người dân phải làm việc từ xa do lệnh giãn cách xã hội, chính phủ nước này cũng gia hạn tình trạng khẩn cấp của toàn quốc đến cuối tháng 5, áp dụng với toàn bộ 47 tỉnh thành.
Tuy nhiên một số người cho rằng đây là cơ hội tốt để làm điều họ luôn mong muốn: phẫu thuật thẩm mỹ. Mặc cho các chuyên gia từng khuyến cáo "hạn chế các phương pháp điều trị không cần thiết", tránh tình trạng lây nhiễm chéo và tiết kiệm nguồn lực y tế, số ca phẫu thuật ở nước này gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây.
"Có rất nhiều người muốn cắt mí hoặc nâng mặt. Một số bậc phụ huynh đi cùng con cái của mình để phẫu thuật mắt hai mí", y tá tại một viện thẩm mỹ cho biết. Các phòng khám cũng được đặt lịch nhiều hơn từ cuối tháng 1, khi trường học và công ty tạm thời đóng cửa.
Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại đối với xu hướng này. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc phải vật lộn với tình trạng thiếu vật tư y tế bao gồm băng gạc hoặc thuốc khử trùng.
Một bệnh nhân được phẫu thuật cắt mí tại Nhật Bản. Ảnh: Handout
Trong các ca phẫu thuật thẩm mỹ, y tá đã giảm số lượng gạc từ 10 xuống còn hai hoặc 5 chiếc. Đôi khi họ phải cắt đôi miếng gạc do tình trạng khan hiếm.
"Tôi không thể nói rằng đây là điều kiện lý tưởng (nếu xét đến vấn đề vệ sinh)", một y tá cho biết. Cô đã phải nghỉ việc tại phòng khám ở Tokyo hồi cuối tháng 4 do lo ngại có thể lây nhiễm chéo Covid-19, cũng như mất lòng tin vào quản lý của mình.
Theo nữ y tá giấu tên, dù trang web của cơ sở thẩm mỹ cam kết đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, hứa hẹn khử trùng thường xuyên các phòng bệnh, việc này không được tiến hành trong thời gian gần đây do thiếu dung dịch diệt khuẩn. Nhân viên y tế cũng bị cắt giảm 10.000 yên thu nhập nếu nghỉ phép. Điều này gây khó dễ cho những người bị sốt và buộc phải ở nhà.
Nữ y tá cho biết phòng bệnh tạm đóng cửa sau khi một nhân viên được chẩn đoán dương tính nCoV, song đã mở cửa trở lại chỉ trong vài ngày mà không hề thông báo cho khách hàng thông tin trên.
"Tôi cảm thấy xấu hổ khi phải làm việc ở một nơi có thể phát tán virus. Đáng ra họ phải dừng hoạt động lâu hơn", cô nói.
Để giải quyết vấn đề này, trang web chính thức, Hiệp hội Thẩm mỹ Nhật bản (JAAM) và Hội Y dược Thẩm Mỹ (JSAPS) đã nhấn mạnh đây là "thủ thuật không cấp thiết" trong đại dịch.
"Các y bác sĩ đáng lẽ cần nỗ lực tiết kiệm nguồn cung y tế cũng như ngăn chặn sự lây lan của virus. Xin hãy tạm hoãn các ca phẫu thuật", ông Hiroyuki Ojimi, giám đốc JSAPS, nói.
Bệnh nhân Covid-19 thoát chết nhờ ghép phổi ở Trung Quốc Các bác sĩ Vũ Hán đã ghép phổi cho một bệnh nhân 65 tuổi sau khi virus nCoV tàn phá các cơ quan trong cơ thể của ông. Ông Cui An bắt đầu sốt cao vào ngày 23/1, có kết quả dương tính nCoV đầu tháng 2. Bệnh nhân phải sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo) trong suốt 2 tháng khi điều...