28 ngày lật tung “thung lũng tử thần” tìm máy bay rơi ở Khánh Hòa
Ngay khi chiếc Mi-8 biến mất khỏi màn hình rađa, gần trăm lượt trực thăng, hàng ngàn chiến sĩ, người dân được huy động tìm kiếm trong “thung lũng tử thần”. Gần một tháng lật tung rừng núi, khi đã tưởng như vô vọng thì anh hùng Bo bo Tới báo tìm thấy xác Mi-8.
Dù sự việc xảy ra cách đây hơn 20 năm (cuối năm 1992) nhưng hành trình tìm kiếm máy bay trực thăng Mi-8 của C17, B70, Quân chủng Không quân lúc đó trong thung lũng Ô Kha – “thung lũng tử thần” ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa vẫn in đậm trong tâm trí Đại tá Nguyễn Văn Tuấn (nguyên cán bộ của Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng).
Lật từng góc núi
Sau 7 ngày mất tích, cuối cùng chiếc máy bay Yak-40 chở 31 người được tìm thấy trong “thung lũng tử thần”. Trên đường lên tiếp tế lương thực, thuốc men… cho đội cứu nạn máy bay Yak-40, trực thăng Mi-8 cũng không may gặp nạn. “Khoảng 16h chiều ngày 22/11/1992, chúng tôi nhận được thông tin Mi-8 mất liên lạc. Ngay lập tức Quân chủng Không quân huy động lực lượng từ Hà Nội, Sài Gòn vào Khánh Hòa tìm kiếm máy bay mất tích”, Đại tá Tuấn cho biết.
Đại tá Tuấn nhớ lại hành trình tìm Mi-8 mất tích hơn 20 năm trước
Ngay chiều ngày 22/11, lực lượng ở Hà Nội sang sân bay Gia Lâm đáp máy bay thẳng vào Khánh Hòa rồi đi ô tô xuống đóng trụ sở chỉ huy tìm kiếm Mi-8 trong một nhà thờ ở Cam Ranh. Đại tá Tuấn cho biết, lúc đó nhiều máy bay trực thăng của đơn vị được huy động đi tìm kiếm Mi-8. Mọi lực lượng của Quân chủng Không quân và bộ đội các đơn vị bạn được giao nhiệm vụ… tới mọi ngóc ngách trong rừng tìm máy bay mất tích.
“Chúng tôi chia thành từng nhóm mang theo cá khô, gạo đủ ăn cho 5 ngày, đêm đi tìm kiếm máy bay mất tích trong thung lũng Ô Kha. Do từ Hà Nội vào Khánh Hòa gấp không chuẩn bị đủ tư trang nên băng rừng, vượt suối bị vắt cắn đầy người. Đêm xuống không có võng, tăng, chúng tôi lấy lá, cành cây thảm xuống vệ suối để làm chỗ ngủ…”, Đại tá Tuấn nhớ lại.
Sau nhiều ngày máy bay trực thăng và bộ đội tìm kiếm nhưng không thấy dấu hiệu của Mi-8, Quân chủng Không quân đã công bố thông tin rộng rãi để huy động nhân dân vào cuộc. Theo đó, người nào tìm thấy máy bay mất tích sẽ được thưởng. Dù vậy, cuộc tìm kiếm máy bay mất tích vẫn tiếp tục trong vô vọng.
“Gần một tháng hết đoàn này đến đoàn khác vào thung lũng tìm kiếm, dấu vết máy bay mất tích vẫn chưa được tìm ra. Trong rừng sâu, cây cối um tùm ít người qua lại nên chúng tôi cũng không thể hỏi thăm được ai”, Đại tá Tuấn cho hay.
Mi-8 bị cháy hỏng hoàn toàn
Trong khi mọi nỗ lực tìm kiếm tưởng như vô vọng thì đến ngày thứ 28, Anh hùng lực lượng vũ trang Bo Bo Tới cùng ba người dân địa phương về báo tin tìm thấy máy bay gặp nạn. Mi-8 rơi cách tọa độ mất tích trên màn hình ra đa và chiếc Yak-40 chỉ vài kilômet. Theo Đại tá Tuấn có lẽ do rừng già và người dân đốt rẫy nên lực lượng tìm kiếm cả trên không lẫn dưới đất mất nhiều thời gian mới phát hiện được máy bay gặp nạn.
Video đang HOT
Xác định được vị trí trực thăng bị rơi, lực lượng của Quân chủng Không quân và người dân địa phương xuất phát từ sáng sớm nhưng phải đến chiều mới tiếp cận được hiện trường. “Đâm vào núi nên chiếc trực thăng bị cháy hỏng hoàn toàn. 7 anh em trên máy bay hi sinh hết, đồ đạc, thuốc men chở lên cứu hộ chiệc Yak-40 cũng văng ra xung quanh”, Đại tá Tuấn kể lại.
Với tay không, Đại tá Tuấn cùng một số đồng đội chu đáo nhặt xác nạn nhân và nhờ đồng bào bản địa cùng bộ đội chuyển ra bên ngoài. Những thành viên ngồi trên máy bay trực thăng gặp nạn ngày đó có cả người ba miền Bắc – Trung – Nam, được lãnh đạo Quân chủng Phòng không đưa về với gia đình. Còn lực lượng đi tìm kiếm máy bay trực thăng gặp nạn lúc đó, do băng rừng tìm kiếm lâu ngày nên hầu như ai cũng bị sốt rét.
Theo Đại tá Tuấn hoạt động bay dù rất khắt khe nhưng cũng không tránh khỏi những vụ mất an toàn vì nhiều lý do khách quan như thời tiết xấu hoặc chim bay vào động cơ… Còn khi xảy ra tai nạn, để tìm kiếm may bay được nhanh nhất thì thông tin ban đầu (vị trí máy bay mất liên lạc) phải cực kỳ chính xác.
Quang Phong
Theo Dantri
Ngày định mệnh của chiếc trực thăng cứu hộ máy bay Yak-40 rơi
Xác trực thăng Mi-8 đã bị cháy rụi hoàn toàn và nằm dưới thung lũng. Vị trí chiếc Mi-8 bị rơi cách vị trí của chiếc Yak-40 khoảng 5km (về phía Đông) và 7 người ngồi trên trực thăng không một ai sống sót...
Trong câu chuyện máy bay rơi ở Khánh Hòa hơn 20 năm trước, PV Dân trígặp thêm nhiều nhân chứng ở huyện miền núi Khánh Sơn và dường như ký ức thảm nạn hàng không ngày ấy với họ chưa thể xóa nhòa.
Trong khi việc tìm kiếm cứu nạn chiếc Yak-40 chở 31 người bị rơi dưới thung lũng đang gặp nhiều khó khăn thì ít ngày sau chiếc trực thăng Mi-8 của quân đội chở theo 7 người đi cứu hộ lại tiếp tục rơi ở gần đó. Vụ việc hết sức đau lòng này đã khiến nhiều người ám ảnh gần như suốt đời bởi số người tử nạn quá nhiều...
Ông Cao Văn Nhiến, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn kể lại vụ máy bay rơi từ 22 năm trước
Bò, lết khi đưa nạn nhân xuống
Ông Cao Văn Nhiến, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn nhớ lại: Lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy xác của chiếc máy bay Yak-40 sau 7 ngày rơi xuống thung lũng. Trong chuyến bay này, chỉ duy nhất cô gái người Hà Lan sống sót một cách kỳ diệu khi bên cạnh cô là 30 thi thể nằm trong xác máy bay và quanh vị trí cô nằm.
Cô gái lập tức được sơ cứu, băng bó tại chỗ và được cáng ra khỏi cánh rừng để tới bệnh viện huyện cấp cứu. "Toàn thân cô gái cứng ngắc, da dẻ nhợt nhạt và dường như chỉ còn mỗi hơi thở. Cô gái phải chịu đói, chịu khát và cảm lạnh nhiều ngày liền sau khi máy bay rơi xuống thung lũng", nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn hồi tưởng.
Sau khi cơ quan chức năng kết thúc khám nghiệm tử thi, ngoài lực lượng vũ trang thì hàng trăm dân công được huy động để đưa 30 thi thể xấu số rời thung lũng. Những người tham gia mang vác xác nạn nhân khi đó đã sử dụng võng cáng... để vận chuyển.
Dưới cơn mưa rả rích, lực lượng cứu nạn vừa băng rừng vừa mở đường và họ phải mất đến 6 giờ đồng hồ mới ra đến nơi gần nhất là trung tâm xã Sơn Trung. Nhớ lại thời điểm đó, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn ông Cao Văn Nhiến vẫn chưa hết rùng mình: "Đi lên thì đỡ hơn vì mình vào bám cây, còn đi xuống thì dốc đá rất đứng mà trên vai lại khiêng nạn nhân nên chủ yếu là bò và lết".
Trực thăng chở 7 người đi cứu hộ lại... bị rơi
Sau khi lực lượng tìm kiếm tiếp cận hiện trường xác máy bay Yak-40 chưa lâu thì ngày 22/11/1992 chiếc trực thăng Mi-8 của quân đội chở theo 7 người xuất phát từ sân bay Nha Trang mang nhu yếu phẩm, thuốc men, tiền bạc và bác sỹ bay lên Khánh Sơn tiếp tế, bất ngờ rơi gần thung lũng Ô Kha, nơi chiếc Yak-40 gặp nạn.
Ông Nhiến kể, trước lúc bị rơi và cháy rụi hoàn toàn ở gần thung lũng Ô Kha, chiếc trực thăng Mi-8 từng chở ông và bộ phận hàng không dân dụng thị sát quanh thung lũng Ô Kha vào ngày thứ 2 và thứ 3 sau khi chiếc Yak-40 mất tích. "Chúng tôi ngồi trên chiếc Mi-8 thị sát 4 lần và Mi-8 từng bay vòng quanh núi Ô Kha nhưng không dám bay vào giữa thung lũng, thế mà cũng bị kéo xuống 300 đến 400m như muốn rơi", nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn nói.
Ông Nguyễn Thành Chung, nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Chung, nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn nhớ lại: "Ngày hôm đó, sau khi trực thăng rời sân bay Nha Trang và bộ phận ở dưới đó điện lên hỏi chúng tôi: Chiếc trực thăng đã lên đến Khánh Sơn chưa?. Sau khoảng 15 phút vẫn không thấy trực thăng lên tiếp tế, chúng tôi thông báo về Nha Trang và dưới đó khẳng định là trực thăng có bay qua Cam Ranh, lên đỉnh dốc Khánh Sơn. Khi đó chúng tôi linh cảm chiếc trực thăng đã có chuyện".
Theo ông Chung, sau đó rất đông người dân và bộ đội "đổ" vào rừng tìm kiếm 3 ngày nhưng không thấy. Lực lượng tìm kiếm xác định chiếc trực thăng đã rơi đâu đó ở vùng núi Khánh Sơn và công tác tìm kiếm buộc phải dừng lại để tập trung cứu hộ chiếc Yak-40.
Ít nhất nửa tháng sau, chiếc trực thăng Mi-8 đã được Anh hùng LLVT thời kỳ chống Mỹ - Bo Bo Tới (xã Sơn Trung, Khánh Sơn) cùng với ba người dân địa phương tìm thấy sau nhiều ngày băng rừng, lội suối...
Ông Mấu Quốc Điện (xã Sơn Trung), một trong ba người đi tìm chiếc trực thăng Mi-8 với Anh hùng LLVT Bo Bo Tới.
Xác trực thăng cháy rụi dưới "thung lũng tử thần"
Khi người dân tiếp cận hiện trường thì xác trực thăng Mi-8 đã bị cháy rụi hoàn toàn và nằm dưới thung lũng. Người dân cho biết vị trí chiếc Mi-8 bị rơi cách vị trí của chiếc Yak-40 khoảng 5km (về phía Đông) và 7 người ngồi trên trực thăng không một ai sống sót.
"Sau này tôi có nghe kể rằng, chiếc trực thăng đã va vào núi đá khi đang trên đường gần đến Khánh Sơn để hạ cánh xuống sân bay dã chiến Tô Hạp", nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Cơ quan Quân sự Khánh Sơn cho hay.
Ông Mấu Quốc Điện (xã Sơn Trung), một trong ba người đi tìm chiếc trực thăng Mi-8 với Anh hùng LLVT Bo Bo Tới, kể lại: "Khi chúng tôi tới, chiếc trực thăng bị cháy rụi cùng một số người ngồi bên trong. Một hoặc hai người nằm bên gốc cây, bị cháy ít hơn. Một thùng xăng bị mắc trên cây và vài tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng bị cháy nằm vương vãi quanh đó".
Ông Tro Thanh Duyễn, nguyên Đại đội phó Quân sự xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) nhân chứng tìm kiếm chiếc Mi-8.
Trong khi đó, ông Tro Thanh Duyễn, nguyên Đại đội phó Quân sự xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) cho biết: sau khi nhận được tin báo, một lực lượng khá đông gồm 20-30 dân quân tự vệ của xã cùng bộ đội lên đường vào vị trí chiếc trực thăng bị cháy.
"Lực lượng dân quân xã và bộ đội khởi hành từ xã Ba Cụm Bắc lúc 5h sáng và đến 12h trưa mới tới nơi...", ông Duyễn nghẹn ngào nhớ lại.
Viết Hảo
Theo Dantri
Hành trình tìm kiếm chiếc máy bay rơi ở Khánh Hòa 22 năm trước "Từ trên đỉnh Ô Kha, tôi cắt từng đường một kéo dọc xuống và đến đường thứ 3 thì tôi phát hiện một khu rừng không bình thường. Ở chỗ đó, tôi thấy cánh rừng bị héo hắt và có một đám cháy rất rộng. Tôi nghi đây là chỗ máy bay rơi"... Trong khi cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích...