27 người chết, 40 người bị thương vì mưa lũ tại miền Bắc
Trận mưa lũ lịch sử “càn quét” khắp miền Bắc từ ngày 27/7 – 3/8 đã làm thiệt mạng 27 người, hơn 40 người bị thương; nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà trong biển nước…
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, tình hình thiệt hại do mưa lũ từ ngày 1/8 đến 19h ngày 3/8/2015 như sau:
Thiệt hại về người: 11 người chết (tăng 5 người so với báo cáo nhanh ngày 2/8); trong đó: Lai Châu: 2 người, Lạng Sơn: 2 người, Sơn La: 1 người, Bắc Giang: 1 người, Cao Bằng: 3 người, Yên Bái: 1 người, Thanh Hóa: 1 người. Người mất tích: 3 người. Người bị thương: 11 người (tăng 5 người so với báo cáo nhanh ngày 2/8).
Nước lũ lên cao ngập các lán chợ thị trấn Ba chẽ – Quảng Ninh ngày 3/8 (ảnh: Thu Hằng)
Như vậy trong đợt mưa lũ từ ngày 27/7 đến nay, tổng cộng đã làm 27 người thiệt mạng, hơn 40 người bị thương. Ngoài ra, còn có một ngư dân tử vong và 5 ngư dân của Thanh Hóa mất tích do chìm tàu ở khu vực Quảng Ninh.
Về nhà cửa: Nhà bị sập đổ, cuốn trôi: 122 nhà (tăng 44 nhà so với báo cáo nhanh ngày 2/8); Nhà bị ngập nước: 3.666 (tăng 233 nhà so với báo cáo nhanh ngày 2/8).
Về nông nghiệp: Diện tích lúa bị ngập, thiệt hại: 10.422ha; Diện tích hoa màu bị thiệt hại: 1.436ha.
Về thủy lợi: Đê điều: tại Bắc Giang: sạt lở tại các vị trí K5 800 – K6 000 đê hữu Thương (đê cấp III), K44 825 – K45 017 đê tả Cầu (đê cấp III), K3 180 – K3 660 đê hữu Lái Nghiên (dưới cấp III), K20 850 đê hữu Thương (đê cấp III), đê bối Cửa Xa (đê dưới cấp III), Sụt lún kè Chùa Xòi tương ứng K40 470 – K41 060 đê hữu Thương (đê cấp III). Tại Bắc Ninh: sạt lở tại K56 900 đê hữu Cầu (đê cấp III). Kênh mương bị thiệt hại: 11.271m; Công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng: 140 cái.
Video đang HOT
Về giao thông: Đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở: 246.049 m3; đường giao thông nông thôn: 36.788 m3.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hôm nay (4/8), lũ của các sông ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục dâng cao.
Mực nước trên sông Thương và sông Cầu đang lên, sông Thao và sông Lục Nam đang xuống chậm, hạ lưu sông Hồng-Thái Bình đang lên. Mực nước lúc 9 giờ ngày 4 tháng 8 trên sông Lục Nam tại Lục Nam: 6,17m (dưới mức BĐ 3: 0,13m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương: 6,50m (trên mức BĐ 3: 0,2m); trên sông Thao tại Yên Bái: 30,97m (ở mức BĐ 2); trên sông Cầu tại Đáp Cầu: 5,29m (ở mức BĐ 2); sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,10m (trên BĐ 1: 0,10m).
Đến tối nay (4/8), mực nước trên sông Thương (tại Phủ Lạng Thương) lên mức đỉnh 6,7m (trên mức BĐ 3: 0,4m).
Đến sáng mai (5/8), mực nước trên sông Thương (tại Phủ Lạng Thương) xuống mức 6,5m (trên mức BĐ 3: 0,2m); trên sông Lục Nam (tại Lục Nam) xuống mức 6,0m (dưới mức BĐ 3: 0,3m); trên sông Cầu (tại Đáp Cầu) lên mức 5,7m (trên BĐ 2: 0,4m); trên sông Thao (tại Yên Bái) xuống mức 30,3m (trên BĐ 1: 0,3m); trên sông Thái Bình tại Phả Lại lên mức 4,4m (trên BĐ 1: 0,4m).
Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.
Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ ở các tỉnh miền Bắc
Do lượng mưa lớn và kéo dài nên đã xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực ở các tỉnh miền Bắc.
Từ đêm qua đến hôm nay (1/8), các tỉnh phía Bắc tiếp tục có mưa, nhiều nơi mưa rất to. Do lượng mưa lớn và kéo dài nên đã xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực. Các địa phương đang bố trí lực lượng ứng trực để chống úng ngập, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra.
Lũ cuốn trôi xe máy của người dân ở Tuần Giáo, Điện Biên.
Tại các tỉnh, thành phố như Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội... từ đêm qua đến sáng nay đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
Cụ thể, ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, mưa lớn kéo dài từ 3 giờ sáng đến 10 giờ sáng hôm nay với lượng mưa đo được là 170 mm khiến nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước, gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.
Một số huyện, thành phố của tỉnh Phú Thọ như Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao, lượng mưa đo được đến sáng nay từ 60mm đến 80mm. Mưa lớn kéo dài tại Bắc Giang cũng khiến hàng chục ngôi nhà ở các huyện Yên Thế bị chìm trong nước, hơn 20 héc ta lúa và hoa màu ở các huyện Sơn Động, Hiệp Hòa bị ngập úng và bị vùi lấp... Để chống ngập úng do mưa lớn gây ra, các địa phương phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh ven biển đều bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực thường xuyên để kịp thời bơm tiêu thoát nước.
Ông Vũ Văn Hanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hưng Yên cho biết: "Từ tối hôm qua đến sáng nay, mưa bình quân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn ở mức thấp dưới 10 mm. Mực nước hệ thống Bắc- Hưng- Hải thì cũng tương đối thấp nên việc tiêu tự chảy vẫn giải quyết được. Chúng tôi vẫn chuẩn bị cho phương án tiêu úng. Bây giờ, chúng tôi vẫn duy trì lực lượng trực ban liên tục các máy bơm của công ty khai thác công trình thủy lợi vẫn trực sẵn sàng để bơm tiêu úng".
Theo ông Đặng Ngọc Thắng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định, lượng mưa lớn chỉ tập trung ở thành phố Nam Định, gây ngập úng cục bộ, còn ở các huyện khác, lượng mưa đo được thấp hơn, khoảng 70mm.
Do các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã tiêu thoát nước đệm từ trước đó nên hiện chưa xảy ra ngập úng cho lúa và hoa màu: "Tại thành phố Nam Định đã ngớt mưa. Tất cả các khu vực ngập úng cũng đã tiêu thoát.
UBND tỉnh đã có công điện số 38 chỉ đạo toàn diện các huyện, thành phố, các công ty khai thác công trình thủy lợi trên từng địa bàn, khai thông, nạo vét dòng chảy để phòng chống đợt mưa úng.
7 công ty thủy nông, kể cả công ty thủy nông chuẩn bị máy bơm điện, máy bơm dầu, tất cả thường trực để triển khai chống úng với đợt mưa úng kéo dài".
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang... nước các sông, suối đang lên chậm. Mực nước các sông Hồng, sông Lô, sông Đà lưu tốc dòng chảy đang tăng, nhưng vẫn ở dưới mức báo động 1 từ 2 đến 3 m. Tuy nhiên, do dự báo mưa kéo dài trong nhiều ngày nên chính quyền và ngành chức năng các địa phương đang chủ động kiểm tra, rà soát những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ cho biết: "Từ hôm qua đến hôm nay các huyện, thành thị bố trí các đoàn kiểm tra và đặc biệt kiểm tra các khu vực nguy cơ xảy ra ngập úng, các khu vực trũng thấp có thể có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, bố trí các đội để canh trực ở các khu vực ngầm tràn có các tuyến đường giao thông đi qua sông, qua suối đề phòng trường hợp có lũ về, có người hướng dẫn để cho nhân dân đi lại đảm bảo an toàn".
Đến chiều nay, lượng mưa ở các tỉnh, thành phố phía Bắc đang tiếp tục tăng, như ở Tuyên Quang đo được 70mm, Ba Vì (Hà Nội) 80mm, Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) 90mm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, từ đêm nay, các tỉnh Bắc bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng, nhiều nơi mưa rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông, suối, ngập lụt đô thị. Vì vậy, chính quyền và ngành chức năng các địa phương cần chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra./.
Minh Hường
Theo_VOV
Dân thi nhau đục phá kênh thủy lợi "cướp" nước Hạn hán gay gắt, ruộng vườn khô khốc, không chờ đến phiên nước, nhiều hộ dân ở đầu kênh của hồ Hội Sơn, xã Cát Sơn (huyện Phù Cát, Bình Định) đã đục các tuyến kênh bê tông, phá cửa đóng mở nước của hồ "cướp" nước cứu lúa và hoa màu. Tình trạng trên kéo dài nhiều năm nay, không chỉ làm...