25 năm tách cặp song sinh Việt – Đức
Ngày 6.10, tại TP.HCM diễn ra lễ kỷ niệm 25 năm ngày phẫu thuật tách rời cặp song sinh Việt – Đức, do Bệnh viện (BV) Từ Dũ tổ chức, với sự tham dự của nhiều tổ chức đến từ Nhật Bản, những cựu bác sĩ (BS) trong nước tham gia ca đại phẫu gây tiếng vang trên thế giới vào tháng 10.1988.
ảnh minh họa
Cặp song sinh Việt – Đức chào đời vào năm 1981 tại một bệnh xá ở H.Sa Thầy (Gia Lai), trong tình trạng dính liền nhau ở phần bụng, có chung bộ phận sinh dục, hậu môn, bàng quang…, và cân nặng của cả hai chỉ 2,2 kg… Ban đầu, Việt – Đức được đưa sang Nhật phẫu thuật, nhưng rồi BS phía Nhật e ngại về tình trạng bệnh của hai bé nên không mổ. Việt – Đức được đưa lại về VN, và 7 năm sau (1988), ca phẫu thuật tách rời Việt – Đức tại BV Từ Dũ đã quy tụ một đội ngũ giáo sư, BS hùng hậu trong nước và Nhật Bản lên đến 70 người. 3 phẫu thuật viên chính là BS Trần Đông A, BS Trần Thành Trai, BS Văn Tần. Ca mổ thành công ngoài mong đợi trong điều kiện VN thiếu thốn nhiều phương tiện y tế, nên đã gây tiếng vang lớn trên thế giới. Phía Nhật hỗ trợ rất nhiều trước và sau ca mổ. Hiện người em là Nguyễn Đức đã lập gia đình, có hai con (cùng 4 tuổi, được đặt tên Phú Sĩ và Anh Đào) và công tác tại làng Hòa Bình (ở BV Từ Dũ – nơi chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là nạn nhân chất độc da cam).
Riêng người anh là Việt, sau ca mổ phải sống đời sống thực vật, và 19 năm sau ngày mổ Việt đã qua đời sau một cơn bệnh vào tháng 10.2007.
Theo TNO
Video đang HOT
Đề xuất bảo hiểm y tế hỗ trợ cho người điều trị hiếm muộn
Xác định nhu cầu điều trị hiếm muộn là cao và rất tốn kém, các bác sĩ tại TP HCM mong muốn Luật Bảo hiểm y tế lưu tâm đến việc hỗ trợ thanh toán cho những bệnh nhân này.
Trong buổi đóng góp sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế chiều 19/9, Tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng bảo hiểm y tế nên chi trả cho nhóm hiếm muộn.
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không có tiền điều trị đành chấp nhận không có con. Ảnh:A.S
Theo bà Tuyết, có 7-10% dân số có nhu cầu điều trị nên nếu không chi trả thì thiệt thòi cho người bệnh. Hiện nay, với các phương pháp hỗ trợ sinh sản, các cặp vợ chồng hiếm muộn phải chi trả mức phí từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. "Đây là rào cản khiến không ít gia đình ngậm ngùi chấp nhận cảnh không có con vì không có tiền điều trị", bà Tuyết nói.
Theo Luật bảo hiểm y tế hiện nay, các trường hợp vô sinh hiếm muộn nếu muốn điều trị can thiệp hỗ trợ sinh sản thì phải tự túc kinh phí. Bảo hiểm không thanh toán cho nhóm bệnh nhân này.
Bên cạnh đề xuất hỗ trợ bảo hiểm cho người hiếm muộn, các bác sĩ cũng mong muốn bảo hiểm tăng độ tuổi chi trả cho bệnh nhân mắc các tật khúc xạ. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho rằng, hiện nay bảo hiểm chỉ chi trả cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống, trong khi với bệnh khúc xạ, nhiều trẻ lớn hơn mới bắt đầu mắc bệnh mà không được thanh toán.
Ông Nguyễn Thành Huy, đại diện Công đoàn thành phố cho rằng, đưa bảo hiểm y tế về phường xã khiến người dân chưa yên tâm do y tế cơ sở còn chưa cao. Ông Huy đề nghị nên đầu tư lại các cơ sở này để khắc phục tình trạng người dân chấp nhận đồng chi trả để lên tuyến trên. Đại biểu này còn quan tâm đến việc chi trả bảo hiểm y tế cho người bị tai nạn lao động bởi họ vẫn phải trả 20% trong khi nhiều gia đình lại rất khó khăn.
Còn đại biểu Như Phương, đại diện Hội Phụ nữ cho rằng, nên quy định mức đóng bảo hiểm y tế theo thời gian tham gia đóng bảo hiểm để đảm báo tính công bằng. Người tham gia từ lúc còn khỏe thì giảm giá mua, người chờ đến bệnh mới mua thì phải bảo hiểm giá cao hơn... nhằm tránh tình trạng có bệnh mới tham gia.
Cũng theo bà Phương, nên xem lại việc cơ sở y tế tư nhân vẫn được phân số lượng bảo hiểm y tế còn ít hơn cơ sở y tế công. Cần điều chỉnh chuyện này để giảm áp lực quá tải bệnh viện công, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế giữa công và người dân có quyền chọn lựa.
Thủ tục hành chính rườm rà là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế phải chờ đợi. Ảnh minh họa: Thiên Chương
Một nội dung khác cũng được nhiều bác sĩ quan tâm, đó là thẻ bảo hiểm y tế hiện nay không có ảnh, không có mã vạch đã gây trở ngại cho khâu thực hiện thủ tục hành chính tại bệnh viện.
Bác sĩ Lê Huỳnh Mai, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho rằng, thẻ bảo hiểm nên có ảnh để tránh phiền hà bởi hiện tại người bệnh phải đưa kèm chứng minh nhân dân khi sử dụng. "Rất bất tiện bởi không phải ai cũng nhớ mang theo chứng minh, đó là chưa kể một số người mất chứng minh", bà Mai nói.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, tất cả các phiền toái của bệnh viện và bệnh nhân đều do hệ thống quản lý bảo hiểm y tế bằng công nghệ thông tin chưa được tiến hành. "Nếu thẻ bảo hiểm có hình ảnh, có mã vạch, người đến khám chỉ cần quẹt thẻ một lần thì bệnh viện đã có đủ thông tin. Người đi khám không cần phải mang thẻ, trình thẻ nhiều lần ở nhiều bộ phận khác nhau trong bệnh viện", ông Hùng nói.
Trước các ý kiến này, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM cho rằng, việc scan hình vào thẻ giấy không khả thi nên phải thay bằng thẻ từ. Trước tiên phía bảo hiểm sẽ tính đến chuyện in mã vạch trên thẻ, các cơ sở y tế sẽ dùng máy đọc để nhận thông tin. Riêng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bảo hiểm y tế, theo bà Huyền cũng là cần thiết và đã được luật bảo hiểm y tế đề cấp.
Thiên Chương
Theo VNE
Sản phụ tử vong tại bệnh viện nghi do thuyên tắc ối Bệnh viên Phụ sản - Nhi Bình Dương đưa ra nguyên nhân dẫn tới cái chết của sản phụ, song chưa được Sở Y tế tỉnh chấp nhận. Chiều 9/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, UBND tỉnh này đã chỉ đạo sở khẩn trương thanh lập đoàn nghiệp vụ chuyên môn thanh, kiểm tra làm rõ nguyên nhân khiến sản...