24 người đã chết vì mưa lũ
Số người chết do mưa lũ và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi đã tăng lên 24, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 125 tỷ đồng.
Nhiều người dân khu vực miền núi phía Bắc luôn sống trong lo sợ sạt lở mỗi khi mưa lũ. Ảnh: Đỗ Hùng.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, tính đến 17h ngày 21/7 đã có 24 người chết do mưa lũ và sạt lở, tăng 16 người so với hôm qua. Tại Hà Giang có 7 người tử vong do đất đá vùi; Lai Châu có 6 người bị lũ cuốn trôi; Sơn La có 3 người; Lạng Sơn 5 người; Điện Biên, Cao Bằng và Bắc Kạn mỗi địa phương một người. Ngoài ra ở Lào Cai có 3 người chết do sét đánh. Mưa lũ cũng khiến hai người bị thương ở Bắc Kạn và Hà Giang.
Mưa lũ kéo dài tại một số tỉnh phía bắc như Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng… đã gây tổn thất tài sản ước tính 125 tỷ đồng. Gần 500 ngôi nhà tốc mái, hơn 700 nhà bị sập hư hại, gần 6.000 nhà bị ngập. Khoảng 4.000 ha lúa và hơn 200 ha hoa màu bị úng.
Video đang HOT
Xã Chiềng Bằng ( huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) xuất hiện vết nứt cả quả đồi, nguy cơ sạt trượt khiến 62 hộ dân thuộc hai bản phải di chuyển khẩn cấp. Khối lượng lớn đất đá sạt lở đã gây ách tắc giao thông tại các tuyến đường lên Mẫu Sơn (Lạng Sơn), quốc lộ 12, 129 (Lai Châu).
Mực nước sông Thao, Lô đang lên, sông Chảy đã đạt đỉnh và đang xuống. Giới chức địa phương và người dân đang thực hiện các biện pháp khắc phục để đời sống của mọi người sớm ổn định. Sự cố hệ thống lưới điện phân phối tại các tỉnh, thành phố được khắc phục xong. Các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Bắc Giang, Lạng Sơn và một số trạm ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Ninh đang được kiểm tra và khắc phục sự cố.
Cơ quan Khí tượng và Thủy văn dự báo mực nước sông Chảy tại Bảo Yên tiếp tục xuống. Sông Lô tại Tuyên Quang tiếp tục lên nhanh và đến sáng 22/7 có khả năng ở mức 24,5 m; sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam xuống chậm; lưu lượng đến hồ Sơn La tiếp tục giảm.
Bão Rammasun ảnh hưởng đến các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn hôm 19/7… gây mưa lớn những ngày sau đó dẫn đến lũ lụt và sạt lở đất.
Theo VNE
Bão số 2: Nước nhiều sông vượt báo động 3
Bão số 2 có thể gây mưa lớn, làm xuất hiện một đợt lũ vừa và lớn. Nhiều sông ở Bắc Bộ được dự báo có khả năng vượt mức báo động 3...
Sáng nay (18/7), Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương vừa phát đi công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn một loạt địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định.
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Hoàng Văn Thắng, do ảnh hưởng của bão số 2, từ đêm nay (18/7), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, trên hệ thống sông Hồng Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ vừa và lớn với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4 đến 6 met, ở hạ lưu từ 2 đến 4 mét. Mực nước sông Thao tại Yên Bái, sông Lô tại Tuyên Quang có khả ở mức báo động 3; mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, hạ lưu tại Phải Lại lên mức báo động 1 đến báo động 2. Các sông nhỏ vùng núi phía Bắc có khả năng vượt mức báo động 3.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh và các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai công tác phòng, chống lũ; kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, đặc biệt các khu vực đang có diễn biến sạt lở không biết thông tin để chủ động phòng tránh; tổ chức sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảo bảo an toàn.
Tổ chức kiểm tra đê điều, hồ, đập, các công trình thi công trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay những sự cố đảm bảo an toàn công trình; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du các hồ chứa trong mọi tình huống; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng, thấp và có biện pháp chống ngập để đảm bảo sản xuất.
Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và chủ đầu tư, đơn vị thi công trên các khu vực biết có thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ; nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Theo_VnMedia
Bão số 2 (bão Thần Sấm): Cấm đường nếu thấy không đảm bảo an toàn Trong cuộc họp khẩn sáng nay, PTT Hoàng Trung Hải chỉ đạo, Bộ Công an được phép cấm đường khi thấy không đủ điều kiện lưu thông mà không cần xin phép ai. Sáng nay (17/7), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương với các địa phương...