24 giờ tại các chốt kiểm soát cơ động khắp đường phố Thủ đô
Để tăng cường công tác phòng dịch Covid-19, TP Hà Nội đã thành lập hàng loạt chốt kiểm soát dịch cơ động, hoạt động cả ngày lẫn đêm trên khắp các tuyến phố suốt 2 tuần qua.
Một ngày làm việc tại các chốt kiểm soát cơ động khắp nẻo đường ở Thủ đô
Tròn 2 tuần Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội được áp dụng, trên địa bàn các quận, huyện đã thành lập thêm hàng loạt các chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19. Tổ công tác tại các chốt thay ca liên tục túc trực, đảm bảo việc người dân nghiêm túc chấp hành quy định để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Hơn 6h sáng, tại chốt kiểm soát cơ động trên đường Nguyễn Trãi, thuộc địa bàn phường Thượng Đình (Thanh Xuân), lực lượng chức năng đã dựng rào chắn, kiểm tra giấy đi đường, đo thân nhiệt hàng loạt phương tiện tham gia giao thông, theo hướng về Ngã Tư Sở.
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng công an phường Thượng Đình (Thanh Xuân) cho biết, công an phường đã chủ động phối hợp với các lực lượng liên ngành thành lập 5 chốt kiểm soát cố định và một tổ tuần tra lưu động, tiến hành kiểm tra, xử lý những người ra đường không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, một tổ tuyên truyền lưu động đi đến từng ngõ ngách để nâng cao ý thức của người dân.
Đặc biệt, tại chốt kiểm tra lưu động, lực lượng công an phường đã phối hợp với công an quận Thanh Xuân, kiểm tra giấy đi đường của các phương tiện ôtô, xe máy. Về cơ bản thì người dân đã ý thức và thực hiện nghiêm Chỉ thị của TP.
“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp người dân ra đường không vì mục đích thiết yếu như đi lấy hàng, giao hàng quà tặng, đi thăm người thân, hoặc khai báo quanh co… Đối với những trường hợp này, chúng tôi sẽ tuyên truyền và kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật”, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Hơn 12h trưa, tại chốt kiểm soát trên địa bàn thị trấn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), lực lượng chức năng cũng đang tiến hành kiểm tra giấy đi đường của các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Bá Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, trên địa bàn thị trấn đã thành lập 40 chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại khu vực giáp ranh giữa các xã với xã; giữa các tổ dân phố với tổ dân phố, đảm bảo người dân khi đi qua các chốt đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và đặc biệt phải có lý do chính đáng thì sẽ đủ điều kiện tham gia giao thông.
“Mỗi một tổ dân phố được ví như một pháo đài, chỉ có một lối đi duy nhất, các lối đi còn lại sẽ được lập rào chắn cứng và luôn có lực lượng chức năng chốt trực 24/24h để kiểm soát người ra vào tổ dân phố”, ông Nguyễn Bá Trung nhấn mạnh.
Một số người dân đã mang đồ ăn, nước, hoa quả ra các chốt kiểm dịch để tặng, hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác phòng dịch. Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tài, tổ 2, thị trấn Sóc Sơn cho biết, trong những ngày này, lực lượng trực chốt rất vất vả, không quản nắng mưa để bảo đảm an toàn phòng dịch cho người dân. “Chúng tôi không giúp được gì nhiều, chỉ biết nấu cốc chè, bổ quả dưa… mang ra chốt biếu anh em và chúc họ giữ gìn sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, bà Tài xúc động nói.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tiến hành phát phiếu đi chợ cho toàn bộ người dân trong thị trấn. Mỗi hộ gia đình sẽ được phát 4 phiếu đi chợ và chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Nhằm kiểm soát người dân ra ngoài không có giấy đi đường và nhiệm vụ rất quan trọng là để tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Hơn 16h chiều, tại chốt kiểm soát khu vực giáp ranh TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, tất cả các phương tiện ôtô, xe máy khi lưu thông qua đây đều phải dừng lại để lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ, đo thân nhiệt (trừ các xe thuộc luồng xanh sẽ được lưu thông qua chốt).
Cũng theo ghi nhận, nhiều xe ôtô con phải quay đầu về thủ đô Hà Nội vì không đủ điều kiện lưu thông vào địa phận tỉnh Vĩnh Phúc.
18h tại chốt kiểm soát cố định gần chợ Nghĩa Tân thuộc địa bàn phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy), lực lượng chức năng đã kiểm tra phiếu đi chợ của hàng loạt người dân trên địa bàn.
Một trường hợp di chuyển qua chốt kiểm dịch phường Nghĩa Tân đã bị lực lượng công an yêu cầu dừng xe, xuất trình giấy tờ, tuy nhiên chị này nói vào chợ Nghĩa Tân để mua đồ ăn vì đi vội nên quên không mang theo thẻ đi chợ.
Ngay lập tức, chiến sĩ công an đã tuyên truyền, nhắc nhở lần đầu vi phạm và yêu cầu chị này không được tái phạm nếu không sẽ bị xử phạt nghiêm.
Càng về khuya, khi người dân thủ đô bắt đầu đi ngủ, dưới ánh đèn điện cao áp, nhiều tổ công tác vẫn bám trụ xuyên đêm tại các chốt kiểm dịch để thực hiện nhiệm vụ.
Hơn 22h đêm, tổ công tác trên đường Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột) đã phát hiện và xử lý hàng loạt trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng.
Không có giấy thông hành, cũng không có căn cước công dân, bạn nữ này không chứng minh được việc ra ngoài mua hàng thiết yếu. “Em là sinh viên nên không có giấy thông hành nhưng vì đói quá nên em mới phải ra siêu thị mua đồ ăn giờ này. Em biết mình đã sai, mong các anh chị bỏ qua cho em lần đầu vi phạm”, bạn nữ giải thích.
Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng hỏi đi siêu thị ở địa chỉ, đoạn phố nào thì cô gái này không giải thích được vì vậy đã bị xử phạt tại chỗ.
Hầu hết các phương tiện đều được tổ công tác tại chốt kiểm soát cơ động yêu cầu dừng lại để tuyên truyền, nhắc nhớ, kiểm tra mục đích ra đường trong khoảng thời gian giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 6/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nhất trí sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 15 ngày để phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Hà Nội: Không giãn cách xã hội, thành phố không giữ được như hiện nay
Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết, Chỉ thị 17 đang phát huy hiệu quả và giãn cách xã hội là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời.
Sau 1 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, ngày 1/8, ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 Hà Nội) khẳng định, Chỉ thị 17 phát huy hiệu quả, giúp bóc tách được nhiều ca F0 tiềm ẩn trong cộng đồng.
Tuy nhiên, những ngày giãn cách còn lại có ý nghĩa rất quan trọng, chỉ có kiên trì thực hiện thật nghiêm, thành phố mới có cơ hội khu biệt và tìm ra hết F0.
Không giãn cách xã hội, không giữ được như hiện nay
Theo ông Chu Ngọc Anh, trong 8 ngày thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm nguyên tắc cách ly. Tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, nhờ thực hiện cách ly, kết hợp với khai báo y tế hằng ngày người dân Hà Nội giúp cơ quan y tế tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết, bóc tách thành công hàng chục ca F0 trong cộng đồng. Trong đó, cao điểm như ngày 30/7, thành phố phát hiện 119 ca mắc mới, bao gồm 69 ca trong cộng đồng.
Ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 Hà Nội).
"Điều này cho thấy, biện pháp giãn cách xã hội là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, hiệu quả. Nếu không áp dụng biện pháp này, với hệ quả lây lan từ các ca mắc trong cộng đồng nêu trên, thành phố không giữ được như hiện nay" , Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 thành phố nhìn nhận.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế, chính quyền các địa phương khi vận hành hiệu quả các dây chuyền tiêm và tổ chức tiêm kịp thời, an toàn. Đến nay, Hà Nội cơ bản hoàn thành tiêm gần 100% số lượng vacine đã nhận.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ lượng vacine còn lại cho Hà Nội, vaccine về đến đâu sẽ được tiêm ngay đến đó. Vì thế, Chủ tịch thành phố yêu cầu mọi người phải thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực chung, vẫn còn có địa phương, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện giãn cách xã hội. Một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách; thậm chí còn có hiện tượng cơ quan, đơn vị hiểu sai là đi làm 50%, nghỉ 50%.
Phải kiểm soát, rào chắn đến tận thôn, xóm
Nhận thấy những hạn chế tồn tại trong thực hiện giãn cách xã hội, sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, ngày 30/7/2021, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành Chỉ thị số 05 về "Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19".
Công an Hà Nội xử phạt nhiều người ra đường không có mục đích chính đáng.
UBND 30 quận, huyện, thị xã và 579 phường, xã, thị trấn, trước hết là Chủ tịch, cán bộ phụ trách thôn, xóm, tổ dân phố nghiên cứu, nắm chắc từng nội dung Chỉ thị số 05; nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, các phường, xã, thị trấn phải đảm đương thật tốt vai trò "tư lệnh", quán xuyến toàn diện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Song song với triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp, UBND các cấp phải tập trung cao độ vào một số giải pháp chủ yếu, mang tính quyết định.
Trước hết, phải quan tâm chăm lo đời sống người dân, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về hàng hóa thiết yếu; bảo đảm chăm sóc y tế để người dân yên tâm "ai ở đâu ở đấy" như chỉ đạo của Thủ tướng trong Công điện số 1063. Tiếp tục khẩn trương thực hiện thật tốt chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Thủ tướng. Đặc biệt, cần quan tâm chăm lo kịp thời những hoàn cảnh khó khăn với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải kiểm tra tận nơi 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, bảo đảm thực hiện đúng Chỉ thị số 17.
Bên cạnh đó, thực hiện đúng tinh thần "chống dịch như chống giặc", Hà Nội chỉ đạo gấp rút xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch, quy mô 500 giường tại quận Hoàng Mai.
Thành phố yêu cầu các huyện, thị xã cùng với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng, Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các khu cách ly tập trung từ 3.000-5.000 chỗ như phân giao của thành phố.
"Bài học kinh nghiệm của chúng ta là phải luôn đi trước một bước. Để bảo vệ an toàn tính mạng của người dân thì công tác chuẩn bị càng phải chủ động với những kịch bản ở mức độ cao hơn" , Chủ tịch Chu Ngọc Anh nói.
Một số địa phương chưa thực hiện đúng chỉ đạo về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa Sau ngày đầu thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, phản ánh từ các hiệp hội, doanh nghiệp cho thấy một số địa phương vẫn chưa tuân thủ đúng. Lực lượng chức năng hướng dẫn các phương tiện quay đầu tại trạm thu phí...