24 giờ chu du khắp những ngôi chùa đẹp nức tiếng ở Sóc Trăng
Dịp lễ này nếu chưa biết đi đâu thì hãy tới Sóc Trăng khám phá những ngôi chùa đẹp, nét kiến trúc độc đáo gắn liền với nhiều sự tích huyền bí cùng hàng nghìn góc sống ảo đẹp mê mẩn.
Nằm ở hạ nguồn sông Hậu, khung cảnh thiên nhiên ở Sóc Trăng rất mát mẻ và trong lành. Với thời tiết không quá nóng, Sóc Trăng là lựa chọn phù hợp cho những ngày hè đi du lịch. Mới đây, blogger Henry Dương đã có 24 giờ “ chu du” khắp miền đất lành để khám phá những ngôi chùa đẹp nức tiếng. Khởi hành từ TP.HCM, ngay khi đặt chân đến Sóc Trăng, anh bạn trẻ đã ngay lập tức bị thu hút bởi lối kiến trúc đặc sắc của những ngôi chùa Khmer, Hoa…
Chùa Tà Mơn
Chùa Tà Mơn, trong tiếng Khmer còn được gọi là Wat Serey Tamon. Chùa nằm cạnh con rạch Tà Mơn (ấp Đào Viên, xã Viên Bình, Trần Đề), cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Ngày cuối tuần với tiết trời đẹp, không mưa ghé ngôi chùa Tà Mơn uy nghi, sừng sững và thầm thán phục tài hoa của các nghệ nhân qua những nét hoa văn chạm trổ, tô vẽ công phu, tiêu biểu cho kiến trúc Khmer truyền thống.
Ngôi chùa cổ Kh’Leang
Ngôi chùa cổ Kh’Leang mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer. Chùa nằm bên bờ sông Trăng thơ mộng, kiến trúc tinh tế, sắc sảo. Ngoài những hoa văn cổ truyền Khmer còn có sự kết hợp hài hoà với phong cách Việt – Hoa trong cách bài trí và sắp xếp.
Khuôn viên chùa rộng lớn, rợp bóng những cây thốt nốt, loài cây gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào Khmer.
Mái chùa được xây theo ba nếp. Nếp giữa lớn hơn nếp phụ ở hai bên và không có tháp nóc. Mái có các chỏm nhọn, độ dốc cao, có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẽ quạt, đuôi cong.
Các tượng thần Teahu và tượng chằn Yeak được trang trí ở bậc thang dẫn lên chính điện. Hàng năm, nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức long trọng tại chùa, trong đó có Chôl Chnăm Thmây (Lễ vào năm mới), Sene Đôl Ta (Lễ cúng ông bà), Oóc – Om – Bóc (Lễ cúng trăng)…
Chùa Chén Kiểu
Chùa Chén Kiểu còn gọi là chùa Sà Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) nằm ngay quốc lộ 1A, theo hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu. Chùa Chén Kiểu được biết đến là một trong những ngôi chùa có kiến trúc “độc nhất vô nhị” với những mảnh chén đĩa, sành sứ ốp thành tường.
Video đang HOT
Khuôn viên Chùa Chén Kiểu rất rộng với nhiều cây xanh thoáng mát, tạo cho du khách cảm giác thật thoải mái và dễ chịu.
Nóc chùa mang đặc trưng như nhiều ngôi chùa Khmer khác gồm 3 mái so le, mái nhỏ nhất trên cùng. Nhìn từ trên cao, mái chùa như một tấm vải thổ cẩm tinh xảo với nhiều hoạ tiết đối xứng đẹp mắt.
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong còn gọi chùa Som Rong. Nơi toạ lạc chùa trước đây mọc rất nhiều cây Som Rong, từ đó chùa mang tên loài cây này. Hiện ở chùa vẫn còn 2 cây Som Rong phát triển tươi tốt.
Nổi bật nhất trong khuôn viên chùa là ngôi bảo tháp được đặt ngay lối đi và song song với ngôi chánh điện. Ngôi bảo tháp ở chùa Som Rong có bốn hướng và có bốn lối đi đại diện cho: từ, bi, hỷ, xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer chạm khắc rất tinh tế. Ngôi tháp được sơn bằng màu xám, toát lên vẻ hiện đại, uy nghi và cổ kính. Đây cũng là địa điểm được du khách check in nhiều nhất tại chùa Som Rong.
Tham quan chùa Som Rong, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Bức tượng được khánh thành vào năm 2013 với chiều dài 52 mét, cao 12 mét đồng thời tọa lạc cách mặt đất 23 mét. Bức tượng được xem là điểm nhấn đặc biệt, một trong những nét hấp dẫn của ngôi chùa. Vãn cảnh chùa Som Rong vào buổi xế chiều, ngoài lễ chùa, cầu bình an, bạn còn có thể mang về một album ảnh ấn tượng, độc đáo.
Chùa Dơi
Chùa Dơi còn có những tên gọi khác như chùa Mã Tộc, chùa Mahatup là một trong những kiến trúc chùa chiềng tiêu biểu của đồng bào Khmer.
Nhìn từ trên cao, chùa Dơi nằm giữa khuôn viên được bao quanh bởi màu xanh của vô vàn những cây cổ thụ.
Điều thích thú nhất với du khách khi đến chùa Dơi là được chiêm ngưỡng cảnh hàng nghìn chú dơi treo mình lủng lẳng trên cành lá. Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Dơi làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.
Chùa Dơi là ngôi chùa đầu tiên được xếp hạng Di tích Danh thắng cấp Quốc gia ở Sóc Trăng. Đây vừa là trung tâm sinh hoạt giáo dục và tổ chức các lễ hội tôn giáo truyền thống của đồng bào Khmer, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương.
Chùa Bà Thiên Hậu Sóc Trăng
Chùa còn được gọi là Thiên Hậu Cổ Miếu. Theo lời người dân bản địa, chùa được tập thể thương gia người Quảng Đông cư ngụ ở đây xây dựng nên. Trước chùa là hai chữ “Phúc” và “Tăng” ngụ ý tăng thêm phúc lộc cho bà con bá tánh.
“Ngay khi vừa đặt chân bước vào cổng, điều làm mình choáng ngợp xen lẫn thích thú là hình ảnh đỏ rực của những chiếc đèn lồng cầu an được treo khắp nơi trong chùa. Trung tâm chánh điện thờ những vị thần được cộng đồng tôn kính. Đó là tượng Bà Thiên Hậu ở giữa, Quan Thánh Đế Quân ở bên phải và Tiên Thánh Hiền Triết ở bên trái…”, Henry Dương cho biết.
Thiền Viện Trúc Lâm Sóc Trăng
Được khởi công xây dựng vào ngày 24/7/2017 và khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 5/1/2020.
Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng có tới hơn 18 công trình được xây dựng với kiến trúc độc đáo thời Lý – Trần như: cổng tam quan, lầu trống, lầu chuông, bảo tháp, tam bảo, nhà tổ, nhà trụ trì, hội trường. Nơi đây không những có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đồ sộ.
Mái chùa cong cong hình mũi thuyền tượng trưng cho ý chí đương đầu với sóng gió. Mái chùa thu hẹp lại từ trên cao, xuống dưới lan rộng ra tạo thế vững chắc.
Chỉ cần dạo một vòng Thiền viện bạn đã có cả album sống ảo đẹp mê mẩn.
3 ngôi chùa đẹp đến Hà Nam nhất định phải ghé thăm
Những năm gần đây, Hà Nam trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều khách du lịch.
Nơi đây tập trung rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và có cảnh quan đẹp, trong đó nổi bật nhất là Chùa Tam Chúc, Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự và Chùa Bà Đanh.
1. Chùa Tam Chúc
Khi đến du lịch Hà Nam, du khách nên ghé thăm Chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km. Nằm trong trục tam giác "du lịch tâm linh" lớn nhất cả nước, nơi đây được ví như cầu nối giữa chùa Hương - Hà Nội và chùa Bái Đính - Ninh Bình. Chùa nằm trong quần thể khu du lịch Tam Chúc thơ mộng, được bao quanh bởi hồ nước, núi đá, rừng tự nhiên và các thung lũng với tổng diện tích lên tới 5.000 ha.
Chùa Tam Chúc nổi tiếng ở Hà Nam - Ảnh: Chùa Tam Chúc
Được thiên nhiên ưu đãi, Chùa Tam Chúc mang trong mình vẻ đẹp vừa cổ kính, nên thơ, vừa hùng vĩ, tráng lệ, và được mệnh danh là "chốn bồng lai tiên cảnh trên mặt đất". Chùa có địa thế "Tiền lục nhạn, hậu thất tinh". Gọi là "Tiền lục nhạn" vì mặt trước chùa có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền đây là 6 quả chuông mà trời ban, còn "Hậu thất tinh" vì đằng sau chùa có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh sáng vào ban đêm.
Trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế.
Trong đó, chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh được thi công bởi những nghệ nhân Ấn Độ giáo và được hoàn thành trong năm 2018. Điện Tam Thế có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m, giúp cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc. Phòng họp Quốc tế nổi trên mặt hồ, có diện tích sàn 10.000m, có sức chứa 3.500 chỗ ngồi. Dự tính, toàn bộ quần thể chùa Tam Chúc sẽ được hoàn thành vào năm 2048.
2. Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Ngoài Chùa Tam Chúc, Hà Nam có một ngôi chùa rất đẹp và thanh tịnh được nhiều người biết đến là Địa Tạng Phi Lai Tự (tên cổ là Chùa Đùng).
Địa Tạng Phi Lai Tự tọa lạc ở Thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam. Dù mới xây dựng nhưng chùa đã thu hút nhiều du khách bởi sự yên bình, thanh tịnh và vẻ đẹp kỳ diệu.
Địa Tạng Phi Lai Tự nằm tựa lưng vào núi, hai bên là dãy núi có hình thế "tả thanh long, hữu bạch hổ" với nhiều cổ vật thiêng liêng, mang tính lịch sử. Bao quanh nơi này là rừng thông cao vút, yên bình.
Địa Tạng Phi Lai Tự - Ảnh: Facebook Địa Tạng Phi Lai Tự
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến chốn linh thiêng này là phần sân và lối đi được trải sỏi màu trắng, thay vì lát gạch đỏ như những ngôi chùa khác. 12 vòng tròn trước khu Tổ đường vẽ trên nền sỏi biểu trưng cho 12 nhân duyên. Những viên sỏi tượng trưng cho sự thiền định, giúp lòng người trở nên thanh thản.
Mái chùa được lợp ngói quen thuộc với người Việt Nam. Bên trong chùa, mọi thứ từ những khóm hoa, nhành cây, lối đi, tượng thờ... đều được sắp đặt tinh tế bởi bàn tay của các sư thầy.
Tòa Tam Bảo là kiến trúc lớn nhất trong bố cục chùa. Nằm bên phải tòa Tam Bảo là nhà thờ Tổ - nơi thờ tự 42 sư tổ trụ trì chùa. Ngoài ra, Địa Tạng Phi Lai Tự còn nhiều kiến trúc khác như tòa điện Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông cùng Đức Thánh Hiền; khu nhà ở cho Tăng ni - Phật tử; khu giảng đường cho Tăng ni - Phật tử nghe giảng đạo và tổ chức khóa tu; khu nhà khách cho người tới trải nghiệm.
Từ Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, bạn cũng có thể leo núi, khám phá rừng già, hít thở bầu không khí trong lành và thả hồn mình phiêu theo mây gió.
3. Chùa Bà Đanh
Nếu xưa kia nổi tiếng với câu nói "vắng như chùa bà Đanh", thì giờ đây Chùa Bà Đanh là nơi thu hút đông đảo du khách gần xa tới lễ chùa và tham quan.
Chùa Bà Đanh nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Phủ Lý khoảng 7km theo hướng Tây Nam theo đường Quốc lộ 21B. Nơi đây được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung.
Theo truyền thuyết của địa phương, chùa là nơi thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, sau gọi tắt là chùa Bà Đanh.
Chùa Bà Đanh - Ảnh: Di sản Tràng An
Chùa Bà Đanh có khung cảnh chùa sơn thủy hữu tình, bao quanh bởi dòng sông Đáy thơ mộng. Phía nam chùa là bến lên cổng tam quan với bậc tam cấp trải dài có hai hàng trụ chóp hình búp sen. Phía bắc là núi Ngọc rất nhiều cây xanh tươi tốt, trên đỉnh núi có một cây si cổ thụ hàng trăm tuổi.
Chùa gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Tam quan có ba gian và được làm thành hai tầng. Tầng trên có hai lớp mái lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ hàng lan can là những trấn song con tiện. Tầng này sử dụng làm gác chuông, ba gian dưới có hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim.
Khám phá nét đặc sắc riêng của 5 chợ nổi nức tiếng miền Tây Những đặc trưng nổi bật giúp các khu chợ nổi miền Tây thu hút lượng lớn du khách ghé thăm. Chợ nổi được xem là "linh hồn" của vùng miền Tây Nam Bộ. Nơi đây hấp dẫn du khách không chỉ vì nét đẹp sông nước hữu tình, mà còn bởi những trải nghiệm buôn bán, ăn uống trên ghe xuồng nhộn nhịp,...